Một điểm dễ nhận thấy khi nghiên cứu những tài liệu về cuộc tấn công thành Hà Nội lần II, đó là các cụm từ “chiếm lấy Hải quan ở Hải Phòng”; “chiếm quyền quản lý ngành thuế quan”; “thay đổi về vai trò quản lý ngành thuế quan”, “kiểm soát thuế quan”, “chính các quan lại An-nam kiểm soát sự thu nhập còn nhân viên của chúng ta thì giữ tiền”; “thuế quan trong tay chúng ta” … lặp đi lặp lại trong báo cáo của Rivière đã chứng minh cho mục đích đánh chiếm thành Hà Nội của thực dân Pháp, đó là Pháp nhìn thấy ở Bắc Kỳ một tiềm năng khai thác lớn về kinh tế, nhất là con đường thương mại qua sông Hồng.
Tài liệu về diễn biến cuộc tấn công thành Hà Nội lần II được lưu trữ lại theo thứ tự thời gian gồm[1]:
1. Thư ngày 25-4-1882 của Henri Rivière gửi Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Villers báo tin đã chiếm được thành Hà Nội, phía Pháp có 4 binh lính bị thương không nặng, trong số đó có tiểu đoàn trưởng Villers. Mục đích tấn công thành Hà Nội cũng được Rivière bộc lộ rõ: “Tôi đã chiếm ngay thuế quan cho Kergaradec[2]. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ nên để chính quyền dân sự cho các quan triều đình. Tôi đã điều đình và đang thương lượng về điều này. Sẽ rất có lợi cho chúng ta và sẽ không có một khó khăn nào cả. Tôi cho rằng sự chiếm đóng Bắc Kỳ của chúng ta phải được thâu tóm bằng một nền đô hộ quân sự. Người ta từ từ thay đổi cuộc sống và tiền bạc, cũng như ảnh hưởng thì thuộc về chúng ta”[3]. 2. Báo cáo chi tiết số 611 của Rivière gửi Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp (HQTĐ) thuật lại chi tiết cuộc tấn công thành Hà Nội ngày 25-4-1882 và các sự kiện diễn ra tại Hà Nội trong các ngày 30-4; 6-5 và 13-5-1882. 3. Báo cáo ngày 26-4-1882 của đại úy hải quân Thomas, thuyền trưởng pháo thuyền Massue[4], về hoạt động tấn công thành Hà Nội và đề nghị tặng Huân chương quân nhân cho hạ sĩ thủy quân - pháo thủ Jean Mairie nhập ngũ ở Lorient, người đã chỉ huy bắn vào thành Hà Nội. “…Theo lệnh của Ngài[5], tôi đã chuẩn bị từ lúc 5h30 và đã tới giữ vị trí phía hạ lưu tàu Fanfave. Từ chỗ neo tàu, tôi đã nhìn thấy rõ cái tháp[6], vật cho điểm chuẩn tuyệt vời để điều chỉnh đường bắn. 8h45, cột cờ của khu Lãnh sự[7] không thấy có dấu hiệu của một lệnh khác, chúng tôi đã khai hỏa ở tầm 1550m, tiếp tục bắn cho tới lúc có dấu hiệu dừng lại và đã ngừng bắn lúc 10h45. Tổng cộng chúng tôi đã bắn 41 phát. Tôi chỉ có nhiệm vụ thực hiện và bản thân Ngài đã ghi nhận sự chính xác điều này, và tôi cũng mạo muội đòi hỏi lòng khoan dung của Ngài về hạ sĩ thủy quân, pháo thủ Jean Mairie, nhập ngũ ở Lorient, người đã chỉ huy bắn. Tôi xin đề nghị Ngài tặng cho viên hạ sĩ quan này một huân chương quân nhân. Anh ta đã làm tròn nhiệm vụ của một khẩu đội trưởng và người phụ trách quân khí từ 18 tháng nay và đã luôn tỏ ra hăng hái trong hai chức vụ đó của mình”[8]. Trong số những tài liệu này, đáng chú ý nhất là Báo cáo chi tiết số 611 của Rivière gửi Bộ trưởng Bộ HQTĐ Pháp được viết trong hai ngày (25-4 và 13-5-1882) về lực lượng tham gia, diễn biến cuộc tấn công thành Hà Nội lần II của quân đội Pháp và các sự kiện xảy ra sau đó tại Hà Nội.
