Thứ Sáu, 01/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

08/09/2021 22:42 2132
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong dòng báo chí công khai, hợp pháp ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945, Tri Tân được xem là tạp chí tiêu biểu trong giai đoạn 1941-1945, có vai trò quan trọng đối với sinh hoạt văn hóa và học thuật của tầng lớp trí thức yêu nước trong bảo tồn văn hóa dân tộc, được đánh giá là một trong những cơ quan báo chí tiên phong trong việc cách tân, đổi mới, “cấp tiến”. Tạp chí có những đóng góp nhất định đối với lịch sử, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ.


 Tạp chí Tri Tân số 01 ra ngày 3/6/1941

Tạp chí Tri Tân ra đời và phát triển trong cao trào cách mạng 1939-1945, mặc dù chịu sự kiểm soát ngặt nghèo của thực dân Pháp song tạp chí đã liên tục thay đổi, điều chỉnh sách lược để duy trì hoạt động xuất bản. Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, lại chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của thực dân Pháp, tạp chí có nội dung rất phong phú, phản ánh kịp thời diện mạo đời sống văn hóa - xã hội Việt Nam trước năm 1945. Các bài viết trên tạp chí Tri Tân thường tập trung việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc, truyền bá khoa học kỹ thuật, y học, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật của văn minh phương Tây nhằm nâng cao dân trí, làm giàu kho tàng văn hóa dân tộc, chuẩn bị tinh thần tư tưởng cho tầng lớp thanh niên trí thức tham gia cách mạng khi thời cơ đến.

Tri Tân ra số đầu tiên ngày 3/6/1941, số cuối ra ngày 16/6/1946, trong 5 năm hoạt động Tri Tân xuất bản 214 số (gồm 212 số thuộc giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945; và 2 số loại mới khi Việt Minh lên nắm chính quyền vào tháng Tám năm 1945). Hiện nay Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG)  đang lưu giữ 178 số, mang số kí hiệu từ 29388/Gy.17854/BTLSQG đến số 30552/Gy.17735/BTLSQG. Cùng lần giở những trang tạp chí cũ đang được lưu giữ tại BTLSQG, để thấy được nhiệt huyết của thế hệ trí thức đã tận hiến hết mình vì lý tưởng dân tộc. Trong phạm vi bài viết, xin được đề cập đến vai trò của Tạp chí Tri Tân giai đoạn 1941-1945 về phương diện giáo dục.

·        Tri Tân góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tự tôn dân tộc.

Là một tạp chí đề cao tinh thần dân tộc, nên Tri Tân rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, điều này được thể hiện ngay trên trang nhất số đầu tiên. Bài viết của Ứng hòe Nguyễn Văn Tố với tên gọi: “Quốc hiệu nước ta không nên gọi là An Nam”, cụ cho rằng “An Nam là tên của Tàu đặt… nếu người mình đem ra dùng khi nói chuyện hay viết sách viết báo thì thế nào cũng có cái vẻ thuần phục”… “tại sao ta không tự trọng giữ lấy cái quốc hiệu “Đại Nam” sẵn có”. Ứng hòe Nguyễn Văn Tố còn là tác giả của tác phẩm dài kỳ như: “Đại Nam dật sử”, đăng từ số 104 đến số 209 là các câu chuyện cổ của nước ta, ít nhiều có gắn với các danh nhân lịch sử, hoặc liên quan đến các di tích, danh lam, được tác giả tìm tìm kiếm trong tư liệu, cả sách ta và sách Tàu, để chép lại. Quan trọng hơn, đằng sau những câu chuyện còn là nỗi niềm yêu nước muốn đồng bào những ai đọc được đều có thêm niềm tin vào lịch sử, hiểu thêm cách sống của tổ tiên, để tự chọn cho mình một cách thế sống sao cho ứng hợp với thời cuộc mà không thẹn với cha ông. Rồi đến “Những ông nghè triều Lê”, đăng trên 112 số từ số 25 đến số 204, tác giả đã lần lượt xét hết 82 văn bia dựng ở sân Văn Miếu đề tên 1.111 ông nghè từ năm 1442 đến năm 1779, đây là một công trình khảo cứu công phu trước đó chưa ai làm.

Tác giả Khuông Việt thì cho rằng “Cần phải biết sử nước nhà” (số 7), vì: “Có đọc sử mới thấy rõ rằng tinh thần quốc gia Việt Nam trải mấy nghìn năm, không bao giờ chết!. Có đọc sử mới thấy rõ công khó nhọc của tổ tiên gây dựng nước nhà, gìn giữ giang san, mở mang bờ cõi là lớn lao đến thế nào... thấy rõ mấy điều ấy rồi, người đọc sử sẽ giật mình như tỉnh một giấc mê-ly, như ra khỏi nơi u ám...”. Bên cạnh các bài viết về lịch sử, Tri Tân còn có nhiều vài viết về cảnh đẹp của non sông đất nước như: Một ngày ở xứ Chàm (của Tam Lang); “Ban Mê Thuật” (của Trần Huy Bá); “Sau tám năm trở lại thăm Lao Kay”, “Từ Hà Nội đến Hồ Ba Bể (của Trịnh Như Tấu).... đặc biệt vào những dịp lễ lớn Tri Tân còn xuất bản những chuyên san về các anh hùng, nhân vật lịch sử dân tộc như chuyên san về Hai Bà Trưng (số 38); chuyên san về vua Đinh Tiên Hoàng (số 41); chuyên san về triều vua Gia Long (số 50); chuyên san về vua Lê Thái Tổ (số 65)....Với một loạt bài khảo cứu về lịch sử, tiểu thuyết lịch sử giới thiệu về các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, các vấn đề về lịch sử Việt Nam, ca ngợi non sông đất nước đã giúp khơi gợi lòng yêu nước, nhắc nhở cho nhân dân truyền thống bất khuất của cha ông.

