(Tiếp theo và hết)
3. Sau khi nhận quyền trấn thủ Quảng Nam (1570), năm 1578 Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đã cử Lương Văn Chánh làm Tri huyện Tuy Viễn, một trong hai huyện của Bình Định giáp với nước Hoa Anh, và giao nhiệm vụ chiêu tập lưu dân đến Cù Mông, Bà Đài, khẩn hoang ở Đà Diễn. Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên, Lương Văn Chánh người huyện Tuy Hòa tỉnh Phú Yên. Tiên tổ là người Bắc Hà, lúc trước làm quan với nhà Lê đến chức Đô chỉ huy sứ. Đầu năm Mậu Ngọ (1558) ông theo Nguyễn Hoàng vào Nam.
Khoảng năm Mậu Dần (1578), người Chiêm Thành đến lấn cướp. Ông mang quân đến Đà Diễn, đánh chiếm lấy Thành Hồ. Sau đó chiêu tập dân Chiêm khai khẩn đất hoang ở Cù Mông, Bà Đài, cho dân di cư đến đây. Lại mộ dân khẩn hoang trên triền núi sông Đà Diễn, chia lập thôn ấp, ngày dần đông đúc. Như vậy có thể hiểu, vào năm 1578 Nguyễn Hoàng cử Lương Văn Chánh vào huyện Tuy Viễn với nhiệm vụ chủ yếu là giữ yên ranh giới phía nam với Hoa Anh – thực chất là với Chiêm Thành vì Hoa Anh là vùng ngăn cắt giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Nhưng do “người Chiêm đến lấn cướp” (Hoa Anh) nên Lương Văn Chánh đã “đánh chiếm Thành Hồ” – “thủ phủ” của Hoa Anh nhằm ngăn chặn ý định của Chiêm Thành chiếm lại đất cũ. Cùng với biện pháp quân sự, ông thực hiện biện pháp kinh tế là chiêu mộ dân vào khai khẩn nơi đất hoang vì dân cư ở đây thưa thớt, có lẽ do trước đó phần lớn người Chăm đã vào sinh sống tại nước Chiêm Thành của Bô Trì Trì hay lùi lên vùng núi cư trú cùng các tộc người khác trong nước Nam Bàn. Biện pháp kinh tế này đã tạo sự ổn định cho Hoa Anh, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi để người Việt từ vùng Thuận Quảng vào vùng này ngày càng đông đúc. Trên cơ sở đó vào năm 1597 Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng đã có công văn lệnh cho Lương Văn Chánh, Tri huyện Tuy Viễn, trấn An Biên đem dân vào khai khẩn vùng đất Phú Yên. Công văn này thực chất như sự công nhận thực tế “lưu dân đi trước nhà nước theo sau” – một quy luật trong quá trình Namtiến của người Việt. Nghĩa là từ sau năm 1578 tại nước Hoa Anh đã có khá nhiều người Việt sinh sống, hòa đồng với người Chăm và một số tộc người khác. Đến thời điểm 1597 chính quyền chúa Nguyễn – do những nhu cầu về chính trị, đồng thời cũng nhận thấy thời cơ đã thuận lợi – nên đã công khai ra lệnh “đem dân khai khẩn” vùng đất Phú Yên.
Không những Đá Bia có một lịch sử của ngàn xưa mà đây còn là một thắng cảnh tuyệt đẹp- Ảnh Internet
Nội dung công văn năm 1597 của Nguyễn Hoàng như sau(10). Nguyên văn:
Thị Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh năng tòng quân nhật cửu hữu công, quyền Tuy Viễn huyện, An Biên trấn, văn:
Liệu suất Bà Thê xã trục hạng nhân số tính khách hộ các phương tòng hành ứng vụ. Nhưng suất thủ khách hộ nhân dân tự Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn, Đà Niễu đẳng xứ, thượng chí nguồn di, hạ chí hải khẩu, kết lập gia cư địa phận, khai canh hoang nhàn điền thổ để thu nạp thuế như lệ.
Nhược sự chủ nhiễu dân, khám đắc xử tội.
Tư thị.
Quang Hưng, nhị thập niên,
Nhị nguyệt sơ, lục nhật
Tổng trấn tướng quân
Chi ấn.
Bản dịch:
Dạy Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh đã giữ việc quân lâu ngày có công trạng, quyền coi huyện Tuy Viễn, trấn An Biên rằng:
Hãy liệu đem số dân xã Bà Thê đã trục vào hạng dân và các thôn phường khách hộ theo hầu công việc, lấy riêng số dân khách hộ các xứ Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn, Đà Niễu, trên từ nguồn mọi dưới đến cửa biển, kết lập gia cư địa phận, khai khẩn ruộng đất hoang cho tới khi thành thục sẽ nạp thuế như lệ thường. Nhược bằng vì việc mà nhiễu dân, điều tra ra sẽ bị xử tội.
Nay dạy.
Năm Quang Hưng thứ hai mươi,
Tháng hai, ngày mùng sáu.
Ấn
Tổng Trấn Tướng Quân.
Văn bản trên đã cung cấp những thông tin quan trọng.
Thứ nhất, vào khoảng thời gian trước sau 1597 Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng còn đang ở phía Bắc ứng phó với nhà Mạc, giúp vua Lê trong việc bang giao với nhà Minh. Năm Quý Tỵ Quang Hưng thứ 16 (1593), năm này họ Mạc mất… tháng 5 Thái phó Đoan quận công Nguyễn Hoàng từ Thuận Hóa đích thân đem tướng sĩ, voi ngựa, thuyền ghe về Kinh lạy chào, đem sổ sách về binh lương, tiến, lụa, vàng bạc, châu báu, kho tàng của hai trấn Thuận Hóa và Quảng Nam dâng nộp. Năm 1596 vua Lê sai ông và nhiều quan lại khác đến cửa Trấn Nam Giao để sứ nhà Minh “xem có thực là con cháu nhà Lê hay không… nhưng nhà Minh dây dưa thoái thác, đòi lấy người vàng ấn vàng theo lệ cũ, không chịu đến khám thành ra quá kỳ hạn”. Năm 1597, tháng 4 ông lại theo nhà vua lên cửa Trấn Nam Giao “cùng với quan nhà Minh… cử hành hội khám. Trong lễ giao tiếp, hai bên vui vẻ mừng nhau. Từ đấy hai nước Nam Bắc lại trao đổi với nhau”. Thời gian này Nguyễn Hoàng “nhiều lần được sai đi chinh phạt, cha con cùng gắng sức, hoàn toàn không có ý gì khác”. Năm 1599 tháng 4, Trịnh Tùng được vua Lê Kính Tông tấn phong Đô Nguyên súy, Tổng Quốc Chính, Thượng phụ Bình an vương, mở phủ, đặt quan lại riêng, họ Trịnh bắt đầu tập tước vương. Năm 1600 tướng thủy quân là Kế quận công Phan Ngạn làm phản. Sai Thái úy Nguyễn Hoàng đem quân đi đánh, ông lập mưu trốn về Thuận Hóa, để con trai và cháu nội lại làm con tin(11). Chắc hẳn trong thời gian ở Kinh đô Nguyễn Hoàng đã nhận biết trước tình thế chính quyền “vua Lê – chúa Trịnh” nên càng nung nấu ý định thiết lập giang sơn riêng ở Đàng Trong. Vì vậy ông đã không lơi lỏng điều hành công việc ở Thuận Quảng, đặc biệt quan tâm đến việc phát triển vùng trấn nhậm về phía nam. Công văn này chính là một trong những hành động cụ thể thể hiện ý định đó.
Thứ hai, văn bản trên là một chứng cớ vô cùng xác thực và quý hiếm cho biết một thời điểm quan trọng trong quá trình khai phá phần lãnh thổ phía Nam của xứ Đàng Trong. Đó là từ cuộc Nam chinh của Lê Thánh Tông (1471) đến khi người Việt chính thức lập làng mạc trên vùng đất Phú Yên theo chủ trương của chính quyền (Đàng Trong) là 126 năm, một thời gian khá dài đủ để cho những lưu dân người Việt trước đó và người Chăm tiếp xúc, giao lưu và hợp tác sinh sống làm ăn. Ngoài ra cũng cần chú ý rằng, vào năm 1494 vua Chiêm Thành là Bô Trì Trì mất. Đây là người được vua Lê Thánh Tông phong cho làm vua đất Chiêm Thành (vùng Phan Rang) vào năm 1471. Vào giữa thế kỷ XVI vua Chiêm Thành là Po At (theo niên giám từ 1553 – 1579) cũng mất vào khoảng 1578(12). Chúa Nguyễn đã lợi dụng cơ hội này lấn vào “vùng đệm” Hoa Anh mà không lo sợ sự phản ứng từ Chiêm Thành. Vì vậy khi lệnh này được thực thi thì trên vùng đất Hoa Anh hầu như không có phản ứng nào đáng kể.
Thứ ba, tuy là lệnh di dân vào vùng đất mới nhưng Nguyễn Hoàng đã đưa ra lệnh răn đe trừng trị quan lại nếu lợi dụng “chủ trương” này mà nhũng nhiễu dân chúng. Ta nên hiểu lệnh này không chỉ ngăn ngừa việc “nhũng nhiễu” di dân người Việt mà còn, hay chủ yếu, là đối với người Chăm – cư dân bản địa. Biện pháp này nhằm yên dân, tạo ảnh hưởng tốt cho chính quyền Đàng Trong, chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo về phía nam của chúa Nguyễn.
Thứ tư, từ tư liệu lịch sử này vai trò của Lương Văn Chánh được khẳng định là người có công lớn trong việc khai phá vùng đất Phú Yên.
Truyện cổ dân gian còn lưu giữ một truyền thuyết về việc Lương Văn Chánh thu phục vùng Phú Yên bằng mưu mẹo như sau. Khi ông đưa lưu dân đến khai khẩn vùng Đà Diễn thì vấp phải sự chống đối của người Chăm. Để yên dân địa phương cũng như để tạo sự đồng lòng trong việc khai phá và xây dựng vùng đất mới, Lương Văn Chánh chủ trương không giải quyết xung đột bằng vũ lực. Ông đưa ra một lời thách đố người Chăm là ông sẽ xây dựng xong một cái tháp trên núi Chóp Chài chỉ trong 3 ngày, nếu không xong ông tự động rút lui, còn nếu xong thì người Chăm không được chống đối nữa. Người Chăm đồng ý chấp nhận thách đố vì xây tháp là sở trường của họ, họ biết rõ là phải mất hàng năm mới hoàn thành. Hai ngày trôi qua, và chỉ qua đêm cuối cùng một ngôi tháp lộng lẫy cao vút hiện ra trên núi Chóp Chài. Người Chăm vô cùng thán phục và cho rằng Lương Văn Chánh được trời giúp. Vì vậy họ lại yêu cầu cuộc thi phá hủy tháp. Lương Văn Chánh đồng ý, và trong khi tháp Nhạn đang bị đập phá thì trên núi Chóp Chài ngôi tháp uy nghi bằng giấy nhanh chóng tan biến bằng một mồi lửa. Nạn binh đao không xảy ra, việc khai khẩn Phú Yên diễn ra một cách hòa bình. Theo Địa chí Phú Yên, Lương Văn Chánh đã đem kinh nghiệm khẩn hoang vùng Thuận Quảng áp dụng vào đất Phú Yên, như chia dân thành từng toán nhỏ (khoảng 50 người) và chú trọng vai trò của các nhóm gia đình và các đại gia đình trong việc khẩn hoang, dùng các chính sách đòn bẫy như là thuế, quyền sở hữu ruộng đất mới khai hoang để khuyến khích nhân dân khai phá sản xuất. Mặt khác, nhờ kinh nghiệm làm nông và bản chất cần cù chịu khó, những người nông dân đã biến vùng đất này thành làng xóm trù phú đông đúc, một vùng nông nghiệp phát triển. Lương Văn Chánh được nhân dân suy tôn là Thành Hoàng, được sắc phong của nhà Nguyễn vào năm 1822 và 1843 làm “Thượng đẳng thần”, lập đền thờ tại xã Phụng Tường huyện Tuy Hòa, được thờ cúng ở nhiều nơi trong tỉnh Phú Yên.
Sau khi từ Thăng Long về Đoan Quận công Nguyễn Hoàng dời vào dinh Cát Trấn Quảng Nam, là nơi đất tốt, dân đông, sản vật giàu có, số thuế thu vào nhiều hơn đất Thuận Hóa mà quân số thì cũng bằng quá nửa. Năm 1602, Nguyễn Hoàng sai con là Nguyễn Phúc Nguyên vào làm Trấn thủ Quảng Nam. Năm 1604 cải đặt và đổi tên các khu vự hành chính hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.
Về thời điểm năm 1611 các bộ sử sách triều Nguyễn đều có ghi chép. Theo Đại Nam thực lục tiền biên: “Tân Hợi năm thứ 54 (1611) bắt đầu đặt phủ Phú Yên. Bấy giờ quân Chiêm Thành sang xâm lấn biên giới. Chúa sai Chủ sự là Văn Phong (không rõ họ) đem quân đi đánh lấy được đất ấy, bèn đặt làm một phủ, cho hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa lệ thuộc vào. Nhân sai Văn Phong làm lưu thủ đất ấy”. Còn theo Đại Nam nhất thống chí thì: “Bản triều Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế bắt đầu mở mang đất này, đặt Phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, lập dinh Trấn Biên, sau gọi là dinh Phú Yên”.
Việt sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang: “Bấy giờ xứ Quảng Nam vào đến phủ Hoài Nhân và biên giới cực Nam là huyện Tây Viễn (nay là Tuy Phước), bên kia Tuy Viễn là đất của Chiêm Thành. Năm Hoằng Định thứ 12 (1611) thì sang xâm lấn biên giới. Chúa (Thái Tổ Nguyễn Hoàng) sai chủ sự là Văn Phong (không rõ họ) đem quân đi đánh, lấy đất Phú Yên ngày nay, đặt làm một phủ, chia làm hai huyện là Đồng Xuân và Tuy Hòa và sai Văn Phong làm Lưu thủ phủ Phú Yên”(13). Công trình Lịch sử vương quốc Chămpa nói về sự kiện này rõ hơn: “Trong khoảng 10 năm cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, Chiêm Thành lại lấn đất Hoa Anh, giết và đuổi những nông dân người Việt vào cư trú khai khẩn miền đất này. Năm 1611 Nguyễn Hoàng sai Nguyễn Phong làm tướng, đem quân vào đánh lại, Chiêm Thành bị thua, vua là Po Nit (1603 – 1613) phải bỏ đất Hoa Anh rút quân về phía nam Đèo Cả. Lần này họ Nguyễn lấy hẳn đất Hoa Anh, lập ra một phủ mới là phủ Phú Yên, gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, lập Dinh Phú Yên, đóng quân để phòng giữ… Với việc lập phủ và dinh Phú Yên, chúa Nguyễn muốn xác lập hẳn quyền cai trị của mình trên một miền đất đã có sự góp sức khai khẩn của nông dân Việt trong mấy chục năm, muốn chấm dứt sự tranh chấp trên một vùng đệm để có thể yên tâm đối phó với cuộc chiến tranh chinh phạt của chúa Trịnh, một thử thách quyết liệt không thể tránh khỏi đối với chúa Nguyễn ở Đàng Trong”(14). Sau thời điểm này không lâu còn có một sự kiện nữa xảy ra trên vùng đất này: Năm Kỷ Tỵ (1629), Lưu thủ Phú Yên là Văn Phong giữ chức đã lâu, thân cận với người Chiêm, bèn dùng quân Chiêm để làm phản, Chúa sai phó tướng Nguyễn Phước Vinh đi đánh, dẹp yên, và đổi phủ Phú Yên thành Dinh Trấn Biên(15). Điều này cho biết vùng đất Phú Yên sau khi thuộc sự cai quản của chúa Nguyễn còn có nhiều người Chăm sinh sống, và chắc rằng xung đột giữa người Chăm và chính quyền chúa Nguyễn thỉnh thoảng vẫn xảy ra.
