Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/06/2024 11:28 1055
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Với cách nhìn khách quan, khoa học, có khẳng định rằng, sự kiện Người rời Tổ quốc tìm đường cứu nước, cứu dân cách đây 113 năm là sự “hẹn hò” của chính lịch sử dân tộc và là kết quả tất yếu của hệ thống động lực chủ yếu.

 

Ngày 5/6/1911, từ bến Nhà Rồng - cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, ra đi trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Ảnh: Tư liệu
Có rất nhiều vấn đề cần tìm hiểu, giải đáp một cách tường minh xung quanh sự kiện lịch sử quan trọng Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu cách đây 113 năm, trong đó vấn đề động lực thúc đẩy Người rời quê hương, Tổ quốc để tìm ra chân lý độc lập, tự do thật sự cho dân tộc Việt Nam là vấn đề rất hệ trọng. Xung quanh sự kiện này có một số luận điệu cố ý xuyên tạc nhằm bôi đen lãnh tụ Hồ Chí Minh. Với cách nhìn khách quan, khoa học, có khẳng định rằng, sự kiện Người rời Tổ quốc tìm đường cứu nước, cứu dân cách đây 113 năm là sự “hẹn hò” của chính lịch sử dân tộc và là kết quả tất yếu của hệ thống động lực chủ yếu.
Chuyến đi của Nguyễn Tất Thành - Cuộc “hẹn hò” của chính lịch sử dân tộc Việt Nam
Nhiều năm nay, một số người nêu câu hỏi: chuyến rời đất nước ngày 5/6/1911 của Nguyễn Tất Thành sang phương Tây là sự xê dịch tình cờ, ngẫu nhiên hay là sự lựa chọn có chủ đích mang tính khoa học, cách mạng?
Trong câu chuyện với nhà thơ Xô Viết Ôxíp Manđenxtam tại Liên Xô năm 1923, Nguyễn Ái Quốc cho biết: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Pháp “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái”… thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”. Năm 15 tuổi, Nguyễn Tất Thành cùng cha, mẹ và anh cả Khiêm vào Huế. Năm 18 tuổi (1908), Nguyễn Tất Thành tham gia các cuộc biểu tình chống thuế của nông dân tại kinh đô Huế. Chính ở nơi này, Nguyễn Tất Thành thấy rõ nhất, đầy đủ và sâu sắc nhất mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc và nhân dân mình.
Mấy tháng sau khi Nguyễn Tất Thành, với tên mới Văn Ba, rời Sài Gòn, cách mạng Tân Hợi nổ ra thắng lợi, nhưng Nguyễn Tất Thành không quay lại Trung Quốc, mà vẫn kiên định sang Pháp, tìm đến đất nước của những kẻ xâm lược và cai trị dân tộc mình. Theo Nguyễn Tất Thành, muốn đánh đuổi thực dân Pháp thì phải biết nước Pháp là thế nào. Đó là một sự cân nhắc kỹ lưỡng, là sự lựa chọn có chủ đích. Đó cũng là một sự đổi mới, không chỉ về hướng đi, tầm nhìn mà cả về phương pháp nghiên cứu và hành động.
Tuy nhiên, việc một số người Việt Nam lúc đó sang phương Tây, sang nước Pháp (kể cả chuyến đi của Nguyễn Tất Thành), tự nó, chưa hoàn toàn được coi là sự lựa chọn mang tính khoa học và cách mạng. Có nhiều trí thức Việt Nam đương thời cũng sang Pháp, có người chỉ lo học hành, kiếm sống, làm giàu, có vợ đẹp con khôn; có người vừa học chữ, vừa tìm đường cứu nước, giúp dân. Luật sư Phan Văn Trường và Phó bảng Phan Châu Trinh tiêu biểu cho nhóm thứ hai. Tuy nhiên, sống và hoạt động ở Pháp nhiều năm, từng tiếp xúc với các lực lượng cánh tả Pháp, vậy mà các ông vẫn không tìm được con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, không đến được với chủ nghĩa Mác - Lênin như Nguyễn Ái Quốc. Theo báo cáo của Trung ương Đảng Xã hội Pháp thì chỉ tính riêng năm 1913 đã có 7 người Việt Nam vào Đảng xã hội Pháp, năm 1919 có 80 người Việt Nam tham gia đảng này, nhưng đến năm 1920 thì chỉ còn 20 người, duy nhất Nguyễn Ái Quốc (vào Đảng Xã hội Pháp năm 1918) trở thành người cộng sản [1].
Trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc được hòa mình trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Úc, châu Á. Với bản tính thông minh, tinh tường, mẫn tiệp, nhạy cảm với cái mới, trăn trở, khát khao tìm con đường đúng đắn để cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc, gạn lọc, đón nhận những tư tưởng tiến bộ của văn hóa phương Tây: chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng, chủ nghĩa duy lý thế kỷ Ánh sáng, tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng Pháp, Anh, Mỹ… Ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường gửi Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Véc-xây (1919); viết Bản án chế độ thực dân Pháp (1920); bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ Ba (tức Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp và đương nhiên, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên (1920); sáng lập báo Người cùng khổ (Le Paria, 1922), ngay bài viết cho số đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc tuyên bố sứ mệnh tờ báo là “giải phóng con người”.
Với 10 năm trời, vừa vất vả lao động kiếm sống, vừa đau đáu tìm kiếm con đường cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc càng nhận thức rõ: chủ nghĩa tư bản, bè lũ đế quốc, thực dân là những kẻ đã gây ra mọi áp bức, bóc lột, đau khổ cho công nhân, nông dân và các tầng lớp khác ở cả thuộc địa và ở ngay chính quốc. Theo Nguyễn Ái Quốc: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba… chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” [2]. Người khẳng định: “Muốn giải phóng dân tộc phải tự mình làm lấy”. Người tin tưởng ở con đường đi của mình, tin tưởng ở sức mạnh của nhân dân, của dân tộc, của nhân loại. Điều này, rất khác với quan điểm của Phan Bội Châu, của Phan Chu Trinh; vượt qua những giáo lý Khổng, Mạnh hẹp hòi, duy tâm; vượt qua sự hạn chế của chủ nghĩa yêu nước cũ của các sĩ phu phong kiến và các nhà cách mạng có xu hướng dân chủ tư sản, tiểu tư sản đương thời.
Từ chủ nghĩa yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Người bắt gặp, đón nhận Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I. Lênin không hề là sự may mắn ngẫu nhiên. Đó là một tất yếu khách quan mang tính tự giác, khoa học và cách mạng. Chính Phan Châu Trinh, năm 1922, trong một bức thư đề ngày 18 tháng 2 gửi từ Mác-xây cho Nguyễn Ái Quốc đang ở Paris, đã viết: “Thân tôi tựa như chim lồng, cá chậu… Cảnh tôi như hoa sắp tàn, hiềm vì quốc phá gia vong, mà hơi tàn cũng phải gào cho hả, may ra có tỉnh giấc hồn mê”. Cuối thư, Cụ ví Nguyễn Ái Quốc “như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hành, lý thuyết tinh thông… không bao lâu nữa cái chủ nghĩa anh tôn thờ (ý nói chủ nghĩa Mác - Lênin) sẽ thâm căn cố đế trong đám dân tình chí sỹ nước ta” [3].
Điều mà cụ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc cùng các chí sỹ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và cả dân tộc mong mỏi, theo bước chân của Nguyễn Ái Quốc, qua thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc; qua ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng Tháng Mười Nga, đã lan tỏa, “sâu rễ bền gốc” ở Việt Nam. Để có chuyến trở về nước lịch sử, như một sự hẹn hò lịch sử của Nguyễn Ái Quốc ngày 28/01/1941. Để có Ngày Quốc khánh 2 tháng 9 năm 1945 với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: Người có tầm nhìn cao rộng và sâu xa, xuyên qua lịch sử, bao quát không gian, thấy sáng tương lai, mở ra những bước ngoặt vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam từ cảnh nô lệ lầm than ra ánh sáng độc lập tự do, từ một đất nước ít ai biết đến trở thành người chiến sĩ tiêu biểu cho cả loài người tiến bộ yêu mến và khâm phục. Đó là tầm nhìn mang ý nghĩa chiến lược, nhìn thấy con đường cứu nước là con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gặp gỡ và hòa nhập với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa yêu nước gắn liền với chủ nghĩa quốc tế vô sản, cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa quyện chặt vào nhau trong không gian và thời gian, ở một nước và trên toàn thế giới.
Hệ động lực thúc đẩy Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân
Yêu nước, thương dân là động lực chủ yếu, xuyên suốt cuộc trường chinh tìm đường cứu nước. Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tiến bộ và được giáo dưỡng bởi những người thân có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc; lớn lên trên quê hương Nam Đàn, Nghệ An - mảnh đất địa linh nhân kiệt và giàu truyền thống cách mạng, Nguyễn Tất Thành đã thừa hưởng những giá trị văn hóa tinh túy nhất của gia đình, quê hương, dân tộc; hấp thụ những nhân tố mới của thời đại và đã hình thành những phẩm chất ưu tú, tạo nên một nhân cách mới.
Lòng yêu nước, thương dân ở Người không chỉ dừng lại trong quan niệm truyền thống “trung quân”, “ái quốc”, “thương nòi” mà đã hòa quyện với một cơ sở xã hội mới, với những nhân tố mới mà Người đã học hỏi và tích lũy từ rất sớm. Đó là nền “tân học”, sự thấu hiểu con người - mà chủ yếu là người lao động nghèo khổ đang rên xiết dưới gót giầy ngoại xâm và bọn phong kiến tay sai phản động bán nước... Tất cả những yếu tố ấy hòa quyện với nhau tạo nên tình cảm yêu nước, thương dân tha thiết, giúp Người nâng cao nhận thức, hiểu biết về con người, xã hội, vận nước; từ đó hình thành ở Người sự ham muốn tích cực, thái độ tiến bộ đối với vận mệnh của dân tộc.
Ngay từ lúc mới mười ba tuổi, Người đã bị thu hút khi nghe những từ “tự do - bình đẳng - bác ái” và có ý định muốn làm quen với nền văn minh Pháp, “muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”. Bởi nỗi trăn trở lớn luôn đau đáu trong tư duy, tình cảm của Người là ở “mẫu quốc” xa xôi ấy con người được “tự do, bình đẳng, bác ái”, nhưng vì sao thực dân Pháp lại đem quân sang xâm lược Việt Nam và đối xử với nhân dân ta vô cùng bất công, tàn bạo? Câu hỏi ấy càng bồi đắp lòng yêu nước, thương dân, mà Người đã xem như là máu thịt của mình. Chính động lực ấy đã thúc đẩy ý chí của Người “phải sang nước Pháp để tìm hiểu, để xem xét và trở về giúp đồng bào mình”.
Quyết tâm tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Quyết tâm tìm ra con đường cứu nước mới của Nguyễn Tất Thành đã vượt qua tầm nhìn hạn chế của các nhà yêu nước cùng thời. Đó không phải là “ngẫu nhiên” hay “may rủi”, mà quyết định đó dựa trên cơ sở vững chắc của cách nhìn nhận thấu đáo vấn đề cấp bách của xã hội Việt Nam lúc ấy “phải đưa dân tộc thoát khỏi tình cảnh đen tối như không có đường ra”. Mặc dù vô cùng kính trọng và khâm phục tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu nhằm khôi phục nền độc lập dân tộc của các sĩ phu yêu nước, các vị tiền bối, nhưng Người vẫn nhận thấy những mặt hạn chế của họ không phù hợp với tình hình mới. Phan Bội Châu muốn dựa vào Nhật để đánh Pháp khác nào “đuổi hùm cửa trước, rước sói cửa sau”; Phan Châu Trinh muốn dựa vào chính thực dân Pháp để đánh đổ phong kiến Nam triều và canh tân đất nước thì “chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương”; người anh hùng nông dân Hoàng Hoa Thám dựng cờ khởi nghĩa gần 30 năm (1884-1913) vẫn còn “nặng cốt cách phong kiến”, chủ trương đánh đổ thực dân Pháp nhưng khôi phục lại chế độ phong kiến. Những nhận định, đánh giá đó là kết quả của một quá trình trăn trở, suy nghĩ, tìm hiểu, đối chiếu, so sánh công phu của một tư duy độc lập, nhạy cảm với thời cuộc. Mặt khác, với vốn Hán học khá tinh thông được thừa hưởng từ những người thầy, nhất là Cụ Hoàng Đường và Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Người rất hiểu một đạo lý của người phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng “muốn bắt hổ con thì phải vào hang hổ”. Như vậy, quyết tâm giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng mới là động lực trực tiếp cuộc trường chinh tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh. Từ người tìm đường trở thành người dẫn đường cho dân tộc Việt Nam đến mục tiêu - độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Tìm và xác định đúng đắn lực lượng xứng đáng giữ vị trí lãnh đạo của cách Việt Nam. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng về đường lối cách mạng và giai cấp lãnh đạo. Người luôn trăn trở với câu hỏi của “bài toán thế kỷ” đặt ra cho dân tộc Việt Nam: Ai là người lãnh đạo thành công nhiệm vụ giải phóng dân tộc ở Việt Nam? Bối cảnh đó, sau này được Hồ Chí Minh nói rõ khi trả lời nhà văn Mỹ Anna Lui Stơrông: “Nhân dân Việt Nam trong đó có cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác lại nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ” [4]. Chính trong thời điểm ấy, ở Việt Nam xuất hiện một giai cấp hoàn toàn mới - giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời do chính sách khai thác thuộc địa của chủ nghĩa tư bản Pháp. Với tinh thần luôn hướng đến cái mới, cái tiến bộ và niềm tin vào lực lượng mới, nhất là khi đứng trên lập trường, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã nhận định chỉ có giai cấp công nhân công nghiệp là giai cấp duy nhất có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thành công. Bởi, “Đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là: kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật. Lại vì là giai cấp tiền tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất, tức là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Vì vậy, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo” [5]. Do đó, tìm và xác định đúng lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam là động lực trực tiếp thúc đẩy hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh.
