Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

25/02/2022 15:44 2733
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong trưng bày chuyên đề “Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhân kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2021) có một hiện vật đặc biệt được đặt trang trọng thu hút sự quan tâm của công chúng là bức tượng “Chân dung Bác Hồ”, tác phẩm của nữ điêu khắc Nguyễn Thị Kim, sáng tác năm 1946.

 

Tượng “Chân dung Bác Hồ, tác phẩm của nữ điêu khắc Nguyễn Thị Kim, sáng tác năm 1946, hiện đang lưu giữ tại BTLSQG.

Nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim là nữ điêu khắc Việt Nam đầu tiên và bà cũng là người đầu tiên sáng tác tượng Bác Hồ.

 

Nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim (Nguồn ảnh: Internet) 

Đầu năm 1946, bà Nguyễn Thị Kim tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Để chuẩn bị cho cuộc Triển lãm Mỹ thuật ra mắt công chúng nhân kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, Ban lãnh đạo Hội Văn hóa Cứu quốc đã cử họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung và bà Nguyễn Thị Kim đến Phủ Chủ tịch gặp Bác để vẽ và sáng tác tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau một thời gian làm việc tại Phủ Chủ tịch, bức tượng bán thân Bác Hồ hoàn thành. Bà Nguyễn Thị Kim đã đổ thạch cao để làm khuôn đúc đồng. Một nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của làng Mọc ở ngoại thành Hà Nội hồi đó đã được giao đúc bức tượng này. Tượng cao 45cm, nặng 17kg, mô tả Bác đang ngồi tập trung cao độ vào công việc, đầu hơi cúi về phía trước nét mặt đăm chiêu suy nghĩ khi tình thế nước nhà thù trong giặc ngoài "ngàn cân treo sợi tóc", năm 1946.

Tượng Chân dung Bác Hồ đã được trưng bày trang trọng trong  Triển lãm Mỹ thuật Mùa thu năm 1946. (Nguồn ảnh: Internet)

Tượng “Chân dung Bác Hồđược ra đời trong giai đoạn lịch sử cam go của đất nước, đó là chỉ 3 tuần sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách: thù trong giặc ngoài, vận mệnh dân tộc được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”. Trung ương Đảng, Chính Phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vô cùng trăn trở, suy nghĩ để có thể đưa ra những sách lược đấu tranh sáng suốt nhằm bảo toàn lực lượng, tranh thủ thời gian để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mà Bác biết là không thể tránh khỏi.

Tháng 12/1946, kháng chiến bùng nổ. Nhà in báo Sự thật hồi đó đang đóng ở nhà bà Nguyễn Thị Kim, được lệnh phải khẩn trương rút khỏi Hà Nội. Trước khi rời Hà Nội theo kháng chiến, để bức tượng không lọt vào tay kẻ thù, chồng bà Nguyễn Thị Kim đã đào hầm ngay dưới gầm bàn thờ nhà thờ họ của gia đình để chôn giấu bức tượng.

Sau ngày giải phóng Thủ đô, hòa bình lập lại, gia đình Nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim trở về Hà Nội cùng các đoàn quân giải phóng. Trong thời gian này, bà Nguyễn Thị Kim lại đang đi công tác ở nước ngoài nên chồng bà khi vừa về đến nhà đã lập tức cùng với người anh trai đào bới căn hầm khi xưa và đã vui mừng khôn xiết khi thấy bức tượng sau 8 năm nằm trong lòng đất vẫn còn vẹn nguyên màu đồng. Lau chùi bức tượng sạch sẽ, các ông trân trọng đặt bức tượng lên bàn, phủ nhiễu điều như một báu vật vô giá của gia đình.

Năm 1959, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) được thành lập, vợ chồng họa sĩ Nguyễn Thị Kim đã quyết định đem tặng Bảo tàng bức tượng quý giá mang dấu ấn một thời kỳ lịch sử vàng son của đất nước để đông đảo công chúng được tham quan, chiêm ngưỡng.

