Thứ Bảy, 14/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/10/2022 11:00 1671
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sau lần tấn công thành Hà Nội lần II, Pháp đã chiếm luôn Hành cung và điện Kính Thiên để làm nơi đóng quân. Đấy là hành động đầu tiên trong quá trình chiếm đóng và phá hủy thành Hà Nội để phục vụ mục đích quân sự của quân đội Pháp.

Trong bài 4, tài liệu lưu trữ đã cho thấy, sau lần tấn công thành Hà Nội lần II, Pháp đã chiếm luôn Hành cung và điện Kính Thiên để làm nơi đóng quân. Đấy là hành động đầu tiên trong quá trình chiếm đóng và phá hủy thành Hà Nội để phục vụ mục đích quân sự của quân đội Pháp. Việc phá thành Hà Nội ngay từ đầu đã thể hiện rất rõ trong thư của Henri Rivière gửi Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Villers ngày 25-4-1882 báo tin đã chiếm được thành Hà Nội:

Ngay ngày hôm nay, tôi đã cho ném một nửa số pháo của họ xuống dưới hào. Ngày mai người ta sẽ làm nốt các việc còn lại, phá tung các cánh cửa và các lỗ hổng…[1].

Tiếp đó, trong thư gửi Thống đốc Nam Kỳ ngày 26-7-1882, bằng lý lẽ của kẻ xâm lược, Rivière biện hộ rằng nguyên nhân của việc tấn công và phá hủy thành Hà Nội thuộc về quan quân triều Nguyễn.

Tôi có hân hạnh, thưa ngài Thống đốc, được tóm tắt các bức thư này[2] với Ngài trong một vài lời. Riêng việc đội quân tiếp viện 200 người cho đội quân đồn trú của chúng tôi đã gây ra cho ông Tổng đốc[3] và các quan một sự náo động và sự ngờ vực tột cùng. Ngay ngày hôm sau, thuyền trưởng Chanu và tôi đi dạo qua trước cổng thành bằng ngựa, không có hộ tống và vũ khí, kể cả không làm bộ có ý vào thành, họ đã vội vã đóng cửa Đông thành ngay trước mặt chúng tôi.

Trong cuộc hội kiến giữa tôi với ông Tổng đốc, ông ta tuyên bố với tôi rằng các sĩ quan không còn được tự nhiên đi qua thành như trước nữa. Tôi không cho các sự kiện nhỏ này là quan trọng, và ngay cả ngày 10 tháng tư, tôi đã viết cho Ngài rằng tôi tưởng chúng ta có thể đứng vững được với người An-nam trong tình thế hoà giải và chờ đợi. Từ ngày 10 đến ngày 18, nhưng chỉ trong khoảng cách đó, ý kiến của tôi đã thay đổi. Trước ngày 10, toà thành đã chứa đầy lính và ông Tổng đốc đã cho thực hiện các công trình phía ngoài, đắp các ụ đất, mở các lỗ cửa mới, dựng các pháo đài con. Tôi nghĩ rằng các tình hình có thể dẫn tôi tới việc tấn công thành. Đã hai lần, tôi đều nhờ người nói với ông Tổng đốc rằng tôi không hài lòng về các công trình phòng thủ của ông ta. Ông ta cho trả lời tôi rằng ông ta không ngừng các công việc đó và còn trả lời rõ ràng hơn nữa rằng ông ta không thay đổi điều đó. Và tôi đã chuẩn bị. Điều ít ra cũng là đặc biệt, về phương diện quân sự, là khả năng có một hành động tấn công thành mà tôi không cho chuẩn bị gì. Chỉ đến ngày 22 tháng tư, khi pháo thuyền Fanfare đã tới thì tôi mới cho lắp các thang. Binh lính hoàn toàn không đi lại xung quanh thành.

(…)

Về việc phá thành, nếu người ta có thể dùng từ này, bởi vì bất hạnh thay cho tôi là đã phải tự hạn chế do thiếu thời gian, chỉ phá hai lỗ hổng ở hai pháo đài, phá niêm phong ở hai cánh cửa (Đông và Bắc), đóng đinh và ném các khẩu pháo xuống các hào; đó là việc tôi làm và chỉ mình tôi chịu trách nhiệm. Tôi không thể chấp nhận nhiều hơn cái mà tôi chấp nhận ngày hôm nay, rằng người ta quyết định chiếm một toà thành, để nó được dễ dàng vũ trang lại ngay lập tức chống lại chúng ta. Điều đó sẽ không cần thiết.

Tóm lại, chính những sự ngờ vực và vũ trang của ông Tổng đốc đã dẫn tôi đến việc chuẩn bị đối phó lại. Ông Tổng đốc là một người dũng cảm, ông ta đã chứng tỏ điều đó bằng cái chết, nhưng tôi nhìn nhận ông ta với tất cả lương tâm và tất cả sự chân thành, như là người chịu trách nhiệm về các sự kiện, bởi vì tôi không phải là người gây ra những sự việc này[4].

 

Tấm ảnh cuối cùng về kiến trúc nguyên vẹn của thành Hà Nội. Việc quy hoạch hoàng thành mới được triển khai thể hiện ở việc trồng cây xanh và làm đường quanh khu vực cột cờ Hà Nội. Phía trước là Hồ Voi, ô đất trống bên cạnh nay là Đại Sứ quán Trung Quốc. Ảnh do Armand Rousseau chụp trong thời gian giữ chức Toàn quyền Đông Dương 1895-1896. 

Việc phá hủy thành Hà Nội còn được ghi lại trong Báo cáo chi tiết số 611 của Rivière gửi Bộ trưởng Bộ HQTĐ Pháp viết trong hai ngày (25-4 và 13-5-1882) về lực lượng tham gia, diễn biến và các sự kiện liên quan đến cuộc tấn công thành Hà Nội lần II của quân đội Pháp:

“Cửa luỹ hình bán nguyệt chắc, trụ lại sức công phá của các chiếc rìu, chúng tôi phải làm nó bật ra bằng một phát pháo. Các khẩu pháo được chuyển gấp tới trước cửa Bắc và nổ súng công phá cùng các pháo binh dàn trận. Lúc sắp vào đến cửa Bắc, chúng tôi nhìn thấy đội quân trèo tường chạy ào đến từ phía bên phải trên tường thành (…). Tuy vậy cánh cửa thành lúc đó ở phía bên trong được chèn chặt với các phiến gỗ lớn, phải có một khối thuốc nổ lớn để phá tung mới mở đường vào được…

… Sau 2 giờ nghỉ ăn trưa, tôi lập tức đặt toà thành trong tình trạng không thể phòng thủ được nữa. Các thuỷ thủ, từ cửa Bắc đến cửa Đông, và lính thuỷ đánh bộ từ cửa Bắc đến cửa Tây, đều vứt qua các ụ súng tất cả đại bác, giá súng và một số lớn thân cây to mà quân địch đã để sẵn ở trên thành để lăn xuống chúng tôi.

Từ ngày 25 đến ngày 30-4, các công việc phá thành vẫn được tiếp tục. Tất cả những khẩu pháo còn lại đã bị đóng đinh và vứt xuống dưới các hào. Bốn lỗ hổng lớn đã được mở ra ở các pháo đài các cửa Bắc và cửa Đông.

Chính các cổng ở hai phía này đã bị tháo dấu niêm và đã bị phá huỷ hoàn toàn cũng như các cánh cửa khác ở các luỹ bán nguyệt. Trên hai phía này, cửa Bắc và cửa Đông, người ta có thể tự do đi vào thành, hoặc là đi qua cửa, hoặc là qua các lỗ hổng lớn..[5].

Thời gian sau khi Pháp chiếm được thành Hà Nội, nhiều người Pháp, trong đó có các quan chức trong chính quyền thuộc địa như Công sứ Bonnal (1883-1884), Phó Tổng Trú sứ Paulin Vial (1886-1887), Toàn quyền Đông Dương J.L. de Lanessan (1891-1894), Toàn quyền Đông Dương J. Decoux (1940-1945), và những người khác như bác sĩ Horquard[6], hay phóng viên tờ Le Figaro Paul Bonnetain… đã ghé thăm và đã để lại nhiều bài viết và ảnh về thành Hà Nội. Những bài viết và số ảnh đó cho thấy thành Hà Nội ngày càng thay đổi, bị biến dạng nhiều do phục vụ mục đích quân sự.

Theo André Masson viết trong cuốn “Hanoï pendant la période héroïque” thì ngay sau khi chiếm được thành Hà Nội, vào năm 1883, một đại đội bộ binh do đại uý Retrouvey chỉ huy đã đóng quân tại điện Kính thiên. Năm 1883, đại uý Retrouvey đã cho bịt các cột có chạm trổ tuyệt đẹp của điện Kính thiên bằng “các bức tường kinh khủng có lỗ châu mai” để “chống lại những cuộc tấn công của quân Cờ đen”.

Năm 1884, nhiều lán trại được các nhà thầu Trung Hoa dựng trong thành cho binh lính, còn các sĩ quan thì ở ngay trong các khu nhà trước đây dành cho các quan lại. Tháng 5-1884, trong thành chứa đầy bệnh binh do bệnh xá ở khu nhượng địa quá tải.                                                                   

Từ 1885, Pháp cho phá các dinh thự của quan lại như Tổng đốc, Đề đốc, Bố chánh… để xây các doanh trại cho các Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 4 (4e - RIC)[7], Trung đoàn pháo binh thuộc địa 9 (9e - RAC)[8], Trung đoàn binh lính khố đỏ Bắc Kỳ số 9 (9e - RTT)[9]…  Cũng vào năm này, Cột cờ được dùng làm trạm điện tín quang học, rồi 1887, nó được dùng làm khán đài cho những cuộc đua ngựa, sau đó làm sân vận động. Và đến năm 1886, điện Kính thiên đã bị phá để lấy chỗ xây trụ sở của Ban Chỉ huy Pháo binh[10]. Chỉ duy nhất Cột cờ là còn lại nguyên vẹn.

 

Đỉnh Cột cờ được sử dụng làm tháp canh và phát sóng truyền tin, có thời gian được nhốt chim bồ câu đưa thư của quân đội Pháp và Hồ Voi năm 1890 khi chưa có đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ). Ảnh sưu tầm.

Từ năm 1894 đến 1897, với mục đích “làm trong sạch thành phố Hà Nội và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thành phố” nhưng thực chất là để “làm cho thông thoáng khí trời cho những doanh trại của quân đội người Âu” ở bên trong thành, chính quyền thuộc địa chủ trương phá huỷ nốt bức tường thành.

Năm 1942, căn cứ vào nhiều bản đồ thành phố Hà Nội qua các thời kỳ khác nhau ở Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, trong “La Citadelle de Hanoï” L. Bezacier viết[11]: “Thành Hà Nội chiếm cứ một khoảng đất hình vuông rộng lớn, mỗi cạnh đo được khoảng hơn 1km, có thể giới hạn bởi các trục phố của đại lộ Carnot[12] ở phía Bắc, đại lộ Brière de l’Isle[13] ở phía Tây, phố Duvillier[14] ở phía Nam và đại lộ Henri d’Orléans[15] ở phía Đông.

Toà thành có 5 cửa: cửa Bắc nằm trên đại lộ Carnot, đối diện với phố Dieulefils[16]; cửa Đông nằm ở chỗ giao nhau giữa phố Maréchal Joffre[17] và phố Citadelle[18] trong trục tuyến của phố sau; cửa Đông - Nam nằm ở chỗ cắt nhau giữa phố Maréchal Galliéni[19] và phố Général Badens[20] trong trục tuyến của phố sau; cửa Tây - Nam ở giữa đại lộ Félix Faure[21], trong trục tuyến của toà nhà trường Cao đẳng tiểu học nữ sinh Pháp[22]; cửa Tây ở vào vị trí của điểm tròn gặp nhau giữa các đại lộ Puginier[23] và đại lộ Brière de l’Isle[24]”.      

Tổng hợp từ một số hồ sơ tài liệu lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I[25], cụm di tích thành cổ Hà Nội đã bị Chính quyền thuộc địa Pháp phá tới 4 lần:

1. Lần thứ nhất vào rạng sáng ngày 20-11-1873: trong lần này, quân Pháp dùng đại bác bắn trực tiếp, phá thủng một khoảng trống lớn phía cửa thành Đông Nam.

