Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/04/2022 09:59 3369
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Báo « Le Paria » ra số đầu tiên tại Pari ngày 1/4/1922, tồn tại cho đến tháng 4/1926. Báo ra được 38 số. (Le Paria vẫn được dịch là Người cùng khổ, nhưng tên viết bằng chữ Hán đầu báo là Lao động báo). Với nội dung chống chủ nghĩa thực dân, kêu gọi đoàn kết các dân tộc thuộc địa, với mục tiêu tôn chỉ là « vũ khí chiến đấu với sứ mạng đã rõ ràng là giải phóng con người » (Lời kêu gọi nhân báo ra số đầu).

 
Báo Le Paria (Người cùng khổ) số 2 ra ngày 01/5/1922, cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản tại Pari (bản scan trưng bày tại phòng số 3, hệ thống trưng bày cận - hiện đại, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Để có thể thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của nhân dân các thuộc địa, để có một bộ tham mưu tổ chức và lãnh đạo thống nhất cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở các thuộc địa, được sự đồng tình và ủng hộ của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã cùng với đại biểu thuộc địa của Pháp đứng ra vận động thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa - một hình thức mặt trận của các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân Pháp thống trị, liên minh với giai cấp vô sản ở chính quốc cùng đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.

Sau nhiều lần gặp gỡ trao đổi, cuộc họp ngày 26/6/1921 của các chiến sĩ chống chủ nghĩa thực dân Pháp ở nhiều nước đang sinh sống ở Pari đã bàn việc thành lập hội, xây dựng chương trình, điều lệ và cử Ban Chấp hành. Ngày 20/7/1921, Ban Chấp hành hội đã thông qua các văn bản và nộp Điều lệ hội cho nhà chức trách xin cấp phép hoạt động. Cuộc họp ngày 28/5/1922 thông qua Tuyên ngôn của hội do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và nhấn mạnh: "Chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em. Hội Liên hiệp thuộc địa thành lập chính là để giúp đỡ anh em trong công cuộc ấy... Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại"[1].

Từ những hoạt động và uy tín của mình, Người đã được bầu vào Ban Chấp hành Hội Liên hiệp thuộc địa. Thời gian đầu (1922-1923), Hội Liên hiệp thuộc địa có khoảng 200 hội viên, hoạt động mạnh mẽ, sôi nổi và có ảnh hưởng rộng rãi. Hội những người Việt Nam yêu nước là một đoàn thể trong Hội Liên hiệp thuộc địa. Tuy nhiên, thời gian sau, do nhiều nguyên nhân tác động như sự cản trở và phá hoại của Bộ Thuộc địa, sự eo hẹp về tài chính... hoạt động của Hội giảm dần. Đến tháng 6/1926, Hội Liên hiệp thuộc địa ngừng hoạt động.

Hội Liên hiệp thuộc địa xuất bản báo Người cùng khổ (Lơ Paria, Le Paria) làm cơ quan ngôn luận. Nguyễn Ái Quốc được phân công làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút của tờ báo. Le Paria  số 1, ngày 1/4/1922, đăng lời kêu gọi, nêu rõ tôn chỉ, mục đích và nhấn mạnh: "Le Paria đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu, mục đích của báo chắc chắn sẽ đạt được: đó là giải phóng loài người"[2].

Đặt tên báo là Le Paria - Người cùng khổ là cách chơi chữ rất sâu sắc của Nguyễn Ái Quốc và các cộng sự: Ấn độ giáo của xã hội cổ đại Ấn Độ, chia xã hội Ấn độ ra thành 5 đẳng cấp là Bà la môn, Sát đế lị, Vệ xá, Thủ đà la, Chiên đà la, trong đó Chiên đà la (Paria) là giai cấp người cùng khổ. Ấn Độ giáo coi họ là đẳng cấp hạ tiện nhất. Họ phải làm các nghề hạ tiện nhất, bị coi như sống ngoài lề xã hội loài người, bị các giai cấp trên đối xử như thú vật, bị coi là thứ ti tiện, vô cùng khổ nhục, tối tăm, không được chạm tay vào người thuộc các đẳng cấp khác, thậm chí không được giẫm lên cái bóng của những đẳng cấp trên.  