Về số lượng pháo thuyền tham gia cuộc tấn công, Rivière cho biết để đối phó với “sự chuẩn bị phòng thủ ngày một gia tăng hơn” của quan quân triều Nguyễn ở Hà Nội, phía Pháp đã cho chở từ Hải Phòng về Hà Nội đạn dược, pháo phóng và các vũ khí khác của các tàu của Sư đoàn thuỷ quân, gồm các pháo thuyền “Drac”, “Hamelin”, “Parseval”, “Fanfare”, “Surprise”, “Massue” và “Carabine”; ngoài ra còn có hai tàu “Hải Phòng” và “Cửa Lạt” (là hai tàu hơi nước cũ của Sở Chỉ huy cảng Sài Gòn và của đội Hoàng gia). Trong thư, Rivière không che dấu sự “hãnh diện” về những sĩ quan và lực lượng tham chiến của quân đội Pháp, đó là De la Mure, đại uý chỉ huy tàu “Drac”, “một người có nhận thức rất đúng đắn và rất linh hoạt, một cố vấn tuyệt vời”, người đã mang lại cho Rivière “sự hỗ trợ tận tâm và thiết thực nhất”; đó là trung tá thuyền trưởng Gadaud và Crochet chỉ huy buồng lái tàu “Fanfare”, những người đã “bằng cách làm thay đổi độ mớn nước của tàu, tìm kiếm đường lạch, lợi dụng cả những trận mưa nhỏ” để có thể “chỉ mất có 3 ngày đi từ Hải Phòng đến Hà Nội qua con đường chưa thăm dò này”.
Về lực lượng quân lính và vũ khí tham chiến, Rivière viết: “Ngay chiều tối ngày 21, tôi phái tàu Cửa Lạt tới gặp thuyền trưởng De la Mure để ông ta cho đi từ Hải Phòng lên Hà Nội một đại đội đổ bộ 100 người của tàu “Hamelin”, “Parseval” và “Drac”, và 50 lính bộ binh đường thuỷ của phân đội đồn trú ở Hải Phòng.
Ngày 24-4, các đơn vị quân đội đã tới trên hai chiếc tàu nhỏ dưới sự chỉ huy của viên quản lý Boucart, một người hoạt bát và thông minh mà tôi luôn khen ngợi. Tiểu đoàn đổ bộ đặt dưới quyền chỉ huy của đại uý hải quân Fisschi, chỉ huy phó tàu “Hamelin” có các sĩ quan thiếu uý hải quân Chapelle của tàu “Parseval” và thiếu uý hải quân Bladou của tàu “Drac”. Một nửa số lính bộ binh đường thuỷ do trung uý Montognault chỉ huy. Tôi có 450 lính bộ binh đường thuỷ, 20 pháo thủ của pháo binh thuỷ chiến với 3 khẩu pháo 40ly, 20 pháo thủ bản xứ, 130 lính thuỷ, 1 khẩu pháo 120ly và 1 khẩu pháo 40ly của khu nhượng địa[9], 2 khẩu pháo 40ly được mang đến từ các tàu “Tilsitt”, “Fanfare”, “Carabine” và “Massue”…”. Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ hai 1882. Đánh chiếm Cửa Bắc. Ảnh minh họa trong André Masson, Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888), Paris, 1929.
Diễn biến của cuộc tấn công thành Hà Nội lần II được Rivière mô tả lại chi tiết như sau: “Trận pháo kích của các tàu “Fanfare”, “Massue” và “Carabine” bắt đầu từ 8h15 và kết thúc vào 10h15. Các tàu chiến này, ngay từ 5h sáng, đã tới điểm tấn công ở thượng lưu sông[10], gần như đối diện với cửa Bắc. Mặt thành phía Bắc là nơi chúng tôi tấn công.
Một trận tấn công dữ dội vào cửa Bắc với hoả lực của các pháo thủ cửa Bắc ở pháo đài phía Bắc - Đông, một hoả lực khác của các pháo thủ cửa Bắc ở pháo đài phía Bắc - Tây, và ở pháo đài liên tháp của pháo đài phía Bắc - Tây, hàng trăm binh lính và các thuỷ thủ sau khi trèo bằng thang lên và chiến đấu ngay trên mặt thành ở cửa Bắc, cuối cùng chúng tôi đã mở được cổng thành. Ở cửa Đông, phải có một cuộc tấn công giả của đại đội bộ binh đánh thuỷ, được yểm trợ bởi khẩu pháo 12ly cầm tay và do các lính thuỷ trang bị.
8h15, trận pháo kích bắt đầu. Đến tận 9h15, cuộc chiến đấu diễn ra chủ yếu ở cửa Bắc và các tháp canh bên phải và bên trái và hoàn toàn không lan sang mặt Đông, có thể đánh tới nếu kéo dài đường tấn công. Điều đó đã cho phép đại đội 29 của trung đoàn 2 bộ binh đường thuỷ của đại uý Retrouvey hành quân ngay từ 8h ở cửa Đông cùng với khẩu pháo 120ly đã được giao cho thiếu uý hải quân Bladou và 12 lính thuỷ, bắt đầu tấn công từ 8h30 vào cửa gần với khu nhượng địa.
Từ 9h15 đến 10h15, đường bắn của các tàu có đặt pháo phải chuyển hướng vào các công sở chính trong thành, và hơi ra phía ngoài cửa Bắc để không phải bắn vào các đơn vị của chúng ta có mặt ở địa điểm tấn công vào lúc gần 9h30.
Từ 7h45, các đội quân đã xuất phát, đầu tiên là đại đội của Retrouvey cùng khẩu pháo 120ly có nhiệm vụ tấn công cửa Đông.
Rồi lần lượt tiếp sau đó, và đi theo một con đường dọc bờ sông, qua các khu người Hoa, lại đi theo con đê dọc theo sông ở phía Bắc. Tuyến đường này mà chúng tôi đã nhận ra chỉ có những căn nhà gianh kéo dài hai bên những con đường ở phía dưới đê và nhiều cây cối rậm rạp và chỉ mất có 1 tiếng hoặc 1 tiếng rưỡi để băng qua.
Đội pháo hải quân 3 khẩu 40ly của trung tá Deviternes được sự hộ tống của 50 lính bộ binh đường thuỷ và 20 lính bộ binh người bản xứ của trung tá Dain.
Đội pháo này phải đi tới một vị trí đặt pháo nền đất có sẵn hơi cao hơn toà thành, cách khoảng 800m, và từ nơi đó nó phải góp phần pháo kích bắn sạt công sự liên tháp phía Bắc - Tây, phá tan các khẩu pháo nguy hiểm và bắn vào các kho thuốc súng. Thực vậy đội này bắt đầu bắn vào khoảng 9h15 và ngay từ những phát súng đầu tiên đã làm nổ tung một kho thuốc súng.
Đi sau đơn vị pháo của Deviternes và đội quân yểm trợ là 50 lính pháo binh có nhiệm vụ phải chiếm được vị trí ẩn náu ngay phía trước thành liên tháp phía Bắc - Đông cho đến khi họ hỗ trợ được cuộc tấn công ở cửa Bắc.
Đội quân trèo tường thành xông lên ngay theo đó. Đội quân này gồm 50 lính thuỷ đánh bộ của đại đội 31 thuộc trung đoàn 2 dưới sự chỉ huy của đại uý Martin cùng trung uý và thiếu uý Comte và Chenagon; 50 lính thuỷ của các pháo thuyền “Hamelin” và “Parseval” do đại uý hải quân Thesmar và thiếu uý hải quân Chapelle của “Parseval” chỉ huy.
Đội quân trèo tường này được trang bị một nửa là súng lục, và 40 cái thang bằng tre dài 6m. Ngoài ra họ còn mang theo một khẩu pháo 40ly được giao cho 10 lính thuỷ cùng chuyển qua bức tường thành; trong khi chờ đợi để tìm được một vị trí thuận lợi, và nếu tìm được vị trí này thì họ sẽ cùng tham gia vào cuộc pháo kích cùng với các khẩu pháo của trung tá Deviternes. Và thực vậy, ngay từ 9h15, khẩu pháo 40ly này đã phối hợp nổ súng.
Cánh quân dự phòng thứ nhất có hơn 100 lính cùng với thuyền trưởng Chanu, thuyền trưởng Villers, đại uý công binh Dupommier, 2 lính công binh, 3 thuỷ thủ chuyên trách thuốc nổ của tàu “Hamelin” cùng với khối thuốc nổ mà tôi đã giao cho họ và hai khẩu pháo 40ly, một được trang bị cho lính thuỷ, một được trang bị cho lính thuỷ đánh bộ, theo lệnh của thiếu uý hải quân Thomine, đã tới ngay sau đội quân trèo tường.
Cánh quân dự phòng thứ nhất này phải tụ tập ở xung quanh luỹ hình bán nguyệt của cửa Bắc, sau đó tấn công mạnh vào cổng thành trong lúc đội trèo tường xông vào liên tháp phía Bắc - Tây.
Trong khi chờ đợi cánh quân dự phòng này đến nơi, các khẩu pháo của Thomine đã chiếm lĩnh vị trí để pháo kích các khẩu pháo nguy hiểm và bắn sạt các thành liên tháp.
Đúng 8h, ông Tổng đốc đã không đến nộp mình, tôi đã ra đi cùng ngài Lãnh sự Kergaradec và thượng sĩ của sư đoàn Marolles cùng 40 lính thuỷ theo lệnh của phó chỉ huy tàu “Hamelin” là đại uý hải quân Fiaschi.
Cánh quân dự phòng thứ hai có cùng nhiệm vụ cùng với cánh quân thứ nhất tấn công quyết liệt vào cửa Bắc.
Phần lớn nhất của quãng đường đi đối với các phân đội khác nhau đó được tiến hành không có trở ngại gì, dưới sự che chở của các phố và các nhà lợp gianh. Chỉ có ở hai nơi, binh lính đã vượt qua góc vuông trên một khoảng rộng vài mét dưới làn đạn trong thành bắn ra. Ở đó chỉ có hai hoặc ba phát đạn pháo và vài phát đạn súng trường nhưng không gây tác hại gì. Tuy nhiên, tới gần các toán quân, từ phía cửa Bắc, người An-nam đã ném nhiều ngòi nổ thiêu cháy các túp lều gianh, chỉ một ngôi hoặc từng dãy[11]. Những lều gianh này, có nghĩa là cả thành phố, trải dài khắp các phía đến tận chân toà thành. Ở cửa Đông, các ngòi nổ này đã gây nên một đám cháy thực sự buộc khẩu pháo 120ly cùng đạn dược phải chuyển vị trí. Khoảng 9h15, tất cả các toán quân đã vào vị trí, chờ đợi giờ phút tấn công, và các khẩu pháo của Deviternes và Thomine cũng như khẩu 40ly của đội quân trèo tường đều tham gia trận pháo kích. Vào khoảng 10h, đội pháo của Deviternes bắt đầu hành quân về cửa Bắc mà nó có nhiệm vụ phối hợp tấn công. Tuy nhiên, để có đủ thời gian tới kịp và vì các thành liên tháp hình như chưa bị phá huỷ đúng với yêu cầu, thuyền trưởng Chanu và tôi cho rằng cần phải kéo dài trận oanh tạc thêm nửa tiếng nữa. Thông báo đó đã được phát đi từ ngoài để truyền đến cho đội quân trèo tường của Martin Thesmar.
10h45, trận pháo kích chấm dứt. Đội quân trèo tường dùng thang trèo lên bên cạnh pháo đài phía Bắc - Tây, và với hai cánh quân dự bị cùng các khẩu pháo của Deviternes và Thomine, chúng tôi tấn công luỹ hình bán nguyệt của cửa Bắc. Cửa luỹ hình bán nguyệt chắc, trụ lại sức công phá của các chiếc rìu, chúng tôi phải làm nó bật ra bằng một phát pháo. Các khẩu pháo được chuyển gấp tới trước cửa Bắc và nổ súng công phá cùng các pháo binh dàn trận. Lúc sắp vào đến cửa Bắc, chúng tôi nhìn thấy đội quân trèo tường chạy ào đến từ phía bên phải trên tường thành (…). Tuy vậy cánh cửa thành lúc đó ở phía bên trong được chèn chặt với các phiến gỗ lớn, phải có một khối thuốc nổ lớn để phá tung mới mở đường vào được.
Thành đã bị chiếm.
Chúng tôi có 4 người bị thương: tiểu đoàn trưởng de Villers bị thương nặng ở đầu gối ngay từ đầu cuộc tấn công bởi một viên đạn lạc, hai lính Houseyer và Lanore bị đạn vào đầu, nhưng không nặng lắm, hạ sĩ Gros Jean bị một viên đạn vào đùi.
