Thứ Tư, 09/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

11/07/2019 09:40 2103
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Năm 1722, chúa Nguyễn sai quan biên thần Gia Định lập đạo Trường Đồn ở xứ Mỹ Tho, đặt cai cơ và thư ký để làm việc, sau đó đổi thành dinh Trường Đồn vào tháng 11.1779. Nơi đây dần trở thành đồn quân sự dưới thời chúa Nguyễn và Tây Sơn.

 
Vị trí thành Mỹ Tho xưa trên bản đồ TP.Mỹ Tho ngày nay

ẢNH: TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ

Đặc biệt là những trận chiến sinh tử cả thủy binh, bộ binh của hai bên giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, diễn ra tại đồn Mỹ Tho cùng khúc sông Tiền trước cửa thành Mỹ Tho nhằm giành quyền kiểm soát Sài Gòn và Nam bộ. Vì thế mà sau khi lấy lại được Gia Định (1788), bên cạnh việc củng cố, xây dựng thành Gia Định trở thành kinh đô, sử quán triều Nguyễn ghi chép chi tiết vào tháng giêng năm 1792, chúa Nguyễn Ánh đã lập tức chỉ đạo đắp thành Mỹ Tho (góc thành đắp như dáng hoa mai), phát quan quân các dinh đến ứng dịch. Vua ngự đến xem. Đến tháng giêng năm 1796, chúa Nguyễn Ánh cho sửa bảo đồn Mỹ Tho thuộc dinh Trấn Định.

Tháng giêng năm 1826, vua Minh Mạng chỉ đạo xây thành trấn Định Tường (tức thành Mỹ Tho - LCT). Năm 1832, Minh Mạng xóa bỏ Gia Định thành, chia đặt tỉnh thành, trấn Định Tường được đặt làm tỉnh Định Tường, thống trị 1 phủ Kiến An và 3 huyện Kiến Hưng, Kiến Đăng, Kiến Hòa. Đại Nam nhất thống chí chép: Thành tỉnh Định Tường (Mỹ Tho), thành đất, chu vi 320 trượng, cao 9 thước 5 tấc (tức khoảng 500 m x 500 m - LCT ), ở địa phận 2 thôn Điều Hòa và Bình Biên huyện Kiến Hưng (nay là TP.Mỹ Tho).

Tháng 6 năm 1833, Lê Văn Khôi, con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt lần lượt chiếm thành Gia Định, Biên Hòa. Thành Mỹ Tho - Định Tường của triều Nguyễn cũng bị thất thủ. Từ đây, lần lượt các thành trì khác của triều đình ở Nam bộ như thành Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên đều lọt vào tay của Lê Văn Khôi. Triều đình của vua Minh Mạng đã phải hao người tốn của mới lấy lại được thành Mỹ Tho vào tháng 8 năm 1833.

Tháng 4 năm 1861, người Pháp xâm chiếm thành Mỹ Tho, biến nơi đây thành bàn đạp để gây sức ép và xâm lược toàn bộ các thành trì ở Nam bộ. Thời gian đầu người Pháp vẫn sử dụng nguyên trạng thành Mỹ Tho, sau đó dần dần cải tạo, xây dựng bổ sung cho đến đầu thế kỷ 20 mới phá bỏ hoàn toàn.

Dấu ấn đại phố

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức còn cho biết dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1777), sau khi lập làm dinh trấn đều là tùy thời dời đổi, lúc tiến về nam, lúc lui về bắc... Nhưng thành lũy thì chưa đắp. Phía nam lỵ sở là phố chợ Mỹ Tho, nhà ngói đục chạm, chèo đi lại như mắc cửi, phồn hoa huyên náo, là một nơi đại đô hội.

Điều này còn được chính người Pháp ghi nhận trong tác phẩm Nam Kỳ viễn chinh ký năm 1861 (Histoire de la conquête de la Cochinchine 1861) của tác giả Léeopold Pallu: Sài Gòn là trung tâm quân sự, Mỹ Tho là trung tâm thương mại. Các ghe thuyền của người Nhật, người Trung Hoa, người An Nam, người Xiêm có đáy cạn dễ di chuyển trên sông gần nơi sản xuất gạo, thêm vào truyền thống người dân địa phương từ bao thế kỷ, khiến Mỹ Tho trở thành trung tâm buôn bán lớn nhất của Nam kỳ, trước khi người châu Âu đến... Mỹ Tho là một vùng có nhà cửa rộng lớn, lợp bằng lá dừa nước theo tập quán. Nhưng dọc theo bờ kênh Bưu điện Arroyo de la Poste (còn gọi là kênh Bảo Định) nhà cửa thanh nhã hơn nhiều, mái lợp ngói giữa những vườn dừa vườn cau, tất cả có vẻ trang nhã, phong lưu và giàu có. Nơi đây có thể so sánh với cảnh phồn hoa đô hội của Chợ Quán và kênh rạch ở Sài Gòn - tức khu Chợ Lớn của người Việt và người Việt gốc Hoa.

Hiện nay, hầu như không còn dấu vết nào liên quan đến thành Mỹ Tho trong lịch sử. Sử liệu thời Nguyễn cũng không ghi chép một cách thống nhất vị trí, quy mô và cấu trúc của thành Mỹ Tho. May mắn, chúng tôi đã sưu tầm được 2 tấm bản đồ vẽ về ngôi thành này do người Pháp thực hiện vào các năm 1873, 1874, là nguồn tư liệu hết sức quý báu để xác định vị trí của thành Mỹ Tho đã bị xóa sổ hoàn toàn.

Căn cứ vào các bản đồ này, vị trí xưa của thành Mỹ Tho hiện nay được xác định giới hạn bởi các con đường: cửa chính nay là đường Rạch Gầm trông ra khu vực Tỉnh ủy - UBND tỉnh Tiền Giang, bên tả là dọc đường Trưng Trắc chạy ven sông Bảo Định, bên hữu là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cửa hậu là đường Ngô Quyền, toàn bộ nằm trên địa bàn P.1, TP.Mỹ Tho - khu trung tâm ngày nay.

Tại Bảo tàng Tiền Giang, trong phòng trưng bày giai đoạn trước 1945 có một mô hình về thành Mỹ Tho. Tuy nhiên, khi so sánh với bản vẽ thành Mỹ Tho mà chúng tôi sưu tầm thì mô hình này hoàn toàn bị sai lệch cả về hình thức lẫn vị trí. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tiền Giang, cho biết đây là mô hình vốn chỉ là tưởng tượng của người sau, không dựa trên cơ sở tài liệu lưu trữ và tài liệu khoa học nào. Vì thế, những tấm bản đồ, bản vẽ về thành Mỹ Tho ở VN hiện nay chưa từng được phát hiện và công bố - sẽ là nguồn tư liệu cực kỳ giá trị giúp cho việc sưu tầm, chỉnh lý và phục dựng thành Mỹ Tho trong lịch sử một cách chân thực. (còn tiếp)

 

thanhnien.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6470

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 1)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 1)

  • 09/07/2019 19:58
  • 4970

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người viết từ tháng 5 năm 1965, hàng năm Người viết bổ sung, đến ngày 10 tháng 5 năm 1969, di chúc được hoàn chỉnh. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết tinh trong đó những điều cốt lõi về tư tưởng, đạo đức, phong cách và khát vọng của Người về một đất nước Việt Nam tự do, hòa bình và thịnh vượng. Điều mà Người mong mỏi cuối cùng trước lúc “đi xa” là miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối.