Cuộc tấn công thành Hà Nội lần II năm 1882 của thực dân Pháp, về bản chất vẫn cùng mục đích với cuộc tấn công lần I diễn ra 9 năm về trước, đó là thôn tính bằng được Bắc Kỳ. Tuy nhiên, do tình hình nước Pháp có nhiều biến động nên để đạt được mục đích ấy, Pháp buộc phải thay đổi ý đồ chiến lược.
Cuộc tấn công thành Hà Nội lần II năm 1882 của thực dân Pháp, về bản chất vẫn cùng mục đích với cuộc tấn công lần I diễn ra 9 năm về trước, đó là thôn tính bằng được Bắc Kỳ. Tuy nhiên, do tình hình nước Pháp có nhiều biến động nên để đạt được mục đích ấy, Pháp buộc phải thay đổi ý đồ chiến lược.
Trong cuộc tấn công thành Hà Nội lần I, giới cầm quyền Pháp ở Chính quốc còn do dự trong việc thôn tính Bắc Kỳ nhưng sau chiến tranh Pháp - Phổ và dưới nền Đệ tam cộng hòa của Tổng thống Jules Grévy cùng những Thủ tướng theo phái “diều hâu” như Jules Ferry[1], Léon Gambetta[2] và Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa Jean Bernard Jauréguiberry[3], vấn đề mở rộng thuộc địa, trong đó có xứ Bắc Kỳ đã trở thành nổi bật trong chính sách đối ngoại. Khi Gambetta khẳng định: “Xứ Bắc Kỳ, đó chính là tương lai thực sự của nước Pháp”[4] thì Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Villers[5] ở Sài Gòn liền phụ họa: “Trái cây đã chín rồi, đã đến lúc chúng ta phải hái nó. Nếu không, những kẻ khác sẽ nhặt mất hoặc nó sẽ bị tiêu tan đi…Chúng ta buộc phải chiếm cứ cơ sở trong thành Hà Nội, nắm lấy quyền cai trị thành phố và vùng ngoại ô…”[6].
Bản đồ phủ Hoài Đức tỉnh HN và thành HN 1882. Ảnh sưu tầm.
Cầu Giấy cuối thế kỷ XIX. Ảnh của Docteur Hocquart trong “Une campagne au Tonkin”, 1892.
Tuy nhiên, muốn thực hiện ý đồ đó, Pháp thừa biết rằng phải có “cớ”, và điều đó được một quan chức trong chính quyền thuộc địa ở Nam Kỳ là Paul Vial bộc lộ: “Việc kiếm cớ thì chúng ta chẳng bao giờ thiếu”[7]. Nếu trong cuộc tấn công lần I, lấy lý do “giải quyết vụ lái buôn Jean Dupuis gây ra ở Hà Nội” thì trong lần II, Pháp dựa vào điều 2 và 3 của Hiệp ước 1874, trong đó quy định: “nhà Vua An-nam có chủ quyền độc lập hoàn toàn đối với mọi cường quốc bên ngoài”; “có chính sách đối ngoại phù hợp với chính sách của Pháp”; “Pháp có trách nhiệm giúp triều đình duy trì trật tự và sự bình yên, dẹp giặc giã…”, cụ thể là các toán quân Cờ Đen ở vùng thượng du và trung du Bắc Kỳ đã tấn công đoàn thuyền của hai người Pháp ở gần Lào Cai năm 1881.
Ngày 13-3-1882, Thống đốc Nam Kỳ Villers gửi thư cho vua Tự Đức phản kháng vụ quân Cờ Đen và nêu thêm: “Thủ lĩnh của toán giặc Trung Hoa là Lưu Vĩnh Phúc đã ngăn cản ông Champeaux, lãnh sự Hải Phòng và ông Fuchs, kỹ sư trưởng hầm mỏ, không cho họ tiếp tục cuộc hành trình và còn đe dọa họ.…Tôi rất tiếc phải bắt buộc sử dụng đến những biện pháp phòng ngừa để bảo vệ an toàn cho kiều dân của chúng tôi”[8]. Để thực hiện “cớ” đã nêu, Villers đã chọn đại tá hải quân Henri Rivière[9] chỉ huy một đạo quân viễn chinh gồm 230 người ra Hà Nội, rời cảng sài Gòn ngày 26-3-1882 với lời cam kết: “Nếu ông cần đến những lực lượng bổ sung, ông cứ yêu cầu và tôi sẽ đáp ứng ngay tức khắc”[10]. Chân dung Henri Rivière năm 1883 trước khi bị quân Cờ đen giết chết ở Cầu Giấy. Ảnh sưu tầm.
Ngôi mộ của Henri Rivière ở gần Cầu Giấy được xây khoảng năm 1884, sau khi tìm thấy thi thể không lành lặn của Henri Rivière ngày 8-10-1883 và được đưa về mai táng trong khu nhượng địa. Sưu tập của Dieulefils. Ảnh sưu tầm.
Sự thật về cái “cớ” để tấn công thành Hà Nội lần II đã được bộc lộ rõ trong tối hậu thư ngày 25-4-1882 của Rivière gửi Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu[11]:
“Thưa Ngài Tổng đốc,
Ngay khi tới nơi, tôi đã cho nói với Ngài và tôi đã viết thư cho Ngài về những ý định của nước Pháp khi phái các đội quân ra Hà Nội. Nước Pháp muốn ở trong một tình trạng tốt hơn để bảo vệ người dân nước mình và những người dân của mình đang đi xa chống lại quân Cờ đen. Trong việc làm này không có gì ngoài tình bạn và sự tin tưởng của nước Pháp vào triều đình An Nam.
Ngài đã trả lời những thông tin của tôi như thế nào? Bằng sự nghi ngờ và sự xung đột.
Ngay sáng hôm chúng tôi tới, Ngài đã cho đóng cửa thành trước các sĩ quan của tôi đang tự do qua lại thành phố. Trong cuộc viếng thăm Ngài, tôi đã tuyên bố một cách lịch sự chống lại giải pháp này, tuy nhiên Ngài vẫn cứ tiếp tục.
Ngài đã không đáp lại sự viếng thăm của tôi.
Ngài bắt đầu xây dựng các công trình phòng thủ ngay lập tức và thúc đẩy những công việc này mỗi ngày một thêm mạnh mẽ, một cách kém nguỵ trang và hiển nhiên hơn trong con mắt của chúng tôi.
Trong hai lần cách nhau vài ngày khi ông Quan án và Tuần phủ đến thăm tôi, tôi đã nhờ họ nói lại với Ngài rằng tôi không bằng lòng với các công trình này của toà thành.
Đó là một lời cảnh cáo thân thiện mà tôi gửi cho Ngài. Ngài đã không thèm đếm xỉa đến lời cảnh cáo của tôi, các công trình phòng thủ đó vẫn được tiếp tục và ngày càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.
Tình trạng này, thưa Ngài Tổng đốc, không thể được kéo dài. Toà thành từ nay sẽ trở thành một mối nguy cơ cho quân đội chúng tôi, tình trạng đó cần phải chấm dứt.
Vậy thì bây giờ hãy nghe những lời tôi nói với Ngài:
Giải pháp mà tôi sẽ tiến hành là một cách hoà giải nhằm làm cho mối tranh chấp hiện nay không bị tăng lên giữa hai chính phủ.
Tôi đề nghị Ngài giao nộp thành cho tôi với những điều kiện mà tôi sẽ nói với Ngài.
Nhằm mục đích đó, ngay ngày hôm nay và sớm nhất sau khi nhận được lá thư này, Ngài hãy ra lệnh cho quân của Ngài rút ra khỏi thành, sau khi đã hạ vũ khí và mở cổng thành; và để đảm bảo cho lệnh này sẽ được thực hiện, Ngài sẽ tới nộp mình với tôi, cùng các quan Tuần phủ, Bố chánh, Án sát, Đề đốc, Chánh và Phó Lãnh binh vào đúng 8h sáng ngày hôm sau.
Thời hạn ngắn, nhưng thời gian tương đối dài để Ngài có thể nhìn thấy trước được những hậu quả sẽ xẩy ra, tránh cho Ngài khỏi ngạc nhiên.
Tôi sẽ chờ Ngài ở nhà vào lúc 8h sáng.
Binh lính của tôi sẽ chờ đợi sự đồng ý của Ngài và không có một sự kháng cự nào chống lại việc chiếm thành.
Tôi tự dành cho mình quyền tiến hành trong thành những việc làm theo tôi là thích hợp để quân lính của tôi từ nay không bị hại.
Nhưng, sau khi đã thực hiện cách xếp đặt cần khoảng ba ngày này, tôi cam kết sẽ trả lại cho Ngài toà thành cùng kho tàng, công sở, nơi ở và phần lớn các khu vực khác trong thành.
Không có gì thay đổi trong nội chính của tỉnh, việc điều hành tỉnh sẽ tiếp tục thuộc chính phủ của nhà vua nước Nam.
Chỉ riêng toà thành vẫn luôn thuộc về các Ngài, nó sẽ không còn là vấn đề để chúng tôi lo lắng nữa.
Nếu Ngài chấp nhận những điều kiện này, sự hoà hợp tốt đẹp sẽ được lập lại giữa chúng ta và sự viếng thăm của Ngài ở Lãnh sự quán vào lúc 8 giờ sẽ chứng minh rằng Ngài muốn hoà bình và sự hữu nghị.
Nhưng nếu đúng 8 giờ, Ngài không đến Lãnh sự quán gặp tôi cùng với tất cả các quan lại nêu trên để tôi biết rằng Ngài đã chấp nhận các điều kiện của tôi, quân đội của tôi sẽ tấn công thành ngay lập tức.
Ký tên: H. Rivière”[12].