Chúng tôi đếm có 40 người chết trong số người An-nam và 20 người bị thương đã được mang về cứu chữa.
Số bị thương đáng lẽ còn nhiều hơn, nhưng tất cả những tên có thể chạy được thì đã trốn thoát (…)
Sau 2 giờ nghỉ ăn trưa, tôi lập tức đặt toà thành trong tình trạng không thể phòng thủ được nữa. Các thuỷ thủ, từ cửa Bắc đến cửa Đông, và lính thuỷ đánh bộ từ cửa Bắc đến cửa Tây, đều vứt qua các ụ súng tất cả đại bác, giá súng và một số lớn thân cây to mà quân địch đã để sẵn ở trên thành để lăn xuống chúng tôi”. Mặc dù Rivière không báo cáo rõ các sự kiện xảy ra tiếp đó nhưng viên đại úy J. Petijean là người tham dự trận đánh đã thú nhận trong bức thư gửi về cho gia đình rằng: “Các binh lính của chúng ta đã thực hiện một cuộc tàn sát kinh khủng bằng lưỡi lê”[12]. Điều đó chứng tỏ đã có một trận chiến giáp lá cà ác liệt giữa hai bên tham chiến mà ưu thế dần dần ngả về phía quân Pháp. Cùng trong lá thư gửi Bộ trưởng Thuộc địa Pháp báo cáo về cuộc tấn công thành Hà Nội lần II còn có một số sự kiện quan trọng diễn ra ở Hà Nội ngay sau đó được Rivière viết trong các ngày 30-4; 6-5 và 13-5-1882.
“Ngày 30-4-1882.
Sáng ngày 26, người ta đã tìm thấy ở trong thành 15.000 đồng bạc Mễ Tây Cơ, và một số quan tiền chì và kẽm trị giá gần 67.000 francs Pháp.
Thuyền trường De la Mure đã cho chiếm lấy Hải quan ở Hải Phòng. Người ta đã tìm thấy ở đấy khoảng 1.000 nghìn đồng Đông Dương. Các giấy xác nhận chính xác sẽ được gửi kèm theo lá thư này.
Biện pháp đầu tiên của tôi, ngay từ ngày 25, là chiếm quyền quản lý ngành thuế quan. Thực ra là, tôi chỉ đưa vào việc quản lý này một thay đổi về vai trò. Cho đến hiện nay, chính các nhân viên của chúng tôi kiểm soát sự thu nhập còn các quan lại An-nam thì giữ tiền.
Bây giờ chính các quan lại An-nam kiểm soát sự thu nhập còn nhân viên của chúng ta thì giữ tiền. Điều này sẽ phù hợp hơn để nhanh chóng nhận được số tiền của chúng tôi vì họ còn nợ chúng tôi, theo tôi nghĩ là 70.000 trong năm 1881”[13]. Ngày 6-5-1882.
Tình trạng hoà bình có vũ trang được giữ tương đối tốt.
(…)
Tôi đã ra lệnh củng cố khu nhượng địa với các lô cốt ở các góc và các hàng rào vững chắc. Công việc được các phu tiến hành nhanh chóng dưới sự chỉ huy của đại uý công binh Dupommier, tôi đã tiêu vào đấy một phần tiền mà tôi đã tìm thấy ở trong thành. Thực ra tôi muốn công việc tiến hành thật nhanh.
Khu nhượng địa, nơi luôn luôn cần phải có ít nhất là 400 người, sẽ tránh được một cuộc đánh úp và nhất là đối với những cuộc báo động phiền nhiễu. Tôi không cho là chúng ta cần có đông người ở Bắc Kỳ, nếu chúng ta biết hạn chế những dự định của chúng ta ở nơi đây, nhưng cũng trong tình trạng hiện nay nhất thiết phải có 100 người ở Hải Phòng và 400 người ở Hà Nội. Để đưa quân lên Sơn Tây và đóng giữ Sơn Tây sau khi chúng ta chiếm được, cần có thêm 200 người nữa. Vì tôi còn có một đại đội lính đổ bộ 100 người rút ra từ các tàu “Tilsitt”, “Drac”, “Hamelin” và “Parseval”, qua lá thư ngày 26-4 gửi ngài Thống đốc, tôi chỉ yêu cầu tiếp thêm một nửa đại đội lính đánh bộ nữa mà thôi.
