Tết Trung thu từ lâu đã trở thành một nét văn hóa ý nghĩa trong đời sống của người dân Việt Nam. Đó là dịp để gia đình sum vầy, trẻ em vui tết, trai gái gặp gỡ nên duyên và nhiều truyền thống tốt đẹp được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Thu phân rơi vào tháng 8 âm lịch, hay chính xác hơn là vào đầu hạ tuần của tháng chín dương lịch. Năm Kỷ Mão (1939), Thu phân vào ngày 12/8 âm lịch (24/9 dương lịch); năm Canh Thìn (1940) ngày 22 âm (23/9 dương); năm Tân Tỵ (1941) ngày mồng 3 âm (23/9 dương); năm Nhâm Ngọ (1942) ngày 15 âm (24/9 dương).
Ngày rằm tháng 8 này ở giữa của ba tháng mùa thu. Thường gọi là Tết Trung Thu hay Tết Tháng Tám. Thời điểm này, bầu trời trong xanh và mặt trăng tròn đầy, sáng vằng vặc. Ai cũng vui khi ngắm vầng trăng vào lúc tròn và sáng đẹp nhất năm. Tao nhân mặc khách thưởng rượu và làm thơ tả trăng, học theo Đường Minh Hoàng ở Trung Quốc thế kỷ thứ 8. Ngài là hoàng đế đa tài về nghệ thuật, người bảo trợ cho các nhà thơ. Một đêm rằm tháng 8, vua rời cung thì gặp đạo sĩ Thiện mời lên cung trăng dạo chơi. Hoàng đế mỉm cười nhận lời. Đạo sĩ vung cây gậy phép lên không trung, cây gậy lập tức biến thành một cây cầu khổng lồ lấp lánh ánh bạc. Ông mời Minh Hoàng lên đó. Cả hai nhanh chóng lên cung trăng và thấy một thế giới khác hẳn trần gian. Không khí thơm và dịu ngọt không đâu sánh được. Những nàng tố nga duyên dáng bay lượn sau những khóm hoa đang nở, trên những bãi cỏ thơm mềm đẫm sương. Đi thêm vài bước, họ đến trước một cung điện nguy nga tráng lệ. Trên cửa ra vào khắc dòng chữ vàng: "Cung Quảng Hàn”. Trên sân, các thiếu nữ xinh đẹp mặc xiêm hồng và váy trắng nhảy múa theo điệu nhạc tuyệt diệu.
Trở về trần gian trong nỗi nhớ cung trăng da diết, Minh Hoàng ra lệnh cho cung tần mỹ nữ tấu nhạc và diễn lại điệu múa này. Từ đó trở đi, qua nhiều thế kỷ, các tao nhân mặc khách noi gương vua ca ngợi vầng trăng trên cung Quảng Hàn.
Nhưng nếu so sánh, câu chuyện của Đường Minh Hoàng không lâu đời bằng truyền thống ca ngợi con rồng, cũng là tư tưởng chủ đạo của Tết Trung Thu từ thời thượng cổ.
Ở khu vực châu Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, nông nghiệp đóng vai trò then chốt, vì vậy người dân coi trọng những trận mưa tưới tắm đất đai. Là biểu tượng của mưa và sự phì nhiêu, rồng là đại ân nhân ở khu vực này.
Nhờ những câu chuyện lưu truyền qua nhiều thế kỷ, con rồng trong tín ngưỡng dân gian đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết những cơn mưa tạo nên mùa màng bội thu - cội nguồn gốc của hòa bình về mặt chính trị xã hội.
Vào mùa xuân, rồng đôi khi có mặt trong đám rước thần. Trách nhiệm của rồng là làm cho vụ chiêm bội thu. Nhưng lễ hội rồng thực thụ diễn ra vào Trung Thu. Rồng phải bảo vệ vụ mùa. Vào đêm rằm tháng tám, người ta long trọng rước rồng qua các con phố, đi trước là cờ ngũ sắc, đèn lồng hình hoa quả, động vật thủy sinh, hoặc những đồ vật quý, những tấm biển ghi dòng chữ “Hoàng Long thịnh thế” hay “Thiên hạ thái bình”.
Rồng làm bằng tre đan, phủ giấy và vải. Mình rồng có vảy và vây màu xanh lam hoặc xanh lục, đuôi lởm chởm, đầu có ria và râu rậm, mắt sáng linh động, bốn chân lủng lẳng với những móng vuốt dữ tợn. Thân rồng gắn sào dài để rước, người rước rồng ăn mặc cầu kỳ, lượn vòng để thân rồng uốn lượn ngoằn ngoèo. Theo tiếng chiêng trống, rồng uốn lượn và nhảy múa trước "viên ngọc" có mây viền gắn trên đầu một gậy tre do một người đàn ông mặc đồ lòe loẹt cầm giữ.
Sau rồng là con lân, đầu lân đan bằng tre, phủ giấy và gắn một tấm vải đỏ dài. Một người dùng 2 tay nâng đầu lân và lúc lắc giả làm điệu múa sư tử. Người khác cầm đầu tấm vải và di chuyển theo động tác của người còn lại, lúc sang phải, lúc trái, hoặc quay tròn khiến con vật có thân và đuôi.
Múa rồng (Indochine hebdomadaire illustré)
Những chủ nhà giàu có thường treo ở trên ban công nhà mình một phong bao đỏ đựng mười đến hai mươi đồng bạc để thưởng cho người múa rồng và múa sư tử giỏi. Để lấy được số tiền thưởng đó, sư tử buộc phải trèo lên chiếc sào tre. Lên được ngọn sào, nó phải làm động tác vờn mồi còn rồng thì nhảy múa xung quanh. Khi lấy được phần thưởng thì pháo nổ, sư tử nhảy xuống đất, múa một điệu múa trước nhà để cảm ơn chủ nhà hào hiệp và chúc chủ nhà thịnh vượng và con cháu hạnh phúc.
Nhưng cũng nhờ những điệu múa rồng và sư tử ấy, người ta có thể tạo ra những trận mưa tốt lành. Và ai cũng yên tâm rằng mình sẽ có được cuộc sống phồn thịnh và yên ổn như những dòng chữ đã viết.
Đêm Trung Thu mọi người tụ họp để ngắm trăng lên. Tùy theo màu sắc và dáng vẻ của trăng, người ta có thể rút ra được những điềm báo tương lai của đất nước. Nếu trăng sáng vằng vặc, sẽ có một vụ thu hoạch bội thu; nếu trăng vàng, tằm sẽ nhả nhiều tơ. Hơn nữa, trong sách cổ có ghi rằng trăng chuyển thành màu xanh lá cây hoặc màu xanh lam thì sẽ có nạn đói. Nếu ngược lại, nó ngả sang màu vàng, cả nước sẽ sống trong hòa bình và hạnh phúc. Nếu đêm đó thấy có một chiếc mũ trên mặt trăng, thế giới sẽ vui mừng. Nhưng nếu mặt trăng có chân, đó là vua xa hoa trụy lạc. Khi thấy trăng có móng vuốt và răng, trong nước sẽ có những mưu toan nổi loạn, hoặc thế giới sắp có chiến tranh nổ ra.
Mặt trăng được coi là biểu tượng của sự sinh sản, thần bảo trợ của phụ nữ và của cuộc sống hôn nhân. Trên mặt trăng có cung của Ông Tơ và Bà Nguyệt, quyết định hôn nhân của con người dưới hạ giới.
Ông Tơ, bà Nguyệt dùng sợi tơ hồng để gắn kết các cặp vợ chồng tương lai. Ông tơ càng gắn kết họ chặt họ càng xích lại gần nhau, càng yêu thương nhau hơn. Chàng trai và cô gái chỉ chắc chắn về tình yêu của mình và được gắn bó với nhau trong tương lai bằng cuộc hôn nhân khi các sợi tơ được xe thành chỉ. Họ vẫn chưa quyết định khi sợi chỉ vẫn còn bị rối. Có trường hợp xảy ra là Nguyệt Lão xe sẵn chỉ trước buộc cặp vợ chồng tương lai. Vì vậy, nhiều cặp đôi đến với nhau dễ dàng: họ không cần phải đợi chỉ xe xong.
Dù sao thì Tết Trung Thu hay tết của trăng cũng đồng thời là lễ dạm hỏi, trai và gái đều cố gắng tìm cách làm vừa ý và tìm trong đám đông người bạn đời tương lai của mình. Họ tụ tập theo nhóm từ sáu đến tám người trước cửa hoặc trong sân nhà mình, ngay khi sẩm tối. Họ đứng thành hai nhóm, một bên là các cô gái, một bên là các chàng trai. Họ vừa hát đối vừa ngắm trăng. Người hát có thể bị loại vì hát không hay hoặc vì không tìm được câu đối đáp lại đối phương. Cuộc thi chỉ kết thúc khi tất cả những người hát một bên bị loại, chỉ còn duy nhất một người. Khi chỉ còn lại mỗi bên duy nhất một người, bên nào thắng đạt giải nhất, bên còn lại được giải nhì. Phần thưởng là tiền, lụa, trà hoặc quạt.
Tiếp những cảnh hát đối này thường là lễ dạm hỏi và đám cưới: người con gái vừa có sắc vừa có tài được đối phương của mình lấy làm vợ, hoặc được các chàng trai đến dự hội dạm hỏi. Nếu những cuộc hát đối không được kết thúc bằng dạm hỏi thì ít nhất họ có cơ hội để làm quen.