2. Lần thứ hai vào sáng 25-4-1882: trong lần này, các dinh thự cũ trong Hoàng thành bị phá để lấy chỗ xây dựng trại lính cùng các công trình quân sự khác. Trụ sở Bộ Chỉ huy pháo binh của quân đội Pháp được xây dựng ngay trên nền của điện Kính Thiên. Kể từ thời gian này, toàn bộ đất đai thuộc phạm vi thành Hà Nội đều do quân đội Pháp trực tiếp quản lý.

2. Lần thứ ba vào năm 1891: để phục vụ cho việc xây dựng công trình Phủ Toàn quyền Đông Dương, Chính quyền thực dân đã cho mở rộng một số đường xung quanh khu vực này như đường số 55[26] và đường số 58[27] mỗi con đường được mở rộng 3m mỗi bên, kể từ giữa bùng binh và góc phía tây thành đồng thời cho mở con đường số 62[28] xuyên qua khu vực trong nội thành.

- Lần thứ tư vào các năm 1893, 1894, 1895, 1896 và 1897, diễn biến như sau: ngày 28-8-1893, để phục vụ việc mở rộng và quy hoạch khu phố Pháp ở phía tây HN từ vị trí thành cổ, Hội đồng thành phố đã nhất trí đề nghị lên Thống sứ Bắc Kỳ và Toàn quyền Đông Dương cho phá huỷ nốt phần còn lại của Hoàng thành, chỉ để lại cổng phía Bắc với vết đạn công thành. Vận động của HĐTP đã dẫn tới các hợp đồng về việc phá tường thành được ký kết các ngày 15-01-1894, ngày 02-7-1895 và ngày 01-8-1896. Việc phá thành Hà Nội được hoàn tất vào ngày 11-01-1897 bằng một hợp đồng bổ sung được ký kết giữa Chính quyền thuộc địa và Chính quyền Thành phố Hà Nội.

Ngay sau đó, theo quyết định của Toàn quyền Đông Dương, một hợp đồng đã được ký kết với Auguste Bazin, một kỹ sư dân sự ở Paris về việc phá tường thành Hà Nội với nội dung chính như sau:

1. Phá bỏ tường thành cổ và các ụ đất;

2. Lấp các đường hào và các vũng do lấy đất đắp ụ tạo thành;

3. Mở các con đường trong khu vực đã bị loại khỏi thành, không kể các công việc rải đá, lăn đường và trồng cây là những công việc thuộc trách nhiệm của chính quyền Bảo hộ;

4. Xây tường bao quanh phần bảo vệ thành.

Theo hợp đồng, Auguste Bazin được nhận 60.000đ Đông Dương. Sau khi trừ 5 héc-ta thuộc sở hữu của chính quyền Bảo hộ, phần đất bị giáng loại sẽ thuộc quyền sở hữu của Auguste Bazin, công việc sẽ phải hoàn thành trong thời hạn 3 năm kể từ ngày 01-9-1894; vật liệu thu được từ tường thành bị phá có thể được tái sử dụng cho việc xây bức tường mới bao quanh khu vực thành. Auguste Bazin là người duy nhất chịu trách nhiệm tất cả các công việc xây dựng lại nhà cửa phải di chuyển do việc phá thành gây nên, với điều kiện các loại giá cả được kèm theo hợp đồng. Các điều quy định trong hợp đồng này đã bị tờ L’Indépendance tonkinoise chỉ trích rất nhiều và cho rằng hợp đồng này là một vật chứng thực về sự thiên vị Auguste Bazin của chính quyền thuộc địa.

