Thứ Hai, 07/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

17/10/2022 09:26 1397
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Với vai trò là trung tâm hành chính và văn hóa của cả nước, Hà Nội là nơi lưu giữ và phục vụ một khối lượng di sản văn hóa thành văn đa dạng, phong phú. Chính khối di sản văn hóa quý giá này đã tạo cho người Hà Thành một thú ăn chơi rất tao nhã: đọc sách và đến thư viện đọc sách. Thư viện trở thành điểm hẹn của trí tuệ, của thông tin và tri thức (1).

Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Hà Nội… từ lâu đã trở thành điểm đến thân thuộc của bao thế hệ người Hà Nội.

Nhưng chắc hẳn không phải ai cũng biết rằng Thư viện Hà Nội ban đầu có tên gọi là Thư viện bình dân (hay Bình dân thư viện) do Hội Tân Văn hóa Việt Nam thành lập vào năm 1951 và trước khi được chuyển về cơ ngơi khang trang, đẹp đẽ tại số 47 phố Bà Triệu ngày nay, Thư viện Hà Nội được đặt ở nhà Thủy Tạ bên bờ hồ Hoàn Kiếm.      
Như chúng ta đã biết, sau thắng lợi của Cách mạng tháng 8 năm 1945, để góp phần vào công cuộc xây dựng nền văn hóa mới của đất nước, cải tạo đời sống của nhân dân cả về vật chất cũng như tinh thần, rất nhiều các nhóm hội văn hóa đã ra đời. Trong đó có Hội Tân Văn hóa Việt Nam với hội viên là những người trẻ tuổi, theo Âu học[2].
Để duy trì và mở mang nền văn hóa Việt Nam, Hội chủ trương tổ chức các lớp truyền bá quốc ngữ và mở mang giáo dục, thành lập các thư viện bình dân, tủ sách lưu động... lập và khuếch trương thư viện của Hội bằng cách đóng góp và thu thập, sưu tầm sách vở, tài liệu trong và ngoài nước[3].
Thư viện bình dân đầu tiên của Hội ra đời vào ngày 10/5/1951[4].
Theo Nghị định số 640/HN/ND ngày 04/9/1951, chính quyền thành phố cho phép Hội Tân Văn hóa dùng nhà Thủy Tạ làm trụ sở của Thư viện bình dân này[5].
 
Hợp đồng cho Hội Tân Văn hóa Việt Nam thuê nhà Thủy Tạ/TTLTQGI
Đến thời điểm năm 1951, ở Hà Nội với số dân ngót ba chục vạn người thì số thư viện hiện có còn rất ít ỏi nên nhờ có thư viện này mà dân chúng trong thành phố đã có một nơi rất mát mẻ để đọc sách, trong những thời gian nhàn tản, sau một buổi làm việc mệt nhọc, người dân đã vừa được hóng mát ngọn gió hồ Gươm, lại vừa được trau dồi cho tinh thần thêm thanh cao[6].  
Vào tháng 4/1952, Hội Tân văn hóa tặng thư viện bình dân này cho thành phố Hà Nội và kể từ đó thư viện hoạt động dưới sự quản lý của chính quyền thành phố[7].
Sau một năm thành lập, thư viện bình dân đã được Thị trưởng thành phố Hà Nội khẳng định là “nơi đọc sách công cộng và truyền bá tư tưởng duy nhất của thành phố. Công chúng hàng ngày lui tới đó đọc sách, xem báo rất đông...”[8].                  Với nguồn ngân sách eo hẹp sau những năm dài chiến tranh, để thu lợi cho công quỹ, đã có rất nhiều ý kiến về việc chuyển Thư viện bình dân đi chỗ khác để đấu thầu cho thuê nhà Thủy Tạ. Chánh Ty Tài chính thành phố Hà Nội cho rằng: “Thiết nghĩ nên dồn thư viện này vào với Nha Thông tin gần đền Bà Kiệu để lấy lại nhà Thủy tạ mà đem cho thuê bằng cách đấu thầu; mỗi năm thành phố sẽ thu được một mối lợi không nhỏ, nhờ đó mà tòa Thị chính chẳng những vẫn có thể duy trì nâng đỡ Thư viện bình dân, mà lại còn có thể giúp cho Thư viện có thêm phương tiện để phát triển; ngoài ra thành phố lại có thêm tiền để giúp đỡ các công cuộc xã hội khác nữa.”[9]. Nhưng Trưởng ty Thông tin thành phố đã có ý kiến về việc này như sau: “Hiện nay Phòng đọc sách báo của Ty Thông tin không được rộng rãi, vả lại số người đến đọc sách hàng ngày lại quá đông nên không còn chỗ nào cho Bình dân thư viện cả...”[10].
Xác định việc tìm một nơi khác cho Thư viện bình dân ở Hà Nội vào thời điểm khan hiếm nhà ở là điều không thể thực hiện nên chính quyền thành phố đã quyết định giữ nguyên Thư viện bình dân hiện tại, đồng thời cho thuê sân dưới và sân gác nhà Thủy tạ để làm nơi bán hàng giải khát[11].
 
Điều lệ đấu thầu cho thuê sân nhà Thủy tạ hồ Hoàn Kiếm năm 1952/TTLTQGI
Đúng như mục đích hoạt động do Hội Tân Văn hóa Việt Nam đề ra kể từ khi thành lập, Thư viện bình dân không chỉ là nơi mát mẻ để đọc sách trong thời gian nhàn tản của người dân mà còn là nơi để họ thưởng thức những buổi giao lưu, nói chuyện về văn nghệ, tuyên truyền cải cách phong tục bài trừ mê tín dị đoan, về y học tiên tiến, hoạt động thanh niên, thể dục thể thao[12]. Những buổi nói chuyện như vậy đã chuyển tải đến người nghe những vấn đề thời sự nhất, mới mẻ nhất về mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
 
Thành phố cho phép Nha Thanh niên và Bình dân Giáo dục Bắc Việt sử dụng Bình dân Thư viện để tổ chức buổi nói chuyện và chiếu bóng./TTLTQGI
Bình dân Thư viện được duy trì ở nhà Thủy tạ bên hồ Hoàn Kiếm đến năm 1959, sau đổi tên thành Thư viện nhân dân Hà Nội và chuyển về trụ sở 47 phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm cho đến ngày nay[13].
Tài liệu tham khảo:

[1] Theo https://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/di-san-van-hoa-thanh-van-va-van-hoa-doc-thang-long-ha-noi.html;

[2] TTLTQGI/VPBĐĐL/2639;
[3] TTLTQGI/VPBĐĐL/216;
[4] TTLTQGI/TCHN/273;
[5] TTLTQGI/ĐCHN/164;
[6] TTLTQGI/TCHN/82-01/6;
[7]  TTLTQGI/TCHN/82-01/19;
[8] TTLTQGI/ĐCHN/164;
[9] TTLTQGI/TCHN/82-01/11;
[10] TTLTQGI/TCHN/82-01/15;
[11] TTLTQGI/TCHN/82-01/25-27;
[12] TTLTQGI/VPBĐĐL/216;
[13] Theo https://www.thuvienhanoi.org.vn.

Nguyễn Hằng

https://www.archives.org.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6453

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Thời trang của người Ai Cập cổ đại

Thời trang của người Ai Cập cổ đại

  • 12/10/2022 11:17
  • 4752

Người Ai Cập cổ đại mặc trang phục tương đối đơn giản. Tuy nhiên, họ đã biết cách sử dụng đồ trang điểm và phụ kiện thời trang để làm tăng thêm vẻ đẹp cho chính mình.