·        Tri Tân góp phần nâng cao dân trí, nhận thức cho quần chúng

Trong Lời phi lộ, Tri Tân có đoạn viết: “bằng con mắt nhận chân và lạc quan, ngó rộng chân trời tri thức”. Thật vậy, với các “chuyên mục” như Tin quốc tế, Tin Đông Dương, thời đàm, tạp chí đã kịp thời chuyển đến bạn đọc những sự kiện chính trị xã hội nổi bật trong nước cũng như quốc tế. Các vấn đề rất được dư luận quan tâm như chính sách cai trị của thực dân Pháp, sắc lệnh của toàn quyền Đông Dương, cũng được đăng tải nhanh chóng như bài: “Vấn đề Thái Bình Dương” (số 1); “Pháo đài bay và phi cơ khu trục (số 13), “Lệnh dùng toàn tiếng Việt Nam” (số 188)... Giúp người đọc tiếp cận với các nền văn hóa trên thế giới thông qua những bài viết như “Tết ở Tây Tạng” (số 179); “Từ cái tóc ngoại quốc đến cái tóc Việt Nam” (số 178)

Ngoài ra, Tri Tân còn đề cập đến những chủ đề còn tương đối xa lạ với quần chúng nhân dân như: “Học thuyết kinh tế” (số 164); “Vàng là gì?” (số 208)...

 

Tác giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố với bài “Truyền bá chữ quốc ngữ với nạn thất học” (số 193)

·        Tri Tân với vấn đề giáo dục và cải cách giáo dục

Vấn đề giáo dục được đặt ra và chiếm nội dung lớn trên tạp chí Tri Tân. Các bài viết tập trung vào chấn hưng giáo dục, chống nạn mù chữ và thất học, hướng đến cải cách cho từng cấp, từng đối tượng, từ giáo dục phổ thông đến giáo dục cao đẳng, giáo dục đại học và cả giáo dục thanh niên ở nước ngoài qua hàng lot bài viết như: “Nền học mới Việt Nam” (số 199), “Cải cách giáo dục thì phải chấn chỉnh giáo giới (số 198), “Nhân việc chính phủ sẽ mở tại Hà Nội một trường Cao đẳng Khoa học” (số 13).... Trong chấn hưng, cải cách giáo dục, Tri Tân đặc biệt quan tâm tới việc truyền bá và phổ biến chữ quốc ngữ tới toàn dân. Rất nhiều tác giả xem đây là “công cụ” chủ lực để thực thi một nền giáo dục mới. Tác giả Hoa Bằng viết: “Từ sách vỡ lòng đến giáo dục trẻ em” (số 173); tác giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố với bài “Truyền bá chữ quốc ngữ với nạn thất học” (số 193) tác giả nhấn mạnh: “... cái tai họa thất học cũng không kém gì nạn bão - lụt, nạn sâu ăn lúa, nạn chết đói, nạn binh đao...” và “khi chữ quốc ngữ được phổ cập khắp nơi ngõ hẻm hang cùng, ai nấy đều sẵn trong tay một lợi thế khi ấy để bước lên trình độ giáo dục phổ thông, thời đại chúng mới mong nhìn thấy ánh sáng văn minh được”. Ngoài ra, các tác giả cũng đặt ra vấn đề như Nguyễn Trọng Thuyết với loạt bài “Việt Nam khoa học ngữ: Tổng luận: Khoa học là gì?” (số 121), “Tại sao nên viết khoa học bằng tiếng ta” (số 66) đã phản ánh thực thế “Khoa học là khoa học, nó bắt mình phải làm cái điều cần phải làm, cái điều không tránh được là muốn viết, muốn nói khoa hoạc thì phải có chữ chuyên môn... một là mình tuân theo nó, hai là mình chịu chết”, rồi khẳng định tầm quan trọng của chữ quốc ngữ “muốn viết khoa học bằng tiếng ta, ta phải có chữ chuyên môn”.

 

Tác giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố với bài “Quốc hiệu nước ta không nên gọi là An Nam

Tri Tân là một trong hai vế của mệnh đề “Ôn cố tri tân” (ôn cũ để biết mới), Tri Tân lần giở những trang lịch sử; bằng con mắt nhận chân và lạc quan, ngó rộng chân trời tri thức. Hai yếu tố “ôn cố” - “tri tân” được triển khai song song, vừa ghé vai gánh gạch, xe vôi, đứng vào hàng ngũ công binh xây dựng lâu đài văn hóa Việt Nam, mạnh bạo tiến bước trên đường chân lý./.

Hoài An (tổng hợp)

Tài liệu tham khảo:

1.     Nguyễn Trọng Lượng. “Giá trị lịch sử văn hóa của tạp chí Tri Tân 1941-1945”, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Hà Nội, 2013.

2.     Trương Thị Hải, “Tạp chí Tri Tân và vai trò của nó với việc truyền bá chữ quốc ngữ ở Việt Nam giai đoạn 1941-1946”, Hội thảo khoa học 100 năm chữ Quốc ngữ ở Việt Nam", tr 223-234, 2019.

 

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6541

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Tiền giấy mệnh giá 30 đồng bất chấp quy luật kinh tế

Tiền giấy mệnh giá 30 đồng bất chấp quy luật kinh tế

  • 24/08/2021 18:02
  • 6762

Hai lần được in và phát hành, tuy nhiên tiền giấy 30 đồng sau đó không được tiếp tục in nữa.