Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/05/2022 16:57 2226
Điểm: 5/5 (2 đánh giá)
Đó là tờ Đại Việt Tân Báo ra đời năm 1905, theo một thỏa thuận ký ngày 20 tháng 02 cùng năm giữa ông Ernest Babut và Thống sứ Bắc Kỳ. Chủ bút đầu tiên của Đại Việt Tân Báo là ông Đào Nguyên Phổ, kế nhiệm ông là Phan Chu Trinh.

Nhận định rằng báo chí là công cụ đắc lực phục vụ công cuộc cai trị của Pháp tại Đông Dương, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ đã ký kết một Thỏa thuận với thời hạn 3 năm theo đề nghị của ông Ernest Babut [1] nhằm hỗ trợ ông này phát hành tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ tờ “Đại Việt Tân Báo”, tên tiếng Pháp là “L’Annam”. Thỏa thuận gồm 19 điều, trong đó quy định 4 mục đích chính của tờ báo gồm: (1) Góp phần vào sự phát triển về mặt đạo đức, trí tuệ và kinh tế của người An Nam; (2) Giúp người An Nam hiểu được những lợi ích chung của An Nam và Pháp; (3) Sử dụng những thông tin trung thực, chính xác để chống lại những lời đồn thổi sai lệch dễ khiến người An Nam tin tưởng và gây hại cho họ; (4) Truyền bá cho người An Nam những kiến thức thực tiễn về vệ sinh, y học, thú y, nông nghiệp, thương mại, kỹ nghệ…

 

Chân dung Ernest Babut, người sáng lập Đại Việt Tân Báo (nguồn: thuviennguyenvanhuong)

Báo được xuất bản bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ, dưới dạng brochure gồm 8 trang, kích thước 23x16cm. Chủ bút đầu tiên là ông Đào Nguyên Phổ, kế nhiệm ông là Phan Chu Trinh.

Theo thỏa thuận với Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, báo phát hành hai lần mỗi tuần, vào các ngày thứ 5 và chủ nhật, bản thảo phải trình Phủ Thống sứ phê duyệt muộn nhất vào sáng thứ 3 và thứ 6. Tuy nhiên, tòa soạn được phép chỉ phát hành 1 số báo vào chủ nhật hàng tuần nếu đảm bảo số trang và nội dung gấp đôi số báo thông thường. Trường hợp chỉ phát hành một số/tuần, bản thảo phải trình lên Phủ Thống sứ phê duyệt muộn nhất vào sáng thứ 4. Số báo đầu tiên xuất bản ngày 05 tháng 5 năm 1905, gần 3 tháng sau khi ký kết thỏa thuận.

Để hỗ trợ tòa soạn, chính quyền cam kết dùng ngân sách các tỉnh để đặt báo cung cấp cho các chánh tổng, tri huyện, tri châu, tri phủ, đốc học, tuần phủ, quan án, tổng đốc tại nhiệm tại các tỉnh Bắc Kỳ cũng như các công sứ, tư lệnh đạo quan binh và người được ủy nhiệm.

Phí đặt báo là 9$60/năm. Theo báo cáo của Phòng Nhì - Phủ Thống sứ, chi phí đặt báo trong 3 năm của các tỉnh Bắc Kỳ là 95.247,36 phơ-răng còn của các tỉnh Trung Kỳ là 51.218,92 phơ-răng, tổng cộng 146.466, 28 phơ-răng. Nhận thấy chi phí này quá lớn mà không mang lại hiệu quả như mong đợi, Thống sứ Bắc Kỳ quyết định không gia hạn hợp đồng với ông Babut [2].

Theo nhận định của chính quyền Bắc Kỳ, tờ báo không mấy thành công. Tòa soạn Đại Việt Tân Báo tồn tại được chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của nhà nước thuộc địa. Trong suốt 3 năm, chỉ có 200 cá nhân ngoài chính quyền đặt báo. Phủ Thống sứ cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của tờ báo: (1) Đội ngũ biên tập quốc ngữ thiếu và yếu; (2) Các bài báo không có sức hút, nhất là nếu so sánh với các bài đăng trên tờ "Đại Nam Văn Báo" của F.H.Shneider; (3) Về mặt chính trị, tờ báo hoàn toàn vô dụng, hầu như không có bài báo nào về khoa học thường thức nhằm truyền bá những khái niệm vệ sinh, y học, thú y, canh nông, thương mại, kỹ nghệ… như đã thỏa thuận. Một số độc giả là quan lại và thông thạo chữ Hán đánh giá tờ báo có nhiều tin tức tầm phào, trong khi các bài báo chủ đề chính trị và kinh tế không thực sự bổ ích và hấp dẫn. Có ý kiến lại cho rằng một trong những nguyên nhân khiến tờ báo không thể phổ biến rộng rãi trong dân chúng, nhất là ở các tỉnh vùng cao là bởi vì ở giai đoạn này số lượng người thông thạo chữ Hán và chữ quốc ngữ rất hạn chế [3].

