Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

08/04/2024 08:01 1150
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngày 07/12/1953, Binh đoàn tác chiến Tây Bắc (GONO) được thành lập, do đại tá De Castries làm binh đoàn trưởng với số quân đồn trú ở Điện Biên Phủ là 6 tiểu đoàn lính dù được chi viện thêm tiểu đoàn lính Thái số 3, pháo binh. Trước khi Him Lam (Béatrice) thất thủ sau cuộc tấn công của Việt Minh ngày 13/3/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gây ấn tượng mạnh đối với nhiều tướng lĩnh, chính khách Pháp cũng như báo giới. Sau chuyến thị sát Điện Biên Phủ tháng 02/1954, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Pleven cùng Quốc vụ khanh phụ trách chiến tranh Chevigné có những tuyên bố lạc quan về khả năng phòng ngự của tập đoàn cứ điểm này.

Sự ra đời của cái gọi là trung tâm đề kháng[1]

Cụm từ "trung tâm đề kháng" (tiếng Pháp là centre de résistance) ra đời trong chiến tranh Đông Dương, đôi khi thường bị nhầm lẫn với "điểm yểm trợ" (point d’appui). Trung tâm đề kháng là vị trí phòng ngự kết hợp hỏa lực và phản công, ngăn đối phương xâm nhập vào một khu vực. Trung tâm đề kháng thường được đặt ở vị trí quan trọng: ở độ cao nhất định, nút giao các tuyến giao thông… Trung tâm đề kháng có thể được xây dựng biệt lập hoặc trong tập hợp phòng ngự rộng lớn như căn cứ không lục quân hay tập đoàn cứ điểm. Do vậy, khu vực của quân đồn trú ở Điện Biên Phủ gồm 8 trung tâm đề kháng chính, đặt theo tên phụ nữ Pháp như Gabrielle (Độc Lập), Béatrice ( Him Lam), Anne-Marie (Bản Kéo)…
Chiếm giữ mỗi trung tâm đề kháng là một tiểu đoàn lính Pháp-Việt, được tổ chức thành các điểm yểm trợ. Ví dụ, trung tâm đề kháng Gabrielle (Độc Lập) do tiểu đoàn số 5, Trung đoàn lính Angiêri của tiểu đoàn trưởng Mecquenem chiếm đóng, có nhiệm vụ bảo vệ mạn phía bắc của tập đoàn cứ điểm, ngăn các đơn vị chiến đấu của Việt Minh áp sát đường Pavie. Trung tâm đề kháng này gồm 4 điểm yểm trợ, mỗi điểm yểm trợ có quân số tương đương 1 đại đội. Trung tâm đề kháng được chi viện và bảo vệ từ bên ngoài (dây thép gai, bãi mìn, súng tự động), bên trong cũng được ngăn chia bằng hàng rào dây thép gai, đường hào, hỏa lực súng cối để cầm chân đối phương trong trường hợp họ thâm nhập thành công vào bên trong. Một trung tâm đề kháng được coi là một yểm trợ trong triển khai chiến thuật: nó có thể bị đối phương cô lập và nếu không có yểm trợ từ bên ngoài, trung tâm đề kháng chỉ có thể cầm cự trong một thời gian hạn chế.
Việc bảo vệ Điện Biên Phủ tập trung vào khu vực sân bay với các trung tâm đề kháng đặt trên các ngọn đồi bao quanh: Anne-Marie (Bản Kéo), Béatrice (Him Lam), Gabrielle (Độc Lập), Dominique Eliane (Eliane 1: đồi C1, Eliane 2: đồi A1, Eliane 3: 507, Eliane 4: C2), Huguette…
 
(Ảnh: 1 K 342, hộp số 1, sơ đồ bố trí phòng ngự của Điện Biên Phủ)
Trung tâm đề kháng Anne-Marie (Bản Kéo)
Trung tâm đề kháng này yểm trợ cho khu vực sân bay ở mạn tây bắc. Sau khi Béatrice (Him Lam) và Gabrielle (Độc Lập) thất thủ ngày 13/3, quân Pháp ngày 15/3 nhận định đây sẽ là mục tiêu tiếp theo của tướng Võ Nguyên Giáp. Trái với các trung tâm đề kháng khác được phòng thủ chặt chẽ, Anne-Marie có bố trí khá lỏng lẻo: các điểm yểm trợ số 1 và 2 nằm cách đường băng 1500m về phía tây bắc, trên ngọn đồi thoai thoải dốc về đường Pavie. Hai điểm yểm trợ khác 3 và 4 đặt trên khu đất bằng phẳng phía sau, một ở điểm tận cùng đường băng, một ở phía tây. Chiếm đóng trung tâm đề kháng này là Tiểu đoàn lính Thái số 3 (3è BT). 14 giờ ngày 17/3, khi pháo binh Việt Minh nã vào cứ điểm này, nhiều lính Thái tháo chạy khỏi vị trí chiến đấu. Mọi nỗ lực chi viện theo lệnh của đại tá De Castries bất thành do đạn pháo dữ dội, Việt Minh chiếm được Anne-Marie 1 và 2. Phần lớn quân Pháp ở Anne-Marie 3 và 4 rút về các điểm yểm trợ Huguette 6 và 7 của trung tâm đề kháng Huguette, số còn lại rút về Isabelle (Hồng Cúm).
Trung tâm đề kháng Béatrice (Him Lam)
Trận đánh Điện Biên Phủ bắt đầu bằng cuộc tấn công của Việt Minh trong đêm 13 rạng ngày 14/3 vào trung tâm đề kháng này. Nằm khá xa khu trung tâm, trung tâm đề kháng này được lập theo sáng kiến của tướng Gilles nhằm bảo vệ đường băng và tăng phòng thủ cho mạn đông bắc. Nó yểm trợ cho toàn bộ khu vực từ ba ngọn đồi cho đến các sườn hướng ra đường tỉnh lộ phụ số 41 và đường sâu trong thung lũng bên cạnh và do tiểu đoàn 3, Bán lữ đoàn lê dương 13 chiếm giữ (3/13è DBLE). Được xem là một trong số những trung tâm đề kháng kiên cố nhất của tập đoàn cứ điểm, Béatrice bắt đầu hứng chịu các xung kích của quân Việt Minh từ lúc 17 giờ ngày 13/3. Pháo binh Việt Minh đồng thời khai hỏa dữ dội vào trung tâm đề kháng và tiểu khu trung tâm - trung tâm đầu não của tập đoàn. Quân Pháp hoàn toàn bất ngờ trước sức mạnh hỏa lực của Việt Minh, nhiều sĩ quan bị thương và tử trận, trong đó có tiểu đoàn trưởng Pégot và đại úy Nicolas được cử tạm chỉ huy tiểu đoàn. Ở tiểu khu trung tâm, hầm của trung tá Gaucher chỉ huy bảo vệ khu đông bắc bị đạn pháo phá hủy hoàn toàn, toàn bộ quân Pháp trong hầm tử trận. Quân ta  xung kích xông lên, các trung đoàn 141 và 209, Đại đoàn 312 giành chiến thắng trước 435 lính lê dương và chiếm được trung tâm đề kháng. 0 giờ 15 ngày 14/3, điểm yểm trợ cuối cùng thất thủ và Việt Minh làm chủ hoàn toàn Béatrice. Việc Béatrice (Him Lam) thất thủ đã gây sốc không chỉ cho quân Pháp đóng ở Điện Biên Phủ mà cả Ban tham mưu Lục quân Bắc Việt Nam ở Hà Nội, nó cho thấy điểm yếu trong bố trí phòng ngự: phản pháo không hiệu quả, các công sự không trụ được trước pháo hạng nặng, thiếu chuẩn bị trong phản công.
 