Cảnh hát đối (Indochine hebdomadaire illustré)
Tuy nhiên, trong những gia đình giàu có và danh giá, con trai và con gái không được phép hát như vậy. Các cô gái thượng lưu để thể hiện bản thân trước chàng trai và mẹ chồng tương lai thường tận dụng lễ hội tháng tám thường gọi là tết thiếu nhi để đua tài bằng cách làm các đồ vật bằng bột, giấy, hoa, quả… Lễ hội được chuẩn bị từ hai đến ba tháng trước đó. Tất cả các cô gái ở nhà và làm các đồ vật dưới sự hướng dẫn của mẹ. Với các loại quả, họ tạo ra những bông hoa hồng, hoa nhài, hoa sen… hoặc làm hoa bằng giấy, bằng lụa, bằng nhung…hay nhào bột nhuộm nhiều màu nặn những con cá, tôm, tôm hùm, linh vật và những cây lạ.
Vào đêm Trung Thu, các gia đình mở tiệc. Một chiếc bàn lớn được đặt ở giữa nhà và được biến thành một khoảng rộng lớn có tường bao quanh trong đó có cung điện, vườn cây, đền, chùa và có các cảnh sinh hoạt của cuộc sống huyền thoại với các đồ vật bằng giấy, bột hoặc trái cây. Tất cả những vật này được bày giữa những quả trứng nhuộm ngũ sắc, biểu tượng của khả năng sinh sôi, cùi dừa tỉa thành những con thỏ hiền lành và nhút nhát, những con sư tử và kỳ lân với cơ thể lởm chởm lông bằng quả bưởi đã bóc vỏ, các bó mía màu thẫm đẹp biểu tượng của sự sum họp lứa đôi bền chặt, bánh trung thu truyền thống như bánh dẻo, bánh nướng hình trăng, thỏ, con cóc hay con rồng cuộn quanh... Căn phòng lớn được thắp sáng bởi những chiếc đèn lồng hình con cá, hoặc đèn kéo quân miêu tả những trận đánh nổi tiếng, những cảnh lịch sử, cảnh các vị anh hùng tiến vào tòa thành hay một nhà sư tụng kinh trước bàn thờ Phật.
Cửa rộng mở và tất cả những ai ăn mặc chỉnh tề đều có thể vào nhà. Các cô gái có vai trò tích cực nhất trong việc chuẩn bị tiệc thì lui về phòng có mành che kín. Trẻ em vui chơi xung quanh bàn dưới sự chỉ dẫn của anh trai và chị dâu. Khách có thể di chuyển tự do xung quanh bàn. Họ đến bình phẩm, cười nói vui vẻ. Sau đó, khen ngợi, chúc mừng và cảm ơn chủ nhà, rồi rời đi và đến các gia đình khác. Bố mẹ tiếp khách còn các cô gái trẻ chỉ đi ra khi bố mẹ gọi họ để rót trà mời khách. Bữa tiệc kéo dài suốt đêm đối với những gia đình giàu có, trong khi đó ở bên ngoài, trên các phố lớn, không dứt tiếng trống, chiêng đi cùng đám rước rồng và lân.
Đám rước quanh hồ Gươm (Vietnam en marche)
Những ngày Tết Trung Thu là như thế đó, ban đầu đây có lẽ là một lễ hội để ca ngợi rồng hoặc những con vật dưới nước nhờ trí tưởng tượng của các nghệ sĩ mà trở nên thần bí và được người nông dân cho rằng có thể hô mưa gọi gió. Sau đó hoặc cùng lúc đó, rồng gắn liền với mặt trăng sáng trong, tròn đầy. Rồi phụ nữ, thuộc Âm trong lưỡng nghi, ca ngợi mặt trăng như vị thần bảo trợ, như vị nữ thần thực hiện những mong muốn thầm kín của họ. Và khi các vị thần của thế giới thiên nhiên đã trở thành con người với sự phát triển của vương quyền, mặt trăng chỉ còn là nơi ở trên trời của “ông Tơ” hay “bà Nguyệt” có nhiệm vụ gắn kết trai gái với nhau bằng những sợi chỉ hôn nhân.
Cùng với những thay đổi về tư tưởng và phong tục, Tết Trung Thu đã trở thành một lễ hội lớn của tuổi trẻ, nơi trai gái gặp gỡ và hát đối giữa đám đông và dưới ánh trăng. Họ trao cho nhau những món quà như quạt, vòng tay để làm tin. Họ cùng nhau nhai trầu hẹn ước. Trong những cuộc hát đối này, họ tha hồ tìm hiểu nhau. Những lời thề ước trao đổi trang trọng trước ánh trăng sáng rực rỡ, uy nghi như một vị thần chứng giám. Và như vậy, cuộc đối đáp tao nhã đã nảy nở tình yêu và có thêm giá trị. Có khi, những mối dây chắc chắn ràng buộc các lứa đôi và đám cưới được cử hành vào ngày lành tháng tốt của mùa xuân năm sau.
