Thứ Năm, 07/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

09/07/2019 08:11 2609
Điểm: 1/5 (1 đánh giá)
Thành cổ Biên Hòa có nhiều tên gọi khác nhau qua các thời đoạn lịch sử (thành Cựu, thành Kèn, thành Xăng Đá...) và là thành cổ duy nhất còn sót lại ở Nam bộ.

 
Thành Biên Hòa năm 1864

Ảnh: Tư liệu của tác giả

Quy mô thành Biên Hòa hiện nay (tọa lạc tại 129 Phan Chu Trinh, P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) khoảng gần 1,1 ha. Đây chỉ là phần còn lại của công trình cổ thành thời Nguyễn mà theo nhiều nguồn sử liệu, nếu tính cả hào nước xung quanh thì quy mô thành lên tới hơn 18 ha, là công trình lớn thứ hai trong hệ thống thành Nam bộ cùng thời, chỉ sau Gia Định thành.

Ban đầu, thành Biên Hòa được nhân dân và binh lính Lạp Man Chân Lạp đắp bằng đất (thế kỷ XIV - XV). Đến thời nhà Nguyễn, thành được xây lại bằng đất, gạch và đá ong. Sách Đại Nam thực lục - chính sử của triều Nguyễn viết về việc xây dựng thành Biên Hòa như sau: “tháng 6 năm 1834, xây đắp thành đất ở tỉnh Biên Hòa; 4 mặt thành đều dài 70 trượng (467 m), cao 4 thước 3 tấc, dày 1 trượng (6,67 m), mở 4 cửa, đào hào rộng 2 trượng (13,3 m), sâu 6 thước... Chuẩn cho lấy 1.000 người dân trong hạt đứng ra xây đắp, hậu cấp cho tiền và gạo”. Bộ sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn năm 1820 lại viết: “Thành Biên Hòa chu vi 388 trượng (2.587 m), cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng, hào rộng 4 trượng (26,6 m), sâu 6 thước, mở 4 cửa, dựng một kỳ đài. Ngoài cửa qua hào đều bắc cầu đá. Thành ở địa phận thôn Tân Lân, huyện Phước Chánh. Hồi bản triều mới xây dựng, lỵ sở ở thôn Phước Lư. Năm Gia Long thứ 15 (tức 1816) dời tiếp chỗ hiện nay. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834) đắp đất, năm thứ 18 (1837) xây đá ong”.

Đến năm 1861, Pháp đánh chiếm Biên Hòa, thành Biên Hòa rơi vào tay họ. Trong thời gian chiếm đóng, quân đội Pháp tiến hành xây dựng lại, thu gọn chu vi thành Biên Hòa còn 1/8 so với trước. Hào phía đông được lấp lại xây cất phố xá bên cạnh vách thành và một số doanh trại, biệt thự, nhà thương... trong nội thành cho sĩ quan cao cấp và quân đội Pháp ở. Trong Địa dư chí tỉnh Biên Hòa 1923, M.Robert viết: “Tiểu thành trì Biên Hòa nằm cách Sài Gòn 20 cây số trên tả ngạn sông Đồng Nai và trên con đường ra Trung kỳ... Bờ sông Đồng Nai phía Sài Gòn được bảo vệ mạnh mẽ bằng nhiều công sự chiến đấu và nhiều chướng ngại. Đặc biệt là một trại lính với 3.000 người được dựng lên ở Mỹ Hòa. Phía trước nơi đó còn được ngăn cản bởi chín bức chắn kiên cố bằng gỗ, bằng đá. Ngoài tất cả những công trình trên còn có đồn lính ở hai bên bờ sông Đồng Nai được bố trí những khẩu súng đại bác”.

Thành được sử dụng vào mục đích quân sự - là nơi đóng quân làm nhiệm vụ ngăn chặn sự tiến công, xâm chiếm lãnh thổ trong suốt các thời kỳ lịch sử địa phương. Hiện nay, thành Biên Hòa chỉ còn lại những đoạn tường thành xây bằng đá ong cao từ 1 - 3 m (tùy địa hình) được liên kết với nhau thành hình vuông diện tích 10.816,5 m2, cùng một số hạng mục công trình bên trong: hai tòa biệt thự hướng tây bắc và đông nam thành với nguyên liệu đá ong, gạch thẻ, dầu ô dước, cửa cuốn vòm, trần đúc, mái lợp ngói vảy cá, nền lát gạch tàu hình lục giác; ngoài ra còn một số lô cốt được xây bằng đá ong và gạch thẻ ở góc đông thành.

Những gì còn sót lại của thành Biên Hòa phần nào đã phản ánh được trình độ kỹ thuật kiến trúc quân sự, tư tưởng chiến thuật của cha ông xưa đã nghiên cứu kỹ lưỡng địa hình, địa mạo và phong thủy thiên nhiên nơi đây theo cách nhìn địa chính trị nhằm xây dựng một thành trì đáp ứng nhu cầu phòng thủ, tiến công đạt hiệu quả cao nhất. Cụ thể: phía trước thành được án ngữ bởi sông Đồng Nai - con đường thủy duy nhất nối Biên Hòa - Sài Gòn (Gia Định), xa hơn một chút có núi Châu Thới và đồn Mỹ Hòa án ngữ. Phía sau thành gối lưng vào núi Bửu Long, bên hông có con đường bộ duy nhất là quốc lộ 1. Bốn mặt của thành là rừng điệp và đầm hồ bao bọc. Trong suốt thời gian tồn tại, thành Biên Hòa trở thành minh chứng cho sự sáng tạo không mệt mỏi, sự đấu tranh bền bỉ kiên trung của con người vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai: bắt đầu từ cuộc giao tranh giữa các vương quốc Phù Nam, Chân Lạp, Chăm Pa (thế kỷ 1 - 15); đến cuộc chiến giữa nhà Nguyễn với quân Tây Sơn (thế kỷ 18); cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Từ sau năm 1975, khu vực thành cổ Biên Hòa đã được chính quyền giao cho Công an tỉnh Đồng Nai làm trụ sở của Ban Hậu cần; sau đó Ban Hậu cần bàn giao lại trụ sở là các công trình kiến trúc trong thành cho UBND tỉnh Đồng Nai. Thành cổ Biên Hòa đã được được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2013.

“Thành cổ Biên Hòa được tổng trùng tu từ năm 2014 - 2018, đến nay về cơ bản đã hoàn thành với kinh phí hơn 41 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn và một số nhà nghiên cứu thì việc trùng tu này mới chỉ là phục hồi tường thành của người Pháp (đã phá bỏ thành cũ và tận dụng vật liệu đá ong xây tường thành mới), chứ chưa phải là một công trình thành lũy gắn với quân sự, chính trị, hành dinh... ”  

Quỳnh Trân

 

thanhnien.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6555

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Thành cổ Nam bộ: Cuộc chiến ở thành Phụng

Thành cổ Nam bộ: Cuộc chiến ở thành Phụng

  • 08/07/2019 09:10
  • 2729

Sau khi dẹp loạn Lê Văn Khôi năm 1835, cho rằng thành Bát Quái (thành Gia Định) to lớn có thể là nơi cát cứ của quan lại người Nam bộ, vua Minh Mạng đã cho phá bỏ thành này và xây dựng một thành nhỏ hơn ở kế đó.