Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

03/07/2023 14:55 2880
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
1. Đôi nét về di tích Luy Lâu và quá trình nghiên cứu
Di tích thành cổ Luy Lâu thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là đô thị vào loại sớm và lớn bậc nhất Bắc Việt Nam, với sự mật tập các công trình kiến trúc dinh thự, thành quách, chùa chiền và các kiến trúc tôn giáo dày đặc qua ghi chép của sử sách, đặc biệt là các phát hiện với số lượng lớn các loại di tích, di vật thông qua quá trình nghiên cứu, khai quật khảo cổ học. Theo đó, Luy Lâu không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế mà còn là trung tâm văn hóa và tôn giáo, với sự du nhập và phát triển của Phật giáo, hay sự truyền bá chữ Hán và Nho giáo.
Luy Lâu có vị trí đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử văn hóa Việt Nam giai đoạn Mười thế kỷ đầu Công nguyên với nhiều thăng trầm lịch sử. Ngay từ năm 1964, thành cổ Luy Lâu đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia, tiếp đó là các di tích chùa Dâu được xếp hạng di tích Quốc gia năm 1962 và di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013; các di tích còn lại trong hệ thống Tứ pháp đều được xếp hạng cấp Tỉnh: chùa Phi Tướng (năm 2014), chùa Đậu và chùa Dàn (năm 2020).
Cái tên Luy Lâu xuất hiện từ khá sớm trong các thư tịch cổ của Trung Quốc và Việt Nam, như Tiền Hán thư - Địa lý chí, Tấn thư - Địa lý chí, Thủy kinh chú, Tam Quốc chí, hay Việt sử lược, Đại Việt sử kí toàn thư, Đại Nam nhất thống chí... Tuy còn nhiều chỗ mơ hồ, nhầm lẫn, nhưng qua các biên chép của các sử gia phong kiến Việt Nam và Trung Quốc, có thể thấy Luy Lâu chính là trị sở của nhà Hán ở Giao Chỉ và là trung tâm Phật giáo cổ xưa thời Bắc thuộc.
Đến thời Pháp thuộc, Luy Lâu tiếp tục được các học giả trong và ngoài nước biên chép, tìm hiểu, trong đó đáng kể nhất là công trình "Bắc kỳ thời cổ đại" in trên tạp chí Viễn Đông Bác Cổ năm 1937 của Madrolle. Qua đối chiếu, khảo cứu các nguồn thư tịch cổ, kết hợp với việc sử dụng tài liệu điều tra khảo sát các di tích do công sứ Bắc Ninh là Wintrchert cung cấp, Madrolle cho rằng thủ phủ Luy Lâu thời Hán đóng tại vị trí làng Lũng Khê và di tích hiện còn chính là thành Luy Lâu. Tuy vẫn còn nhiều chỗ chưa sáng tỏ, nhưng đây chính là chỉ dẫn quan trọng cho những cuộc nghiên cứu, khảo sát Luy Lâu về sau này.
Từ năm 1954 đến nay, Luy Lâu tiếp tục được biên chép, đề cập trong các công trình thông sử hoặc địa lý, văn hóa, tôn giáo của Việt Nam, bên cạnh đó là việc tiến hành nhiều đợt nghiên cứu, khai quật kkharo cổ học. Theo đó, các di tích liên quan đến thành cổ Luy Lâu, di chỉ cư trú, mộ táng, các kiến trúc Phật giáo, hệ thống Tứ pháp... đã được tìm hiểu bước đầu, đem lại những nhận thức đầy đủ hơn về giá trị to lớn của di sản văn hóa Luy Lâu. Kết quả nghiên cứu cho thấy tính chất phức hợp của di tích Luy Lâu, đây vừa là một thành lũy quân sự, lại vừa là một trị sở hành chính, đồng thời là trung tâm về tôn giáo và văn hóa, với kiến trúc nhà cửa, dinh thự quy mô lớn. Ngoài ra, Luy Lâu còn là một trung tâm đúc đồng thời cổ đại, với những bằng chứng rõ ràng của lò nung, đặc biệt là với việc phát hiện những mảnh khuôn đúc trống đồng Đông Sơn. Bên cạnh đó, Luy Lâu còn có hệ thống các di tích mộ gạch của người xưa ở phía Đông thành, được các nhà khảo cổ xếp vào loại lớn nhất miền Bắc Việt Nam.
Trong các giá trị to lớn của khu di tích Luy Lâu, dưới đây chúng tôi xin tập trung giới thiệu về Luy Lâu với ý nghĩa là một trung tâm Phật giáo sớm được du nhập kết hợp hài hòa với tín ngưỡng dân gian (giữa Phật và Thần) đã hình thành nên triết lý cùng hệ thống chùa, tháp và các di sản vô cùng độc đáo, đặc sắc của Phật giáo Việt Nam.
2. Trung tâm Phật giáo Luy Lâu
2.1. Nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng châu thổ Bắc bộ, Luy Lâu từ rất sớm đã là nơi giao lưu, gặp gỡ hội tụ của các luồng giao thông thủy bộ. Dấu vết các đường giao thông cổ qua Luy Lâu còn để lại khá rõ qua các di tích, địa danh và truyền thuyết. Theo nhiều nguồn sử liệu cho biết, Phật giáo truyền bá vào Việt Nam trực tiếp từ Ấn Độ vào khoảng đầu Công nguyên theo đường biển khi các nhà sư Ấn Độ theo các thương nhân đi thuyền đến buôn bán ở các nước Champa, Chân Lạp và Giao Chỉ…
 