(Ảnh: 10 H 1164, điện thông báo về cuộc tấn công cứ điểm Him Lam ngày 13.03.1954)
Trung tâm đề kháng Claudine
Được xây dựng ở khu cánh đồng rìa đông nam của khu trung tâm, Claudine được bố trí để có thể bảo vệ nhanh chóng khu vực kho và các chốt chỉ huy. Được dùng làm vị trí đặt pháo và ban đầu do các đơn vị can thiệp chiếm giữ: tiểu đoàn lính dù lê dương số 1 (1er bataillon étranger de parachutistes) và Tiểu đoàn lính dù biệt kích số 8 (8è BPC), trung tâm đề kháng này hứng chịu đạn pháo hạng nặng trong tháng 5 của đợt tấn công cuối cùng. Cố thủ cho đến ngày 06/5, điểm yểm trợ Claudine 5 thất thủ trong đêm 06 rạng sáng ngày 07/5. Theo lệnh của De Castries, số quân còn lại của trung tâm đề kháng này ngừng chiến đấu ngày 07/5.
Trung tâm đề kháng Dominique
Nằm ở tả ngạn sông Nậm Rốm vắt qua tỉnh lộ 41, Dominique án ngữ phần bắc của các ngọn đồi ở phía đông lập thành tường chắn tự nhiên cho tập đoàn cứ điểm. Vòng điểm yểm trợ thứ nhất bảo vệ các đỉnh đồi, cao nhất là Dominique 2 bao quát được toàn bộ tập đoàn cứ điểm và là cao điểm của bố trí phòng thủ. Các điểm yểm trợ Dominique 3 và 4 đặt ở phía sau khu vực đồng bằng. Chiếm giữ trung tâm này là Tiểu đoàn 3, Trung đoàn lính Angiêri số 3 (3/3è RTA) của đại úy Garandeau. Đêm 31/3, một đại đội thuộc Tiểu đoàn dù Việt số 5 (5è BPVN) thay thế trong khi pháo binh Việt Minh bắt nã đạn. Khoảng 20 giờ, trung đoàn 209 của Việt Minh xung kích chiếm Dominique 1. Do quá hoảng loạn, nhiều lính Angiêri tháo chạy khỏi vị trí chiến đấu. Khoảng 20 giờ 30, trung đoàn 141 chiếm được Dominique 2 và 5. Đầu chiều ngày 31/3, quân Việt Minh làm chủ các đỉnh đồi mạn đông bắc và từ những vị trí đó, pháo binh Việt Minh có thể tập trung nhắm thẳng vào khu trung tâm. Dominique 3 thất thủ trong đợt phản công cuối cùng đêm 01 rạng sáng ngày 02/5.
Trung tâm đề kháng Eliane
Eliane nổi tiếng nhất trong tập đoàn cứ điểm do mức độ khốc liệt và thời gian của các trận đánh diễn ra tại đây. Eliane 1 (C1) và Eliane 2 (A1) là hai điểm yểm trợ tiền tiêu và ở vị trí cao nhất, Eliane 4 (C2) lùi về phía sau. Các điểm yểm trợ khác (Eliane 10, Eliane 11 nằm ở vùng đồng bằng, tả ngạn sông Nậm Rốm. Trước cuộc tấn công ngày 30/3 của Việt Minh, trung tâm đề kháng này do tiểu đoàn 1, Trung đoàn lính Marốc số 4 (1/4 è RTM) của thiếu tá Nicolas chiếm giữ. Tiểu đoàn lính dù thuộc địa số 6 (6è BPC) của thiếu tá Bigeard và một số đơn vị dù dự trữ khác đóng chiếm Eliane 4, 10 và 12. Trong đêm 30 rạng ngày 31/3, 1 đại đội thuộc Tiểu đoàn lính dù lê dương số 1 (1er BEP) thay cho lính Ma-rốc ở Eliane 2 khi các đợt pháo đầu của Việt Minh diễn ra. Khoảng 19 giờ, Trung đoàn 98 và 174, Đại đoàn 316 xung kích tấn công, nhanh chóng chiếm được Eliane 1. Ngày 10/4, Bigeard lệnh tấn công tái chiếm Eliane 1 và sau đó được thay bằng tiểu đoàn 2 trung đoàn linh dù số 1 của thiếu tá Bréchignac (2/1RCP) được thả dù chi viện trong các đêm từ ngày 01-04/4. Kể từ đó, các trận đánh diễn ra không ngừng ở Eliane 1 và Việt Minh làm chủ điểm yểm trợ này trong đêm ngày 01 rạng sáng ngày 02/5. Eliane 4 tiếp tục cầm cự cùng với Eliane 2 - nơi có tiểu đoàn lính dù thuộc địa số 1 (1er BPC) của đại úy Bazin de Bezon chiếm giữ[2]. Việt Minh chiếm được Eliane 2, rồi Eliane 4 và Eliane 10 trong đợt xung kích cuối cùng ngày 6-7/5. Trưa ngày 07/5, Việt Minh chiếm được Eliane 11 và 12, tiến vào cầu bắc qua sông Nậm Rốm. Điểm yểm trợ cuối cùng Eliane 3 nằm ở đông bờ sông do lính của Tiểu đoàn 1, Bán lữ đoàn lê dương 13 (1/13è DBLE) nắm giữ thất thủ lúc 16 giờ. 17 giờ 30, quân Pháp ngừng kháng cự ở khu trung tâm Điện Biên Phủ.
Trung tâm đề kháng Gabrielle (Độc Lập)
Được xây xong đầu tháng 01/1954 cách đường băng 3km về phía bắc, Gabrielle nằm trên ngọn đồi lớn trông ra các cánh đồng và đường Pavie. Trung tâm đề kháng này được bố trí phòng ngự tốt, do Tiểu đoàn 5, Trung đoàn lính Angiêri số 7 (5/7è RTA) của tiểu đoàn trưởng Mecquenem chiếm giữ, được chi viện thêm đại đội súng cối 120 li của Trung đoàn bộ binh nước ngoài số 5.  Sau đó Mecquenem được thay bằng tiểu đoàn trưởng Kha, ngay trước đợt tấn công của Việt Minh. Tuy nhiên Mecquenem vẫn chỉ huy quân đồn trú ở đây. 9 giờ ngày 15/3, Việt Minh làm chủ trung tâm đề kháng này[3].
 
