Hãng tàu biển vận tải hợp nhất của Pháp mà đồng bào ta quen gọi là hãng Năm Sao (có năm ngôi sao sơn ở ống khói tàu), có chiếc tàu chạy đường Đông Dương, châu Phi, châu Mĩ mang tên “Đô đốc Latouche-Tréville” . Khoảng giữa năm 1911, con tàu đó rời bến Cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) đi Pháp. Trên tàu có thêm một phụ bếp trẻ tuổi người Việt Nam tên là Nguyễn Tất Thành (với tên gọi Văn Ba, hay anh Ba). Anh ra đi tìm đường giải phóng cho dân tộc.
Con tàu “Đô đốc Latouche-Tréville”, nơi Bác Hồ làm phụ bếp, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, năm 1911
Tàu rời bến Nhà Rồng ngày 5-6-1911; đến Xingapo ngày 8-6-1911; đến Côlômbô ngày 14-6-1911; đến cảng Xait (Ai Cập) ngày 30-6-1911; đến Macxây (Pháp) ngày 6-7-1911; cập bến Lơ Havrơ ngày 15-7-1911, cảng chính ở miền Bắc nước Pháp và đây là lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành đặt chân lên nước Pháp.
Bến Nhà Rồng (Sài Gòn), nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ngày 5-6-1911
Anh Ba đến nước Pháp, Anh thôi làm tàu, lên bộ làm vườn thuê cho một người Pháp ở Xanh A-đơ-rét (Saint- Adresse) - là một thị trấn nhỏ ở ngoại ô thành phố Lơ Ha-vơ-rơ (Le Harve). Thấy ở Pháp cũng có người nghèo khổ, công nhân thất nghiệp, người bới rác kiếm ăn và gái trẻ làm nghề mãi dâm, anh Ba tự hỏi: “Tại sao họ không khai hoá văn minh cho chính đồng bào họ mà lại sang Đông Dương và các xứ xa xôi nói là để khai hoá?” Rồi anh nẩy ý định đi nhiều nước trên thế giới xem ở các nước, nhân dân sinh sống và tổ chức xã hội ra sao.
Đầu năm 1912, anh Ba xin việc trên một tàu biển chạy vòng quanh châu Phi. Anh lại được thấy: dù da trắng hay da đen, dù là thuộc địa hay nước đế quốc nơi nào cũng có những người lao động sống nghèo khổ và bọn thống trị giầu sang.
Năm 1914, Anh đến Luân Đôn, thủ đô nước có nhiều thuộc địa nhất thế giới. Trong thời gian ở Anh, người thanh niên yêu nước của chúng ta đã phải làm nhiều nghề nặng nhọc, lúc quét tuyết thuê cho một trường học, lúc đốt than dưới hầm lò… Đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ, anh Ba sang Mĩ. Bó đuốc trên tay nữ thần Tự Do sừng sững bên bến cảng Nưu Ước (New York) trông ra Đại Tây Dương như càng soi rõ cuộc sống nghèo khổ tối tăm của người dân lao động Mĩ. Từ Pháp - “mẫu quốc” của Đông Dương nô lệ; Anh - một đế quốc tự hào về mặt trời không bao giờ lặn trên lãnh thổ ở khắp nơi; Hoa Kỳ - tự xưng là thần tượng của “thế giới tự do”, qua nhiều nước trên thế giới, đâu đâu cũng thấy chỉ có hai hạng người: quần chúng lao động khổ cực còn kẻ thống trị giầu sang. Anh tự hỏi: chân lý cuộc đời ở đâu? Con đường giải phóng dân tộc sẽ theo hướng nào?
Cuối năm 1917, trở lại Pháp, anh Ba chính thức tham gia phong trào đấu tranh của những người lao động và bị áp bức.
Thời gian đầu, Người ở tại nhà luật sư Phan Văn Trường, số 6, phố Gô-bơ-lanh Pa-ri. Năm 1921, Người chuyển sang ở nhà số 9, ngõ Công-poanh (Compoint). Buổi sáng, Người đi làm thuê để kiếm sống, buổi chiều và tối, tham gia các hoạt động cách mạng.
Nhà số 9, ngõ Công-poanh (Compoint), Pa-ri (Pháp) – nơi Bác Hồ ở từ năm 1921-1923
Là đảng viên đảng Xã hội Pháp, Người thường rải truyền đơn tố cáo tội ác thực dân Pháp ở Việt Nam. Người cũng là hội viên của nhiều câu lạc bộ ở Pa-ri. Người đi nhiều nơi, quan sát tìm hiểu, tham gia nhiều hình thức đấu tranh với một lòng quyết tìm con đường cứu nước. Tháng 7 nǎm 1920 qua báo Nhân Đạo (L'Humanité- Pháp), Người đọc được tác phẩm “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I Lê nin. Sau này nhớ lại với niềm vui sướng khôn tả, Người viết: "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta. Sau 10 năm trời lặn lội đi khắp năm châu bốn biển, vị lãnh tụ của chúng ta đã tìm ra con đường đi của dân tộc. Lúc này, Người cũng đứng hẳn về phía những chiến sĩ cách mạng Pháp biểu quyết thành lập Đảng Cộng sản Pháp và theo Đệ tam Quốc tế của Lê-nin. Ở Người, chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp một cách nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Người tìm cách trở về nước để giác ngộ, tổ chức và dẫn dắt đồng bào làm cách mạng.
Tại Quảng Châu, Người huấn luyện chủ nghĩa Mác Lê-nin và hoạt động cách mạng cho nhiều nhóm thanh niên yêu nước lần lượt sang. Bọn Tưởng cũng như mật thám Anh luôn khủng bố các nhà cách mạng Việt Nam. Tháng 5-1927, Người tìm cách đi Thượng Hải rồi sang Liên Xô, Berin, Pa-ri. Mùa hè 1928, Người đến Brúc-xen dự hội nghị quốc tế “chống chiến tranh đế quốc”. Trong những ngày ở thủ đô nước Bỉ, Người sống kham khổ tại quán trọ Vê-giê-ta-riêng, phố La Rê-giăng-xơ gần lâu đài cổ Ét-mông. Sau hội nghị, Người đi Thuỵ Sĩ rồi đến thành phố Milan nước Ý. Tại đây, có quán La-pi-đa mà hồi ấy, Người thường dùng món canh đậu trắng. Năm 1969, sau khi Hồ Chủ tịch mất, đảng bộ đảng cộng sản địa phương này đã đề nghị với hội đồng thành phố lấy tên “Hồ Chí Minh” đặt cho đường phố chính của địa phương và tạc tượng Người đặt ở phố này.
Mùa thu 1928, Người về Thái Lan và cuối 1929, Người về Hương Cảng triệu tập hội nghị thành lập Đảng. Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Sau đó, Người đi Thái Lan, Mã Lai, đến khi trở lại Hương Cảng thì bị đế quốc Anh bắt ở số nhà 186, phố Tam Lung, Cửu Long và bị giam ở nhà tù Victoria. Nhờ sự tận tình của vợ chồng luật sư người Anh Lô-dơ-bai (Loseby), sự can thiệp của Hội cứu tế đỏ, Người đã khôn khéo rời khỏi Hương Cảng, đi Liên Xô vào cuối năm 1933. Tại đây, từ 1933 đến 1936, Người vẫn theo sát tình hình trong nước, viết bài cho báo Đảng và góp ý kiến với Trung ương về chủ trương, đường lối đấu tranh trong thời kỳ vận động dân chủ. Mùa đông 1938, Người trở lại Trung Quốc một thời gian đến đầu 1941. Đảng quyết định đón người về nước để cùng Trung ương trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài để tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, Người trở về đến Tổ quốc thân yêu.
Sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, Người trở về đến
Tổ quốc thân yêu
Trên đường về Pác Bó, đến cột biên giới số 108, Người dừng chân bồi hồi, xúc động. Hoa kim anh đang vào mùa nở rộ. Người ra đi, mái tóc còn xanh, nay về, tuyết sương đã điểm. Đôi chân Bác Hồ đã lặn lội khắp biển Á, trời Tây, suốt 30 năm đem về cho dân tộc đường lối và lực lượng cách mạng, cùng Đảng lãnh đạo toàn dân đấu tranh đến thắng lợi thật vĩ đại như ngày nay./.
Thu Hà