Cách đây 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
75 năm đã qua, nhưng tinh thần Cách mạng tháng Tám vẫn mãi tỏa sáng, là nguồn sức mạnh của thời đại mới, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp hơn. Những ngày tháng, không khí sục sôi thời kỳ giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của các nhân chứng lịch sử.
* Ông Lê Đức Vân – người tham dự cuộc mít tinh ngày 17-8-1945 tại Nhà Hát lớn Hà Nội
Trong quá trình khai thác các tư liệu và nhân chứng lịch sử về sự kiện “Tổng khởi nghĩa 19-8 ở Hà Nội”, chúng tôi vinh dự được gặp ông Lê Đức Vân - nguyên Ủy viên BCH Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu.
Ông Lê Đức Vân, nguyên Ủy viên BCH Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu thời kỳ Cách mạng tháng Tám 1945
Ông năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng ánh mắt vẫn rất tinh anh, khuôn mặt như sáng bừng khi chia sẻ về những ngày tháng hào hùng ấy. Trong ký ức của công Lê Đức Vân, ngày 17/8/1945, mỗi người trong Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu đều cầm theo một lá cờ nhỏ, cố gắng trà trộn vào đám đông ở quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Một tổ ba người được giao nhiệm vụ cướp diễn đàn, giữ micro kêu gọi người dân ủng hộ Việt Minh. Cuộc mít tinh của chính phủ Trần Trọng Kim bị phá vỡ, cờ đỏ sao vàng của Việt Minh được treo cao. Người dân ra sức ủng hộ Việt Minh, phong trào biểu tình tự phát diễn ra trên các đường phố của thủ đô Hà Nội với những khẩu hiệu “đả đảo chính phủ bù nhìn”, “ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập”. Ngày 19/8, nhân dân Hà Nội tập trung tại quảng trường Nhà hát lớn cùng vũ khí thô sơ, dưới sự hướng dẫn của Việt Minh nhanh chóng tiến hành khởi nghĩa giành chính quyển ở Hà Nội thành công. Thắng lợi này đã tiếp thêm nguồn sức mạnh cổ vũ các tỉnh thành khác trong cả nước đứng lên giành chính quyền.
* Kỷ niệm về ngôi nhà 48, Hàng Ngang, Hà Nội
Khi cách mạng tháng Tám thành công, Trung ương Đảng đã cử đồng chí Lê Đức Thọ đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội và nghỉ tại thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, Từ Liêm (nay là Phú Thượng, Tây Hồ). Sau đó, Bác về ở tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội. Tại đây, Người đã dành phần lớn thời gian để viết bản Tuyên ngôn Độc lập vào cuối tháng 8 năm 1945. Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang là của gia đình tư sản yêu nước ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ. Hiện nay ông bà đã mất nhưng kỷ niệm về Bác Hồ vẫn còn trong ký ức của con trai trưởng của ông Trịnh Văn Bô là ông Trịnh Lương, ông cho biết: “Thời gian đó tôi mới 12 tuổi, nhưng có lẽ đã già trước tuổi vì từng tham gia dán truyền đơn, tiếp xúc với cán bộ Việt Minh. Tuy nhiên, những hiểu biết của tôi khi Bác Hồ đến nhà 48 Hàng Ngang vừa do ký ức thời niên thiếu, vừa do hiểu biết thêm sau này mà có”. (Theo: Trở lại nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập – Kiến Nghĩa, Tienphong.vn).
Ông Trịnh Lương bên bản Tuyên ngôn Độc lập trưng bày tại 48 Hàng Ngang. Hà Nội
Theo ông biết, trước khi Bác Hồ lưu lại 48 Hàng Ngang, căn nhà của gia đình đã là một cơ sở của Việt Minh. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công ít ngày, các cán bộ đứng đầu của Việt Minh đã họp tại gác hai nhà 48 Hàng Ngang. Vài ngày sau, Bác Hồ được đón đến nhà, nhưng mọi người trong gia đình đều không được biết Bác là ai. Nhưng qua cách thưa gửi, nói chuyện của mọi người với Bác, thì biết cụ già lưu lại nhà mình là một người rất quan trọng. Khi đó, gia đình ông Trịnh Văn Bô đã thu xếp toàn bộ tầng 2 để Bác tiếp khách và làm việc, đồng thời mời Người lên nghỉ tại tầng 3 có đầy đủ tiện nghi. Tuy nhiên, để tiện làm việc và nghỉ ngơi nên Bác chỉ đề nghị thêm chiếc 1 giường vải và ở luôn tại tầng 2 của căn nhà 48 Hàng Ngang.
Lúc bấy giờ, những người làm tại nhà ông Trịnh Văn Bô khi đó đều là họ hàng được lựa chọn kỹ trong quê, rất kín tiếng và thạo việc. Tuy vậy, bà Hoàng Thị Minh Hồ vẫn cho đầu bếp của gia đình về quê nghỉ một thời gian, khi nào được gọi mới lên. Sau đó, bà cho gọi một người họ hàng khác thật thân tín đang làm đầu bếp tại một cao lâu (hiệu ăn lớn) trên phố Hàng Buồm về nấu nướng phục vụ cho Bác.
Ông Trịnh Lương nhớ lại: “Ngày 2/9/1945, chúng tôi cũng được đến tham gia ngày hội lớn tại Quảng trường Ba Đình. Khi Hồ Chủ tịch đứng trên lễ đài đọc Tuyên ngôn Độc lập, tôi tròn mắt kinh ngạc khi nhận ra Người. Nước mắt ứa ra, tôi nhớ chỉ hơn một tuần trước đây thôi, bản thân còn chưa biết ông cụ có cặp mắt sáng, mặc chiếc áo nâu bạc, ngồi trầm ngâm tại gác 2 nhà mình là ai. Đến bây giờ tôi mới hiểu đó là Bác Hồ, và những giờ phút được gặp Người tại 48 Hàng Ngang là những khoảnh khắc vô giá mà mình đã may mắn có được trong đời.” (Theo: Trở lại nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập – Kiến Nghĩa, Tienphong.vn)
Sau ngày 2/9/1945, Bác Hồ trở lại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, cảm ơn và chào gia đình ông Trịnh Văn Bô để đến nơi làm việc mới tại Bắc Bộ phủ. Trong thời gian Bác Hồ về ở và làm việc tại căn nhà 48 Hàng Ngang, 1 tháng 3 ngày (từ ngày 24.8 - 27.9), gia đình ông Trịnh Văn Bô đã hết lòng phục vụ, chăm lo cho Bác và các đồng chí trong Trung ương Đảng. Bác Hồ từng bày tỏ gia đình là ân nhân của cách mạng.
75 năm trôi qua, tại ngôi nhà này còn lưu giữ nhiều kỷ vật gắn với thời kỳ lịch sử của dân tộc cùng nhiều tư liệu, hình ảnh quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi để người Việt Nam trở về thăm lại và cảm nhận không khí sục sôi của ngày Độc lập.
Cán bộ Phòng GD, CC chụp ảnh lưu niệm tại ngôi nhà 48 hàng Ngang, Hà Nội – Nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập.
Cán bộ Phòng GD, CC chụp ảnh lưu niệm bên trong ngôi nhà 48 hàng Ngang, Hà Nội
* Câu chuyện của bà Lê Thị Thi - người được vinh dự kéo cờ trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập, ngày 2-9-1945
Ngày 2/9/1945, trên lễ đài lớn tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước đông đảo quần chúng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời, trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Tiếng hát của bài Quốc ca vang lên và lá cờ Tổ quốc cũng từ từ được kéo lên trong tiếng hát Quốc ca của hàng vạn người có mặt tại Quảng trường. Khi bài Quốc ca vừa kết thúc cũng là lúc lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên lễ đài, trong tiếng vỗ tay vang rền của người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình. Những ký ức về hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên bầu trời Hà Nội ngày 2/9/1945 như đang hiện hữu trong ký ức của bà Lê Thị Thi - người được vinh dự kéo cờ trong ngày lễ độc lập.