Ngay sau khi việc phá huỷ bức tường thành Hà Nội được hoàn tất, Paul Doumer đã đến Hà Nội để nhậm chức Toàn quyền. Về sự có mặt của Paul Doumer ở Hà Nội năm 1897[29] và việc những di tích lịch sử trong Hoàng thành bị phá huỷ, L. Bezacier đã viết như sau: “…không phải là không xót xa khi Paul Doumer đến Hà Nội vào năm 1897 đã phàn nàn về việc huỷ diệt những ký ức lịch sử đó…[30]. Chính vì vậy, vào năm 1905 (tức là 3 năm sau khi mãn nhiệm trở về Paris), Paul Doumer đã cho xuất bản cuốn “L’Indochine française - Souvenirs” trong đó, ông đã thốt lên rằng: “Tôi đến quá chậm để có thể cứu lấy những phần đặc sắc, cụ thể là các cổng thành. Những di tích ấy đáng lẽ phải được bảo tồn. Chúng có những đặc trưng quý giá, chỉ như vậy thôi cũng đáng được chúng ta trân trọng. Đó là những kỷ niệm lịch sử gắn bó với nơi đây, chúng có thể làm đẹp cho các khu xây dựng mới của thành phố, và có lẽ sẽ không làm vướng víu đến việc giao thông và ngăn trở việc sắp xếp thẳng hàng các đường phố, cũng như Khải Hoàn môn Ngôi sao vẫn giữ lại được mọi sự cân đối cho Paris[31].

Trong thời gian Paul Doumer giữ chức Toàn quyền, ngày 20-01-1900, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đã chính thức được thành lập[32]. Kể từ đó, các di tích lịch sử trên toàn bán đảo Đông Dương đã trở thành đối tượng được chăm sóc chu đáo của tổ chức này và vì thế, nhiều di tích lịch sử ở Hà Nội đã thoát khỏi sự xâm hại, cho dù vô tình và dưới danh nghĩa “vì sự phát triển của thành phố”. Mặc dù thành cổ Hà Nội giờ đây chỉ còn hiện hữu trên các bức ảnh của những người Pháp đương thời từng có mặt tại Hà Nội chụp lại và đã được in trên các tấm bưu ảnh thời kỳ đó nhưng di tích lịch sử cuối cùng của triều Nguyễn trên đất Thăng Long sẽ sống mãi trong lòng những người Việt Nam luôn hướng về Hà Nội yêu quý của chúng ta.

 

Cổng Đoan Môn trong khu Hoàng thành bị trưng dụng làm nơi ở của binh lính Pháp. 3 cửa thành đều bị bịt kín. Ảnh của Thư viện Quốc phòng Pháp ECPAD chụp vào đầu năm 1950.

Tài liệu tham khảo:

1. Tài liệu lưu trữ.

- TTLTQG I: Fonds des Amiraux et des Gouverneurs; Résidence supérieure du Tonkin (RST); Service du Cadastre et des Domaines de Hanoï (SCDHN); Travaux Publics du Tonkin (TPT).

2. Sách, tạp chí.

- Masson A., Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888), Paris, 1929.

- L. Bezacier: La Citadelle de Hanoï, Indochine hebdomadaire illustré No 100, 1942.

- Nguyễn Văn Uẩn, Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX,  2 tập, Nxb Hà Nội, 2010.

- Phan Huy Lê (Chủ biên), Lịch sử Thăng Long Hà Nội, tập 2, Nxb Hà Nội, 2012. 


[1] Fonds des Amiraux et des Gouverneurs, dossier: 12.467 (bản gốc lưu tại Pháp, bản sao lưu tại TTLTQG I).

[2] Các bức thư H. Rivière gửi Thống đốc Nam Kỳ từ ngày 10 đến ngày 17-7-1882. 

[3] Tổng đốc Hoàng Diệu.

[4] Fonds des Amiraux et des Gouverneurs, dossier: 12.467, tài liệu đã dẫn.

[5] Fonds des Amiraux et des Gouverneurs, dossier: 12.467, tài liệu đã dẫn.

[6] Charles Edouard Hocquard: sinh năm 1853 tại Nancy, mất năm 1911 tại Lyon (Pháp) là bác sĩ quân y, nhà thám hiểm và nhiếp ảnh gia người Pháp. Ông từng tham gia đội quân viễn chinh Pháp sang Đông Dương vào khoảng năm 1884, sau đó là Madagascar vào khoảng năm 1894. Ông đã chụp và xuất bản rất nhiều ảnh tư liệu có giá trị về Việt Nam và Madagascar xưa.

