Thứ Ba, 10/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/07/2019 08:15 5817
Điểm: 4.5/5 (4 đánh giá)
Trung tâm hành chính Gia Định có từ những năm 1623 với các đồn thu thuế đầu tiên của chính quyền chúa Nguyễn đặt tại khu vực Cầu Kho, Q.1, TP.HCM hiện nay.

 

Bản đồ gốc thành Gia Định vẽ ngày 4.12.1815 bởi Chánh giám thành sứ Trần Văn Học trình lên vua Gia Long

Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập phủ Gia Định, phủ lỵ được đặt tại thôn Tân Khai (nay thuộc vị trí khu vực đường Hàm Nghi, Nguyễn Trung Trực).

Năm 1775, trước sự tấn công của chúa Trịnh và phong trào Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã phải rời bỏ Phú Xuân và chọn Gia Định làm nơi định đô, biến nơi đây thành trung tâm quyền lực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa cho đến trước khi hoàn thành nhiệm vụ đại định thiên hạ (1802).

Cấu trúc và quy mô thành Gia Định

Sự kiện Nguyễn Ánh cho xây dựng thành Gia Định (còn gọi là thành Bát Quái, thành Quy, thành Phiên An) được chính sử triều Nguyễn ghi chép như sau: Ngày Kỷ Sửu, tháng 3 năm 1790, đắp thành đất Gia Định. Vua thấy thành cũ ở thôn Tân Khai chật hẹp, bàn mở rộng thêm. Dụ rằng: “Vương công giữ nước, tất phải đặt nơi hiểm yếu trước. Nay đất Gia Định mới thu phục, cần sửa thành trì cho bền vững để chỗ dựa được vững mạnh”.

Nguyễn Ánh huy động hơn 3 vạn dân phu và chủ yếu sử dụng đá ong Biên Hòa để xây thành, hẹn trong 10 ngày đắp xong. Thành đắp theo kiểu thành Vauban phương Tây (do Oliver de Puymanel, một kỹ sư công binh người Pháp được Nguyễn Ánh giao thiết kế và chỉ huy xây dựng), mở tám cửa, ở giữa là cung điện, bên tả dựng nhà Thái Miếu, phía sau miếu là kho tàng, bên hữu đặt cục chế tạo, chung quanh là nhà tranh cho quân túc vệ ở. Giữa dựng kỳ đài ba tầng, trên làm tòa vọng đẩu bát giác, ban ngày kéo cờ, ban đêm thì kéo đèn làm hiệu lệnh cho các quân. Thành đắp xong, gọi tên là Kinh thành Gia Định.

Năm 1800, Gia Long đổi tên Kinh thành Gia Định thành trấn Gia Định. Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có các ghi chép rất chi tiết về quy hoạch, cấu trúc, hệ thống các công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng của thành Gia Định cũng như hoạt động thị dân trong thành vào năm 1816.

Các nguồn tư liệu bản đồ cho thấy, để bảo vệ thành Gia Định, phía trước còn có hai đồn binh lực lớn án ngữ cửa sông Sài Gòn gọi là đồn Cá Trê (Giác Ngư) nằm bên trái trong khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện nay và đồn Thảo Câu nằm bên phải khu vực Cảng Sài Gòn hiện nay. Cả hai dấu tích này đều đã bị phá hủy bởi hoạt động xây dựng thời hiện đại mà không có bất kỳ một cuộc khảo sát nào.

 

Vị trí thành Gia Định năm 1790 trên bản đồ vệ tinh TP.HCM ngày nay

Cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi và công cuộc triệt phá Thành Gia Định

Sau khi Tả quân Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt qua đời, người con nuôi của ông là Lê Văn Khôi đã tiến hành cuộc bạo loạn từ năm 1833. Nhiều lúc triều đình Minh Mạng tưởng như bất lực, có nguy cơ phải chia đôi san hà khi không thể dẹp loạn bởi Lê Văn Khôi đã chiếm giữ thành Gia Định kiên cố và hầu hết các tỉnh thành Nam bộ, gây ra nhiều hệ lụy: trong nước hao mòn binh lực, kinh tế bị phá hủy…; ngoài biên cương giặc Xiêm xâm lấn, phên giậu Cao Miên cũng bội phản. Mãi đến giữa năm 1835, cuộc bạo loạn mới bị dập tắt.

Tháng 7 năm 1835, sau khi dẹp xong loạn Lê Văn Khôi, Minh Mạng ra lệnh triệt phá thành Phiên An. Vua bảo Bộ Công rằng: “Thành Phiên An trước, kiểu mẫu hơi quá cao rộng. Đó thực là bởi Lê Văn Duyệt tiếm lạm, vượt bậc, để đến gây thành tai vạ về sau. Nay nghịch tặc đã yên, đáng nên sửa lại. Ngặt vì mới lấy lại được, quân sĩ vừa được vui mừng nghỉ vai, chưa nên vội dùng đến sức họ. Vậy sai dụ quan tỉnh Gia Định liệu thuê dân chúng trong hạt, trước hãy san phẳng những chỗ núi đất, lũy đất ở ngoài thành; còn thân thành và trong thành không sửa chữa vội, luống phí nhân công”. Sau đó, quan tỉnh xin thuê 3.000 dân trong hạt, và dân 2 tỉnh Vĩnh Long, Định Tường mỗi tỉnh 1.000 người, dỡ gạch, đá, san hào, lũy. Vua y cho (Đại Nam thực lục).

 

Tường thành đá ong của Thành Gia Định năm 1790 phát hiện tại khu vực góc đường Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi ngày nay

Dấu tích thành Quy

Căn cứ vào bản vẽ của Giám thành sứ Trần Văn Học, cùng một số dấu tích hiện tồn, năm 1936, nhà khảo cổ học nổi danh người Pháp là Louis Malleret đã có nghiên cứu mô tả đầu tiên về cấu trúc “Tòa thành của Gia Long”: “Thành xây trên một diện tích hình tứ giác với các đường cạnh là 1.000 m x 1.200 m, phía tây bắc giáp đường Richaud (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu); phía đông nam vượt qua đường Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn); phía tây nam vượt qua phố Max Mahon (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), ở quảng trường Phủ Toàn quyền hiện nay, phía bắc - đông bắc giáp đại lộ Luso (nay là đường Tôn Đức Thắng kéo dài qua đường Đinh Tiên Hoàng).

Theo ông, thành Gia Định có cấu tạo tường thành bốn phía, các cửa thành, các pháo đài góc và pháo đài giữa cùng với các con hào vây quanh để phòng thủ.

Năm 1877, khi đào móng xây Vương cung Thánh đường, người ta đã thu nhặt được gạch đá, gỗ, tiền kẽm, súng đạn... Năm 1926, khi đào móng xây Catinat, đã phát hiện nhiều đá ong “Biên Hòa” ở góc đường Đồng Khởi - Lý Tự Trọng (ngày nay). Năm 1936, phát hiện nhiều di vật của phế thành ở phạm vi Bệnh viện Đồn Đất (nay là Bệnh viện Nhi đồng 2) và góc đường Lý Tự Trọng - Chu Mạnh Trinh (ngày nay).

 

thanhnien.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6380

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Kiến trúc cung Diên Thọ

Kiến trúc cung Diên Thọ

  • 01/07/2019 08:29
  • 3600

Cung Diên Thọ nằm ở phía tây Tử Cấm Thành trong Kinh Thành Huế, phía trước cung Trường Sanhvà phía sau điện Phụng Tiên. Cung Diên Thọ được dùng làm nơi ở và sinh hoạt hàng ngày cho Hoàng Thái Hậu (mẹ vua), Thái Hoàng Thái Hậu. Xét về kiến trúc, đây là một hệ thống công trình có kiến trúc độc đáo với khoảng 20 công trình lớn nhỏ. Hàng năm vào các dịp lễ tết, Hoàng thượng cùng các quan trong triều thường lui tới để thỉnh an các Hoàng thái hậu, Thái hoàng thái hậu để tỏ tấm lòng hiếu đễ.