Sơ đồ phân bố giao thông đường thuỷ qua khu vực Luy Lâu 
Tại Luy Lâu, những di tích, tài liệu về sự hình thành trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa của nước ta còn khá phong phú, các tài liệu như: Bản khắc Cổ Châu Pháp Vân phật bản hạnh ngữ lục lưu giữ tại chùa Dâu hay bia đá Sự tích chùa Phúc Nghiêm ở chùa tổ Mãn Xá cho biết một câu chuyện mang đậm tính huyền tích về buổi đầu hình thành phật Tứ pháp. Các tăng sĩ Ấn Độ, những người có mặt đầu tiên để truyền giáo ở Luy Lâu, trong đó có sư Khâu Đà La đến đây truyền giáo vào thời Sĩ Nhiếp, ông đã lập am truyền đạo tại chùa Linh Quang trên núi Phượng Hoàng. Ở làng Mãn Xá phía tây nam thành Luy Lâu có ông bà Tu Định vốn là người rất khâm phục phép màu của sư Khâu Đà La, ông bà đã cho con gái là Man Nương lúc đó vừa 12 tuổi được thụ giáo sư Khâu Đà La. Một hôm Man Nương ngủ quên trước cửa, Khâu Đà la vô tình bước qua, sau đó Man Nương có thai, mang thai 14 tháng đến ngày mùng 8 tháng 4 thì sinh hạ một đứa con gái. Man Nương bế con đến chùa Linh Quang trả cho Khâu Đà La, nhà sư bế đứa bé đến cây dung thụ (cây dâu), gõ cây đọc kệ, cây nứt ra để ông đặt đứa bé vào đó. Sau đó ông trao cho Man Nương cây tích trượng và dặn khi nào trời trời có hạn thì cắm gậy đó xuống đất và cầu nguyện thì sẽ có nước. Đến năm Giáp Tý, mưa bão làm cây dung thụ đổ, bị cuốn trôi theo dòng nước về sông Dâu, rồi quẩn lại ở bến trước thành Luy Lâu. Mọi người trong làng được huy động ra kéo cây vào nhưng không được, Man Nương ném dải yếm thì cây tự trôi vào và kéo lên nhẹ nhàng. Đêm ấy Sĩ Nhiếp được thần báo mộng phải lấy cây dung thụ để tạc tượng thờ. Thợ tạc xong pho thứ nhất, trên trời có mây ngũ sắc nên đặt là Pháp Vân thờ ở chùa Thiền Định Diên Ứng (chùa Dâu), xong pho tượng thứ hai trời đổ mưa, gọi là Pháp Vũ, thờ ở chùa Thành Đạo (chùa Đậu), đến pho thứ ba thấy sấm nổi lên, gọi là Pháp Lôi, thờ ở chùa Phương Quan (chùa Dàn) và đến pho thứ tư thấy có ánh chớp, gọi là Pháp Điện, thờ ở chùa Phi Tướng (chùa Tướng).
Khi làm lễ rước các tượng vào chùa, riêng tượng Pháp Vân không nhúc nhích, hỏi ra biết rằng khi tạc tượng, rìu của thợ tạc đến khúc ngọn và phải hòn đá trong cây nên đã ném hòn đá xuống sông. Phái người đi mò tìm không thấy, đến khi Man Nương tới nơi hòn đá tự nhảy vào lòng bà và phát sáng. Sau đó việc rước tượng Pháp Vân về chùa mới thuận lợi. Từ đó, lệ hàng năm đến ngày mùng 8 tháng 4 các chùa thờ Tứ pháp tổ chức mở hội, trung tâm ở chùa Dâu, còn gọi là hội “tắm Phật” 
 
