Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/10/2022 10:56 1202
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sau cuộc tấn công thành Hà Nội lần II, Pháp đã chiếm Hành cung và điện Kính Thiên để làm nơi đóng quân. Đây là hành động đầu tiên trong quá trình chiếm đóng và phá hủy thành Hà Nội để phục vụ mục đích quân sự của quân đội Pháp.

Tài liệu lưu trữ thuộc phông Đô đốc và các Thống đốc đầu tiên của Nam Kỳ (1858-1887) và một số tư liệu liên quan được sử dụng trong 3 bài viết trước đã cho thấy, ngay từ năm 1867, sau khi đánh chiếm được Nam Kỳ lục tỉnh, cùng với việc thiết lập hệ thống chính quyền cai trị ở Nam Kỳ, chính quyền Pháp ở Sài Gòn đã coi việc đánh chiếm Hà Nội và một số tỉnh Bắc Kỳ là “một vấn đề sinh tử cho thuộc địa Sài Gòn, vấn đề sống còn cho tương lai của sự thống trị của người Pháp ở Viễn Đông” bởi chúng nhìn thấy ở Bắc Kỳ một tiềm năng khai thác lớn, nhất là con đường thương mại qua sông Hồng. Các nguồn tài liệu và tư liệu này cũng đã phục dựng lại hai cuộc tấn công thành Hà Nội của thực dân Pháp vào năm 1873 và 1882.

Sau cuộc tấn công thành Hà Nội lần I, vì điều kiện chính trị ở Chính quốc chưa cho phép mở rộng chiến tranh ở Việt Nam và do tương quan lực lượng giữa ta và Pháp chưa có sự thay đổi lớn nên cả hai phía Việt Nam và Pháp đều phải nhượng bộ về mặt chính trị. Kết quả là một văn bản ngoại giao đã được ký kết ngày 6-2-1874, đó là Công ước về việc Pháp thỏa thuận rút quân khỏi Hà Nội. Điều 2, 3 và 4 của Công ước quy định quân Pháp sẽ rút khỏi thành Hà Nội, phải trao trả tòa thành cho chính phủ An-nam “với tất cả tài sản và trang bị hiện có”. Và trong khi chờ đợi triều đình An-nam cùng Thống đốc Nam Kỳ ký kết một hiệp ước chính thức, chính phủ An-nam sẽ nhường “một khoảng đất trên bờ sông để xây dựng chỗ ở cho vị Công sứ Pháp và cho binh lính đội hộ vệ”, đó chính là khu nhượng địa mà diện tích được quy định trong điều khoản phụ kèm theo Công ước. Như vậy, tuy đồng ý rút quân khỏi Hà Nội và trao trả thành cho triều đình Huế nhưng trên thực tế, con sói thực dân đã thò được hai chân trước vào Hà Nội.
Khoảng cách giữa hai cuộc tấn công thành Hà Nội vào các ngày 20-11-1873 và 25-4-1882 là một khoảng thời gian kéo dài 8 năm 5 tháng với hơn 3.000 ngày. Thời gian đó đủ để con sói thực dân tìm cách thò nốt hai chân sau còn lại vào Hà Nội. Và, một khi con sói đã thò được cả 4 chân vào Hà Nội, chúng sẽ quyết không chịu quay ra. Điều này bộc lộ rõ trong lá thư của Henri Rivière gửi Bộ trưởng Thuộc địa Pháp về cuộc tấn công thành Hà Nội lần II và một số sự kiện quan trọng diễn ra ở Hà Nội mà chúng tôi đã giới thiệu ở bài 3, trong đó có đoạn viết:
“Ngày 13-5-1882.
Tàu “Parseval” đã tới bãi sông ở Huế ngày 7-5 và ngài Rheinart thông báo với tôi những gì đã xảy ra. Triều đình An-nam đã rất xúc động, nhưng cảm xúc dữ dội này không kéo dài lâu. Ngài Rheinart, theo tối hậu thư của tôi gửi ông Tổng đốc, nghĩ rằng tôi không có ý định chiếm thành, về sau này đã để triều đình An-nam hiểu rằng tất cả đều có thể điều đình được bằng cách giao trả lại thành, thật ra là thành đã bị phá một phần, vào trong tay những quan chức cao cấp người An-nam, những người sẽ được gửi đến cho tôi. Những quan chức này đã lập tức lên đường cùng tàu “Parseval” và đã tới Hà Nội ngày 10-5. Hai quan chức chính mang chức danh phái viên thứ nhất và thứ hai của Vua, tạm thời chịu trách nhiệm Tổng đốc và Quan phủ. Viên quan thứ nhất là Trần Đình Túc, nguyên Tổng đốc Hà Nội, là một cụ già được quý mến và hoà nhã; viên quan thứ hai rất thông minh và hồ hởi, dưới con mắt của chúng tôi[1].
Cuộc thương lượng đi đến vấn đề trao trả thành. Những viên quan này hy vọng chắc chắn rằng thành sẽ được trao trả cho họ với khả năng được sửa chữa và vũ trang lại, đó là điều tôi không đồng ý. Trong hoàn cảnh hiện nay, tôi nhất định theo ý của tôi[2], trừ một vài nhượng bộ mà tôi đã tuyên bố trong thư gửi Quan án”…[3]
Sau khi chiếm được thành Hà Nội, một đại đội bộ binh do đại uý Retrouvey chỉ huy đã đóng quân tại điện Kính thiên. Ý đồ chiếm giữ thành Hà Nội để làm nơi đóng quân của Henri Rivière bộc lộ rõ trong thư gửi Tổng đốc Hà Nội được viết vào ngày 11-7-1882, sau khi thành Hà Nội thất thủ gần 3 tháng. Bằng những lời hoa mỹ nhưng không che giấu thái độ hống hách đầy ngạo mạn của kẻ đi xâm lược nhằm bảo vệ cho hành động chiếm giữ thành Hà Nội của mình, trong thư Rivière cho rằng “với tư cách là Tổng Chỉ huy, tôi phải quan tâm không chỉ tới những việc sẽ xảy ra tức thời cạnh tôi, mà còn cả những khó khăn có thể tới với tôi từ các vùng lân cận” và đổ lỗi cho phía Việt Nam đã không giữ được lời cam kết về đảm bảo “sự yên tĩnh trong toàn tỉnh” mà đã để cho các sự kiện chống Pháp nổ ra ở một số nơi trên địa bàn Bắc Kỳ như Bắc Ninh, Sơn Tây và ngay cả ở Hà Nội… Toàn văn lá thư như sau:  
“Hà Nội, ngày 11-7-1882.
Thưa Ngài Tổng đốc,
Ngài yêu cầu tôi trao trả lại cho Ngài Hành cung và nhắc tôi về những lời cam kết của tôi với Quan án trong lá thư ngày 19-4[4].
Trong lá thư đó tôi nói sẽ trả lại điện Kính Thiên khi bản thoả thuận được ký kết giữa hai chính phủ chúng ta, và ngay cả trước đó nếu có sự yên tĩnh trong toàn tỉnh.
Liệu Ngài có thể khẳng định được với tôi, thưa ngài Tổng đốc, rằng sự thoả thuận đã được thiết lập lại hoàn toàn giữa hai chính phủ chúng ta. Tôi biết rằng các cuộc thương lượng đang diễn ra ở Huế và tôi hy vọng rằng những cuộc thương lượng này sẽ sớm có lối thoát thuận lợi, nhưng tôi không dám khẳng định rằng chúng sẽ đạt được kết quả hoàn toàn.
Tôi chỉ có thể khẳng định thêm rằng trật tự của vương triều trong tỉnh Hà Nội và các tỉnh lân cận sẽ trở lại như cũ, bởi vì tôi còn chưa hề gửi tàu chiến đến Bắc Ninh và tôi không biết liệu ngài Tổng đốc, người rõ ràng thù địch chúng tôi, đã tạm ngừng các công việc chống lại chúng tôi mà ông ta đã làm ở đây hay chưa.
Tôi chỉ có thể chắc chắn rằng các làng dọc sông Lô thuộc tỉnh Bắc Ninh chỉ nhận được những lời khuyên xấu chống lại chúng tôi bởi vì chúng tôi không làm một điều gì hại đến dân chúng ở đây nhưng họ đã trốn chạy khi chúng tôi tới gần.
Tôi cũng không biết chắc cách bố trí của Sơn Tây là nơi đã có thể đang giam giữ ba người dân một làng của sông Lô, thủ phạm có quan hệ với chúng tôi[5].
Ngài sẽ nói với tôi rằng điều đó không xảy ra ở tỉnh Hà Nội, nơi các Ngài đã làm rất nhiều, tôi biết điều đó, để tái lập trật tự và yên tĩnh, nhưng Ngài có biết, thưa ngài Tổng đốc, rằng với một kinh nghiệm lâu dài về các vấn đề chính trị và chiến tranh để không hiểu rằng với tư cách là Tổng Chỉ huy, tôi phải quan tâm không chỉ tới những việc sẽ xảy ra tức thời cạnh tôi, mà còn cả những khó khăn có thể tới với tôi từ các vùng lân cận. 
Tôi tiếc rằng Ngài đã viết cho tôi như sau: điện Kính Thiên là một nơi thiêng liêng, là nơi người ta thờ trời và tôn kính Vua, đó không phải là nơi để cho binh lính ở.
Ở Pháp, chúng tôi đối xử với binh lính và những người bạn với một sự quý mến lớn hơn.
Chính Chúa Trời đã đem đến thắng lợi cho quân đội và chính binh lính bảo vệ nhà Vua. Nơi ẩn náu nhất thời của binh lính không thể xúc phạm đến ngôi nhà của Chúa Trời và cung điện của một ông Vua.
Tóm lại, thưa ngài Tổng đốc, trong hoàn cảnh hiện nay, và vừa công nhận về nguyên tắc rằng điện Kính Thiên cũng như địa điểm theo lời hứa của tôi trong thư gửi Quan án, sau này phải được trao trả cho các ngài, tôi còn chưa thể ấn định thời điểm cho việc trao trả này được thực hiện.           
Ngài sẽ rất muốn biết rõ về những điều có liên quan đến những lời hứa khác của tôi mà kết quả có thể có ngay lập tức, tôi hoàn toàn bảo đảm. Không một người lính nào của tôi rút ra khỏi khu vực chúng tôi đang chiếm giữ để đi đến những nơi mà các ngài đang đóng quân. Sự liên lạc duy nhất của binh lính với khu nhượng địa được lập bởi con đường đã vạch rõ và lá cờ của nước Nam luôn phấp phới trên toà thành, trên đỉnh cao của kỳ đài.
Cầu xin Ngài chấp nhận.”[6]
Thế nhưng thực tế lại không diễn ra theo những lời hoa mỹ đó của Rivière mà lại diễn ra theo trình tự sắp xếp của kẻ xâm lược.
Hai năm sau ngày thành Hà Nội thất thủ lần I, ngày 16-11-1875, Tư lệnh Chapolot đã mô tả thành Hà Nội như sau: “Thành Hà Nội có hình vuông, mỗi cạnh có ba thành liên tháp, hai pháo đài, và hai pháo đài một mặt. Các mặt thành ở chính giữa, ở các cạnh phía Bắc, Đông, Tây và ở cuối của cạnh phía Nam đều được bảo vệ bởi các lũy hình bán nguyệt”[7].      
Cũng theo mô tả của Chapolot, trong thành được chia làm các khu:
Khu Hoàng cung: chính giữa là điện Kính Thiên xây hơi lệch về phía Tây để lấy hướng phong thuỷ. Bên ngoài là tường cao vòng quanh hình chữ nhật, bề dài 350m, rộng 120m. Bên trong chia làm hai phần: điện Kính Thiên xây trên một ngọn núi đất thấp, cột gỗ lim lớn người ôm không xuể, thềm điện cao 3 cấp, hai bên có rồng đá lượn, phía sau là Hành cung chỗ vua ngự mỗi khi ra Bắc. Điện Kính Thiên và Hành cung có tường cao xây ngăn và có hai cổng nhỏ thông với nhau. Từ điện Kính Thiên trước mặt đi thẳng ra Đoan Môn, hai bên đường là tường cao. Đoan Môn có ba cửa: cửa chính ở giữa dành cho vua và hai cửa phụ dành cho các quan. Sau Hành cung là lầu Tĩnh Bắc, còn gọi là Hậu Lâu.
 