Như thế cũng sẽ chưa đủ.
Ở Hà Nội tôi có các tàu “Fanfare”, “Surprise”, “Massue”, “Carabine”, tàu “Hải Phòng” (trước kia là tàu của Sở Chỉ huy cảng) và tàu “Cửa Lạt” (trước kia là chiếc sà lúp của đội Hoàng gia). Tàu “Drac” với đoàn thuỷ thủ đã giảm bớt đang vào Sài Gòn là nơi nó vào đưa tin chiếm thành Hà Nội. Tôi đã đề nghị ngài Thống đốc gửi thêm cho tôi 100.000 đạn loại Gras, 150kg thuốc nổ và tàu “Yatagan” được hộ tống bởi tàu “Drac”. Sẽ không bao giờ có đủ pháo thuyền ở Bắc Kỳ, ảnh hưởng thực tế và thực sự của chúng ta là lá cờ hiệu của chúng ta xuất hiện trên các kênh, lạch và trên sông Hồng.
(…)
Trong tình trạng hiện nay, nếu các sự việc dừng lại ở đó và nếu có một hiệp ước mới, lần này nghiêm túc, tác động đến triều đình Huế, thì sẽ có quy định rõ về sự phá bỏ thành Hà Nội, giữ lại một đội quân đồn trú 600 người ở Hà Nội (400 người đóng ở Hà Nội, 200 quân trừ bị), quyền được thông thương ổn định đối với tàu thuyền của chúng ta, thuế quan trong tay chúng ta, về mặt thu, trừ việc người An-nam kiểm soát số thuế thu được, về số thuế sẽ không bị che giấu hoặc đánh lừa chúng ta. Tóm lại nền bảo hộ của chúng ta đã được thừa nhận và là thực tế ở Trung Kỳ hoặc ít ra là ở Bắc Kỳ
(…).
Ngày 13-5-1882.
Tàu “Parseval” đã tới bãi sông ở Huế ngày 7-5 và ngài Rheinart thông báo với tôi những gì đã xảy ra. Triều đình An-nam đã rất xúc động, nhưng cảm xúc dữ dội này đã không kéo dài lâu.
(…)
Tóm lại, tình hình của chúng ta là tốt, tôi hy vọng sẽ duy trì được như vậy, không cần quá sức cũng chẳng có phiền phức. Tình trạng vệ sinh y tế tuyệt vời. Vết đại bác trên cổng thành phía Bắc trong cuộc Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ hai ngày 25-4-1882. Ảnh sưu tầm.
Có hai nhân vật quan trọng trong hai cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội chống lại hai cuộc tấn công thành Hà Nội năm 1873 và 1882 của thực dân Pháp được giới nghiên cứu lịch sử của cả Việt Nam và phương Tây trân trọng nhắc tới là Khâm sai Nguyễn Tri Phương và Tổng đốc Hoàng Diệu. Sự hy sinh vì nghĩa lớn đối với dân tộc của hai vị quan triều Nguyễn đã để lại những dấu son trong lịch sử Hà Nội thời cận đại.
Tượng thờ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu trên Cửa Bắc. Ảnh sưu tầm.
