Đường 15L chỉ có trên bản đồ tác chiến của quân đội ta, là một nhánh rẽ của mạng lưới đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại.
Trong các cuốn sách viết về lịch sử chiến tranh chống Mỹ thời kỳ này, chưa thấy ai nhắc tới con đường huyền thoại 15L. Có thể, ai đó đã viết mà tôi không biết chăng? Hy vọng là vậy... Vì nếu chưa viết thì sẽ là rất thiếu sót với lịch sử và với bộ đội ta ở Trường Sơn ngày đó.
Đây là con đường xuất phát từ thị trấn Mai Lộc, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị chạy về hướng Nam, vượt qua sông Ba Lòng (khúc trên Thạch Hãn), xuyên qua thung lũng mầu mỡ Ba Lòng, bám theo các sườn núi phía Tây tỉnh Quảng Trị chạy vào Thừa Thiên Huế. Trừ những đoạn không lợi dụng được lòng suối, bộ đội công binh của Đoàn 559 phải mở đường cắt qua chân đồi núi, còn lại hầu hết các cung đường đều được nhấn chìm xuống lòng suối, bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ về lực lượng và hướng di chuyển của bộ đội trong vận động tác chiến chiến dịch.
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - một kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (Nguồn: Internet)
Tháng 6, năm 1972.
Tiểu đoàn 1 chúng tôi chuyển pháo vào phía sau sát khu vực Ái Tử, án ngữ phía trước là động Ông Do, sừng sững trước mặt. Trận địa đã được anh em Công binh chuẩn bị chu đáo, chúng tôi chỉ việc sửa sang lại hầm hào chút đỉnh là sẵn sàng vào cuộc ngay. Trên bản đồ tác chiến quân sự, trận địa được đặt trên địa danh có tên Ba Gơ.
Xe pháo của địch bỏ lại trên đường rút chạy vào Huế còn khá nhiều. Chỗ nào cũng thấy ngổn ngang đạn pháo... Vậy là, Bộ Chỉ huy mặt trận yêu cầu C.802 chuyển qua dùng pháo địch, đánh định. (Chuyện này xin kể trong một dịp khác)
Tháng 8, năm 1972.
Dùng pháo địch đánh địch được 2 tháng, chúng tôi nhận lệnh di chuyển sâu hơn vào phía Nam. Lúc này địch nống ra rất mạnh hòng đẩy lùi quân ta về lại phía Bắc vĩ tuyến 17.
Trải qua gần nửa năm lăn như bi trong trận mạc, quân ta bắt đầu thấm mệt, thương vong nhiều, lực lượng hao mòn, tinh thần chiến đấu chùng xuống đôi chút...Những vị trí trọng yếu ở vùng đồng bằng ven biển dần rơi vào tay địch quân. Lúc này, cần có một đơn vị hoả lực đủ mạnh luồn sâu tấn công chia cắt địch, tiêu huỷ các kho quân trang, quân dụng và tiêu diệt các đơn vị viện binh của địch điều động từ Huế ra bổ xung cho mặt trận Thành cổ Quảng Trị... C.802 Đoàn PB Bông Lau 2 lên đường lên đường nhận nhiệm vụ đặc biệt này. Chúng tôi bàn giao lại những khẩu lựu pháo 155 ly của Mỹ, chuyển sang sử dụng pháo nòng dài 130 ly do Trung Quốc sản xuất, cải tiến từ loại pháo của Liên Xô do không phù hợp với địa hình rừng núi...
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (giữa) nghe báo cáo về tình hình xăng dầu và vận tải khu vực 471 (ảnh chụp năm 1971) (Nguồn: Internet)
Cuộc hành quân diễn ra khi trời còn chập choạng, nửa sáng nửa tối. Thời tiết đã bắt đầu chuyển sang mùa mưa, đã có những trận mưa báo hiệu mùa mưa đang đến. Trăng đêm nay treo lơ lửng trước mặt chúng tôi, to và loang đỏ như bị nhúng trong máu. Xe pháo chạy đến khu vực bến ngầm của sông Thạch Hãn thì trời đổ cơn mưa rào khá to, mưa bóng mây chỉ một loáng là tạnh. Nước sông lên cao hơn bình thường làm cho cánh lái xe xích kéo pháo không nhận biết đường ngầm chính xác. Lính tráng cởi bỏ quần áo, nhẩy xuống nắm tay nhau làm cọc tiêu hai bên ngầm để xe vượt qua. Máy bay Mỹ vẫn hoạt động đánh phá ta không ngừng nghỉ. Phía Cam Lộ đêm nay chìm trong lửa bom của B52 rải thảm tạo thành những cột lửa chạy dài trong đêm. Rất may phía ngầm chúng tôi vượt sông đêm nay không bị nhòm ngó. Khẩu pháo của Trung đội 2 đã vượt qua sông ngon lành. Đến khẩu pháo của Trung đội 1 chạy sang đến bờ phía Nam thì bị patine ngập trong bùn đất đỏ quánh không tài nào nhúc nhích. Khẩu pháo to đùng, nặng hàng tấn, trên xe mang theo cơ số đạn cũng tương tự nằm chềnh ềnh trên bờ sông Thạch Hãn như chọc tức chúng tôi vậy. Lo lắng nhất là máy bay địch phát hiện sẽ quây lại đánh phá...Trời đã gần sáng rồi, lính tráng cởi trần bị muỗi rừng tấn công, chích máu kêu oai oái, đập phành phạch... Cái đói và cái rét đã thấm vào chúng tôi nhưng không chịu rời vị trí.
