Thứ Hai, 09/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

11/12/2020 09:49 2054
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Mặc dù trong những ngày mùa đông cuối năm nhưng không làm giảm đi khí thế hào hùng, tinh thần bất khuất, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của cả nước, đặc biệt là trên mảnh đất Thủ đô - nơi nổ những tiếng súng đầu tiên mở màn cho cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ; nơi mà vào những ngày này, cờ hoa rợp trời và lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến lại vang lên lại làm cho đất trời Thủ đô càng thêm linh khí, hào hùng lịch sử. Thế nhưng, dưới mái chùa Đại Từ Ân trầm mặc với những lời giảng kinh, thuyết pháp, tiếng chuông ngân, mõ gõ, nơi đó đang lưu giữ một kỷ vật nhỏ nhưng lại chứa đựng một tinh thần lớn lao, đó là chiếc Hũ sành.

Đây là chiếc hũ mà Hòa thượng Thích Thanh Viên, trụ trì chùa Vũ Lăng (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ) - Ủy viên thường trực HĐTS GHPGVN nhiệm kỳ II, III (1987 - 1997), Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tây (1987 - 1993) sử dụng quyên góp gạo ủng hộ phong trào “Hũ gạo kháng chiến” trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam (1946 - 1954) theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Hũ sành có nắp trang trí hình Nghê và đắp nổi 4 tai, xung quanh thân viết chữ “Mậu Thân niên

Việt Nam hòa bình thống nhất độc lập dân chủ lớn mạnh muôn năm”,

Gốm Thổ Hà (Bắc Giang), Năm 1950; Đkm: 12cm; Ccao: 18cm

Lưu giữ: chùa Đại Từ Ân (Trường Trung cấp Phật học), Đan Phượng, Hà Nội.

Hòa thượng Thích Thanh Viên - Ủy viên thường trực HĐTS GHPGVN nhiệm kỳ II, III (1987 - 1997), Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tây (1987 - 1993)

Ảnh: Thượng tọa Thích Tiến Đạt (trụ trì chùa Đại Từ Ân, Đan Phượng, Hà Nội).
Chiếc hũ do Hòa thượng đặt làm tại làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang), năm 1950, trên thân hũ có dòng chữ “Mậu Thân niên Việt Nam hòa bình thống nhất độc lập dân chủ lớn mạnh muôn năm” được chia thành từng cụm trên 4 phần thân hũ và đọc từ phải qua trái, từ trên xuống dưới (Mậu Thân niên – Việt Nam – hòa bình thống nhất – độc lập dân chủ lớn mạnh muôn năm), trong đó, dòng chữ Mậu Thân niên được viết theo kiểu thư pháp và nhỏ hơn dọc theo thân hũ, các cụm chữ còn lại được viết theo kiểu chữ chân phương. Dòng chữ này do Hòa thượng tự tay khắc trước khi chiếc hũ được nung.
 
Muôn Năm Lớn Mạnh Dân Chủ Độc Lập 
 
Thống Nhất Hòa Bình
 
Việt Nam 
 
Mậu Thân niên 
 
 Thoạt nhìn chiếc hũ cũng thấy thật bình thường như bao đồ gia dụng khác mà chúng ta bắt gặp trong đời sống thường ngày. Thế nhưng với những thông tin, câu chuyện về chiếc hũ, chủ nhân và ý nghĩa sử dụng của nó thì chiếc hũ không chỉ còn là một đồ dùng sinh hoạt nữa mà nó đã mang ý nghĩa vô cùng cao đẹp.

Trước hết, đó là mục đích sử dụng của chiếc hũ. Đây là chiếc hũ được Hòa thượng Thích Thanh Viên sử dụng hàng ngày để đi quyên góp gạo ủng hộ cho kháng chiến vào những năm 1950. Ngược dòng lịch sử, trở lại với những sự kiện quan trọng mà từ đó, các tăng ni đã góp phần tham gia vào sự nghiệp giành độc lập dân tộc, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp làm nên những chiến thắng, nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã trở về để trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, ngay trong Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ VIII, tháng 5/1941 tại Cao Bằng đã xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên trên hết và cấp bách của cách mạng. Đây là sự hoàn chỉnh chuyển hướng chỉ đạo chiến lược quan trọng của Đảng cho tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến. Theo đó, Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh (Việt Minh) được thành lập nhằm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó tập hợp tất cả các lực lượng không phân biệt dân tộc, giai cấp, tôn giáo… quyết tâm giành độc lập dân tộc và Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2/9 năm 1945 có sự góp phần lớn của sự chuyển hướng đúng đắn, của tổng hợp sức mạnh đoàn kết ấy… Và sức mạnh đoàn kết đó tiếp tục được phát huy ngay sau khi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp được phát đi. Nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với đồng bào cả nước, với truyền thống Phật giáo suốt gần 2.000 năm đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước, với tinh thần nhập thế, “đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội”… bằng nhiều cách thức khác nhau, mỗi một nhà sư đều có những đóng góp, đồng sức, đồng lòng, quyết tâm giành lại độc lập, mang lại hòa bình cho dân tộc, trong đó, góp phần cho tiền tuyến là nhiều tăng ni đã “cởi áo cà sa, khoác chiến bào”, nơi hậu phương là sự âm thầm đóng góp cho phong trào “hũ gạo kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động và Hòa thượng Thích Thanh Viên là một trong những tấm gương thể hiện lý tưởng, nghĩa cử cao đẹp ấy. Chính dòng chữ “Việt Nam hòa bình thống nhất độc lập dân chủ lớn mạnh muôn năm” với từng chữ, từng từ mà Hòa thượng tự tay viết lên chiếc hũ đều là những thuật ngữ, cụm từ thể hiện một tư tưởng lớn, vì quốc gia, dân tộc, đồng bào chứ không chỉ là vì đạo pháp tu hành. Đồng thời đó cũng thể hiện sự quyết tâm, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, bởi Hòa thượng tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết toàn dân và bản thân đã sẵn có “lý tưởng, tấm lòng, ý chí người Cộng sản”, bởi không chỉ có giảng pháp, tụng kinh, hoằng dương Phật pháp mà Hòa thượng đã tâm niệm đó còn là nhiệm vụ đóng góp cho kháng chiến, cho đất nước. Hành động quyên góp gạo tưởng chừng là hành động đời thường nhất nhưng đó lại chứa đựng một tinh thần lớn lao: vì độc lập dân tộc, hòa bình thống nhất, dân chủ, phát triển đất nước. Qua đó, cũng cho thấy sự sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyển hướng cách mạng và đặc biệt là trong tư tưởng đoàn kết, tổng hợp sức mạnh toàn dân là hoàn toàn toàn đúng đắn và đến nay tư tưởng nền tảng ấy vẫn còn nguyên giá trị.

Tinh thần dân tộc không chỉ thể hiện qua ý nghĩa của dòng chữ đó mà nó còn được thể hiện qua ngôn ngữ viết hoàn toàn là lối diễn văn Nôm, trong đó có cụm chữ cuối cùng “lớn mạnh muôn năm” được viết bằng chữ Nôm, loại chữ viết do người Việt sáng tạo ra trên cơ sở tiếp thu chữ Hán và được coi là loại chữ viết “chứa đựng tinh thần dân tộc”. Vì thế, trong lịch sử đã có những triều đại, đời vua đã lấy đó làm một trong những yếu tố góp phần quan trọng nhằm phục hưng và phát triển văn hóa dân tộc, phát huy tinh thần dân tộc, đối kháng với văn hóa Trung Hoa, tiêu biểu như: triều Hồ, triều Mạc, đặc biệt là triều Tây Sơn với Quang Trung Nguyễn Huệ, một ông vua rất coi trọng khôi phục, gìn giữ, phát huy tinh thần, văn hóa dân tộc. Từ trong kháng chiến chống quân xâm lược Thanh, Ông đã cho ra đời Hịch Tây Sơn theo lối diễn văn Nôm và viết chữ Nôm mà ngay trong hai câu đầu, Ông đã viết: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng…” đã cho thấy, đánh giặc không chỉ là để giành độc lập dân tộc mà còn là để giữ gìn, bảo vệ tục để tóc dài, nhuộm răng đen, một trong những truyền thống văn hóa dân tộc của người Việt. Sau khi lên ngôi, Ông tiếp tục tiến hành cải cách giáo dục, ra Chiếu Lập Nhà học, trong đó, tập trung khôi phục, phát triển, đặc biệt là đề cao tiếng nói dân tộc, đề cao chữ Nôm.  

Sự độc đáo của chiếc hũ sành còn thể hiện ở chỗ, trước dòng chữ Việt Nam hòa bình thống nhất độc lập dân chủ lớn mạnh muôn năm có 3 chữ với nét khắc rất nhỏ mà gần đây, Thượng tọa Thích Tiến Đạt (đệ tử của Hòa Thượng Thích Thanh Viên), hiện là trụ trì chùa Đại Từ Ân và là người đang lưu giữ chiếc Hũ sành này đã nghiên cứu, tìm tòi và phát hiện ra, đó là chữ Mậu Thân niên. Như vậy, dòng chữ hoàn chỉnh, đầy đủ là “Mậu Thân niên Việt Nam hòa bình thống nhất độc lập dân chủ lớn mạnh muôn năm”. Chiếc hũ được Hòa thượng đặt làm năm 1950, do đó, nội dung dòng chữ này khiến chúng ta nghĩ đến lời “tiên tri” hay “sấm truyền” tương tự như những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến ứng với sự kiện (chiến dịch) Mậu Thân năm 1968.

Một ý nghĩa, giá trị khác của chiếc hũ còn được biết đến đó là, nếu như Hòa thượng Thích Thanh Viên chỉ mua chiếc hũ để đi quyên góp gạo ủng hộ kháng chiến thì cũng là chuyện bình thường, nhưng việc đích thân Hòa thượng lên tận làng gốm Thổ Hà để đặt làm chiếc hũ bởi Hòa thượng biết rằng, làng gốm Thổ Hà là một làng nghề có bề dày truyền thống và chuyên sản xuất mặt hàng gốm sành, một trong những sản phẩm mang đặc trưng dân tộc, bản địa Việt Nam và điều đặc biệt hơn nữa là đồ gốm sành Thổ Hà còn chuyên/chủ yếu phục vụ tiêu dùng của người Việt. Không chỉ có vậy, trên nắp chiếc hũ còn trang trí hình nghê, một loại linh vật mang ý nghĩa tốt lành, gắn với đời sống tâm linh và trở thành một trong những đặc trưng văn hóa Việt và được coi là “linh vật Việt”. Một lần nữa cho thấy, từ một hành động nhỏ nhưng đã thể hiện tinh thần dân tộc cao cả của Hòa thượng.

Như vậy, chỉ phân tích qua một vài chi tiết về mục đích sử dụng của chiếc hũ, nội dung dòng chữ viết, việc sử dụng chữ Nôm, một sản phẩm truyền thống và việc Hòa thượng đã cất công, tự mình làm ra chiếc hũ, tự viết chữ, tự đi quyên góp gạo… đã cho thấy Hòa thượng Thích Thanh Viên không chỉ là một nhà chân tu mà còn là một nhà tu hành có tư tưởng lớn. Mặc dù, Hòa thượng không nổi tiếng như các quốc sư, nhà tu hành xuất sắc trong lịch sử, nhất là dưới thời Lý, Trần nhưng với phẩm chất, tấm gương ấy, Hòa thượng cũng đã thực sự tiêu biểu cho tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam và tinh thần lớn lao ấy là tiêu biểu cho tư tưởng vĩ đại của Phật giáo nói chung. Và cũng vì vậy mà chiếc hũ tuy nhỏ và đơn giản nhưng đã chứa đựng một tinh thần lớn và trở thành di sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa Phật giáo, di sản cách mạng Việt Nam./.

Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan

 

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4801

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng biên giới thu - đông 1950 Tại sao Ðông Khê ?

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng biên giới thu - đông 1950 Tại sao Ðông Khê ?

  • 05/10/2020 13:31
  • 2752

Trong lịch sử quân sự có những trận đánh quy mô không lớn; diễn ra trên một không gian hẹp; mục tiêu cũng chỉ ở tầm chiến thuật, song giá trị và tác động của nó lại vượt xa một trận đánh thông thường, mở ra một phương thức tác chiến mới, tạo bước ngoặt cho cả chiến dịch, thậm chí cho cả cuộc chiến tranh. Trận tiến công cụm cứ điểm Ðông Khê (ngày 16 đến 18-9-1950) trận then chốt mở màn Chiến dịch Biên giới 1950 là một trong những trận đánh như thế.