Về phía Pháp, cho dù trong báo cáo của mình, Rivière có đề cập tới cái chết của Tổng đốc Hoàng Diệu: “Sáng ngày 26-4, chúng tôi biết được rằng ông Tổng đốc đã treo cổ tự tử. Đó là một người đàn ông điềm tĩnh và kiên quyết, và ông ta đã chết là một điều thuận lợi đối với chúng ta. Sự dũng cảm và ảnh hưởng của ông có thể gây nhiều trở ngại cho chúng ta... ” nhưng viên đại tá này vẫn không chịu nhận trách nhiệm mà đã dùng lời lẽ của kẻ xâm lược để biện minh cho hành động của mình. Trong lá thư gửi Thống đốc Nam Kỳ ngày 26-7-1882, Henri Rivière viết: “... chính những sự ngờ vực và vũ trang của ông Tổng đốc đã dẫn tôi đến việc chuẩn bị đối phó lại. Ông Tổng đốc là một người dũng cảm, ông ta đã chứng tỏ điều đó bằng cái chết, nhưng tôi nhìn nhận ông ta với tất cả lương tâm và tất cả sự chân thành, như là người chịu trách nhiệm về các sự kiện, bởi vì tôi không phải là người gây ra những sự việc này”[15]. Tuy nhiên, luận điệu của kẻ xâm lược này đã bị đại tá Pháp Gosselin vạch trần sau đó hai thập kỷ: “Tôi kính trọng những người ngày nay không còn nữa, ngưỡng mộ những người đã dũng cảm ngã xuống[16]. Nhưng họ đã gieo gió thì phải gặt bão. Như một định mệnh, cuộc phiêu lưu của họ đã kết thúc tồi tệ cũng như đã bắt đầu tồi tệ một cách bất chính. Người ta đã chà đạp lên luật pháp khi tấn công những người An-nam, đến lúc những người đó sau cơn hoảng hốt tiến hành tự bảo vệ, thì người ta lại kêu la lên rằng họ là những tên sát nhân...”[17]. Một điểm dễ nhận thấy khi nghiên cứu những tài liệu này, đó là các cụm từ “chiếm lấy Hải quan ở Hải Phòng”; “chiếm quyền quản lý ngành thuế quan”; “thay đổi về vai trò quản lý ngành thuế quan”, “kiểm soát thuế quan”, “chính các quan lại An-nam kiểm soát sự thu nhập còn nhân viên của chúng ta thì giữ tiền”; “thuế quan trong tay chúng ta” … lặp đi lặp lại trong báo cáo của Rivière đã chứng minh cho mục đích đánh chiếm thành Hà Nội của thực dân Pháp mà chúng tôi nêu rõ trong bài 1, đó là Pháp nhìn thấy ở Bắc Kỳ một tiềm năng khai thác lớn về kinh tế, nhất là con đường thương mại qua sông Hồng. Cho dù là những chứng cứ chân thực nhất phản ánh về lực lượng tham gia và diễn biến cuộc tấn công thành Hà Nội lần II của quân đội Pháp năm 1882 nhưng những tài liệu được nêu trong bài viết này vẫn chỉ là một nửa sự thật. Bởi những tài liệu này không phản ánh được tinh thần chiến đấu dũng cảm để bảo vệ thành của quân và dân Hà Nội. Tinh thần bất diệt đó đã được phản ánh trong một số tác phẩm như “Hợp tuyển thơ văn Việt Nam 1858-1920”[18], “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX”[19]... và gần đây nhất là trong “Lịch sử Thăng Long Hà Nội”[20]. Cuộc chiến đấu dũng cảm của quân và dân Hà Nội bảo vệ thành sẽ mãi mãi là bản hùng ca bất hủ, là những trang sử rực rỡ của Hà Nội thời cận đại. Tài liệu tham khảo:
1. Tài liệu lưu trữ.
- TTLTQG I, Fonds des Amiraux et des Gouverneurs.
- Archives Nationales d’outre mer (ANOM), Fonds des Amiraux et des Gouverneurs.
2. Sách
- Hợp tuyển thơ văn Việt Nam 1858-1920, Nxb Văn học, Hà Nội, 1984.
- Nguyễn Văn Uẩn, Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, 2 tập, Nxb Hà Nội, 2010.
- Phan Huy Lê (Chủ biên), Lịch sử Thăng Long Hà Nội, tập 2, Nxb Hà Nội, 2012.
[1] Những tài liệu này thuộc Fonds des Amiraux et des Gouverneurs, dossier: 12.467 (bản gốc lưu tại Pháp, bản sao lưu tại TTLTQG I).