Nội dung bản tối hậu thư này một mặt cho thấy âm mưu thâm độc của Pháp trong việc tìm mọi cách chiếm Hà Nội, mặt khác chứng tỏ bản lĩnh của Tổng đốc Hoàng Diệu trong việc chỉ huy quân dân Hà Nội kháng cự quyết liệt chống lại quân đội xâm lược Pháp, quyết không đầu hàng giặc cướp nước.
Chân dung Tổng đốc Hoàng Diệu. Ảnh sưu tầm.
Có thể nói rằng, những sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian nêu trên chính là “khúc dạo đầu” trong bản “hùng ca”[13] của kẻ xâm lược. Hà Nội đứng trước một biến cố lớn, đầy đau thương mà lịch sử Việt Nam thời cận đại đã ghi nhận. Tài liệu tham khảo:
1. Tài liệu lưu trữ.
- TTLTQG I, Fonds des Amiraux et des Gouverneurs.
2. Sách.
- Bonnal R., Au Tonkin: Notes et souvenirs 1872-1881-1886, Édition de la Revue Indochinoise, Hanoi 1925.
- Hocquart, Une campagne au Tonkin, (1884-1885)
- Masson A., Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888), Paris, 1929.
- Officiers de l’Etat Major, Histoire militaire de l’Indochine des débuts à nos jours (janvier 1922). IDEO, Hanoï, 1922.
- Taboulet G., La geste française en Indochine, Tome II, Paris, 1956.
- Vial P., Nos premières années au Tonkin, Challamel, Paris 1889.
- Đinh Xuân Lâm (Chủ biên), Hà Nội trong cuộc vẫn động giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX, Nxb Hà Nội, 2010.
- Nguyễn Văn Uẩn, Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, tập 2, Nxb Hà Nội, 2010.
- Phan Huy Lê (Chủ biên), Lịch sử Thăng Long Hà Nội, tập 2, Nxb Hà Nội, 2012.
[1] Thủ tướng Đệ tam CH Pháp, giữ chức vụ trong hai nhiệm kỳ 1880-1881 và 1883-1885.
[2] Thủ tướng Đệ tam CH Pháp, giữ chức vụ nhiệm kỳ 1881-1882. [3] Giữ chức Bộ trưởng từ 30-1-1882 đến 29-1-1883. [4] Taboulet G., La geste française en Indochine, Tome II, Paris, 1956, tr. 757. [5] Charles Le Myre de Vilers: sinh ngày 17-2-1833 tại Vendôme Loire-et-Cher (Pháp), mất ngày 9-3-1918 tại Paris; chính trị gia và nhà ngoại giao người Pháp; Thống đốc dân sự đầu tiên tại Nam Kỳ ngày 13-5-1879 đến tháng 11-1882; có thời gian kiêm Tổng Trú sứ Trung Kỳ. [6] Taboulet G., La geste française en Indochine, Sđd, tr. 763. [7] Taboulet G., La geste française en Indochine, Sđd, tr. 768. [8] Taboulet G., La geste française en Indochine, Sđd, tr. 766. [9] Henri Laurent Rivière: sinh ngày 12-7-1827 tại Paris, là một sĩ quan hải quân và một nhà văn, nhà báo người Pháp, bị giết trong trận đánh nhau với quân Cờ Đen ngày 19-5-1883 tại làng Dịch Vọng (thôn Trung), nay là đường Cầu Giấy thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, HN. [10] Vial P., Nos premières années au Tonkin, Challamel, Paris 1889, tr. 127. [11] Tổng đốc Hoàng Diệu: tự là Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai tên thật là Hoàng Kim Tích, sinh ngày 10-2 năm Kỷ Sửu (14-3-1829) tại làng Xuân Đài, xã Điện Quang, nay là thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tuẫn tiết ngày 25-4-1882 tại Võ Miếu vì không muốn rơi vào tay giặc Pháp trong cuộc chiến đấu không cân sức với quân Pháp để bảo vệ thành Hà Nội. Ngay hôm sau, quan tài của Hoàng Diệu đã được đưa từ trong thành ra, được tổ chức khâm liệm và mai táng tại khu vườn Dinh Đốc học (nay là địa điểm khách sạn Royal Star ở đường Trần Quý Cáp cạnh chợ Ngô Sỹ Liên ở sau ga Hà Nội). Hơn một tháng sau thi hài của Ông được các con đưa về an táng ở quê. Khu lăng mộ Hoàng Diệu được công nhận là một di tích lịch sử - văn hóa của Việt Nam theo quyết định ngày 25-1-1994 của Bộ Văn hóa Thông tin. [12] Tối hậu thư này cũng được Rivière nhắc tới trong thư số 603 viết ngày 25-4-1882 gửi Thống đốc Nam Kỳ de Vilers. Fonds des Amiraux et des Gouverneurs, dossier: 12.467. Tài liệu đã dẫn. [13] Từ dùng của Georges Taboulet trong “La geste française en Indochine”. TS. Đào Thị Diến