Một Trung đội Công binh của Đoàn 559 được điều động tới tăng cường cho chúng tôi giải cứu xe pháo. Vừa lúc đó chiếc xe xích đi đầu cắt pháo dấu trong rừng rồi cho xe quay lại ohỗ trợ, dùng tời xích kéo bật chiếc xe và khẩu pháo ra khỏi đống bùn lầy, lúc đó cũng vừa rạng sáng. Chúng tôi cho xe pháo chạy cách xa trọng điểm vượt sông, nghỉ lại trong hậu cứ của Trung đoàn PB.38, Đoàn Bông Lau 1 đã được lệnh rút ra, chuyển sang tác chiến ở hướng khác của mặt trận.
Ngày thứ hai cuộc hành quân!
Sau một ngày ngủ nghỉ, ăn lương khô với thịt hộp cho lại sức. Trời tắt nắng là chúng tôi rục rịch lên đường. Sau những con đường đất đỏ được Công binh mở men các sườn đồi, con đường chúng tôi đi hoà nhập vào những con suối chảy quanh co men theo đồi núi để nhập vào một con sông nào đấy ở Quảng Trị...
Địa hình tỉnh Quảng Trị có hệ thống sông ngòi kết nối chằng chịt, liên thông nhau, độ dốc theo hướng Tây- Đông khá lớn. Mùa khô các con sông, suối rất ít nước, sông suối trơ lòng... Những tảng đá mồ côi to vật vã sẽ bị dọn sạch bằng một lượng thuốc nổ cần và đủ, những khe suối sâu được san phẳng thành đường đi cho xe vận tải lưu thông....
Đây là một vài số liệu sông suối mà cuộc hành quân của chúng tôi có liên quan:
Sông Ái Tử là phụ lưu của sông Vĩnh Phước trong hệ thống sông Thạch Hãn. Sông Ái Tử bắt nguồn từ phần bắc xã Ba Lòng huyện Đa Krông, chảy uốn lượn về đông bắc. Qua huyện Triệu Phong đến xã Triệu Giang thì hợp lưu sông Vĩnh Phước rồi đổ ngay vào sông Thạch Hãn.
Sông Nhùng là phụ lưu của sông Vĩnh Định trong hệ thống sông Thạch Hãn. Sông Nhùng chảy ở các huyện Đa Krông và Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Sông Nhùng bắt nguồn từ hợp lưu các suối ở phần nam của xã Hải Phúc huyện Đa Krông, chảy uốn lượn về đông bắc. Sang huyện Hải Lăng đến thị trấn Hải Lăng thì đổi hướng đông - đông bắc. Đến xã Hải Quy thì hợp với sông Vĩnh Định và đổ vào sông Thạch Hãn.
Sông Ô Lâu là một con sông đổ ra Biển Đông, tại vùng hạ nguồn thì sông Ô Lâu nối với sông Thạch Hãn qua sông Vĩnh Định.
Sông Mỹ Chánh, hay sông Thác Ma, còn có tên là Sông Thác Mã là một con sông đổ ra sông Ô Lâu. Sông Thác Ma chảy qua các huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị và huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trên đây là tất cả các con sông, khe suối mà chúng tôi đã kéo pháo nòng dài 130 ly len lỏi vào phía sau lưng địch để nổ súng. Hành quân mấy ngày đêm trên những con đường đặc biệt này, chúng tôi thầm ngưỡng mộ những bộ óc thông minh của những con người đã nghĩ tới một con đường độc đáo như vậy!
Những khẩu 130 ly của chúng tôi đã nhanh chóng nhả đạn cắt ngang đội hình tiến quân của QL.VNCH, đó là trận địa pháo Ba-Đa nằm trên bờ sông Mỹ Chánh, ở phía thượng nguồn, góp phần tiêu hao sinh lực địch, làm giảm sức tấn công của QL. VNCH trên mặt trận thành cổ Quảng Trị trong khúc tráng ca 81 ngày đêm giữ vững trận địa.
Đường 15L, đó vẫn chưa phải là tất cả, bên cạnh con đường ngầm dưới lòng sông suối này là một hệ thống đường ống dẫn dầu tiếp năng lượng cho xe cơ giới không bao giờ thiếu nhiên liệu. Rồi các binh trạm hậu cần đảm bảo cho đời sống của bộ đội có đủ lương thực, thực phẩm để đủ sức chiến đấu. Rồi hệ thống hầm hào, công sự phục vụ chiến đấu. Trên những con đường lộ thiên luôn có sẵn các hầm trú ẩn để bộ đội ẩn nấp khi bất ngờ bị địch phát hiện. Không có sẵn các hầm hào trú ẩn đó, số quân thương vong sẽ còn rất lớn trong cuộc chiến đấu ở Quảng Trị năm 1972.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đến thăm bộ đội Trường Sơn (Nguồn: Internet)
Tưởng nhớ vị tướng khả kính,Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tôi không thể không ghi lại lịch sử hình thành và vận hành Đường 15L huyền thoại mà ông và các đồng sự đã dày công nghiên cứu và thực hiện nhằm giúp các chiến binh như chúng tôi hoàn thành các nhiệm vụ tác chiến trong cuộc chiến tranh giải phóng đân tộc.
Viết nhân ngày tiễn đưa vị tướng tài ba về nơi an nghỉ trong Nghĩa trang Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị.
Nguyễn Xuân Vượng, 07-4-2019