Thứ Ba, 25/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

24/04/2020 07:51 3427
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Thắng lợi này đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nhất là nghệ thuật tạo thời cơ và tranh thủ thời cơ chiến lược của Đảng ta.

Chúng ta đều biết, thời cơ là thời điểm lịch sử thuận lợi nhất, có đủ điều kiện nhất để tiến hành một hoạt động tạo kết quả theo ý đồ của mình. Tùy theo nỗ lực chủ quan của con người mà thời cơ đến tuần tự hay đột biến nhảy vọt. Do vậy muốn tạo và tận dụng thời cơ phải nắm được xu hướng phát triển của sự vật, biết phát huy những nhân tố tích cực, hạn chế những nhân tố không có lợi, đồng thời chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đón nhận thời cơ khi nó xuất hiện.

Thời cơ chỉ xuất hiện trong một thời gian nhất định. Khi thời cơ xuất hiện thì thời gian là lực lượng. Bởi thế việc nắm bắt thời cơ có ý nghĩa quyết định trong việc thành bại của cách mạng. Ông cha ta đã đúc kết: “Trong việc dùng binh không có gì thần bằng cơ, cơ một ngày không trở lại, một tháng không trở lại”(1).

Ăng ghen cũng đã dạy: “Để mất thời điểm thuận lợi, không sử dụng thời gian để tung vào kẻ địch những lực lượng ưu thế có nghĩa là phạm một sai lầm to lớn nhất có thể có trong chiến tranh” (2).

Vận dụng vào thực tế cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 chúng ta thấy, tiền đề dẫn đển sự xuất hiện thời cơ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy và giành thắng lợi quyết định là việc ký Hiệp định Pa ri (27.1.1973). Theo hiệp định, đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút hết quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Việc này dẫn đến so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam thay đổi có lợi cho ta, bất lợi cho quân ngụy Sài Gòn. Đó là điều kiện thuận lợi cho ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn đúng như đồng chí Lê Duẩn đã nói: “Chúng ta buộc địch ký hiệp định Pa ri có nghĩa là ta đã mạnh hơn địch, đủ sức thắng cả Mỹ lẫn ngụy. Khi Mỹ còn, ta đã giành được thắng lợi như vậy thì sau khi Mỹ rút hết, ta càng mạnh hơn và nhất định sẽ đánh thắng hoàn toàn quân ngụy”(3).

 

Lễ ký Hiệp định đình chiến, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Hội nghị Pa ri, 
ngày 27.1.1973

 

Mặc dù vậy, tình hình sau đó lại diễn biến hết sức phức tạp. Đế quốc Mỹ vẫn chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta. Chúng vẫn tiếp tục viện trợ cho ngụy quyền Sài Gòn điên cuồng chống phá hiệp định Pa ri. Về phía ta “chỉ đạo lúc đầu có khuyết điểm là đánh giá không hết khả năng thực hiện âm mưu của địch, do đó ta thiếu chủ trương nhất quán từ đầu về vị trí, nội dung của đòn tiến công quân sự. Các chiến trường thì có lúc, có nơi do dự, lừng chừng, hữu khuynh trong việc đánh trả địch vi phạm hiệp định”(4). Vì vậy, ta để mất đất mất dân. Song, ta đã kịp thời uốn nắn từng bước, nhất là sau khi có nghị quyết Trung ương lần thứ 21 (10.1973), tình hình mới chuyển biến rõ rệt.

Đến cuối 1974, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch có những biến  đổi căn bản. Hội nghị Bộ Chính trị (10.1974) đánh giá: “Diễn biến cơ bản của tình hình trong gần hai năm qua rõ ràng là ta ở thế thắng, thế đi lên, thế chủ động và thuận lợi. Địch đang ở thế thua, thế đi xuống, thế bị động và khó khăn”(5). Về khả năng can thiệp trở lại của Mỹ vào miền Nam, Bộ Chính trị khảng định: “Mỹ không còn đủ sức can thiệp trở lại bằng lục quân, nhưng ta vẫn cần có kế hoạch đề phòng khả năng chúng can thiệp bằng không quân và hải quân. Dù chúng có can thiệp ở mức độ nào, Mỹ cũng không đảo lộn được tình thế, không cứu được bọn tay sai khỏi nguy cơ sụp đổ”(6). Bộ Chính trị kết luận: “Lúc này đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. Ngoài thời cơ này không có thời cơ nào khác”(7). Kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976 do Bộ Tổng Tham mưu soạn thảo đã được Bộ Chính trị thông qua. Nhưng để đi đến kết luận cuối cùng, Bộ Chính trị thấy cần phải nghiên cứu tình hình kỹ hơn nữa, bổ sung cho kế hoạch tác chiến chiến lược đầy đủ hơn nữa. Bộ Chính trị lưu ý: Trong bối cảnh Mỹ đã thất bại ở Việt Nam buộc phải rút quân về nước, ngụy đang trên đà suy sụp, một số nước khác có ý đồ tranh giành ảnh hưởng đối với khu vực Đông Dương và Đông Nam Á, việc tạo thời cơ và chớp thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn càng trở nên cấp thiết, nếu để chậm, các thế lực phản động móc ngoặc sâu với nhau, ta sẽ lỡ.

Từ 18.12.1974 đến 8.1.1975, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng được tổ chức để xác định quyết tâm cuối cùng. Trong lúc Bộ Chính trị họp, chiến trường vẫn sôi động. Ngày 6.1.1975, Phước Long, tỉnh đầu tiên ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng là một sự kiện mới. Nó chứng tỏ những nhận định của Bộ Chính trị là chính xác.

 

Bộ Chính trị họp quyết định mở chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Duẩn nói: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược, to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”(8).

 

Ban Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, tháng 4-1975

Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở cả hai miền trong thời gian 1975-1976 đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, kết hợp với đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta, tiến hành rất khẩn trương và hoàn thành công tác chuẩn bị mọi mặt, tạo điều kiện chín muồi, tiến hành Tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ Trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam Việt Nam” (9). Tây Nguyên được chọn làm hướng tiên công chủ yếu trong năm 1975.

Trong khi ta chuẩn bị mở chiến dịch Tây Nguyên mà Buôn Ma thuột là trận đột phá then chốt, thì địch vẫn chủ quan cho rằng, ta chưa có khả năng đánh lớn vào thị xã hoặc thành phố, dù có đánh cũng không giữ được. Địch dự đoán hướng tiến công của ta đầu năm 1975 là miền Đông Nam Bộ. Vì vậy chúng vẫn giữ thế bố trí mạnh ở hai đầu, nên khi ta nổ súng đánh Buôn Ma Thuột, địch hoàn toàn bất ngờ. Sau hai ngày chiến đấu ta làm chủ Thị xã Buôn Ma Thuột (11.3.1975).

 

Quân giải phóng tiến công và làm chủ Thị xã Buôn Ma Thuột (11.3.1975)

Từ thắng lợi ở Buôn Ma Thuột, Bộ Chính trị đi đến kết luận quan trọng: Ta có khả năng giành thắng lợi lớn nhanh hơn dự kiến. Báo chí phương Tây thì bình luận: “Buôn Ma Thuột mất thì toàn vùng cao nguyên đứng vững sao nổi”.

Quả đúng như vậy, sau khi mất Buôn Ma Thuột, địch vội vã điều hai trung đoàn còn lại của Sư đoàn 23 và Liên đoàn 21 Biệt động quân để phản kích hòng chiếm lại. Song chúng đã bị ta tiêu diệt toàn bộ. Địch buộc phải rút lui chiến lược khỏi Tây Nguyên. Dự kiến đúng tình huống, ngày 16.3.1975, bộ đội ta chặn đánh và truy kích địch trên đường số 7. Ngày 24.3, toàn bộ quân địch rút chạy bị tiêu diệt. Thừa thắng, quân ta tiến xuống giải phóng các tỉnh đồng bằng Nam Trung Bộ, đập tan âm mưu co cụm lớn giữ miền duyên hải đông dân của địch, đẩy địch vào bước suy sụp mới, từ phòng ngự chiến lược sang rút lui co cụm chiến lược. Thời cơ để giành thắng lợi sớm hơn dự kiến đã xuất hiện. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định chuyển từ kế hoạch 2 năm sang kế hoạch giành thắng lợi ngay trong năm 1975. Quyết định này chứng tỏ Đảng ta, với nghệ thuật lãnh đạo chiến tranh tài tình đã không dừng lại ở bước nắm đúng thời cơ, khi thời cơ xuất hiện nhanh hơn dự kiến đã kịp thời hành động tranh thủ giành thắng lợi nhanh hơn, lớn hơn. Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng.

Ngày 21.3.1975, các lực lượng vũ trang ta ở Trị Thiên- Huế lợi dụng cơ hội địch ở Quảng Trị hoang mang rút chạy do tác động thắng lợi của ta ở Tây Nguyên và hoạt động mạnh mẽ của lực lượng tại chỗ, đã nhanh chóng thọc sâu, chia cắt triệt đường rút chạy vào Đà Nẵng của địch, hình thành thế bao vây chiến dịch đối với Huế. 10 giờ 30 phút ngày 25.3.1975, thành phố Huế hoàn toàn giải phóng. Tập đoàn phòng ngự Thừa Thiên - Huế với hơn 4 vạn tên địch bị tan rã.

 

Quân giải phóng tiến qua cầu Tràng Tiền, giải phóng Thành phố Huế,
ngày 25.3.1975

 Đúng ngày thành phố Huế được giải phóng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương lại họp và khẳng định: “Thời cơ chiến lược lớn đã tới. Trong suốt 20 năm chống Mỹ cứu nước, chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này”(10). Từ nhận định này, Bộ Chính trị quyết tâm: “Nắm vững thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp dự kiến, không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa” (11).

                                                          Thiếu tướng TS. Nguyễn Xuân Năng

Chú thích:

1. Binh thư yếu lược của Trần Quốc Tuấn

2. Mác – Ăng ghen toàn tập, tập 2, tr 379.

3. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tập 2, Nxb Sự thật, H. 1991, tr 178.

4. Nghị quyết Quân ủy Trung ương tháng 3.1974.

5. Sức mạnh chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nxb Khoa học xã hội, H. 1985, tr 39.

6,7. Đại tướng Hoàng Văn Thái, Những năm tháng quyết định, Nxb QĐND, H. 1990, tr 146,157.

8,9. Lịch sử kháng chiên chống Mỹ cứu nước, tập 2, Sách đã dẫn tr184.

10,11, Những năm tháng quyết định, Sách đã dẫn, tr 210.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5385

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Nhớ những chuyến đi tìm đồng đội trên đỉnh Chư tan kra (Phần 2 và hết)

Nhớ những chuyến đi tìm đồng đội trên đỉnh Chư tan kra (Phần 2 và hết)

  • 20/04/2020 09:15
  • 2612

Trong khi các cựu chiến binh buồn bã trở về Hà Nội, thì Đội tìm kiếm hài cốt Liệt sĩ K53 của Tỉnh đội Kon Tum và đại đội 187 Sa Thầy vẫn tích cực tìm ở trận địa năm xưa. Ngày 25-5-2009, tin mừng vui khôn xiết từ Huyện đội Sa Thầy bay ra Hà Nội: đã tìm thấy nhiều hố cá nhân có di vật của liệt sĩ Tạ Ngọc Giao và một số di vật khác.