Trong cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc lâu dài, gian khổ, oanh liệt của cách mạng Việt Nam, báo chí được coi là một vũ khí cực kỳ quan trọng. Cách mạng đòi hỏi phải có báo chí cách mạng, sinh ra báo chí cách mạng và sử dụng báo chí cách mạng làm vũ khí chiến đấu, góp phần thúc đẩy cách mạng Việt Nam phát triển và giành thắng lợi trọn vẹn.
Trước khi cách mạng Việt Nam được soi sáng bằng chủ nghĩa Mác Lênin, ở nước ta chưa có một lực lượng nào, một phong trào nào, một tổ chức nào chủ trương xuất bản báo chí làm cơ quan ngôn luận, làm vũ khí chiến đấu của mình. Chỉ đến khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - người đã kiến tạo thành công tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam - Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, qua đó truyền bá luồng tư tưởng mới vào Việt Nam thì mới xuất hiện báo chí cách mạng Việt Nam.
Như vậy, xét về thời gian, báo chí cách mạng Việt Nam phải sinh ra từ một tổ chức cách mạng Việt Nam. Tổ chức cách mạng Việt Nam đầu tiên ra đời đi theo đường lối Mác - Lênin là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tờ báo cách mạng đầu tiên, khởi nguồn của báo chí cách mạng Việt Nam chính là tờ Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, xuất bản số 1 ngày 21-6-1925.
Báo Thanh Niên, số ra ngày 3-10-1926.
Xét về mặt không gian, tổ chức cách mạng Việt Nam đấu tranh chống kẻ thù trên lãnh thổ Việt Nam nhưng do điều kiện lịch sử cụ thể, có lúc những tổ chức cách mạng đó lại hoạt động ở nước ngoài, và có liên hệ chặt chẽ với phong trào trong nước. Báo chí cách mạng Việt Nam chủ yếu được biên tập, xuất bản ở trong nước, phát hành ở trong nước và ra nước ngoài, nhưng cũng có những trường hợp báo chí cách mạng lại được các tổ chức hay trung tâm chỉ đạo đặt ở nước ngoài làm nhiệm vụ biên tập, xuất bản và phát hành từ nước ngoài về trong nước
(Tờ Thanh Niên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên xuất bản ở Trung Quốc; Đồng Thanh rồi Thân Ái của chi hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên xuất bản ở Thái Lan....)
Báo "Thân Ái" của Chi hội Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng ở Xiêm (Thái Lan)
xuất bản trong những năm 1927-1928.
Trước khi có báo chí cách mạng xuất hiện đã có một số báo chí tiến bộ do những thanh niên, trí thức cấp tiến xuất bản, biểu thị thái độ phản đối thực dân Pháp như: La Cloche felée (Chuông rạn), tục bản với tên mới là L'Annam (Nước Nam) của Nguyễn An Ninh và Phan Văn Trường, Jeunne Annam (Nước Nam trẻ) của Lâm Hiệp Châu, Le Nhaque (Người Nông dân) của Nguyễn Khánh Toàn, xuất bản ở Sài Gòn, Tiếng Dân của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng xuất bản ở Huế... nhưng các tờ báo đó chưa có xu hướng chính trị rõ ràng, không có quan hệ gì với nhau, lẻ tẻ, rời rạc, chưa tập hợp thành một dòng chảy độc lập và liên tục.
Báo chí cách mạng gồm: Báo chí của Đảng, trong đó có báo chí của các tổ chức tiền thân của Đảng, của các cấp bộ Đảng ở Trung ương, địa phương và báo chí của các tổ chức chính trị, quần chúng, đoàn thể do Đảng lãnh đạo.
Báo chí cách mạng trước năm 1945 chủ yếu được xuất bản bí mật, trừ thời kỳ vận động dân chủ từ tháng 6-1936 đến tháng 9-1939. Trong cuộc đấu tranh lâu dài, trong hoàn cảnh bất hợp pháp bị địch khủng bố, ta không có nơi an toàn thật sự để lưu giữ các tờ báo, hay nói đúng hơn, chúng ta chưa có ý thức đầy đủ về lưu giữ các loại báo chí nên bị mất mát, phân tán khá nhiều.
Do tình hình như vậy nên hiện nay ở trong nước, báo chí cách mạng được lưu giữ ở rất nhiều nơi, có tờ đủ số, có tờ thiếu nhiều, có tờ thiếu ít. Ở trong nước, báo chí cách mạng được lưu giữ tại một số cơ quan như: Thư viện Quốc gia Hà Nội, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Khoa học xã hội Trung ương ở Hà Nội, Viện Sử học, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (Thành phố Hồ Chí Minh), Cục Lưu trữ Trung ương Đảng.... Tuy nhiên, ở Hà Nội, mảng báo chí này hiện được lưu giữ phong phú và đầy đủ nhất là tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Cục Lưu trữ Trung ương Đảng.
Ở nước ngoài, báo chí cách mạng với tư cách là những tư liệu quý về chính trị, lịch sử cũng được giữ gìn cẩn thận nhưng phân tán ở nhiều kho lưu trữ: Cục Lưu trữ Nhà nước Liên bang Nga, Kho Lưu trữ Quốc gia Pháp, Kho Lưu trữ của Bộ thuộc địa Pháp ở Paris, ở Aix en Provence, Thư viện Quốc gia Pháp.... Có những tờ báo là bản gốc, có tờ là ảnh do Mật thám Pháp chụp lại hoặc được dịch từ tiếng Việt ra tiếng Pháp. Báo chí cách mạng trước năm 1945 đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Từ những năm đầu tạo dựng phong trào cách mạng vô sản, tổ chức những cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ trong suốt hàng chục năm để tiến tới cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, báo chí cách mạng luôn luôn là một vũ khí sắc bén, đấu tranh có hiệu quả vào việc tuyên truyền, tổ chức, cổ động các chiến sĩ cách mạng và quần chúng chiến đấu.
Tường Khanh