Thứ Hai, 07/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/07/2020 08:56 1670
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp đã và đang được nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Ngày 27/7/1947, lần đầu tiên ngày Thương binh Liệt sĩ được tổ chức tại chiến khu Việt Bắc theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến bản Di chúc thiêng liêng, Bác Hồ đã căn dặn biết bao điều hệ trọng về công tác lao động – thương binh và xã hội:

“Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong …) Đảng, Chính phủ và đồng bào ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sĩ, thì mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền cùng Hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”. [1]

Bác Hồ kính yêu đã đi xa, nhân dân Việt Nam với tấm lòng thương yêu, kính trọng, đã nguyện một lòng quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người để lại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, sự hy sinh xương máu của các thương bệnh binh, liệt sĩ là vô cùng thiêng liêng và cao đẹp; “máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”[2], đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Vì thế, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Người khẳng định: “Các chiến sĩ đã hy sinh xương máu để giữ gìn đất nước... Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế”[3].

Để tỏ lòng biết ơn sâu sắc, 73 năm trôi qua kể từ ngày thương binh liệt sĩ đầu tiên của đất nước và sau này là thực hiện di chúc thiêng liêng của Người, Đảng và Nhà nước cùng toàn dân ta trên mọi miền Tổ quốc đã luôn quan tâm đến các gia đình thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng bằng rất nhiều các chính sách, chủ trương cụ thể như các phong trào: Đền ơn, đáp nghĩa, Đi tìm đồng đội, Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chính sách đối với những người có công…

Đối với thế hệ trẻ,  hướng tới kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các hoạt động với chủ đề “Tuổi trẻ tri ân các Anh hùng Liệt sĩ”; trong đó có hoạt động như: đăng ký chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ liệt sĩ; động viên, thăm hỏi, tặng quà các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, các cựu thanh niên xung phong, cựu chiến binh, người có công với cách mạng, người nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn.

“Ngày Chủ nhật xanh” cũng được tổ chức đồng loạt tổ chức vào ngày 18/7/2020 hoặc 25/7/2020 với các hoạt động cụ thể: Ra quân tình nguyện làm vệ sinh môi trường, tu sửa, chỉnh trang, làm vệ sinh các bia, đài tưởng niệm liệt sĩ; tu sửa các công trình ghi công liệt sĩ, phần mộ các liệt sĩ, đền thờ, trồng thêm cây xanh, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp tại các nghĩa trang, tượng đài liệt sĩ...

Ngày 26/7/2020, các đoàn viên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trên một số tỉnh thành đã đồng loạt tổ chức “Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ” tại các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ, phần mộ các liệt sĩ. Mang sức trẻ đến các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Đó không chỉ là sự biết ơn tới thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để giành lại hòa bình cho dân tộc mà còn là tinh thần yêu nước và bảo vệ đất nước. Truyền thống ấy, đang rất cần những thế hệ trẻ phát huy nhiều hơn nữa.

 

Các bạn trẻ làm lễ tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ Bình Tân, TP Hồ Chí Minh

Hòa chung trong không khí kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, Đoàn Thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với huyện Thiệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức các hoạt động như: Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Khát vọng hòa bình”; Đêm hoa đăng bên dòng sông Thạch Hãn; viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đường 9 …

 
 

Đêm hoa đăng bên dòng sông Thạch Hãn, Quảng Trị

 

Viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đường 9

 

Chương trình nghệ thuật “Khát vọng hòa bình” tại huyện Thiệu Phong, Quảng Trị

Cùng nhau ôn lại tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, cũng là một cách thiết thực để chúng ta thắp nén tâm nhang trước anh linh các liệt sĩ. Thế hệ trẻ chúng tôi tự nhận thức, tự nhắc nhở và sống xứng đáng với thế hệ đi trước bằng sự kính phục, trân trọng tri ân, những tình cảm sâu nặng xin được mãi gửi đến các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Tài liệu tham khảo:

[1] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Bản viết tháng 5-1968, Bộ Chính trị khóa VI công bố ngày 19-8-1989)

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.7, tr.427
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.5, tr.13

 Ngọc Anh (Phòng GD, CC)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4864

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Kỷ niệm 95 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020): Một số báo chí cách mạng thời kỳ 1936-1939 hiện lưu giữ tại BTLSQG

Kỷ niệm 95 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020): Một số báo chí cách mạng thời kỳ 1936-1939 hiện lưu giữ tại BTLSQG

  • 22/06/2020 08:17
  • 2987

Trong cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc lâu dài, gian khổ, oanh liệt của cách mạng Việt Nam, báo chí được coi là một vũ khí cực kỳ quan trọng. Cách mạng đòi hỏi phải có báo chí cách mạng, sinh ra báo chí cách mạng và sử dụng báo chí cách mạng làm vũ khí chiến đấu, thúc đẩy cách mạng Việt Nam phát triển và giành thắng lợi trọn vẹn.