Thứ Ba, 25/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/04/2020 08:10 2772
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Thắng lợi nối tiếp thắng lợi, thời cơ thúc đẩy thời cơ. Sau khi mất thành phố Huế, đại bộ phận quân địch ở Trị Thiên và Quảng Nam, Quảng Ngãi bị tiêu diệt, thành phố Đà Nẵng hoàn toàn bị cô lập. Mặc dù Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy phải “tử thủ” để giữ Đà Nẵng. Song trước sức mạnh tiến công của quân và dân ta, trong các ngày 27, 28.3.1975, Tổng Lãnh sự Mỹ và Bộ Chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy đã bỏ chạy khỏi Đà Nẵng. Ngày 29.3.1975, chỉ sau 32 giờ tiến công và nổi dậy, quân và dân ta đã giải phóng thành phố Đà Nẵng, tiêu diệt và làm tan rã hơn 100.000 quân địch, đập tan căn cứ liên hiệp quân sự mạnh nhất của địch ở miền Trung, xóa bỏ Quân khu 1 ngụy, phá vỡ thế mạnh ở đầu phía Bắc của địch. Lúc này “so sánh thế và lực trên chiến trường có sự chuyển biến vượt bậc. Hai trong bốn quân khu của địch đã bị xóa sổ. Lực lượng chúng bị giảm một nửa. Số còn lại lâm vào tình trạng tuyệt vọng, bị suy sụp lớn về tinh thần” (12).

 

Quân giải phóng hoàn toàn làm chủ thành phố Đà nẵng, ngày 29.3.1975
 

Quân giải phóng tiến vào Biên Hòa, Đồng Nai, tháng 4-1975

Cuộc họp Bộ Chính trị ngày 31.3.1975 kết luận: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt mà thời cơ chiến lược để tiến hành Tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt cuối cùng của địch đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà” (13).

 

Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, ngày 30-4-1975

Cách mạng nước ta đang trên đà phát triển sôi nổi nhất với nhịp độ “Một ngày bằng 20 năm”. Vì vậy Bộ Chính trị quyết định: “Nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện Tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4 không thể để chậm” (14).

Sài Gòn – Gia Định là hướng tiến công chiến lược chủ yếu cũng là mục tiêu chiến lược cuối cùng.

Ngày 14.4.1975, Bộ Chính trị đã thông qua kế hoạch giải phóng Sài Gòn mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh.

Chiều 26.4.1975, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng bắt đầu. Đến 11 giờ 30 phút ngày 30.4.1975, lá cờ chiến thắng của ta đã tung bay trên nóc Dinh Độc lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta kết thúc thắng lợi trọn vẹn.

 

Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh theo dõi và chỉ đạo chiến dịch, tháng 4-1975

Thế là, nhờ nỗ lực vượt bậc trong việc tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ, dự kiến đúng xu thế phát triển của tình thế, nắm và chớp thời cơ kịp thời, chỉ 55 ngày đêm ta đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra cho 2 năm. Từ thực tiễn này có thể rút ra mấy điểm:

Một là, để tạo thời cơ thuận lợi, điều quan trọng là phải xây dựng thực lực của mình mạnh.

Như đã nói ở trên, thời cơ thuận lợi là lúc ta có những điều kiện khách quan và chủ quan tốt nhất (về khách quan, đó là sự suy sụp về quân sự, kinh tế, chính trị của địch, tình hình quốc tế có lợi cho ta, bất lợi cho địch, còn về chủ quan là thế và lực của ta trên chiến trường), trong đó điều kiện chủ quan là quyết định. Đồng chí Lê Duẩn đã nói: “Nếu không có sẵn thực lực cách mạng đến mức đủ mạnh thì không thể tạo ra thời cơ và khi thời cơ đến sẽ không kịp lợi dụng được nó” (15). Trong kháng chiến chống Mỹ, có những thời điểm, ta có điều kiện và đã giành được những thắng lợi chiến lược tạo ra các bước ngoặt của chiến tranh, song mới là thắng lợi từng bước, chưa kết thúc được chiến tranh (vào các năm 1965, 1968, 1972). Phải đến cuối 1974, đầu 1975, trong điều kiện khách quan thuận lợi (Mỹ rút, ngụy suy yếu về mọi mặt, nội tình nước Mỹ khủng hoảng), với thực lực đã được xây dựng mạnh chưa từng có trong hơn 20 năm chiến tranh (ta đã xây dựng được 4 quân đoàn chủ lực, so sánh lực lượng địch - ta gần ngang nhau, dự trữ vật chất cho chiến trường tăng). Với thủ đoạn ngoại giao mới của Mỹ, nhiều nước lớn có ý đồ chiến lược mới, ta cũng gặp khó khăn mới. Nhưng Đảng ta đã nắm bắt được thời cơ lớn là Mỹ đã rút ra thì khó quay trở lại. Đảng đã quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với nhịp độ một ngày bằng 20 năm, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hai là, khi đã tạo được thời cơ thuận lợi mà không kịp thời nắm thời cơ để tiến lên giành thắng lợi quyết định thì thời cơ đó cũng không có giá trị. Đây thực chất là nghệ thuật sử dụng thời gian trong khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng. Nói như Ăng ghen: “Trong thương mại, thời gian là tiền bạc thì trong chiến tranh thời gian là chiến thắng”. Lê nin thì cho rằng: “Lịch sử sẽ không thể dung thứ cho những người cách mạng có thể thắng hôm nay mà lại để chậm trễ, vì để đến ngày mai không khéo lại mất nhiều, không khéo lại mất tất cả”(16). Muốn nắm lấy thời cơ, phải đánh giá đúng tương quan lực lượng địch ta, dự đoán chính xác những khả năng có thể xảy ra.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cơ sở đánh giá đúng tương quan lực lượng địch ta, Đảng ta đã nhiều lần hạ quyết tâm chính xác như Đồng khởi 1960, Mậu thân 1968, Tiến công chiến lược 1972, song nổi bật nhất vẫn là việc nắm bắt thời cơ, hạ quyết tâm chiến lược sắc bén, kịp thời trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 4 của Đảng đã đánh giá, thành công nổi bật trong chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là: “Nhận rõ âm mưu cơ bản của đế quốc Mỹ, đánh giá đúng so sánh lực lượng giữa ta và địch, đề ra chủ trương chiến lược chính xác, sắc bén và linh hoạt để đánh bại những âm mưu và hành động chiến tranh của Mỹ, ngụy trong từng thời kỳ, đi đến chiến thắng hoàn toàn trong cuộc chiến tranh xâm lược của chúng”(17).

 

Cờ mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh Tổng thống Ngụy Sài Gòn, 11h30 phút ngày 30-4-1975

Ba là, trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, tình hình có thể phát triển đột biến “một ngày bằng 20 năm”, bởi vậy phải có cách nhìn biện chứng và quan điểm phát triển, chuẩn bị mọi điều kiện, sẵn sàng đón nhận thời cơ mới phát sinh, táo bạo, quyết đoán, hạ quyết tâm kịp thời, giành thắng lợi quyết định. Điều này được thể hiện rất rõ trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Từ kế hoạch ban đầu giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm, sau Buôn Ma Thuột, thời cơ mới xuất hiện, Bộ Chính trị hạ xuống còn một năm. Khi Huế - Đà Nẵng được giải phóng, quân ngụy tan rã nhanh chóng, Bộ Chính trị lại chủ trương thần tốc, táo bạo, giành thắng lợi ngay trong mùa mưa. Quả là tình hình diễn ra với một tốc độ thần kỳ. Chính các tướng tá ngụy cũng phải thốt lên: “Mọi sự đều độc nhất trong ngày tàn của chiến tranh Việt Nam. Ba đời Tổng thống trong một tuần lễ (Thiệu, Hương, Minh), một đạo binh gần một triệu tên tan rã trong 2 tháng” (18).

Bài học về tạo thời cơ, tận dụng thời cơ được lịch sử đúc kết nhiều. Song cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 là bài học thành công xuất sắc nhất.

Thiếu tướng TS. Nguyễn Xuân Năng

Chú thích:

12, 13, 14. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước – những sự kiện quân sự, Viện LSQS Việt Nam xuất bản năm 1988, tr 317, 321.

15. Lê Duẩn , Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, dẫn theo Tạp chí Học tập số 2.1990, tr 47.

16. Lê nin toàn tập, Tập 25, tr 203,204.

17. Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu lần thứ 4.

18. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam, Tập 2, tr 30, Lưu trữ tại Viện LSQS Việt Nam. 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5386

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Tạo và nắm thời cơ chiến lược trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 (Phần 1)

Tạo và nắm thời cơ chiến lược trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 (Phần 1)

  • 24/04/2020 07:51
  • 3428

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Thắng lợi này đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nhất là nghệ thuật tạo thời cơ và tranh thủ thời cơ chiến lược của Đảng ta.