Thứ Hai, 07/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/03/2022 15:51 2268
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong cuốn Bắc Kì xưa (Le Vieux Tonkin) bản in năm 1935, Claude Bourrin đã viết: “Vào đầu năm 1890, chúng ta điểm lại và nhận thấy sự chuyển mình đáng kinh ngạc của Hà Nội và sự phát triển thần kì của Hải Phòng. Từ năm 1890, sự cất cánh của Bắc Kì là không thể cưỡng lại. Người ta không còn nghĩ đến việc từ bỏ nó và để minh chứng cho điều này, họ đã cho xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên dài 100 km, đường Décauville để nối Phủ Lạng Thương với Lạng Sơn. Khắp nơi ở xứ này, họ khai trương các công trường, tiến hành các thử nghiệm nông nghiệp, họ thăm dò lòng đất... Từ năm 1891, liên tiếp các sự kiện diễn ra nơi đây. Có thể nói, đây là thời điểm đánh dấu một “kỉ nguyên mới” ở Bắc Kì”.

Vào đầu năm 1891, việc giải tỏa tổng thể xung quanh Hồ Nhỏ vẫn là mối bận tâm lớn của chính quyền thành phố, theo dự kiến đại lộ quanh hồ sẽ khánh thành vào ngày 1 tháng 1 năm 1892. Được thiết kế năm 1884, phải đến tháng 4 năm 1885, đại lộ Petit Lac [Hồ Nhỏ] mới được bắt đầu triển khai. Hội đồng thành phố đã bỏ phiếu thông qua để chi 200.000 francs vào năm 1888 để hoàn thiện ngay đại lộ này. Tuy nhiên một số chủ sở hữu đất đã quá đòi hỏi về mức bồi thường trưng dụng đất nên chính quyền đã phải điều đình lâu, nhưng những chỗ có thể vẫn tiến hành thi công từng phần.

 
Bức họa Hồ Gươm trên Tờ Độc lập Bắc Kì tháng 7 năm 1891
Ngày 15 và 16 tháng 1, đội quân Yên Thế trở về Hà Nội, hành quân trên phố Paul Bert khoảng giữa trưa, đi đầu đoàn là lính kèn. Những người đàn ông với khuôn mặt tàn tạ vì mệt mỏi, lê bước khó khăn và cuộc diễu hành của họ đem lại cảm giác khó chịu cho dân chúng. Hai mươi chiếc xe theo sau, mang theo hành lí và một số người què quặt và ốm yếu. 
Ngày 18 tháng 1, cuộc đua ngựa ở Nam Định cùng một buổi vui chơi nhảy nhót được tổ chức ở nhà Công sứ Neygret.
Ngày 22 tháng 1, một đám cháy lớn xảy ra ở phố Hàng Thùng và thiêu trụi phố Hàng Tre, Hàng Mành, Hàng Xô, Hàng Cỏ, Hàng Bạc, Cầu Gỗ, Hàng Vôi và phố Đê (rue de la Digue). 208 ngôi nhà bị phá hủy, trong đó có 4 ngôi chùa, một nhà cho thuê xe kéo Trung Hoa, 60 chiếc xe kéo thiệt hại trong thảm họa này.
Ngày 28 tháng 1, một vụ cháy khác gần Tòa Công sứ - Đốc lí: 25 chiếc lều cháy rụi ở phố Hồ, phố Hàng Dầu, phố Đê (rue de la Digue).
Trong đêm 28 rạng sáng ngày 29 tháng 1, Tòa Công sứ Chợ Bờ bị quân nổi dậy Đốc Ngữ tấn công. Viên Đại tá Rougery bị giết và chặt đầu. Những người châu Âu khác tìm cách trốn thoát bằng cách băng qua sông...
Ngày 7 tháng 2, một buổi hòa nhạc vì các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ngày 22 tháng 1 được tổ chức ở Khách sạn Voisin, Hà Nội. Số tiền thu được là 450 đồng.
Ngày 22 tháng 2, một buổi trao giải thưởng của Hội Liên hiệp Pháp (Alliance Française) diễn ra với sự hỗ trợ của đội quân nhạc và các nghệ sĩ của đoàn Greef.
Ngày 5 tháng 3, tại Dinh Thương mại (Hôtel du Commerce) ở Hải Phòng, lễ hội Dự đoán tương lai được tổ chức với sự có mặt của tài năng piano, nghệ sĩ Henri Knosp qua màn trình diễn đáng ngưỡng mộ: tác phẩm Hungary March của Kettern, tác phẩm Rondo Capricioso và Wedding March của Mendelssohn chơi bằng 4 tay cùng với cô Hélène Chodzko, một nhạc sĩ trẻ rất tài năng.
Ngày 20 tháng 3, một cuộc đấu kiếm giữa hai đối thủ không đội trời chung: ông Alfred Le Vasseur, chủ bút tờ Độc lập Bắc Kì và ông de Cuers, chủ bút Tờ Le Courrier d'Haiphong. Ông Alfred Le Vasseur bị thương ở tay và ngực phải, ông de Cuers bị thương ở chân phải.
Ngày 21 tháng tháng 4, ông De Lanessan được bổ nhiệm giữ chức vụ Toàn quyền Đông Dương.
Vào ngày 5 tháng 4, cuộc mít tinh đầu tiên được tổ chức ở Hà Nội, tại điểm hẹn trước ngôi chùa gần Cầu Giấy (Pont de Papier). Trung úy Blondlat, Bộ Tổng tham mưu và ông Chesnay, nhà báo, dẫn đầu chuyến xe với 20 kị binh tham gia.
Hãng Larue mở hàng nước đá ở Hà Nội vào tháng 4 ở một cái gò ven đê Parreau [nay là đường Hoàng Hoa Thám].
Ngày 10 tháng 5, diễn ra lễ khánh thành đoạn từ Phủ Lạng Thương đến Kép, 18 km đường Décauville trên tuyến đường sắt đầu tiên ở Bắc Kì.
Vào ngày 23 tháng 5, ở vườn hoa Paul Bert, vụ xử tử Đốc Cấp do một đội cảnh sát ở tỉnh Hưng Yên thực hiện. Đốc Cấp được đưa về Hà Nội trong một chiếc cũi. Bản án của tòa án hỗn hợp được thi hành, thủ cấp được đưa về Hưng Yên để bêu đầu và thi thể được ném xuống sông Hồng.
Ngày 6 tháng 6, tại vườn hoa Paul Bert, Hà Nội, diễn ra hội chợ phiên của Liên hiệp Pháp.
 
Vườn hoa Paul Bert, tranh vẽ trên Tờ Độc lập Bắc Kì tháng 7 năm 1891
Ngày 29 tháng 7[1], Toàn quyền De Lanessan đến từ Nam Kì trên chiếc tàu l’Allouette. Thống sứ Brière, Công sứ-Đốc lí Baille, Kinh lược Bắc Kì và tất cả các quan chức mặc y phục màu đen đón Toàn quyền ngay ở cầu tàu bệnh viện Hải Phòng. Sáng hôm sau, Toàn quyền lên đường về Hà Nội bằng tàu sà lúp Tuyên Quang, theo sau là sà lúp Cerf chở các sĩ quan và các quan chức của Phủ Toàn quyền. Hà Nội được trang trí đẹp đẽ. Quân đội xếp hàng từ bến tàu đến Dinh Toàn quyền ở khu Nhượng địa. Tất cả các trưởng đơn vị đều có mặt tại bến tàu có mái che là một cái lều trang nhã do kiến trúc sư dân sự Vildieu dựng lên cho dịp này. Kinh lược và tất cả các quan chức trong trang phục đại lễ đứng xung quanh, theo sau là đoàn hộ tống, có hai con voi chiến. Ngay sau khi xuống tàu, Toàn quyền được đưa về khu Nhượng địa bằng ô tô.  Các cuộc chiêu đãi chính thức ngay lập tức diễn ra ở đó. Ông de Lanessan đã có một bài phát biểu khá ngắn gọn, trong đó ông nêu ra những nhiệm vụ chính cần hoàn thành là đảm bảo công cuộc bình định, tổ chức cai trị và sự thịnh vượng của xứ này để đưa Đông Dương trở thành “một nước Pháp vĩ đại của Viễn Đông”.
 