Ngồi bên chiếc bàn kê giữa căn phòng khách rộng khoảng 20m2 trong căn nhà trên phố Ngô Quyền (Hà Nội), bà Thi tay run run, lật giở từng tấm ảnh đã ố vàng được lưu giữ cẩn thận trong cuốn sổ dày cộp. Bà hiện nay sức khỏe đã yếu nhưng trí nhớ của bà Lê Thi vẫn không thể quên thời khắc thiêng liêng ấy khi được trực tiếp tham gia sự kiện Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập và được vinh dự lựa chọn là một trong hai người kéo lá cờ Tổ quốc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.
Bà Thi là một trong hai người vinh dự được kéo lá cờ Tổ quốc tại Lễ Tuyên ngôn Độc lập 1945
Bà Lê Thị Thi tên thật là Dương Thị Thoa, con gái của Liệt sĩ Dương Quảng Hàm - một nhà giáo nổi tiếng và nguyên là Hiệu trưởng Trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An, Hà Nội). Bà quê ở Hưng Yên, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình trí thức có 8 anh chị em, ở 98 Hàng Bông (Hà Nội). Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đến ngày 2/9/21945 cả nước nô nức hướng về Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) dự Lễ Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bà kể lại: “Trước đó khoảng 1 tuần, tôi nhận được lệnh của cấp trên đi vận động tất cả phụ nữ tại phố Hàng Bông tập hát Quốc ca, đi đều bước, chọn quần áo, trang phục mặc chỉnh tề, nghiêm trang chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại sắp diễn ra. Lúc ấy, tôi mới 19 tuổi”. Và đoàn phụ nữ Hàng Bông đứng đầu đoàn phụ nữ của Thủ đô tham gia diễu hành trong ngày lễ lịch sử trọng đại ấy.
Bà Thi cho biết, gần đến giờ khai mạc, đoàn phụ nữ Hàng Bông được yêu cầu cử một người kéo cờ. Lúc đó tôi đứng im. Các chị em trong hàng nói rằng: “Thi ơi! Lên đi!”. Tôi có cảm giác vừa đi vừa lo dù đã từng được kéo cờ khi còn đi học. Lên đến gần Lễ đài, tôi gặp một người phụ nữ người Tày và cả hai chúng tôi cùng đi lên lễ đài. Khi chuẩn bị kéo cờ tôi nói rằng “chị nâng lá cờ, còn em kéo nhé!”. Vừa dứt lời, tiếng hát của bài Quốc ca vang lên tôi từ từ kéo lá cờ Tổ quốc lên cao. Khi bài Quốc ca vừa kết thúc cũng là lúc lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên lễ đài, trong tiếng vỗ tay của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Hoàn thành nhiệm vụ. Đứng trên lễ đài, tôi được nhìn thấy Bác Hồ rất gần. Lúc đó Bác mặc bộ kaki trắng, đi đôi dép cao su giản dị khác hẳn với tưởng tượng, vì trong trường học những ngày lễ trọng đại người ta thường mặc những bộ đồ sang trọng và đi giầy đen bóng loáng.
Thời gian càng lùi xa thì giá trị thời đại, sức sống mãnh liệt của Cách mạng Tháng Tám càng lan tỏa đến người dân Việt Nam. Những hình ảnh, câu chuyện mà chúng tôi thực hiện trong quá trình khai thác tư liệu qua hồi ức của các nhân chứng lịch sử là những minh chứng cho những ngày cách mạng tháng Tám sục sôi tại Hà Nội cũng như trên toàn quốc. Đây cũng là nguồn tư liệu quý giá giúp cho những cán bộ làm công tác giáo dục có thể truyền tải các thông tin, câu chuyện lịch sử một cách chân thực, xúc động nhất tới đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Qua đó giúp thế hệ trẻ thêm trân trọng truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc và giá trị của hòa bình, độc lập và thống nhất hôm nay.
Ngọc Anh (Phòng GD, CC)