 Cổng phía Tây của điện Kính Thiên (lúc này đã có đường ray để vận chuyển lương thực cho binh lính Pháp đóng quân). Ảnh trong Masson A., Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888), Paris, 1929.
Khu phía đông là dinh các quan lại. Khu phía Tây là các kho thóc, kho tiền, kho thuốc súng. Dinh các quan phụ trách các kho ở phía Bắc thành, tức là Hộ tào quan, Công tào quan, sau đổi là Dinh Bố chính. Phía Đông Bắc có nhà ngục.
Phía trong thành là các trại lính, phía tây nam có Thần công.
Cột cờ phía ngoài Đoan Môn, xây năm Gia Long thứ 11 (1812), đốc công là Đặng Công Chất.
 
Xe tăng của quân đội Pháp trong sân điện Kính thiên. Ảnh Phủ Toàn quyền Đông Dương.
Như vậy, sau cuộc tấn công thành Hà Nội lần II, Pháp đã chiếm Hành cung và điện Kính Thiên để làm nơi đóng quân. Đây là hành động đầu tiên trong quá trình chiếm đóng và phá hủy thành Hà Nội để phục vụ mục đích quân sự của quân đội Pháp. Tài liệu lưu trữ sẽ chứng minh quá trình đó vào bài tiếp theo.  
Tài liệu tham khảo:
1. Tài liệu lưu trữ.
- TTLTQG I, Fonds des Amiraux et des Gouverneurs.
2. Sách
- Masson A., Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888), Paris, 1929.
- Nguyễn Văn Uẩn, Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, 2 tập, Nxb Hà Nội, 2010.
- Phan Huy Lê (Chủ biên), Lịch sử Thăng Long Hà Nội, tập 2, Nxb Hà Nội, 2012. 

[1] Ở đây Henri Rivière có chút nhầm lẫn. Hai quan chức được triều đình Huế cử ra thương thuyết là Trần Đình Túc sau đó sẽ nghỉ hưu còn Nguyễn Hữu Độ được lưu lại giữ chức Tổng đốc Hà Nội thay Hoàng Diệu.

[2] Ý của Henri Rivière trong câu này là sẽ không trao trả thành Hà Nội cho triều Nguyễn.
[3] Fonds des Amiraux et des Gouverneurs, dossier: 12.467 (bản gốc lưu tại Pháp, bản sao lưu tại TTLTQG I).
[4] Lá thư này không được lưu trữ lại ở phía Pháp.   
[5] Rivière ám chỉ quân Cờ đen.
[6] Fonds des Amiraux et des Gouverneurs, dossier: 12.467, tài liệu đã dẫn.
[7] Dẫn theo André Masson, Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888), Paris, 1929, tr. 56.

TS. Đào Thị Diến

https://archives.org.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4799

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Diễn biến cuộc tấn công thành Hà Nội lần II năm 1882

Diễn biến cuộc tấn công thành Hà Nội lần II năm 1882

  • 03/10/2022 10:00
  • 2673

Một điểm dễ nhận thấy khi nghiên cứu những tài liệu về cuộc tấn công thành Hà Nội lần II, đó là các cụm từ “chiếm lấy Hải quan ở Hải Phòng”; “chiếm quyền quản lý ngành thuế quan”; “thay đổi về vai trò quản lý ngành thuế quan”, “kiểm soát thuế quan”, “chính các quan lại An-nam kiểm soát sự thu nhập còn nhân viên của chúng ta thì giữ tiền”; “thuế quan trong tay chúng ta” … lặp đi lặp lại trong báo cáo của Rivière đã chứng minh cho mục đích đánh chiếm thành Hà Nội của thực dân Pháp, đó là Pháp nhìn thấy ở Bắc Kỳ một tiềm năng khai thác lớn về kinh tế, nhất là con đường thương mại qua sông Hồng.