[2] Kergaradec: thiếu tá hải quân, Lãnh sự đầu tiên của Pháp tại HN. [3] Câu này ám chỉ triều đình và người dân bản xứ phải thay đổi (cuộc sống và tiền bạc) còn thực dân Pháp là kẻ được hưởng kết quả của sự thay đổi đó. [4] Một trong ba pháo thuyền lớn của sư đoàn NK tham gia cuộc tấn công thành Hà Nội lần II năm 1882. [6] Cột cờ trong thành Hà Nội. [7] Lãnh sự Pháp được đặt ra theo Công ước về việc Pháp rút quân khỏi BK sau cuộc tấn công thành Hà Nội lần I ký ngày 6-2-1874. Điều 9 của Công ước quy định chính phủ An-nam sẽ nhường “một khoảng đất trên bờ sông để xây dựng chỗ ở cho vị Công sứ Pháp và cho binh lính đội hộ vệ”, đó chính là khu nhượng địa mà diện tích được quy định trong điều khoản phụ kèm theo. Tòa lãnh sự Pháp nằm ở phía bắc khu nhượng địa, là một công trình kiến trúc hai tầng, kiên cố được xây dựng theo phong cách cổ điển Paris mà những năm sau các Thống sứ và Toàn quyền Pháp cũng từng ở. Công sứ - lãnh sự Pháp đầu tiên ở HN là Rheinart, tiếp đó là Kergaradec (bổ nhiệm năm 1875). [8] Bản gốc được viết tay trên giấy trắng, khổ rộng 21x29,5 cm lưu tại Fonds des Amiraux et des Gouverneurs (Archives Nationales d’outre mer - ANOM). TTLTQG I không có bản sao. [9] Khu nhượng địa là nơi để “xây dựng một ngôi nhà cho viên Công sứ và đội hộ vệ ở ngoài tòa thành bên bờ sông” theo Công ước về việc Pháp thỏa thuận rút khỏi HN ngày 6-2-1874. Tại điều khoản phụ kèm theo Công ước này, diện tích của khu nhượng địa được ấn định là 5 mẫu (2,5ha) nhưng trên thực tế diện tích khu này đã tăng lên gấp hơn 7 lần (18ha), gồm các phường Thủy Cơ (Vạn Chài), Trúc Võng, Bến Dương và Tự Nhiên của huyện Thọ Xương. Theo Phan Huy Lê (Chủ biên), Lịch sử Thăng Long Hà Nội, tập 2, Nxb Hà Nội, 2012 thì “Đó là một khoảng đất rộng hình chữ nhật nằm dọc, có các cạnh dài hai bên là con đê trong (các đại lộ Lê Thánh Tông và Trần Thánh Tông ngày nay) và bờ sông Hồng; các cạnh ngắn trên dưới là các con đường được đắp cao (ngày nay là đạo đầu phố Tràng Tiền cho đến phố Nguyễn Công Trứ) chưa kể đến một nghĩa địa Tây rộng hơn 1ha nằm sát về phía Nam”. [11] Theo Nguyễn Văn Uẩn, Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, tập 1, Nxb Hà Nội, 2010, tr. 251 thì “Lục quân Pháp từ lối sông tiến vào Cửa Bắc, nhưng những nhà tranh bên dãy phố Hàng Than, Hàng Bún bị đốt cháy, khỏi lửa mù mịt, cản bước đi của chúng”. [12] Cosserat, Lettres du Capitaine d’infenterie de Marine J. Petijean-Roger (1880-1885), Bulletin des Amis du Vieux de Hue, 1932, tr. 304. Dẫn theo Phan Huy Lê (Chủ biên), Lịch sử Thăng Long Hà Nội, tập 2, Nxb Hà Nội, 2012, tr. 67. [13] Số tiền triều đình Huế phải “bồi thường chiến tranh” cho quân Pháp theo “Hiệp ước Hoà bình và Hữu nghị” ký ngày 9-5 năm Nhâm Tuất tức năm Tự Đức thứ 15 (ngày 5-6-1862). [14] Fonds des Amiraux et des Gouverneurs, dossier: 12.467 (bản gốc lưu tại Pháp, bản sao lưu tại TTLTQG I). [15] Fonds des Amiraux et des Gouverneurs, tài liệu đã dẫn. [16] Điều này ám chỉ những binh lính Pháp đã tham gia trận tấn công thành Hà Nội cuối thế kỷ XIX. [17] Chesneaux, Contribution à l’histoire de la nation vietnamienne, Edition Sociales, Paris, 1955, tr. 128. Dẫn theo Phan Huy Lê (Chủ biên), Lịch sử Thăng Long Hà Nội, tập 2, Nxb Hà Nội, 2012, tr. 61. [18] Nxb Văn học, Hà Nội, 1984. [19] Nguyễn Văn Uẩn, Nxb Hà Nội, 2010. [20] Phan Huy Lê (Chủ biên), tập 2, Nxb Hà Nội, 2012. TS. Đào Thị Diến