(Ảnh: 1 K 342, hộp số 1, Bố trí phòng ngự đóng quân của Điện Biên Phủ ngày 13.03.1954)
Trung tâm đề kháng Huguette
Huguette được quy hoạch đầu năm 1954 nhằm gia cố chu vi bảo vệ mạn phía tây của căn cứ không lục quân. Các điểm yểm trợ nằm ở khu vực đồng bằng, rải rác trên hai tuyến ở tây nam khu sân bay, tuyến dưới được xây dựng cùng với đường Pavie. Sau ngày 17/3 cùng với việc tháo chạy của lính Thái, trung tâm này thu nhận các điểm yểm trợ Anne-Marie 3 và 4 - bảo vệ mạn tây bắc của khu sân bày và trở thành Huguetter 7 và 6. Chỉ huy trung tâm đề kháng này là thiếu tá Clémençon, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1, trung đoàn bộ binh nước ngoài số 2. "Trận đánh Huguette" bắt đầu từ ngày 30/3, khi quân Việt Minh đồng loạt tấn công các ngọn đồi ở phía bắc. Ban đầu, đại đoàn 308 tập trung tấn công Huguette 6 và 7. Huguette 7 có hình dạng ngôi sao, đặt dưới sự chỉ huy của các đại úy Rondeau và Bizard của Tiểu đoàn lính dù Việt số 5, trung úy Spozio của tiểu đoàn số 1, trung đoàn lính lê dương số 2 (1/2è REI) chiếm giữ và bị pháo Việt Minh san bằng ngày 02/4. Huguette 6 của đại úy Donnadieu cầm cự trước nhiều đợt xung kích diễn ra ác liệt trong đêm 04 và 05/4. Những ngày tiếp theo, Bizard được cử đến chỉ huy Huguette 6. Do thiệt hại lớn khi tiếp tế nên De Castries quyết định bỏ điểm yểm trợ này. Rạng sáng ngày 18/4, Bizard quyết định chỉ huy khoảng 60 lính vượt qua các chiến hào của Việt Minh để về Huguette 1 - mục tiêu tiếp theo của Việt Minh và đang "chết nghẹt" vì những đường hào của Việt Minh. Huguette 1 do tiểu đoàn 1, Bán lữ đoàn lê dương số 13 dưới sự chỉ huy của đại úy Chevalier chiếm giữ. Hứng chịu các loạt đạn pháo của Việt Minh, Huguette 1 cầm cự trước đợt tấn công đầu ngày 21/4 và thất thủ hoàn toàn trước các đợt xung kích của trung đoàn 36 trong đêm ngày 22 rạng ngày 23/4. Ngày 23/4, tiểu đoàn lính dù thuộc địa số 2 thử tái chiếm Huguette 1 nhưng thất bại. Việt Minh tiếp tục bao vây Huguette 5 và 4 ở mạn phía nam. Cuối tháng 4, hai tiểu đoàn lính dù nước ngoài hợp nhất, đặt dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Guiraud với nhiệm vụ bảo vệ trung tâm đề kháng Huguette. Ngày 01/5, trước các đợt xung kích như vũ bão của Việt Minh, Huguette 5 thất thủ trong đêm, Huguette 4 trở thành Lily 3 cũng thất thủ ngày 04/5, còn Huguette 2 và 3 ngừng chiến đấu theo lệnh lúc 17 giờ 30 ngày 07/5.
Trung tâm đề kháng Isabelle (Hồng Cúm)
Nằm ở vị trí cách xa nhất của bố trí phòng thủ của tập đoàn cứ điểm, Isabelle được xây dựng tháng 12/1953, ở khúc quanh của sông Nậm Rốm, cách trung tâm đề kháng trung tâm 6 km về phía nam. Việc lựa chọn vị trí này dựa trên những tính toán trong triển khai pháo yểm trợ từ rìa phía nam cho đến điểm tận cùng phía bắc. Trung tâm đề kháng này có đường băng ứng cứu gần đó giúp dễ dàng phản công về mạn phía nam của bố trí phòng thủ, nhưng chưa bao giờ được sử dụng. Quân đồn trú ở đây khá đông, lên đến 2.000 quân dưới sự chỉ huy của trung tá Lalande, gồm lính của Tiểu đoàn số 3 (Trung đoàn bộ binh nước ngoài số 3), tiểu đoàn số 2 (Trung đoàn lính Angiêri số 1) và ba dàn pháo 105 li thuộc Trung đoàn pháo binh thuộc địa số 10 cùng 1 trung đội xe tăng do trung úy Préaud chỉ huy. Ngoài ra, trung tâm đề kháng này còn có lính phụ lực Thái của trung úy Wième rút về từ Lai Châu[4] (đóng ở Isabelle 5). Sau đợt tấn công của Việt Minh ngày 13/3, Isabelle tiếp nhận đơn vị phẫu thuật dù số 3 của trung úy Résillot và số lính sống sót từ Gabrielle và Anne - Marie. Ngày 22/3, khi Việt Minh nỗ lực cô lập Isabelle, giao tranh diễn ra ác liệt, quân Pháp cố găng thiết lập liên lạc với trung tâm đề kháng trung tâm. Trong cuộc tấn công thứ hai ngày 30/3, Isabelle hứng chịu nhiều đạn pháo Việt Minh, ngày 31/3, tiểu đoàn 3, Trung đoàn bộ binh nước ngoài số 3 cố phản công từ Isabelle hòng giải vây cho Eliane 2 nhưng thất bại. Từ đầu tháng 4, Isabelle hoàn toàn bị cô lập bởi các đường hào của Việt Minh. Các ngày 15,19, 26 và 27/4, giao tranh diễn ra ác liệt khi Việt Minh tấn công điểm yểm trợ của trung úy Wième nằm ở tả ngạn Nậm Rốm. Đêm ngày 01 rạng sáng ngày 02/5, Việt Minh tiếp tục tấn công và chiếm được điểm yểm trợ này. Giữa đêm ngày 06/5, Việt Minh đánh chiếm Isabelle, lúc này chỉ còn 1 khẩu pháo hoạt động được và thiệt hại nặng nề. Trong đêm 07 rạng sáng ngày 08/5, khi tiến hành cuộc hành binh Albatros (Hải Âu), quân đồn trú cố phá vòng vây thoát về phía nam, nhưng thất bại trước sức mạnh của quân Việt Minh, chỉ có chừng 10 lính Thái và Âu thoát được về Lào. Giao tranh ngừng hẳn ở Isabelle lúc 2 giờ sáng ngày 08/5.
 
( Ảnh : 1 K 342, hộp số 1, mặt cắt lòng chảo Điện Biên Phủ)
Trung tâm đề kháng Junon ở nam khu trung tâm bên rìa đường Pavie, trung tâm đề kháng gồm khu nhà kho và các bộ phận. Chính vì lẽ đó, trung tâm này là nơi tiếp nhận phần lớn người bị thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Còn Trung tâm đề kháng Lily, ra đời đầu tháng 4/1954 ở tây nam tập đoàn cứ điểm, là nơi rút về của lính Tiểu đoàn số 1, Trung đoàn lính Marốc số 4 (1/4è RTM) sống sót sau các trận đánh ở Eliane 2. Dưới sự chỉ huy của thiếu tá Nicolas, Lilyy gồm điểm yểm trợ Huguette 4 chuyển thành Lily 3), Claudine 1 chuyển thành Lily 1 và điểm yểm trợ Lily 2. Việt Minh chiếm được Lily 3 trong đêm ngày 03 rạng sáng ngày 04/5 sau đợt pháo kích dữ dội, những điểm yểm trợ khác ngừng giao tranh theo lệnh của De Castries ngày 07/5.

[1] . Theo Từ điển chiến tranh Đông Dương (Dictionnaire de la guerre d’Indochine) của nhóm tác giả Ivan Cadeau, François Crochet và Rémy Porte, Bộ quốc phòng Pháp, 2021, từ trang 301-315.

[2]. Đơn vị này được thả dù trong các đêm từ ngày 02-06/5 thay thế lính lê dương.
[3] . Theo báo cáo của tiểu đoàn trưởng Mecquenem, hồ sơ 1 K 342, hộp số 5, Lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp.
[4]. Trong cuộc hành binh Pollux, từ 08-25/12/1953.
Ngọc Nhàn 
https://archives.org.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4864

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Kì I. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Kì I. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

  • 04/04/2024 09:41
  • 1312

Tại sao lại là Điện Biên Phủ và tập đoàn cứ điểm được bố trí phòng ngự như thế nào khiến nơi này được ví như "pháo đài bất khả xâm phạm"? Câu trả lời sẽ có qua hai bài viết tổng hợp từ tài liệu lưu trữ và tư liệu của Bộ Quốc phòng Pháp.