Tượng Pháp Vân
 
Tượng Pháp Vũ
 
Tượng Pháp Lôi
 
Tượng Pháp Điện
2.2. Cũng theo Cổ Châu Pháp Vân phật bản hạnh ngữ lục và nhiều nguồn tài liệu văn tự, truyền thuyết cho thấy vào thế kỷ II - III Công nguyên, Luy Lâu đã là trung tâm Phật giáo lớn, sinh hoạt nhộn nhịp, tăng viện, chùa tháp được xây cất quy mô, lưu giữ hàng trăm bộ kinh. Hàng trăm tăng sĩ người Ấn Độ, Trung Quốc và Trung Á… đã có mặt ở đây để truyền đạo, nghiên cứu, soạn kinh phật để rồi từ đây toả đi các nơi.
Vào thế kỷ VI - VII, Luy Lâu được coi là đất linh địa, do đó được vua nhà Tuỳ là Tuỳ Văn Đế ban cho di vật của đức Phật
Từ thế kỷ VI - IX, Luy Lâu là trung tâm của thiền phái thứ nhất của Việt Nam: Thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi. Tì-ni-đa-lưu-chi là người Ấn Độ, trong Cổ Châu Pháp Vân bản hạnh cho biết ông đến chùa Pháp Vân vào tháng 3 năm Canh Tý (580), ở lại đây đến năm Giáp Dần (594) thì viên tịch. Có thể coi Tì-ni-đa-lưu-chi là người lập ra thiền phái thứ nhất của Việt Nam và trung tâm chính là chùa Dâu.
Từ nửa đầu thế kỷ thứ IX, Luy Lâu không còn giữ vai trò trung tâm chính trị của Việt Nam, tuy nhiên vẫn là một trung tâm phật giáo lớn. Các vua chúa Việt Nam thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn vẫn quan tâm và thường xuyên về đây dự lễ hội và các lễ nghi cầu đảo.
2.3. Trước năm 1945 chùa Dâu và hệ thống Tứ pháp thuộc tổng Khương Tự bao gồm 12 làng (xã) sau: Thanh Tương (làng Tướng), Thanh Hoài, Lũng Khê (Lũng Triền), Khương Tự (làng Dâu), Đại Tự (làng Tự), Đông Cốc, Công Hà, Mãn Xá (làng Mèn), Tư Thế, Trà Lâm, Văn Quan (Dàn Cối), Phương Quan (Dàn Câu).
Chùa Dâu và hệ thống chùa Tứ Pháp thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nằm trên địa bàn của 3 xã như sau: chùa Dâu (Diên Ứng Tự, Pháp Vân Tự) tại thôn Khương Tự (tên nôm làng Dâu) thuộc xã Thanh Khương; chùa Tướng (Phi Tướng Tự) tại thôn Lũng Khê thuộc xã Thanh Khương; chùa Dàn (Trí Quả Tự ) tại thôn Phương Quan (tên nôm Dàn Câu) thuộc xã Trí Quả; chùa Tổ (Phúc Nghiêm Tự) ở thôn Mãn Xá thuộc xã Hà Mãn. Còn chùa Đậu (Thành Đạo Tự) bị phá hoại hoàn toàn trong kháng chiến chống Pháp và đã được trùng tu trong thời gian gần đây. Tất cả có 18 di tích, gồm:
- Tại xã Thanh Khương - Trung tâm của Luy Lâu xưa có 9 chùa là chùa Chợ, chùa Đậu (thờ Pháp Vũ), chùa Dâu (thờ Pháp Vân), chùa Bình, chùa Linh Thông, chùa Phi Tướng (thờ Pháp Điện), chùa Dịp, chùa Vàng, chùa Định.
 