Thậm chí sau này, phong tục càng trở nên tinh tế hơn, với sự phát triển của văn hóa cổ điển và sự lan tỏa của nho giáo thì các nghệ sĩ đã biến Tết Trung Thu thành tết ngắm và thưởng trăng. Vào đêm Trung Thu, lúc trăng lên cao nhất và sáng nhất, các nhà thơ tụ họp để thưởng rượu dưới bóng trúc, với những con ốc béo ngậy, để cùng ứng tác ra những vần thơ ca ngợi thiên nhiên vĩnh cửu và tuyệt đẹp. Thường với những người cao tuổi thì dù có thành đạt hay không trong cuộc sống, nhưng khi chếnh choáng men say giữa bầu trời trong trẻo và trống rỗng, sẽ nảy sinh hoài vọng sâu xa về thế giới bên kia.
Ngược lại, những người trẻ tuổi đã hoặc sắp học thành tài họ vui Tết Trung Thu theo cách riêng và đối với họ Trung thu là ngày tết của tương lai mở đầu cho kỳ thi đỗ đạt sắp tới của mình. Cóc ba chân của mặt trăng trở thành con cóc vàng Kim Thiềm, biểu tượng của thành công trong kỳ thi Hương và đạt được các chức sắc cao của triều đình. Cây đa với chú Cuội trở thành cây nguyệt quế nở hoa vào mùa thu và thỉnh thoảng rụng xuống mặt đất. Cây quý hiếm với những cành cây oai vệ này là biểu tượng của sự đỗ đạt vinh quang. Đêm hôm đó, ai cũng ao ước được leo lên cung trăng bằng chiếc thang mây hoặc lên mây để đón nhận những cành cây thần diệu ấy. Và nếu người đó thành công thì chắc chắn sẽ là trạng nguyên của kỳ thi Đình tới.
Cá chép tự soi mình trong ánh trăng ở đáy nước trong trẻo vào tiết thu cũng trở thành biểu tượng của sự đỗ đạt. Đêm đó, cá chép tìm cách nuốt mặt trăng để đạt đến sự hoàn thiện và có thể thành công "vượt qua cửa vũ môn” vào đầu mùa hè tới. Thật vậy, người ta kể rằng hàng năm chúng rời đi trong đêm mùng 4/4 đến hẻm vực dốc đứng của nguồn nước tuyệt vời để tìm cách nhảy qua vực. Có người nói rằng hẻm vực này chính là ở huyện Hương Sơn, tỉnh Nghệ An, Trung Kỳ. Những con vượt qua vũ môn sẽ lập tức hóa rồng. Đó là hình ảnh ẩn dụ của các nho sinh thành công vượt qua các kỳ thi văn chương. Những cánh cửa nơi cung vua hoặc "Điện rồng" sẽ rộng mở để đón họ. Con đường này sẽ đưa họ đến những trọng trách cao nhất trong triều, hoài bão của tất cả nho sinh.
Đó là lý do tại sao trong tết Trung Thu người ta thường bày lên bàn cho trẻ em những hình nộm tiến sĩ, trạng nguyên…, những khoa thi xưa, hình bàn thờ gia tộc, hình đình làng nơi các tân khoa về làm lễ vinh quy long trọng.
Trung Thu ở Việt Nam đã trở thành ngày tết rất thú vị giống như lễ hội dân gian đặc biệt khiến cho ai cũng đều quan tâm và vui sướng bất kể họ thuộc các tầng lớp, lứa tuổi nào. Ban đầu chỉ được coi là ngày lễ của người nông dân, những người chỉ quan tâm đến mùa màng, Trung thu đã được trẻ hóa và sống động bởi những quan niệm và ước vọng mới của xã hội. Là ngày lễ dạm hỏi góp phần to lớn cho các nhóm, các gia đình sống tách biệt xích lại gần nhau hơn kể từ sau tết Nguyên Đán. Là ngày lễ tết của tuổi trẻ học trò, nó mang lại những hoài bão trong tương lai, họ có thể thờ vua giúp nước, rằng họ sẽ xứng đáng với lòng tin cậy của bậc tiền bối cũng như những người vợ xinh đẹp, tần tảo, đức hạnh đang trông mong để được theo đám rước vinh quy.
Nguyễn Văn Huyên, La Mi-automne (le 15è jour du 8è mois: 24 Septembre 1942): Fête du Dragon et de la Lune, Indochine hebdomadaire illustré, số 108, 24/9/1942, tr. I-X.
Minh Phúc (lược dịch)