Thứ Năm, 16/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/04/2022 08:45 2243
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Cách đây 130 năm, vào ngày 1 - 4 - 1892, Hội Trí tri Bắc Kỳ với tên gọi ban đầu là Hội Tương tế Bắc Kỳ (Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin - SEM), một tổ chức xã hội giáo dục ở Bắc Kỳ và là một phần của phong trào “chủ nghĩa hiện đại Pháp” (Modernisme français) đã ra đời tại Hà Nội

 

Khai trương Hội Trí Tri (Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin) ở Hà Nội ngày 1-4-1892 với sự tham gia của Toàn quyền Đông Dương Jean-Marie de Lanessan. Ảnh sưu tầm.

Nhằm mục đích ban đầu là giúp đỡ những người muốn học tiếng Pháp, Hội Trí tri Bắc Kỳ được thành lập như là một “Hiệp hội miễn phí của cựu học sinh các trường Pháp thuộc Bắc Kỳ”, trong đó có cả Trường Thông ngôn với nhiệm vụ đào tạo thông dịch viên và thư ký cũ cho chính quyền thuộc địa ở Bắc Kỳ.

Các thành viên sáng lập Hội gồm Đốc học Nordermann[1] khi đó đang là Trưởng Phòng Giáo dục ở Huế (sau giữ chức Hội trưởng đầu tiên), một số thông dịch viên, giáo viên và thư ký người Việt, chủ yếu thuộc về nhóm sinh viên mới tốt nghiệp của trường Pháp - Bản xứ với tiêu chí “mạnh hơn dạy cho yếu hơn”. 

Trụ sở ban đầu của Hội ở phố Lãn Ông, trong một căn nhà mượn tạm, đến năm 1896 được Tòa Đốc lý cấp đất cho xây trụ sở mới ở số 59 Rue des Eventails[2]. Bằng phí vào cửa và các khoản đóng góp của các thành viên (1fr.30/tháng), Hội đã mua được đồ đạc, một số sách, trả tiền thuê mặt bằng, chi phí chiếu sáng, đồ dùng học tập và trả lương cho một người lao động. Đến năm 1897, Hội đã có một thư viện khá cơ bản và đã trở thành một thư viện tư nhân quan trọng của thành phố Hà Nội với Bộ sưu tập các tác phẩm của các tác giả kinh điển bằng tiếng Pháp; một số tạp chí bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, và một số tạp chí xuất bản định kỳ ở Pháp.

Thành phần hội viên của Hội Trí tri Bắc Kỳ tương đối phong phú, từ Chủ tịch danh dự, cựu Chủ tịch đến thành viên danh dự, thành viên sáng lập, thành viên vĩnh viễn và thành viên danh nghĩa được phân loại theo tình trạng nghề nghiệp và địa chỉ. Theo Bản tin của Hội từ năm 1921, số lượng thành viên chính thức đã trả tiền đăng ký và thực sự tham gia vào các hoạt động của Hội được thống kê đã tăng từ 20 (vào cuối năm 1892) lên 83 (vào năm 1896); 478 (vào năm 1900); 461 (vào năm 1904); 500 (vào năm 1908) và 582 (vào năm 1912). Cũng theo Bản tin của Hội, từ năm 1900, Hội có khoảng 500 thành viên chính thức cư trú tại Hà Nội và tổng số thành viên chính thức xấp xỉ 1.000 người trên lãnh thổ Bắc Kỳ[3].

Ban đầu, Hội Trí tri Bắc Kỳ chỉ là một tổ chức dành cho sinh viên mới ra trường nhưng cùng với sự phát triển, đến cuối những năm 1910, đầu những năm 1920, nó đã trở thành một tổ chức hoàn toàn mới về mặt tổ chức. Hội hoạt động dưới sự ủy quyền của Thống sứ Bắc Kỳ và được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đốc lý Hà Nội. Hoạt động của Hội được thường xuyên hơn nhờ trợ cấp của cả Toàn quyền Đông Dương và sự đóng góp của học sinh và các thành viên. Hội tổ chức đại hội đồng thường niên với việc soạn thảo biên bản, bầu cử Hội đồng Quản trị, ra các quy chế và các quy định nội bộ.

Tuy mục tiêu ban đầu của Hội Trí Tri Bắc Kỳ bắt nguồn từ việc hỗ trợ học tiếng Pháp cho người bản xứ mà thực chất là để giải quyết việc thiếu nhân viên cấp dưới trong các dịch vụ dân sự và quân sự của chính quyền thuộc địa tại Bắc Kỳ, nhưng trải qua một quá trình tồn tại và phát triển từ 1892 đến 1946, mục tiêu này đã dần dần thay đổi, hướng tới sự nghiệp “Khai dân trí, chân dân khí, đào tạo nhân tài”.   

Trong những năm đầu hoạt động, mục tiêu của Hội là “giảng dạy lẫn nhau” đã được áp dụng theo nghĩa đen, vì “các thành viên của Hội đã cùng nhau đọc, nghe và sau đó thảo luận về các bài giảng của một số người trong số họ…” rồi sau đó họ gặp nhau “trong một ngôi chùa khiêm tốn ở Rue des Médicaments[4] vào mỗi thứ năm và chủ nhật hàng tuần[5].  

Vào cuối thế kỷ 19, Hội đã tổ chức các khóa học dành cho người lớn và trẻ em. Các lớp học ban ngày cho trẻ em được thành lập sớm nhất là vào năm 1896, hoạt động như một trường tư thục cung cấp các bài học theo chương trình chính thức và chuẩn bị cho thi lấy Chứng chỉ Tiểu học bản xứ (Certificat d’études élémentaires indigènes) và Chứng chỉ Tiểu học Pháp - Việt (Certificat d’études primaires franco-annamites). Đối với các khóa học buổi tối, các khóa học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp hoặc toán học đều được tổ chức miễn phí. Các trường này phát triển nhanh chóng sau thời kỳ “chủ nghĩa hiện đại Pháp” và dần trở nên phổ biến hơn sau năm 1908. Theo báo cáo của các Khu trưởng ở Hà Nội gửi Trưởng phòng quản lý các công việc của người bản xứ về việc thống kê số lượng trường tư và học sinh ở Hà Nội năm 1912[6] thì trường của Hội Trí Tri ở phố Hàng Quạt có 330 học sinh và 13 thầy giáo, trong đó có Nguyễn Văn Tố[7].

Ngoài ra, Hội cũng tổ chức các khóa học miễn phí khác với mục tiêu chuyên nghiệp hơn, như các khóa học tốc ký và kế toán thương mại, các khóa học chuẩn bị cho các cuộc thi… nhờ có Ủy ban Bảo trợ bao gồm các thành viên người Pháp tại Bắc Kỳ. Chính Ủy ban này đã cung cấp cho Hội các khóa học trong một số ngành khác nhau (hóa học, số học, hình học…), thông qua các môn học về luật, lịch sử, địa lý, vệ sinh phổ biến, khoa học tự nhiên kể từ ngày 1-5-1897.

Bên cạnh việc tổ chức các lớp học miễn phí, việc tổ chức các hội nghị cũng là một hoạt động quan trọng khác của Hội Trí tri Bắc Kỳ. Hội đã kết hợp với những yếu nhân của Đông Kinh Nghĩa Thục tổ chức các bài giảng và thuyết trình mở cho công chúng trong thời kỳ “chủ nghĩa hiện đại”, trong đó có những hội nghị có tới hàng trăm người tham dự. 

Từ những năm 1920 cho đến năm 1945, các buổi diễn thuyết công khai hàng tuần được tổ chức vào thứ năm hàng tuần với các chủ đề khác nhau như phổ biến khoa học; văn hóa Pháp và văn học Pháp; lịch sử và văn học Việt Nam… Nhiều học giả và trí thức lỗi lạc, trong đó có cả người Pháp, đến diễn thuyết tại trụ sở của Hội ở Bắc Kỳ, một số buổi diễn thuyết đã thu hút tới 500 người, thậm chí có buổi còn nhiều hơn.

Ngoài những hoạt động kể trên, từ năm 1921, Hội còn xuất bản một tập san mang tên “Tập san Tri Trí” là một nguồn tư liệu quý giá cho nghiên cứu về văn hóa và lịch sử Việt Nam với các bài “Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ” (số 4, tập 4, năm 1923); “Nói về nữ quyền ở nước Nam” (số 2, tập 6, năm 1925); “Việt Nam Văn học sử lược” (số 4, tập 9, năm 1928); “Đại Nam quốc sử diễn ca” (số 3, tập 14, năm 1934); “Y học Tây âu và Việt Nam” (số 4, tập 15, năm 1935); “Địa vị truyện Kiều trong lịch sử quốc văn” (số 3-4, tập 16, năm 1936)… 

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, Hội Trí tri được phép tiếp tục hoạt động theo thể lệ đã ấn định trong Sắc lệnh số 52 ngày 22-4-1946 và theo Nghị định ngày 28-5-1946 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng[8]. Nhưng rồi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, chiến tranh Việt - Pháp kéo dài 9 năm đã làm cho Hội Trí tri không thể tiếp tục hoạt động được nữa. Tuy nhiên, điều mà chúng ta có thể thấy rõ được qua lịch sử ra đời và phát triển của tổ chức này, đó là mô hình Trí tri đã được nhân rộng ở nhiều nơi trong cả nước, góp phần xóa nạn mù chữ, truyền bá kiến thức khoa học tiến bộ vào Việt Nam dưới thời thuộc địa.

Tài liệu tham khảo:

- TTLTQG I, Fonds de la Mairie de Hanoï – MHN, hs: 5217

- VNDQCB, số 24, 15-6-1946, tr. 321.

- Tập san Trí Tri 1922-1937. http://baochi123.info/forums/tap-san-tri-tri-1922-1937.312/

- Gilles De Gantès, Phuong Ngoc Nguyen, La Société d’enseignement mutuel du Tonkin (Hội Trí Tri, 1892-1946), une autre version de l’action moderniste, Presses universitaires de Provence.  https://books.openedition.org/pup/6669?lang=en

 


[1] Edmand Norderman (có tên Việt là Ngô Đê Mân hay Tô Năng), sinh ngày 3-1-1869 tại Besançon (Pháp) vốn là giáo sĩ. Norderman sang Đông Dương ngày 25-10-1888, phục vụ tại Bắc Kỳ, được bổ làm giáo tập hạng Ba, từng là người sáng lập và Hội trưởng Hội Trí tri Bắc Kỳ, quyền Hiệu trưởng trường Yên Phụ Hà Nội năm 1895, Chưởng giáo trường Quốc học Huế (tháng 1-1899), Đốc học chánh xứ Trung Kỳ (từ ngày 5-8-1909) và Đốc học chánh xứ Ai Lao (từ 1915 đến tháng 3-1919).   

[2] Phố Hàng Quạt.

[3] Phạm Quỳnh giữ chức Hội trưởng của Hội Trí tri Bắc Kỳ từ năm 1925 đến 1928.

[4] Phố Thuốc Bắc.

[5] Gilles De Gantès, Phuong Ngoc Nguyen, La Société d’enseignement mutuel du Tonkin (Hội Trí Tri, 1892-1946), une autre version de l’action moderniste, Presses universitaires de Provence. https://books.openedition.org/pup/6669?lang=en

[6] TTLTQG I, fonds de la Mairie de Hanoï - MHN, hs: 5217.

[7] Sau làm Hội trưởng Hội truyền bá chữ Quốc ngữ.

[8] VNDQCB – số 24, 15-6-1946, tr. 321.

TS. Đào Thị Diến

https://archives.org.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6788

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

“Nhật ký trong tù” của Lãnh tụ Hồ Chí Minh trong lòng dịch giả nước ngoài

“Nhật ký trong tù” của Lãnh tụ Hồ Chí Minh trong lòng dịch giả nước ngoài

  • 01/04/2022 10:45
  • 3729

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất mà riêng trong sự nghiệp thơ ca, Người có đóng góp đặc biệt trong việc truyền cảm hứng cho không chỉ người dân trong nước mà cả nhân dân thế giới, nhất là các chiến sĩ cách mạng và những người yêu chuộng hòa bình.