Đại chúng hóa theo tinh thần của Đề cương là "chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa rời quần chúng". Đây cũng là một nguyên tắc vô cùng mới và tiến bộ. Lần đầu tiên trong lịch sử văn hóa dân tộc, quần chúng nhân dân lao động được xác định vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của văn hóa. Trong nền giáo dục phong kiến khoa cử Nho giáo trước đây cũng như Tây học sau này, chỉ có một bộ phận thiểu số trong xã hội có điều kiện tiếp thu học vấn và sáng tạo văn hóa. Tính chất phản đại chúng cũng thể hiện ở xu hướng "nghệ thuật vị nghệ thuật", nghệ thuật tư sản, siêu thực, lập dị, tháp ngà, xa rời cuộc sống, coi rẻ người lao động.
Vì thế, nguyên tắc đại chúng hóa đã góp phần đưa văn hóa Việt Nam xích gần hơn với quảng đại quần chúng, văn hóa nghệ thuật không còn là đặc quyền, đặc lợi của một số ít, mà trở thành tài sản chung của toàn dân. Sau Cách mạng tháng Tám, Việt Nam từ một nước có hơn 90% dân số mù chữ, chữ viết kém phát triển đã trở thành một nước có nền văn hóa mới, tiến bộ với những thành tựu chưa từng có trong lịch sử.
Trong diễn trình cách mạng, nguyên tắc đại chúng hóa cũng luôn được Đảng ta không ngừng hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung. Đại chúng ở đây chính là nhân dân, là quảng đại quần chúng. Đại chúng còn là tính chất dân chủ của nền văn hóa, khi người dân được trao toàn quyền sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa của dân, do dân và vì dân
Trong bối cảnh hiện nay, nguyên tắc đại chúng hóa vẫn giữ nguyên giá trị, tuy nhiên, để tương thích với bối cảnh mới, Đảng ta cũng có sự bổ sung, mở rộng, phát triển thêm. Một là, đại chúng hóa không đơn thuần là phát triển văn hóa đại chúng (mass culture) mà khẳng định vai trò chủ thể sáng tạo và vận động phát triển văn hóa thuộc về đông đảo quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, nền văn hóa Việt Nam chỉ có thể "đậm đà bản sắc dân tộc" khi nó được nuôi dưỡng trong bầu khí quyển của văn hóa toàn dân, nhất là văn hóa dân gian, văn hóa các tộc người. Hai là, đại chúng hóa sẽ xóa bỏ mọi bất bình đẳng về trình độ, điều kiện hưởng thụ, sự chênh lệch văn hóa giữa các tầng lớp, bộ phận dân cư, dân tộc, vùng miền trong cả nước. Trong điều kiện hiện nay, đại chúng hóa còn có nghĩa là phổ cập và nâng cao. Phổ cập văn hóa vào đại chúng để nâng cao trình độ của đại chúng. Ba là, bên cạnh việc phát triển văn hóa đại chúng cần chú trọng phát triển văn hóa tinh hoa, văn hóa bác học. Văn hóa tinh hoa là văn hóa của thành phần ưu tú trong xã hội, đúc kết tinh hoa của đại chúng, đại biểu cho trí tuệ của đại chúng. Tuy chiếm số ít, nhưng đây mới là bộ phận tạo nên những bước ngoặt về tư tưởng, học thuật, khoa học, tạo nên những đột phá trong phát triển đất nước. Bốn là, đại chúng hóa phải đặt trong chỉnh thể các mối quan hệ hữu cơ. Đảng ta đã xác định rất chính xác trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI: "Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng".
Khoa học hóa là "chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ". Cụ thể hơn, khoa học hóa là đấu tranh chống lại mọi hình thức lạc hậu, thần bí, phản khoa học, cản trở sự phát triển của văn hóa. Khoa học hóa cũng là đặt mọi vấn đề của văn hóa trên cơ sở khoa học, đề cao tư tưởng, học thuật, phát triển các ngành khoa học.
Đây là nguyên tắc cực kỳ cần thiết và chính xác, góp phần đấu tranh về nhận thức và tư tưởng, đả phá những học thuyết sai trái, trang bị cho giới trí thức, văn nghệ sĩ công cụ lý luận chống lại văn hóa bảo thủ, triết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm, quá trớn, phong kiến phục cổ, cải lương tư sản..., bảo vệ sự đúng đắn của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.
Bên cạnh việc loại bỏ những "đồi phong bại tục" cổ hủ, lạc hậu chúng ta cũng cần "gạn đục khơi trong", tìm về "cổ học tinh hoa", khai thác những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, y dược học cổ truyền, tri thức bản địa... phục vụ đời sống đương đại.
Trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam sau này, Đảng ta luôn có sự vận dụng linh hoạt và bổ sung, phát triển nguyên tắc này. Tính chất khoa học được phát triển thành tính chất tiên tiến của nền văn hóa, chỉ sự phát triển dựa trên thế giới quan khoa học và hệ tư tưởng tiên tiến. Tiên tiến còn hàm nghĩa văn minh, hiện đại, tiến bộ...
Cho đến nay, nguyên tắc khoa học hóa vẫn giữ nguyên giá trị hạt nhân của mình, tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện mới, nguyên tắc này cần được mở rộng và làm sâu thêm. Một là, bên cạnh việc loại bỏ những "đồi phong bại tục" cổ hủ, lạc hậu chúng ta cũng cần "gạn đục khơi trong", tìm về "cổ học tinh hoa", khai thác những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, y dược học cổ truyền, tri thức bản địa... phục vụ đời sống đương đại. Hai là, dù ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc, trình độ dân trí được nâng lên, song những biểu hiện mê tín dị đoan, hủ tục cũ vẫn có cơ trỗi dậy và lan rộng. Xuất hiện những hiện tượng mê tín dị đoan mới, các tà giáo, "đạo lạ", học thuyết phản động...
Do vậy, chúng ta vẫn cần tiếp tục đấu tranh, chỉnh đốn, phản bác. Ba là, khoa học hóa phải dựa trên cái nhìn khách quan, đa chiều, cởi mở. Mỗi trường phái, triết thuyết trên thế giới đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Trong thời đại trí tuệ loài người có những tiến bộ phi thường, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, văn hóa Việt Nam sẽ không thể phát triển nếu không nhanh chóng tiếp thu những tư tưởng mới, những thành tựu mới của khoa học - công nghệ. Bốn là, khoa học hóa đòi hỏi tạo dựng một môi trường nghiên cứu thực sự tự do, dân chủ, cầu thị, làm khoa học theo đúng nghĩa, chứ không phải làm công tác tư tưởng, làm chính trị. Nghiên cứu khoa học phải trở thành cơ sở cho hoạt động chính trị, phục vụ chính trị, giúp làm chính trị một cách khoa học, hay là khoa học hóa chính trị chứ không phải chính trị hóa khoa học (khoa học đi sau, phụ họa, minh họa cho chính trị...).Phải coi trọng trí tuệ khai phóng, tinh thần độc lập khoa học, tránh rơi vào tình trạng độc tôn, giáo điều...
Cho đến hôm nay, không ai có thể phủ nhận giá trị lịch sử to lớn của bản Đề cương cũng như vai trò tiên phong mở đường, đặt nền móng lý luận cho công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. Tinh thần chung của bản Đề cương vẫn là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt các văn kiện sau này của Đảng ta về văn hóa, văn nghệ, góp phần định hướng và dẫn đạo nền văn hóa Việt Nam cất cánh lên những tầm cao mới./.
GS.TS. Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam