Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

01/04/2022 10:45 3260
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất mà riêng trong sự nghiệp thơ ca, Người có đóng góp đặc biệt trong việc truyền cảm hứng cho không chỉ người dân trong nước mà cả nhân dân thế giới, nhất là các chiến sĩ cách mạng và những người yêu chuộng hòa bình.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ nhận mình là nhà thơ. Nhưng với gia tài là những áng thơ vô cùng đa dạng và phong phú về thể loại, nội dung và ngôn ngữ, Người đã trở thành một nhà thơ lớn của thời đại và là nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều thi sĩ.

 
Trang bìa tác phẩm Nhật ký trong tù; (Nguồn: BTLSQG)

Tác phẩm Nhật ký trong tù hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia là hiện vật gốc và đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Trong thời gian bị giam tại nhà ngục Quảng Châu, Trung Quốc (8/1942-8/1943), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hơn 133 bài thơ bằng chữ Hán được tập hợp trong tác phẩm mang tựa đề Nhật ký trong tù. Đây là tập thơ đặc sắc, tiêu biểu nhất, thể hiện rõ thế giới ngục tù và bộc lộ ý chí đấu tranh bất khuất, tinh thần lạc quan trong thơ đã đưa thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gần hơn với những chiến sĩ cách mạng thời ấy và cả nhân loại sau này.

Vì vậy, từ khi ra đời đến nay, Nhật ký trong tù đã được giới chính khách, đông đảo học giả và nhân dân thế giới nồng nhiệt đón nhận, sau khi được dịch từ nguyên bản Hán văn ra tiếng Việt, tác phẩm Nhật ký trong tù của Người lần lượt được dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới như: tiếng Nga, tiếng Pháp, rồi tiếng Anh, Ba Lan, Ý, Mông Cổ, Lào, Nauy, Phần Lan…

Với tiếng Nga, người có công tìm hiểu, dịch thơ và giới thiệu tác phẩm Nhật ký trong tù chính là nhà thơ nổi tiếng, dịch giả Pa-ven An-tô-côn-xki. Năm 1985, nhà xuất bản "Văn nghệ" Mát-xcơ-va đã xuất bản "Hồ Chí Minh - tuyển tập thơ và văn xuôi". Trong tuyển tập này có tất cả các bài thơ của Nhật ký trong tù mà An-tô-côn-xki đã dịch. Đây là một viên gạch quý góp phần xây đắp mối quan hệ lâu đời, bền vững giữa hai đất nước Việt Nam - Liên Xô. Ấn tượng từ lần gặp gỡ cũng như kính trọng nhân cách, trí tuệ của Bác, nhà thơ Pa-ven An-tô-côn-xki đã từng nhận xét về Chủ tịch Hồ Chí Minh là "một pho tư liệu duy nhất chân thực và quý hiếm theo đủ các thể loại. Cuộc đời đã trao cho Người trọng trách và đồng thời cả một pho tiểu thuyết của tương lai, tạo nên cốt truyện và là một cốt truyện cực kỳ hấp dẫn...". 1

 

Bìa tập thơ Nhật ký trong tù, bản tiếng Nga (NXB Ngoại văn, Hà Nội, tái bản năm 1975);  (Nguồn Internet)

 

Dịch giả Pa-ven An-tô-côn-xki; (Nguồn Internet)

Người dịch tác phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Pháp lại chính là người Việt Nam, ông tên Phan Nhuận, là người con ở huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) nhưng học tập, sinh sống và làm việc tại Tòa Thượng thẩm Paris với chức danh luật sư. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, năm 1945, Luật sư Phan Nhuận đã lên diễn đàn kêu gọi Pháp - Việt đoàn kết, ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong chuyến thăm Pháp của Bác Hồ, ông đã tham gia cùng đồng bào Việt kiều đón tiếp, giúp đỡ phái đoàn chính phủ ta. Bản thân ông đã làm phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một số lần theo nghi thức ngoại giao. Trong buổi kỷ niệm một năm Quốc khánh nước ta, 2/9/1946, được Việt kiều tổ chức tại Paris, có mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã thay mặt bà con phát biểu ca ngợi thành công của Cách mạng tháng Tám, sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bày tỏ sự tín nhiệm và lòng trung thành đối với sự nghiệp của dân tộc, với chính phủ, với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau thời gian ngắn ngủi được gần Hồ Chủ tịch, Luật sư Phan Nhuận càng tích cực tham gia công tác của phong trào Việt kiều yêu nước. Ông viết nhiều bài giới thiệu Việt Nam, tuyên truyền về nước Việt Nam trên báo chí Pháp, viết nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham gia cả việc dịch và giới thiệu văn học Việt Nam cho bạn bè Pháp và các nước khác. Sau này, khi ở Việt Nam vào cuối những năm 50, phát hiện được bản thảo Nhật ký trong tù của tác giả Hồ Chí Minh, công bố thành sách vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch, thì ở Paris, Luật sư Phan Nhuận cũng bắt tay vào dịch tác phẩm này sang tiếng Pháp. Là một người từng được học Hán học khi ở trong nước, ở Paris ngoài chuyên môn ngành luật, ông còn tốt nghiệp bằng cử nhân văn chương và sử học, Phan Nhuận mạnh dạn bắt tay vào nghiên cứu tác phẩm của Hồ Chủ tịch rồi khởi công việc dịch.

Nǎm 1963, tại Paris, Nhà xuất bản Pierre Seghers, đã cho ra mắt độc giả tập Nhật ký trong tù dịch ra tiếng Pháp. Bản dịch sang tiếng Pháp của Phan Nhuận được thế giới đánh giá cao, được lấy làm căn cứ để một lần nữa nhiều dịch giả ở các nước khác nhau dịch sang tiếng của dân tộc mình.

Tiếp theo, năm 1962, NXB Ngoại văn ở Hà Nội đã xuất bản Nhật ký trong tù được dịch sang tiếng Anh với nhan đề: "Prison Diary" của Aileen Palmer, người Australia. Năm 1930, khi đang là sinh viên Trường đại học Melbourne, Aileen Palmer đã tham gia Đảng Cộng sản Australia. Bà đã từng tình nguyện tham gia đơn vị y tế trong quân đoàn Quốc tế giúp đỡ những người Cộng hòa Tây Ban Nha chống phát xít Tây Ban Nha. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, Aileen Palmer trở về Anh phục vụ trong bộ phận cấp cứu y tế của quân đội đồng minh. Suốt đời bà đi theo lý tưởng chủ nghĩa Cộng sản quốc tế, làm thơ, viết văn. Sau năm 1954, bà Aileen Palmer có mặt ở Việt Nam trong số các chuyên gia Australia giúp đỡ Việt Nam trên mặt trận tuyên truyền. Trước khi dịch tác phẩm Nhật ký trong tù, bà từng dịch thơ Tố Hữu, năm 1959, NXB Ngoại văn Hà Nội đã xuất bản. Và sau đó, Aileen Palmer dịch Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Anh.

Sau bản dịch của Aileen Palmer, Nhật ký trong tù một lần nữa được một người Việt là ông Đặng Thế Bính dịch sang tiếng Anh và bản dịch này cũng được NXB Ngoại văn Hà Nội ấn hành từ năm 1985.

 

Nhật ký trong tù, bản tiếng Anh; (Nguồn Internet)

Từ bản dịch của Aileen Palmer, thi sĩ Maung Sawa Yi người Mianma đã dịch sang tiếng Mianma lấy tên là "Tiếng sáo trong tù" do NXB Cây Đèn xuất bản ở Ragun năm 1966.

Cũng thời gian này, Tiến sĩ Ngôn ngữ học Thoong Chăm  Onmanixơn, lúc đó là Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân gian Lào, cũng căn cứ vào bản dịch tiếng Anh của Aileen Palmer lần đầu tiên dịch Nhật ký trong tù sang tiếng Lào. Năm 1971, bản dịch "Prison Diary" của Aileen Palmer sau nhiều lần được tái bản ở Việt Nam, còn được NXB  Bantam - Book xuất bản ở  New York, phát hành rộng rãi tại Mỹ và Canada.

Qua đó cho thấy, Aileen Palmer với bản dịch của mình đã đóng góp không nhỏ trong việc giới thiệu và quảng bá một tác phẩm xuất sắc như Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân thế giới. Chẳng hạn, bản dịch của nữ dịch giả Ý Joyce Lussu sang tiếng Ý xuất bản tại Tindalo năm 1967, in lại ở Milan năm 1972, bản dịch sang tiếng Mông Cổ của nhà ngoại giao Mông Cổ Namxrai, lúc đó đang có mặt ở Paris, đưa về nước xuất bản ở Ulan-Bato vào đầu những năm 1960…

 

Bìa sách Nhật ký trong tù, bản tiếng Nauy;(Nguồn Internet)

 

Nhật ký trong tù, bản dịch tiếng Phần Lan; (Nguồn Internet)

Như vậy, chỉ qua việc điểm sơ lược một số bản dịch Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang nhiều thứ tiếng cho thấy sức lan tỏa của tác phẩm này thực sự nhanh chóng. Sở dĩ Nhật ký trong tù có sức lan tỏa như vậy chính bởi tác phẩm này có giá trị đặc biệt về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật diễn tả, mà tác giả chính là người Anh hùng dân tộc vĩ đại, Danh nhân văn hóa - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cho đến nay, người ta vẫn tiếp tục tìm đọc và vẫn có nhiều người mến mộ tiếp tục dịch tập thơ sang ngôn ngữ khác. Ở những nơi đã có bản dịch xuất bản, nhưng là bản dịch từng được thực hiện qua ngôn ngữ trung gian, thì nay có thêm các bản dịch trực tiếp từ nguyên bản Hán văn. Lại có nhiều trường hợp đã có bản dịch tương đối đạt, được công bố lâu rồi, nhưng ở thời điểm mới, thế hệ người đọc mới đòi hỏi khác, và sự hiểu cũng khác xưa, nên lại xuất hiện các bản dịch mới…

Trải qua thời gian, Nhật ký trong tù luôn có sức cuốn hút, lan tỏa kỳ diệu, là một văn kiện lịch sử vô giá, thể hiện nhất quán tư tưởng đấu tranh cho tự do của con người; là niềm mong mỏi giải phóng đất nước, khát vọng thiết tha giành độc lập, tự do cho đất nước, cho nhân dân.

Chú thích:

1 Nguồn:https://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/Trang-39-sdb-Tho-Ho-Chi-Minh-trong-long-doc-gia-nuoc-ngoai-i467604/

Tài liệu tham khảo:

1.   Nhật ký trong tù - Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG. HN, 2004, tập 3.

2.   Nhật ký trong tù, (1995), Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.

3.   Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn nghệ, Hà Nội, 1955. 

4.   https://nhandan.vn/van-nghe/nhat-ky-trong-tu-tu-duong-het-thay-chung-ta-183661/

 

Ngọc Anh

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6379

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Vắc xin và vấn đề tiêm chủng vắc xin trong lịch sử Việt Nam

Vắc xin và vấn đề tiêm chủng vắc xin trong lịch sử Việt Nam

  • 02/03/2022 14:47
  • 1345

Lịch sử dịch tễ học Việt Nam không cho biết rõ người Việt bắt đầu biết đến vắc xin và tiếp cận với tiêm chủng vắc xin từ khi nào. Khảo cứu các nguồn tư liệu lịch sử kể cả nguồn tư liệu trong nước và tư liệu do người nước ngoài viết về Việt Nam giai đoạn từ nửa đầu thế kỷ 19 trở về trước, hầu như rất ít nhắc đến vấn đề vắc xin và tiêm chủng vắc xin.