Như vậy, năm 1611 việc lập Phủ Phú Yên của chúa Nguyễn Hoàng bắt đầu đánh dấu quá trình Nam tiến ở Đàng Trong của chính quyền Chúa Nguyễn. Thời điểm này cũng được coi là thời điểm “nước Hoa Anh” chính thức chấm dứt sự tồn tại của nó trong khoảng 140 năm kể từ năm 1471.
TS. Nguyễn Thị Hậu
Chú thích:
(1) Đại Việt sử ký toàn thư (2003), tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 698 – 705.
(2) Lê Qúy Đôn (1972), Phủ biên tạp lục, tập 1, Lê Xuân Giáo dịch, Sài Gòn, tr. 56-57.
(3) Phan Khoang (2000), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb. Văn học, tr. 87.
(4) Lương Ninh ( 2004), Lịch sử Vương quốc Chămpa, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr.184.
(5) Lê Quý Đôn (1972), Phủ biên tạp lục, tập 1, Lê Xuân Giáo dịch, Sài Gòn, tr.213
(6) Đại Nam nhất thống chí (1964), quyển 10, tr.19.
(7) Trần Quốc Vượng (2005), Nam Trung Bộ dưới cái nhìn địa văn hóa – dân gian, Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ dân gian Nam Trung Bộ, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.24.
(8) Nguyễn Danh Hạnh (2003), Lịch sử Phú Yên qua nguồn tư liệu tiền cổ, Tạp chí Xưa và Nay, số 140.
(9) Lương Ninh (2004), Lịch sử Vương quốc Chămpa, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.185.
(10) Trần Viết Ngạc (2004), Về một công văn của Nguyễn Hoàng năm 1517, Tạp chí Xưa và Nay, số 140
(11) Đại Việt sử ký toàn thư (2003), tập 3, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
(12) Lương Ninh (2004), Lịch sử Vương quốc Chămpa, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.186.
(13) Phan Khoang (2000),Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb. Văn học , tr.125.
(14) Lương Ninh (2004), Lịch sử Vương quốc Chămpa, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.187.
(15) Phan Khoang (2000), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb. Văn học, tr.297
Tài liệu dẫn.
- Đại Nam nhất thống chí (1964), quyển 10.
- Đại Việt sử ký toàn thư (2003), tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Lê Qúy Đôn (1972), Phủ biên tạp lục, tập 1, Lê Xuân Giáo dịch, Sài Gòn.
- Nguyễn Danh Hạnh (2003), Lịch sử Phú Yên qua nguồn tư liệu tiền cổ, Tạp chí Xưa và Nay, số 140.
- Phan Khoang (2000), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb. Văn học.
- Trần Viết Ngạc (2004), Về một công văn của Nguyễn Hoàng năm 1517, Tạp chí Xưa và Nay, số 140
- Lương Ninh ( 2004), Lịch sử Vương quốc Chămpa, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội,
- Trần Quốc Vượng (2005), Nam Trung Bộ dưới cái nhìn địa văn hóa – dân gian, Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ dân gian Nam Trung Bộ, Nxb. Khoa học Xã hội.