Thứ Ba, 10/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

25/08/2020 14:21 3230
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngày 25/1/1942, Báo “Cứu Quốc” - cơ quan cổ động của Việt Nam Độc lập Đồng minh dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên truyền cổ động Trung ương do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách ra số đầu tiên. Trong lời giới thiệu và kêu gọi, Báo đã nêu rõ: “Trước cảnh tượng nước mất nhà tan thê thảm, Cứu Quốc - cơ quan cổ động của Việt Nam Độc lập Đồng minh ra đời, thống thiết kêu gọi đồng bào mau hợp sức cùng lòng đánh đuổi Pháp - Nhật, rửa nhục cho non sông, đưa Tổ quốc tới bến vinh quang độc lập”.

 

Báo “Cứu Quốc” 1942 - 1945

Báo “Cứu Quốc” giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945 ra 30 số (số 1, ngày 25/1/1942 đến số 30, ngày 16/8/1945) với nhiều tin, bài tuyên truyền chính sách đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập dân tộc. Các tin, bài đã phân tích tình hình chính trị trong nước và thế giới, những diễn biến của tình hình Đông Dương, chỉ rõ kẻ thù của nhân dân Đông Dương là Pháp và Nhật. Đồng thời tuyên truyền cổ động kêu gọi đồng bào đoàn kết dưới ngọn cờ Việt Minh giành chính quyền “đồng bào ta chỉ có một cách là đoàn kết làm cách mạng cướp chính quyền” (số mùa xuân 1942, ngày 10/2/1942). Báo chú trọng tuyên truyền chủ trương của Mặt trận Việt Minh xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, lấy giai cấp công nhân và giai cấp nông dân làm nòng cốt và là lực lượng chủ yếu của cách mạng. Nhiều tin, bài về các cuộc bãi công của công nhân, biểu tình của nông dân như: “Thợ Nhà máy Tơ Nam Định bãi công” (số 10, ngày 18/2/1944), “Thợ sẻ bãi công” ở Uông Bí, “Phu mỏ đình công” ở Mạo Khê (phụ trương số 19 ngày 20/4/1945. Tin “Chống Nhật cướp thóc”, “Chống bắt phu” (số 10, ngày 18/2/1944), “Chống cướp đất”, “Chống Pháp phá màu” (số 11, ngày 17/4/1944)… và kêu gọi nhân dân “Đừng nộp thóc cho giặc” (số 15, ngày 30/11/1944), “Không đóng một xu thuế cho Nhật… Tiền đóng thuế cho Nhật hãy quyên vào quĩ cứu quốc của Việt Minh, góp một phần vào công cuộc sửa soạn khởi nghĩa của dân ta” (số 25, ngày 5/7/1945).

Về vai trò của thanh niên, phụ nữ với cách mạng, trong bài “Xuân với thanh niên” (số mùa xuân 1942, ngày 10/2/1942) đã kêu gọi “thanh niên Việt Nam phải dồn thêm sinh lực đập tan những mưu mô cũ và phá tan những thủ đoạn mới của quân cướp nước”, hay bài “Thanh niên” của Dương Đức Hiền kêu gọi “chúng ta mau gia nhập hàng ngũ tiền phong cách mạng, kíp chuẩn bị để ngày sắp tới đây, trước khi tiến đánh quân địch chúng ta sẽ cùng nhau cất tiếng: Thanh niên ơi! Đứng lên đáp lời sông núi…” (số mùa xuân 1945). “Phụ nữ với chiến tranh” (số mùa xuân năm 1942), tin tranh đấu của phụ nữ chống Pháp - Nhật bắt phu bắt lính, đấu tranh cho vấn đề phụ nữ bình quyền, kêu gọi phụ nữ Việt Nam kháng Nhật cứu nước đi theo Việt Minh như bài “Tiếng gọi chị em”, trong đó có đoạn: “Muốn giải phóng phụ nữ phải giải phóng dân tộc. Lúc này chị em ta không cùng anh em nam giới đánh đuổi giặc Nhật thì đến quyền sống chúng ta cũng không có, nói gì đến quyền trong gia đình ngoài xã hội” (số 26, ngày 15/7/1945). Đồng thời bác bỏ những quan niệm sai lầm “Đàn bà con gái làm gì được” như trong bài “Phụ nữ” của Bích Đào nhấn mạnh: “…Gương bạn gái đã nêu cao, chị em mau tự cường. Lúc này dân tộc đang cần các chị... Các chị em cương quyết đính chính lại sự hiểu lầm ấy của nhiều người đi! Các chị em mau ra khỏi buồng the, xó bếp lên đường cứu nước, đặng cùng bạn gái năm châu đua sức đua tài” (số mùa xuân 1945).

Báo đã đưa nhiều tin, bài kêu gọi đồng bào các dân tộc, không phân biệt tôn giáo, các xu hướng chính trị đoàn kết dưới ngọn cờ Việt Minh chung sức cứu nước tiến hành khởi nghĩa. Trong bài “Cốn táy chống Nhật chất mướng” (số 27, ngày 25/7/1945) có đoạn: “Hỡi anh chị em người Thái! Muốn cứu mình, cứu nhà, cứu đồng bào, tất cả hãy rủ nhau vào hội “Cốn táy chống Nhật chất mướng”(Người Thái chống Nhật cứu nước), một hội trong Mặt trận Việt Minh, để cùng anh em người Kinh và các giới Mường, Thổ, Mán, Mèo v.v… sửa soạn đánh đuổi giặc Nhật, trừ diệt bọn tay sai Nhật đi”. Trong bài “Muốn cứu đạo phải cứu nước” (số ra ngày 25/6/1945) kêu gọi đồng bào công giáo đứng trong hàng ngũ Việt Minh kháng Nhật cứu nước có đoạn: “Không thể ngồi yên đọc kinh cầu nguyện mà mong nạn khỏi tai qua! Chắc các bạn thừa hiểu rằng: Muốn cứu đạo phải cứu nước, muốn cứu nước phải đánh đuổi cho kỳ hết bọn giặc Nhật đi…có cứu nước mới cứu được đạo”. Đối với các tầng lớp trung gian của xã hội để tranh thủ họ, lôi kéo họ vào con đường cứu nước của Việt Minh, báo đưa các tin, bài biểu dương Tổng lý ở một số nơi có tình cảm với cách mạng, cùng nhân dân đấu tranh chống Pháp, Nhật áp bức bóc lột. Trong bài “Các bạn công chức Việt Nam” (số 23, ngày 15/6/1945) đã vạch rõ âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, quyết không để giặc lợi dụng làm tay sai cho chúng và kêu gọi giới công chức hưởng ứng đường lối cứu nước của Mặt trận Việt Minh. Số 29, ngày 25/8/1945 đăng “Bức thư ngỏ cùng các bạn hội viên Việt Nam Thanh niên ái quốc” của Nguyễn Trung Hà, người đã từng tham gia vào hội “Việt Nam Thanh niên ái quốc”, nay đang chiến đấu dưới lá cờ Việt Minh đã viết: “Mục đích của Việt Minh là làm cho nước được độc lập hoàn toàn… Các bạn! Đoàn Việt Nam Thanh niên cứu quốc, một đoàn thể duy nhất của chúng ta trong lúc này đương chờ các bạn! Quốc dân đồng bào đương theo dõi từng bước đi của các bạn!”.

Báo đưa tin tình hình chiến sự và thắng lợi của phe đồng minh và kêu gọi ủng hộ cuộc chiến đấu chống phát xít của lực lượng đồng minh, đặc biệt là Liên Xô. Số mùa xuân 1942 có bài: “Tại sao ta phải ủng hộ liên bang Xô Viết và ủng hộ bằng cách nào?” trong đó có đoạn “Liên Xô đánh phát xít Đức là bảo vệ nền dân chủ và hòa bình cho nhân loại” và kêu gọi “Đồng bào Việt Nam chúng ta hãy mang tận lực ra ủng hộ Liên Xô”. Số 27, ngày 25/7/1945 đăng thông báo của Tổng bộ Việt Minh hướng dẫn cách đối xử với “phi công Đồng minh sang đánh Nhật ở Đông Dương, mỗi khi họ nhảy dù xuống đất, chúng ta phải:

- Tìm cách đưa quần áo cho họ mặc cải trang và dấu họ ở một nơi kín.

- Săn sóc họ, tổn phí đoàn thể sẽ trả.

- Lập tức báo cho thượng cấp biết ngay.

- Họ biếu tiền bạc, võ khí hay các vật khác đều nhất luật từ chối vì lấy như vậy có tổn hại đến danh dự của đoàn thể”.

Ngày 25/10/1944, Tổng bộ Việt Minh gửi thư cho các đoàn thể cách mạng ở hải ngoại và các lực lượng chống phát xít kêu gọi liên hiệp không phân biệt xu hướng chính trị “gạt bỏ thành kiến đảng phái, đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên hết, thân, dịch lại cùng nhau, đặng đúc thành một khối cứu quốc vô địch”. Tháng 11/1944, báo ra số “Đặc san về vấn đề Hải ngoại” chỉ rõ mục đích đối với dân tộc Việt Nam lúc này là “thống nhất các đoàn thể cách mạng Việt Nam trong ngoài” và kêu gọi “các dân tộc châu Á liên hiệp lại”. Trong bài “Việt Minh có phải cộng sản không” của Nam Thanh, sau khi tố cáo tội ác của Nhật - Pháp, tác giả đã trình bày mục đích của Việt Minh là cứu nước giải phóng dân tộc và kết luận: “muốn cho công cuộc giải phóng Việt Nam được thành công, mặt trận thống nhất của dân tộc Việt Nam (Việt Minh) phải thực hiện một cách rộng rãi, bao gồm cả Đảng Cộng sản Đông Dương nữa. Người Việt Nam yêu nước chân chính không có quyền từ chối gia nhập Việt Minh… một tổ chức liên hiệp duy nhất mạnh mẽ của các đoàn thể cách mạng trong nước Việt Nam lúc này”.

Có thể thấy, chính sách đại đoàn kết dân tộc đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập dân tộc của Mặt trận Việt Minh đã được báo “Cứu Quốc” 1942 - 1945 thể hiện một cách rõ nét, linh hoạt và sáng tạo đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, trở thành vũ khí sắc bén của Đảng trên mặt trận Tư tưởng Văn hóa, góp phần quan trọng vào sự thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945. 

    Ths. Phan Tuấn Dũng

Phó Trưởng phòng Hành chính, Tổng hợp

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4803

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Nhớ về 75 năm mùa thu cách mạng qua câu chuyện của những nhân chứng lịch sử

Nhớ về 75 năm mùa thu cách mạng qua câu chuyện của những nhân chứng lịch sử

  • 11/08/2020 08:40
  • 2480

Cách đây 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.