Chùa Dâu
- Tại xã Trí Quả phía bắc thành Luy Lâu có 5 chùa: chùa Văn Quan, chùa Phương Quan (chùa Dàn thờ Pháp Lôi), chùa Trà Lâm, chùa Tư Thế và chùa Xuân Quan.
- Tại xã Hà Mãn phía tây nam thành Luy Lâu có 4 chùa: chùa Mãn Xá (chùa tổ), chùa Hà, chùa Thông và chùa Đông Cốc.
Những ngôi chùa kể trên phần lớn thờ Phật Tứ pháp, được xây dựng ở các làng ven hai bờ sông Dâu tụ về trung tâm là chùa Dâu. Tại chùa Dâu, với bình đồ kiến trúc hình vuông, kiểu thức “tiền Phật, hậu Thánh” trước là tiền đường, sau hậu đường, hai bên có hai hành lang, ở giữa là tháp Hòa Phong. Bình đồ này mang phong cách của các tịnh xá Thiên Trúc (Vihara), bảo tháp được dựng giữa sân để tăng chủ vừa đi vừa tụng niệm ngược chiều kim đồng hồ quanh tháp. Tại chùa Dâu việc thờ phật Tứ Pháp và phật Thạch Quang (là một trụ đá hình ống) giống như linga, cho thấy các yếu tố trên là sự kết hợp giữa phật giáo Ấn Độ với tín ngưỡng bản địa để hình thành nên những nét đặc thù của Phật giáo ở Luy Lâu thời Bắc thuộc.
3. Hệ thống chùa Tứ pháp ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ
Các chùa Tứ pháp ở không chỉ được thờ và truyền tụng tại Luy Lâu (Bắc Ninh) mà còn được thờ cúng nhiều nơi ở đồng bằng Bắc Bộ và không có hệ thống hoàn chỉnh như ở Luy Lâu.
 
Sơ đồ phân bố hệ thống di tích chùa thờ Tứ Pháp tại Luy Lâu và đồng bằng Bắc bộ
Con Sông Dâu là mạch giao thông thủy cổ xưa đi qua vùng Luy Lâu, nối các sông phía Bắc với sông Hồng, trước thế kỷ 19 vẫn là tuyến giao thông quan trọng ở phía Nam của vùng Kinh Bắc. Hoạt động sản xuất nông nghiệp của Kinh Bắc xưa và các vùng lân cận phụ thuộc vào sông này, tín ngưỡng thờ Tứ Pháp ra đời từ đây và lan toả ra khu vực rất rộng bao gồm cả vùng Đông Anh, Gia Lâm (Hà Nội), Thuận Thành (Bắc Ninh), Văn Giang (Hưng Yên), nối qua sông Hồng là Thường Tín, Phú Xuyên (Hà Nội). Những vùng này đều thờ Tứ Pháp như chùa Nành (Gia Lâm - Hà Nội), chùa Thái Lạc (Văn Lâm - Hưng Yên), chùa Pháp Vân (Giáp Bát - Hà Nội) và chùa Đậu (Thường Tín - Hà Nội). Các khu vực này đều nằm ở trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ cổ xưa thuộc lưu vực sông Hồng, sông Đuống, sông Tiêu Tương, sông Cầu, sông Châu Giang và sông Dâu. Do đó, việc thờ thần tự nhiên, tục thờ đá thiêng và lễ cầu đảo là những tập tục gắn với lễ nghi liên quan đến sản xuất nông nghiệp ở các vùng này.
Bảng thống kê các di tích thờ phật Tứ pháp:
Chùa Hà, Thôn Công Hà, xã Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh: Thờ Bà Hà - Một chi cành của bà Dâu
Chùa Dàn Chợ, Thôn Xuân Quan, Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh: Thờ Bà Pháp thông học - Học trò của Bà Dâu
Chùa Đại Trạch,Thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh: Thờ Bà Pháp thông học - Học trò của Bà Dâu
Chùa Keo,Xã Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội: Thờ Bà Dâu - Pháp Vân
Chùa Yên Mĩ,Xã Dương Quang, Gia Lâm, Hà Nội: Thờ Bà Dâu - Pháp Vân
Chùa Lạc Miếu,Xã Lạc Hồng, Văn Mĩ, Hưng Yên: Thờ Bà Dàn - Pháp Lôi
Chùa Thái Lạc,Xã Lạc Hồng, Văn Mĩ, Hưng Yên: Thờ Pháp Vân, Pháp Vũ và Pháp Điện
Chùa Nành,Xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội: Thờ Pháp Vân
Chùa Đậu,Thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Nội: Thờ Pháp Vũ
Chùa Long Hưng, Thôn Pháp Vân, xã Hoằng Liệt, Thanh Trì, Hà Nội: Thờ Pháp Vân
Chùa Ngọc Nội - Ngọc Trì -Thuận An - Đức Nhân - Nghi An,Xã Trạm Lộ, Thuận Thành, Bắc Ninh: Thờ Tứ Pháp
Qua bảng thống kê hệ thống các di tích thờ Tứ Pháp đã cho thấy sự ảnh hưởng rộng lớn của trung tâm Phật giáo Luy Lâu ra các khu vực xung quanh, điều này chứng tỏ Tứ pháp vùng Dâu - Luy Lâu có vai trò quan trọng đối với đời sống tôn giáo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp đồng bằng Bắc bộ trong trong suốt tiến trình lịch sử văn hóa dân tộc.
4. Các phát hiện mới khu vực trung tâm Phật giáo Luy Lâu
Trải qua quá trình tồn tại, các chùa trong hệ thống Tứ pháp ở Luy Lâu còn lưu giữ một khối lượng lớn các tài liệu hiện vật minh chứng cho quá trình hình thành và phát triển đó là hệ thống các văn bia, sắc phong, tượng phật, tượng thú, vật liệu kiến trúc và dấu ấn kiến trúc mang phong cách của 10 thế kỷ đầu Công nguyên cho đến các thời Trần, Lê, Nguyễn cùng các di vật khảo cổ....
 
Tượng cừu tại Lăng mộ Sĩ Nhiếp
 
Tượng cừu tại chùa Dâu
Năm 2012, tại thôn Xuân Quan, xã Trí Quả cách thành Luy Lâu về phía bắc khoảng 800m, người dân đã đào được hai cổ vật là bia tháp mộ và liễn đá có nắp, trên bia ghi chép về việc Hoàng đế nhà Tuỳ dựng bảo tháp và đặt xá lỵ tại chùa Thiền Chúng, thuộc huyện Long Biên, đất Giao Châu để phổ độ cho muôn cõi sinh linh, niên hiệu năm Nhân Thọ thứ nhất (601) nước Đại Tuỳ. Hai hiện vật trên hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Bắc Ninh.
4.1. Bia mộ tháp
Bia mộ tháp, gồm hai phần có hình gần vuông, kích thước 45 x 46cm, úp khít vào nhau. Phần dưới là thân bia, dày 9cm, tạo nhẵn, một mặt khắc minh văn chữ Hán, có 13 dòng gồm 133 chữ, dòng đầu khắc 4 chữ “Xá lợi minh tháp”, dòng thứ hai khắc các chữ “Duy Đại Tuỳ nhân thọ nguyên niên tuế thứ Tân Dậu thập nguyệt Tân Hợi sóc thập ngũ nhật Ất Sửu”. Nghĩa là: Bài minh tháp xá lợi, dựng năm Đại Tùy niên hiệu Nhân Thọ nguyên niên (601) nhằm năm Tân Dậu, tháng 10, ngày sóc Tân Hợi, ngày 15 Ất Sửu. Theo nghiên cứu văn bia của TS. Phạm Lê Huy như sau:
Phiên âm:
Xá lợi tháp minh văn
Duy Đại Tuỳ Nhân Thọ nguyên niên tuế thứ Tân Dậu thập nguyệt. Tân Hợi sóc thập ngũ nhật Ất Sửu. Hoàng đế phổ vi nhất thiết pháp giới u hiển sinh linh cẩn ư Giao Châu Long Biên huyện Thiền Chúng tự phụng an xá lợi, kính tạo linh tháp nguyện. Thái tổ Vũ Nguyên Hoàng đế Nguyên Minh Hoàng hậu, Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng thái tử, chư vương tử tôn đẳng, tịnh nội ngoại quần quan, viên cập dân thứ, lục đạo tam đồ, nhân, phi nhân đẳng sinh sinh thế thế trị phật văn pháp, vĩnh ly khổ không, đồng thăng diệu quả. Sắc sứ Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kị uý Khương Huy tống xá lợi ư thử khởi tháp.
Bài minh tháp xá lợi
Dịch nghĩa:
Đại Tùy niên hiệu Nhân Thọ nguyên niên (601) nhằm năm Tân Dậu, tháng 10, ngày sóc Tân Hợi, ngày 15 Ất Sửu. Vì sinh linh u hiển của tất cả các cõi pháp giới, Hoàng đế [tức Tùy Văn Đế] kính cẩn kiến tạo linh tháp, phụng an xá lợi tại chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, Giao châu, nguyện cho: Đức Thái tổ Vũ Nguyên Hoàng đế, Nguyên Minh Hoàng hậu, Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng thái tử, các vương tử vương tôn, cùng quan viên nội ngoại, đến cả kẻ thứ dân, lục đạo tam đồ, nhân, phi nhân, đời đời kiếp kiếp được gặp Phật nghe pháp, vĩnh viễn thoát ly khổ đau, cùng đạt quả phúc. Sắc chỉ sai Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kị úy là Khương Huy đưa xá lợi đến đây xây tháp.
 
Liễm và bia đá phát hiện tại thôn Xuân Quan, xã Trí Quả
4.2. Hộp đá (Liễm đá)
Bên cạnh bia mộ tháp nêu còn tìm thấy một hộp đá gần vuông (Liễm), trên có nắp đậy, chế tác bằng đá có chất liệu tương tự bia mộ tháp, kích thước hộp: 45 x 46 x 27cm, nắp đậy có kích thước: 45 x 46 x 8cm.
Như vậy việc tìm thấy văn bia có niên hiệu Nhân Thọ (năm 601) và hộp đá có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu về Phật giáo giai đoạn Mười thế kỷ đầu Công nguyên tại Việt Nam nói chung, đặc biệt là hoạt động xây dựng tháp xá lợi và các tín ngưỡng liên quan trong giai đoạn Tùy Đường tại Luy Lâu. Đây là văn bia có nắp đầu tiên phát hiện ở Việt Nam, thuộc loại hình bia xá lợi, chôn dưới chân tháp.
Nội dung văn bia có rất có giá trị trong việc xác định vị trí tòa thành cổ Luy Lâu và Long Biên thời Mười thế kỷ đầu Công nguyên. Là cứ liệu quan trọng góp phần định vị vị trí của huyện Long Biên và Luy Lâu mà lâu nay giới nghiên cứu đã thảo luận rất nhiều. Hiện tấm bia đã được Thủ tướng chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia (2013).
4.3. Khai quật khảo cổ học khu vực trung tâm thành cổ Luy Lâu
Từ năm 2012 đến 2022, trong chương trình hợp tác nghiên cứu khảo cổ học về di tích thành cổ Luy Lâu giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Đại học Đông Á (Nhật Bản) nhằm tìm hiểu về quy mô, các vết tích kiến trúc, dấu vết các hoạt động sinh hoạt của toàn thành và khu vực Luy Lâu xưa.
- Trong quá trình khảo sát đã phát hiện được ba chiếc chân tảng đá sa thạch tại khuôn viên di tích chùa Đậu, niên đại có thể là thế kỷ II - III.
- Năm 2014, trong quá trình đào ao, nhân dân đã phát hiện trong thành các mảnh lá đề bằng đồng, trang trí hoa sen, hình bánh xe, đao lửa, cây đèn, đặc biệt trên đó có các phù điêu tượng phật ngồi thiền trên đài sen. Ở một số mảnh còn thấy dấu vết mạ vàng còn sót lại, cho thấy đây là những hiện vật quý giá dùng để thờ cúng cho những chùa lớn và quan trọng. Các hiện vật nêu trên được người dân tìm thấy trong quá trình cải tạo ao thả cá, vị trí nằm sát với khu vực Bảo tàng Lịch sử quốc gia phát hiện phát hiện hàng nghìn mảnh khuôn đúc trống đồng trong hai đợt khai quật di tích Luy Lâu năm 2014 - 2015. Có thể thấy ngoài việc đúc trống đồng, thì ở đây còn đúc các loại hình hiện vật khác trong đó có lá đề nêu trên nhằm phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng thờ phật nơi đây.
 