Tờ báo được in bằng chữ Pháp trên khổ giấy 36 x 50cm. Phía trên, bên cạnh tên chính của tờ báo bằng chữ Pháp: Le Paria còn có tên báo bằng chữ rập ở bên trái và chữ Hán ở bên phải: Lao động báo. Đầu tiên báo lấy tiêu đề “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa”, sau đó đổi thành “Diễn đàn của vô sản thuộc địa”, rồi sau lại đổi là “Cơ quan của nhân dân bị áp bức các thuộc địa”

Địa chỉ ban đầu của tờ báo: số 16 phố Giắccơ Calô (Jacques Calot), Pari VI, Từ số 8 (tháng 11/1922) trên báo ghi trụ sở: số 3 phố Mácsê đê Patơriácsơ (Marché des Patriarches), Quận 5, Pari. Nơi này cũng  là trụ sở của Hội Liên hiệp thuộc địa, nơi Nguyễn Ái Quốc chuyển đến ở từ ngày 15/3/1923 đến ngày 13/6/1923, trước khi rời nước Pháp sang Liên Xô. 

Từ khi ra đời đến khi đình bản, báo Người cùng khổ ra được 38 số, Báo Le Paria tồn tại trong 4 năm (4/1922 đến 4/1926) trong những điều kiện hết sức khó khăn về tài chính và phương tiện hoạt động, lại luôn bị cảnh sát theo dõi, đe dọa, gây khó dễ. Nguyễn Ái Quốc là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của báo, Người làm chủ nhiệm, chủ bút, giữ quỹ và kiêm cả việc phát hành, bán báo. Làm việc không mệt mỏi, Nguyễn Ái Quốc đóng góp cho sự tồn tại và phát triển của báo bằng cách viết nhiều bài cho báo, thậm chí còn dành cả phần tài chính eo hẹp của mình cho báo.

Nguyễn Ái Quốc phụ trách tờ báo từ số 1 đến số 15 (6/1923). Từ số 1 đến số 14, Nguyễn Ái Quốc làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, làm cả việc phát hành và đi bán báo. Người còn tham gia chuẩn bị cho các số 15, 16, 17 trước khi đi Liên Xô, rồi Trung Quốc. Trong thời gian ở hai nước này, Người vẫn gửi bài về đăng Báo Le Paria và gửi tiền ủng hộ báo.

Đầu năm 1923, trong Truyền đơn cổ động mua Báo Le Paria, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.496)  .

Trên báo Le Paria, số 14 (tháng 5/1923), Người đã viết trong bài “Kỷ niệm Báo Le Paria” rằng: “Một nǎm đã trôi qua kể từ khi Báo Le Paria ra đời. Các bạn quan tâm đến số phận của tờ báo ngay từ buổi đầu, nhân dịp kỷ niệm này, cảm ơn tất cả những ai đã can đảm với diễn đàn nhỏ bé này, bảo vệ nhân dân các thuộc địa” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.497)

Tháng 4-1926, Báo Le Paria ra số 38 đăng lời giới thiệu tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc. Đây là số cuối cùng của báo. Tùy vào từng thời gian và khả năng tài chính mà số lượng in báo Le Paria không cố định, dao động từ 1.000 đến 5.000 bản, cá biệt có những số in hơn 5.000 bản. Có 50% số lượng báo in ra được lan truyền qua các nước thuộc địa của Pháp.

 
Sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc, xuất bản tại Pari, Pháp, năm 1925. (Trưng bày tại phòng số 3, hệ thống trưng bày cận - hiện đại, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Bằng nhiều ngả đường khác nhau, trong đó chủ yếu là đường biển, Người cùng khổ cũng xuất hiện ở Việt Nam và được các trí thức yêu nước hân hoan đón nhận. Họ bí mật truyền tay nhau và cùng chung  một niềm vui là ở bên nước Pháp xa xôi đã và đang có một tổ chức tập hợp và cổ vũ cho sự nghiệp đấu tranh của dân tộc mình. “Đó là luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức” (Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, nxb Thanh niên, H, 2012, tr.51).

Trên báo Le Paria, Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài thuộc nhiều thể loại khác nhau (gần 40 bài) như: Xã luận, bình luận, tin tức, dịch thuật, tiểu phẩm, truyện ký, tranh vẽ... Có số báo Người viết 2 bài, 3 bài, thậm chí 4 bài, cùng tranh vẽ. Những bức tranh, ký họa của Người đăng trên báo ký tên Nguyễn Ái Quốc và một số bút danh khác. Nội dung các bài viết này tập trung vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương và các thuộc địa khác.

Từ đó, giúp người đọc nhận thức rõ hơn về sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân nói chung và thực dân Pháp nói riêng; về mâu thuẫn không thể điều hoà giữa chủ nghĩa thực dân với nhân dân lao động tại các thuộc địa; về mối quan hệ giữa cách mạng thuộc địa và chính quốc. Cũng từ những bài báo đó, Nguyễn Ái Quốc đã góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân ở các thuộc địa, thức tỉnh phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng thời, thông qua nội dung các bài báo, bước đầu chỉ ra yêu cầu cần thiết của việc thực hiện đoàn kết giai cấp và đoàn kết quốc tế, giữa nhân dân các thuộc địa, giữa thuộc địa với chính quốc và coi đó là những điều kiện bảo đảm cho cuộc đấu tranh đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Tuy tồn tại có hơn 4 năm, ra được có 38 số, nhưng báo Người cùng khổ đã làm tròn vai trò người mở đường, người tổ chức và cổ vũ cho phong trào tranh đấu chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Tròn 100 năm đã trôi qua, nhân dân Việt Nam chúng ta đã từ thân phận người nô lệ đã trở thành công dân của một nước độc lập, tự do, nhưng đâu đó trên trái đất này, trong một xã hội tuy rất phát triển nhưng khoảng cách giầu nghèo và bất bình đẳng trên thế giới vẫn ngày thêm sâu sắc, do đó giá trị lí luận và thực tiễn của báo, trong đó tinh thần đấu tranh để giải phóng con người vẫn còn nguyên giá trị.

Minh Hằng


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011,  t.2, tr.138-139.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.491.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4881

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Người Pháp coi năm 1891 là thời điểm đánh dấu kỷ nguyên mới ở Bắc kì

Người Pháp coi năm 1891 là thời điểm đánh dấu kỷ nguyên mới ở Bắc kì

  • 10/03/2022 15:51
  • 2280

Trong cuốn Bắc Kì xưa (Le Vieux Tonkin) bản in năm 1935, Claude Bourrin đã viết: “Vào đầu năm 1890, chúng ta điểm lại và nhận thấy sự chuyển mình đáng kinh ngạc của Hà Nội và sự phát triển thần kì của Hải Phòng. Từ năm 1890, sự cất cánh của Bắc Kì là không thể cưỡng lại. Người ta không còn nghĩ đến việc từ bỏ nó và để minh chứng cho điều này, họ đã cho xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên dài 100 km, đường Décauville để nối Phủ Lạng Thương với Lạng Sơn. Khắp nơi ở xứ này, họ khai trương các công trường, tiến hành các thử nghiệm nông nghiệp, họ thăm dò lòng đất... Từ năm 1891, liên tiếp các sự kiện diễn ra nơi đây. Có thể nói, đây là thời điểm đánh dấu một “kỉ nguyên mới” ở Bắc Kì”.