Tượng “Chân dung Bác Hồ” giới thiệu trong trưng bày Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia của nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim thể hiện Bác Hồ trong tư thế đang chú tâm vào công việc, đầu hơi cúi xuống, vầng trán rộng, nét mặt đăm chiêu. Nhà điêu khắc đã thể hiện được thần thái ung dung ẩn chứa nội tâm sâu thẳm của vị Chủ tịch nước lo toan trăm mối khi đất nước trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, năm 1946.

Bức tượng giản dị, mộc mạc nhưng đã thể hiện giá trị lịch sử to lớn bởi thông qua bức tượng, công chúng hiểu rõ hơn tình thế đất nước sau khi cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng đang còn non trẻ, đứng trước những thử thách lớn lao, thù trong giặc ngoài, các đảng phái phản động chỉ chờ cơ hội để lật đổ nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Tuy bận rộn trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành cho các họa sĩ đầu tiên được thể hiện chân dung của mình tại Bắc Bộ phủ (nơi làm việc của Bác ở Hà Nội), cuả nữ điêu khắc Nguyễn Thị Kim thể hiện Bác trong tư thế đang chú tâm vào công việc đã trở thành tác phẩm sống mãi trong lòng dân tộc, trong trái tim của các nghệ sĩ nhiều thế hệ.
Những tác phẩm trong giai đoạn đó đã thành công và để lại nhiều ấn tượng với công chúng như: Bức sơn dầu và khắc gỗ của họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ Bác đang ngồi làm việc; họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung ghi lại hình ảnh Bác trên một tranh mực nho; và đặc biệt với tác phẩm tượng “Chân dung Bác Hồ”

Trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của bà cũng như trong nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam, tượng “Chân dung Bác Hồ”  là tiêu biểu, đỉnh cao trong rất nhiều tác phẩm do bà thể hiện về đề tài Bác Hồ. Tình cảm đối với Bác trở thành ngọn lửa say mê sáng tạo đối với bà, số lượng tác phẩm của bà nhiều lên theo năm tháng. Với những đóng góp to lớn, nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật - giải thưởng cao quý nhất tặng người nghệ sĩ của cách mạng, của nhân dân năm 2001. Trong chặng đường lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại, Nguyễn Thị Kim đã ghi một dấu ấn, một điểm son, là người góp viên gạch đầu tiên xây dựng nền điêu khắc hiện đại Việt Nam, góp phần xây dựng, phát triển nền mỹ thuật nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.

Tác phẩm một lần nữa đã mang đến nhiều cảm xúc đối với đông đảo người xem một cảm giác thân thương, gần gũi, một nỗi xúc động trào dâng đến nghẹn ngào, lòng biết ơn vô bờ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tượng “Chân dung Bác Hồ” cũng đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu trong các trưng bày chuyên đề như: “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”; “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”... góp phần giới thiệu đầy đủ và sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, và tượng Chân dung Bác Hồ” xứng đáng trở thành Bảo vật quốc gia.

Ngọc Anh

Tài liệu tham khảo

Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2011

Hà Nội mùa đông 1946, Nxb Quân đội nhân dân, 2006

Thủ đô Hà Nội lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb. Hà Nội

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4881

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên) trong kháng chiến chống thực dân Pháp

An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên) trong kháng chiến chống thực dân Pháp

  • 18/02/2022 10:01
  • 5373

1. Hoàn cảnh lịch sử Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nền độc lập dân tộc mà nhân dân ta mới giành được bị đe dọa nghiêm trọng trước dã tâm xâm lược của các thế lực phản cách mạng. Với nhãn quan sáng suốt và tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã nhận thấy cần phải củng cố căn cứ địa cách mạng Việt Bắc thành căn cứ kháng chiến, nơi làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, làm cơ sở cho cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc khi cuộc kháng chiến bùng nổ.