 
 
Các mảnh lá đề phát hiện ở trong thành Luy Lâu
 
Chân tảng phát hiện tại chùa Đậu
- Trong quá trình khai quật tại Luy Lâu, trong các loại ngói lợp, chúng tôi tìm thấy rất nhiều đầu ngói trang trí hoa sen trong địa tầng văn hóa, và loại này chỉ thấy xuất hiện vào giai đoạn từ sau thế kỷ II - III trở về sau này, cho thấy việc sử dụng dạng trang trí này gắn liền với quá trình Phật giáo truyền bá và phát triển ở Luy Lâu.
 
 
 
Đầu ngói ống trang trí hoa sen phát hiện ở Luy Lâu (thế kỷ 3 - 9)
5. Tóm lại, khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, việc chọn nơi thờ Tứ Pháp tại Luy Lâu hẳn có cơ sở, trước tiên Luy Lâu là trung tâm chính trị, kinh tế do đó việc chọn một tín ngưỡng bản địa để dung hoà với tôn giáo mới là một cách hài hoà nhất. Hệ thống chùa Tứ Pháp vùng Dâu, được thờ vừa là “Thần” vừa là “Phật”, với truyền thuyết sự kết hợp của Khâu Đà La và Man Nương, đây là kết tinh của sự dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ với tín ngưỡng bản địa của người Việt cổ trồng lúa nước thờ các lực lượng tự nhiên (mây, mưa, sấm, sét), đã tạo nên một trung tâm tín ngưỡng tôn giáo bản địa với sắc thái riêng biệt. Việc thờ phật Thạch Quang và phật Tứ Pháp tại các chùa tại Luy Lâu với trung tâm là chùa Dâu đã phản sự dung hợp đó. Phật Thạch Quang vốn là hòn đá thiêng, biểu tượng phồn thực trong tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp Việt cổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Từ các vị thần mây, mưa, sấm, chớp trong tín ngưỡng của cư dân trồng lúa nước đã chuyển thành Phật “Tứ Pháp”. Đây là quá trình xâm nhập và chuyển hoá của Phật giáo Ấn Độ kết hợp với tín ngưỡng của cư dân Việt.
Các phát hiện và kết quả nghiên cứu cho thấy những chứng tích vật chất và các nguồn tài liệu ở Luy Lâu đã khẳng định Luy Lâu không những từng là trung tâm chính trị, thương mại lớn mà còn là một trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất Việt Nam, với hệ thống di tích, chùa tháp đậm đặc với trung tâm là chùa Dâu, cùng nhiều di vật, tài liệu, tượng thờ, bia ký, mộc bản, lễ hội với các nghi lễ rước Tứ Pháp, rước nước, là không gian điển hình có sự đan xen, tiếp xúc, hội tụ và kết tinh văn hóa Việt cổ, bản địa với văn hóa Phật giáo Ấn Độ, Nam Á, Trung Á cùng văn hóa Nho giáo.

                                                                          Tường Long

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6445

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Những cống hiến vô giá của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với báo chí cách mạng Việt Nam

Những cống hiến vô giá của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với báo chí cách mạng Việt Nam

  • 22/06/2023 15:36
  • 1233

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, tổ chức, chỉ đạo xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là người trực tiếp viết báo trong gần nửa thế kỷ. Di sản báo chí mà Người để lại cho đời sau là di sản của cách mạng Việt Nam, di sản của văn hóa Việt Nam.