Ý chí, hoài bão, niềm tin tất thắng vào sức mạnh dân tộc Việt Nam là động lực bên trong nuôi dưỡng, thúc đẩy Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Trước cảnh nước mất, nhà tan, Người xác định rõ mục đích cao cả là tìm đường cứu nước, cứu nòi giống khỏi ách áp bức thống trị của thực dân đế quốc và tay sai. Đây hoàn toàn không phải là “cuộc phiêu lưu mạo hiểm, vì miếng cơm, manh áo” như những luận điệu phản động xuyên tạc, mà đó là sự hội tụ đầy đủ ý chí, nghị lực phi thường, hoài bão lớn và niềm tin tất thắng về sức mạnh yêu nước, đoàn kết, kiên cường đấu tranh của dân tộc Việt Nam có truyền thống mấy ngàn năm chống giặc ngoại xâm. Một nhà sử học người Pháp nghiên cứu về cách mạng Việt Nam đã nhận xét: “Khi ông rời Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc không biết rằng ông đang bằng phương Tây để đi tìm phương Đông của ông. Ông hy vọng rằng sẽ sớm trở về Việt Nam để truyền bá những điều đã học hỏi được và đấu tranh. Ông sẽ chỉ về 30 năm sau (năm 1941), sau chuyến đi vòng quanh thế giới, ông đã bắt gặp chủ nghĩa Mác cách mạng thế giới và từ đó sẽ sinh ra một tinh thần dân tộc mới” [6]. Người luôn khẳng định: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đó là tất cả những tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu” [7].
Như vậy, với lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, ý chí quyết tâm giành độc lập dân tộc, nhận thức đầy đủ hiện thực xã hội, vận mệnh lịch sử đặt ra đối với dân tộc Việt Nam và những nhân tố mới của thời đại, Nguyễn Tất Thành đã quyết định xuống tàu, rời bến cảng Nhà Rồng bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân. Đây là quyết định táo bạo và đầy sáng tạo được thúc đẩy bằng tổng hợp các động lực, trở thành nền tảng vững chắc giúp Người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để tìm thấy con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, hợp quy luật tất yếu của lịch sử giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản.
113 năm đã trôi qua, ngày 5/6/1911 không chỉ đánh dấu bước ngoặt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, mà còn ghi vào lịch sử dân tộc ta thời khắc chuyển mình phát triển theo hướng mới, được dẫn dắt bởi người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất - Hồ Chí Minh. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần học tập và tiếp tục khẳng định công lao trời biển của Người đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, để cho nhân dân được ấm no, tự do, hạnh phúc. Đồng thời, ra sức hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước, nâng cao tiềm lực, vị thế của đất nước, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc.  
Chú thích:
[1] Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ Tĩnh, 1990, tr. 146.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.563.
[3] Bác Hồ với đất Quảng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 155.
[4] Báo Nhân dân, ngày 19-5-1965.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 8, tr. 256.
[6] Đinh Xuân Lâm, Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H, 2008, tr.87-88.
[7] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb CTQG, H, 2017, tr. 65.
Thượng tá, TS. Đặng Công Thành, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
https://dangcongsan.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4799

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Văn kiện lịch sử vô giá

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Văn kiện lịch sử vô giá

  • 10/05/2024 14:23
  • 1221

Ngày 10/5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút viết những dòng Di chúc đầu tiên. Và cứ vào trung tuần tháng 5 của những năm sau đó, Bác viết, sửa chữa, bổ sung Di chúc ở phòng làm việc nhà sàn.