Tuy nhiên, nội dung một số lá thư của ông Babut gửi Thống sứ Bắc Kỳ năm 1905 lại cho biết nhiều quan lại người Việt đánh giá cao Đại Việt Tân Báo và bày tỏ mong muốn được đọc báo thường xuyên. Theo ông, việc nuôi sống một tờ báo, nhất là báo xuất bản bằng chữ quốc ngữ, là điều không hề dễ dàng trong bối cảnh đương thời. Trước hết, cuộc sống của người bản xứ còn nhiều khó khăn và họ cũng chưa có thói quen đọc báo. Thứ hai, những trở ngại trong việc gửi bưu phiếu để thanh toán tiền đặt báo làm giảm nhiệt tình của những người sống ở khu vực nông thôn nên tòa soạn chỉ trông cậy vào nhóm độc giả thành thị. Con số người biết chữ Hán và chữ quốc ngữ tại thành thị cũng ở mức thấp. Đội ngũ thông ngôn hiểu biết thì không đặt báo do có thể đọc miễn phí tại các công sở nơi họ làm việc.

Trên thực tế, lập trường của ông Babut đối với nhiều chính sách của Phủ Toàn quyền và Phủ Thống sứ cũng là điều khiến giới chức đương thời lo ngại và có lẽ đã góp phần vào quyết định không tiếp tục hỗ trợ tòa soạn. Trong một báo cáo gửi Toàn quyền Đông Dương vào năm 1910, Quyền Thống sứ Bắc Kỳ Simoni cho biết tờ báo từng có ý định đăng nhiều bài phê phán quan lại, hủ nho, cường hào bản xứ. Những bài báo như vậy có khả năng gây ra sự bất mãn trong dân chúng và kéo theo những ý kiến phản đối, biểu tình nên đều bị ban kiểm duyệt loại bỏ. Cũng theo ý kiến của Simoni, do chưa được kiểm duyệt triệt để, một số đoạn trong các bài đã đăng có thể góp phần gieo rắc trong quần chúng bản xứ những tư tưởng và nguyện vọng trái ngược hoàn toàn với sứ mệnh ban đầu của tờ báo [4]. Để giễu cợt những người làm công tác kiểm duyệt, ông Babut thậm chí còn cho xuất bản những trang báo đầy ô trống [5].

 

Đại việt Tân Báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Bắc Kỳ (nguồn: thuviennguyenvanhuong)

Đại Việt Tân Báo tồn tại đến ngày 05 tháng 5 năm 1908 thì chính thức đình bản [6]. Tuy chỉ có 3 năm ngắn ngủi, sự xuất hiện của Đại Việt Tân Báo vẫn là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam vì đây là tờ báo đầu tiên sử dụng chữ quốc ngữ tại Bắc Kỳ.

Tài liệu tham khảo:

RST 46540; 46548; 46550; 46542-1

Văn phòng Bảo Đại - Đà Lạt 5702; 7265

Revue franco-annamite số ra ngày 01/5/1931


[1] Alfred Ernest Babut sinh ngày 01 tháng 02 năm 1978 tại Sedan, Pháp. Ông là thành viên Liên đoàn Nhân quyền và Chi hội pháp của Quốc tế công nhân. Ngoài Đại Việt Tân Báo, ông còn điều hành tờ Revue Franco-Annamite. Do thường xuyên bênh vực người bản xứ, ông bị chính quyền thuộc địa kết án 10 tháng tù vào ngày 31 tháng 12 năm 1941. Tháng 10 năm 1945, ông hợp tác với báo La République và có bài viết nhan đề “Tội ác của bè lũ thực dân” lên án việc thực dân Pháp tàn sát tù chính trị ở Cao Bằng và Nghĩa Lộ (Yên Bái). Ông cũng là một trong những cố vấn người Pháp của Việt Minh. Ông từng có thời gian sống tại Đà Lạt, số 3 Rue des Roses (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng) (Theo hồ sơ 5702 và 7265, Phông Văn phòng Bảo Đại - Đà Lạt) 

[2] Công sứ Thái Bình và Công sứ Sơn La (1905), Công sứ Hà Đông (1906) đều phàn nàn với Thống sứ Bắc Kỳ về việc ngân sách tỉnh quá eo hẹp, rất khó thu xếp chi phí để đặt báo.

[3] Chẳng hạn, Công sứ Thái Nguyên cho biết năm 1904, toàn tỉnh chỉ có 44 Chánh tổng biết chữ quốc ngữ. Năm 1905, tỉnh Sơn La chỉ đặt báo cho 13 thành viên chính quyền, trong đó có duy nhất 1 Chánh tổng.

[4] Bản thân ông Babut cũng đã nhiều lần chỉ trích chính quyền thuộc địa và lên án những hình phạt đẫm máu đối với các chí sĩ yêu nước người Việt, nhất là vụ Hà Thành đầu độc năm 1908. Ông có mối quan hệ khá mật thiết với Phan Chu Trinh và đã đứng ra bênh vực khi cụ Phan bị chính quyền thuộc địa xét xử.

[5] Philippe Papin, Lịch sử Hà Nội, tr.243

[6] Hiệu lực của thỏa thuận giữa ông Babut và Phủ Thống sứ Bắc Kỳ được tính từ ngày phát hành số báo đầu tiên (05 tháng 5 năm 1905).

Bùi Hệ

 

https://www.archives.org.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6644

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Tác phẩm “Đường Kách mệnh” với vấn đề giải quyết mối quan hệ dân tộc – giai cấp của cách mạng Việt Nam

Tác phẩm “Đường Kách mệnh” với vấn đề giải quyết mối quan hệ dân tộc – giai cấp của cách mạng Việt Nam

  • 20/04/2022 14:39
  • 2368

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam nhiều di sản vô cùng quý báu, một trong những di sản đó là tác phẩm “Đường Kách mệnh”.