[7] Régiment d’Infanterie Coloniale N4. 

[8] Régiment d’Artillerie Colonial N9.

[9] Régiment de tirailleurs tonkinois N9.

[10] Nay là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

[11] Indochine hebdomadaire illustré N100, 1942.

[12] Phố Phan Đình Phùng.

[13] Phố Hùng Vương.

[14] Phố Nguyễn Thái Học.

[15] Phố Phùng Hưng.

[16] Phố Đặng Dung.

[17] Phố Lý Nam Đế.

[18] Phố Đường Thành.

[19] Phố Trần Phú (đoạn phía Đông).

[20] Phố Tôn Thất Thiệp.

[21] Phố Trần Phú.

[22] Toàn bộ khu công trình này quay mặt ra các đại lộ Félix Faure (phố Trần Phú), Van Vollenhoven (phố Chu Văn An), Brière de l’Isle (phố Hùng Vương) và phía sau là đại lộ Giovaninelli (phố Lê Hồng Phong). Hiện nay phần quay ra phố Trần Phú của công trình này do Bộ Tư pháp quản lý và sử dụng, phần phía sau, quay ra phố Lê Hồng Phong là vị trí của Trung tâm Hội nghị quốc tế.

[23] Phố Điện Biên Phủ.

[24] Phố Hùng Vương.

[25] Fonds des Amiraux et des Gouverneurs, dossier: 12.467; RST, dossier: 79024/01; 41056; 5776; 6753.

[26] Đường số 55 nối đại lộ Carnot (phố Phan Đình Phùng) với đại lộ Borgnis Desbordes kéo dài (sau đổi thành phố Duvillier và nay là phố Nguyễn Thái Học). Năm 1909 đường số 55 được mang tên là phố Brière de l’Isle (năm 1945 đổi thành phố Hùng Vương, năm 1949 đổi tên thành đại lộ Hùng Vương, từ năm 1951 đến nay là phố Hùng Vương).  

[27] Đường này nằm trong khu vực Thành cổ, bị xoá bỏ năm 1904 trong dịp điều chỉnh lại đường vào vườn Bách thảo.

[28] Đường số 62 nối Phủ Toàn quyền Đông Dương với đại lộ Victor Hugo được mang tên đại lộ République vào năm 1909, đến năm 1941 đổi tên thành đại lộ Honoré Tissot, năm 1945 đổi thành đại lộ Dân Quyền, nay là phố Hoàng Văn Thụ.   

[29] Joseph Athanase Doumer: sinh ngày 22-3-1875 tại Aurillac, Cantal, mất ngày 7-5-1932 tại Paris, chính trị gia người Pháp, là Toàn quyền Đông Dương từ 1897 đến 1902 và Tổng thống Pháp từ 1931 đến 1932.

[30] L. Bezacier: La Citadelle de Hanoï, Indochine hebdomadaire illustré No 100, 1942.

[31] Paul Doumer: L’Indochine française (souvenir), 1905, p. 123. Dẫn theo André Masson:  Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888), Librairie Orientaliste Paul Geuthner, Paris, 1929, tr. 85.

[32] Viện Viễn đông Bác cổ Pháp được tổ chức theo Sắc lệnh ngày 26-2-1901 của Tổng thống Pháp và được trở thành một công sở có tư cách pháp nhân dân sự theo Sắc lệnh của Tổng thống Pháp ngày 3-4-1920. Tiền thân của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp là Phái đoàn Khảo cổ tại Đông Dương thành lập từ năm 1898.

TS. Đào Thị Diến

 

 

https://archives.org.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5054

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Thành Hà Nội bước vào giai đoạn bị chiếm đóng

Thành Hà Nội bước vào giai đoạn bị chiếm đóng

  • 07/10/2022 10:56
  • 1355

Sau cuộc tấn công thành Hà Nội lần II, Pháp đã chiếm Hành cung và điện Kính Thiên để làm nơi đóng quân. Đây là hành động đầu tiên trong quá trình chiếm đóng và phá hủy thành Hà Nội để phục vụ mục đích quân sự của quân đội Pháp.