Tàu Cerf chở các sĩ quan và quan chức của Phủ Toàn quyền về Hà Nội. Ảnh đăng trên Bắc Kì xưa 1890-1895, in năm 1941
Ngày 20 tháng 8 năm 1891, các đạo quan binh được lập ở Bắc Kì để trấn áp các khu vực vùng núi phía Bắc.
Ngày 21 tháng 8, ở chỗ gần chợ trên đường phố Hàng Bài[2], Hà Nội, việc chặt đầu 4 “tên giặc”[3] trong đó có Đề Tĩnh theo luật lệ của người An Nam được đội lính Bãi Sậy thực hiện. Bản án yêu cầu thi thể phải bị ném xuống sông. Những đứa trẻ kéo thi thể qua Khách sạn Alexandre (sau là cửa hiệu Magasins Poinsard et Veyret) vào đúng giờ ăn. Để lấy hơi, chúng để các bao đẫm máu một lúc trên mặt đường, làm khiếp đảm các thực khách… Một tờ Nhật báo ngày hôm sau đã miêu tả rằng Đề Tĩnh vẫn tươi cười khi chiếc mã tấu kề cổ…
Ngày 30 tháng 8 năm 1891, ra mắt tờ báo chữ Hán đầu tiên ở Bắc Kì Đại Nam Đồng văn nhật báo.
Vào ngày 31 tháng 10, buổi hòa nhạc - xổ số - khiêu vũ tổ chức tại Dinh Thương mại (Hôtel du Commerce) ở Hải Phòng vì lợi ích của Hội đua ngựa và với sự trợ giúp của những người yêu thành phố gồm ông bà Fribour, ông Broussiche, ông Queyroul, ông Birmen, ông Lalanne và ông Maillard.
Ngày 22 tháng 12, ông De Lanessan long trọng đặt viên đá đầu tiên cho công trình xây dựng Bệnh viện quân sự mang tên ông ở Hà Nội. Cùng thời điểm, ông đã quyết định cho lập nghĩa trang ở gần đường Huế, nghĩa trang thứ 3 của người Âu ở Hà Nội. Hai nghĩa trang trước đó là ở Khu Nhượng địa và ở Quán Thánh.
 
Toàn cảnh Bệnh viện De Lanessan đăng trên Tờ Tạp chí Đông Dương năm 1894

 Tư liệu tham khảo:

Annuaire de l’Indochine, 1893
Claude Bourrin, Le Vieux Tonkin 1890-1894. (1935, 1941)
[1] Theo Claude Bourrin là ngày 30 tháng 7. Trong niên giám năm 1893, sự kiện này được ghi chép là ngày 29 tháng 7.
[2] Sau đổi thành đại lộ Đồng Khánh, người dân vẫn gọi phố Hàng Bài.
[3] Những người nổi dậy chống Pháp đều bị gọi là “giặc” hoặc “cướp” trong tài liệu thời kì đó.

Đỗ Hoàng Anh

https://archives.org.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4864

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Câu chuyện từ bức tượng chân dung

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Câu chuyện từ bức tượng chân dung

  • 25/02/2022 15:44
  • 2716

Trong trưng bày chuyên đề “Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhân kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2021) có một hiện vật đặc biệt được đặt trang trọng thu hút sự quan tâm của công chúng là bức tượng “Chân dung Bác Hồ”, tác phẩm của nữ điêu khắc Nguyễn Thị Kim, sáng tác năm 1946.