Tòa Cửu phẩm Liên Hoa là một trong những cổ vật có giá trị đặc biệt, điểm nhấn của ngôi chùa Giám cổ kính ở Hải Dương, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015.
Có chiều cao 4,44m, Cửu phẩm Liên Hoa ở chùa Giám là cổ vật có kích thước hoành tráng, có giá trị nghệ thuật kiến trúc Phật giáo đặc biệt. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Đến thăm chùa Giám ở xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, du khách sẽ được chiêm ngưỡng Cửu phẩm Liên Hoa - một trong những cổ vật có giá trị đặc biệt, bảo vật quốc gia.
Là địa danh tâm linh nổi tiếng lưu giữ bảo vật quốc gia, chùa Giám tọa lạc trên khoảng đất rộng 2ha, ngoài thờ Phật còn là nơi đặt tượng thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh - vị thánh tổ của ngành y dược Việt Nam.
Từ Hà Nội đi xuôi về phía Hải Dương theo đường Quốc lộ 5A hơn 40km đến ngã tư chợ Ghẽ rẽ trái chừng 3km là đến Chùa Giám.
Chùa được xây dựng từ thời Lý và được Tuệ Tĩnh trùng tu, tôn tạo vào thế kỷ 14. Đến cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, chùa được xây dựng lại với quy mô lớn theo kiểu "nội công, ngoại quốc." Chùa được xếp hạng di tích quốc gia năm 1974.
Chùa Giám tên chữ là "Nghiêm Quang Tự." Căn cứ vào 2 tấm bia ký Chính Hòa năm 17 "Bính Tý niên 1696", Chính Hòa thứ 22 "Tân Tỵ niên 1701." Chùa Giám Cẩm Sơn trước đây thuộc tổng An Trang, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Xã Cẩm Sơn trước đây thuộc huyện Lương Tài, Bắc Ninh, đến năm 1897 thời Pháp thuộc thay đổi địa giới hành chính chuyển về huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, do đó có khắc chữ ở quả chuông đồng và cột chùa ghi là An Trang xã, Lương Tài huyện, Bắc Ninh.
Chùa Giám hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị. Đó là những chuông lớn, bia đá, tượng Phật cổ xưa ... Một số pho tượng ở đây còn là những tiêu bản tượng gốc, dựa vào hình dáng các pho tượng này người ta đã tạo ra những pho tượng khác để thờ ở nhiều nơi trong cả nước.
Một trong sáu mặt của tòa Cửu phẩm Liên Hoa. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Tòa Cửu phẩm Liên Hoa là một trong những cổ vật có giá trị đặc biệt, điểm nhấn của ngôi chùa Giám cổ kính.
Tòa tháp bằng gỗ có tuổi đời khoảng 300 năm cao 4,44m với 9 tầng, mỗi tầng có 5 lớp cánh hoa sen.
Chín tầng đài sen này tượng trưng cho 9 cấp tu hành chính quả của Phật giáo. Tòa Cửu phẩm có sáu mặt, mỗi mặt rộng 1,2m. Để tạo dựng một công trình ấn tượng có bố cục chặt chẽ, cân xứng, với đường nét tinh tế các nghệ nhân xưa dựng cột trụ lim ở giữa, 6 cột chạm khắc hình trúc hóa rồng ở chung quanh. Liên kết trụ giữa với các cột rồng bằng một hệ thống xà gánh đan chéo.
Trên mỗi cạnh của tòa Cửu phẩm đặt 3 pho tượng Phật, mỗi tầng 18 pho. Ở tầng cao nhất trên nóc chỉ đặt một pho tượng Phật lớn cao 1m, đầu đội trần nhà.
Với tổng cộng tất cả 145 pho tượng Phật, tòa Cửu phẩm nặng khoảng 4 tấn, tuy nhiên chỉ cần dùng tay đẩy nhẹ, cả tòa sen vẫn có thể từ từ quay vòng tròn.
Cửu phẩm Liên Hoa ở chùa Giám hiện được xem là cổ vật có giá trị nghệ thuật kiến trúc Phật giáo đặc biệt. Cùng với hai tòa Cửu phẩm ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) và chùa Động Ngọ (Hải Dương), đây là một trong ba kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ truyền Việt Nam liên quan đến Phật giáo còn lưu giữ được đến ngày nay.
Gian đặt tòa Cửu phẩm Liên Hoa (được gọi là nhà Phẩm) nhìn từ nhà tổ chùa Giám. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Không những thế, đây còn là nguồn tư liệu rất có giá trị lịch sử phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Với những giá trị đó, tòa Cửu phẩm Liên Hoa chùa Giám đã được chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015.
Cửu phẩm liên hoa không chỉ mang thông điệp từ bi, vị tha, bác ái của đạo Phật mà còn thể hiện sự phát triển của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử ở nước ta. Sự hiện diện của các tòa tháp Cửu phẩm liên hoa một lần nữa khẳng định nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 17, 18./.
(Vietnam+)