Năm 1527 nhà Mạc chiếm ngôi nhà Lê, rồi đến việc họ Trịnh nắm quyền bính, họ Nguyễn bị nghi kỵ và nguy cơ bị họ Trịnh hãm hại. Năm 1558, Đoan quận công Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ Thuận Hóa (gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế ngày nay), tiếp đó vào năm 1570 xin được giao thêm quyền trấn thủ Quảng Nam (từ Quảng Nam đến Bình Định ngày nay). Từ đó họ Nguyễn ở phía nam bắt đầu ra sức xây dựng lực lượng của mình, biến miền Nam thành giang sơn cát cứ riêng biệt, lập thế đối trọng với chúa Trịnh ở phía Bắc. Rồi sang thế kỷ XVII là cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm ranh giới Đàng Ngoài và Đàng Trong.
Đàng Trong dưới thời Đoan Quận công Nguyễn Hoàng (1558 – 1613) tương đối yên ổn do kinh tế khá phát triển và cũng nhờ vào sự khôn khéo của Nguyễn Hoàng với chính quyền Đàng Ngoài (vua Lê, chúa Trịnh và kể cả với nhà Mạc). Thuận Quảng lúc bấy giờ đất đai mới mở mang nhưng dân cư còn ít chưa đáp ứng nhu cầu khai khẩn – một nhu cầu bức thiết của chúa Nguyễn để thực hiện được mục đích cát cứ. Tuy trong dân cư có cả những thành phần rất phức tạp nhưng trong vài mươi năm Đoan Quận công đã “vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, nhẹ xâu thuế, dân chúng vui, phục, thường gọi là chúa Tiên”. Một mặt chúa Nguyễn phải đối phó với quân nhà Mạc và cả chúa Trịnh bằng các cuộc chiến và thủ đoạn chính trị khôn khéo, mặt khác vẫn tiến hành công cuộc phát triển kinh tế Đàng Trong bằng nông nghiệp, thương nghiệp và nhiều ngành sản xuất khác… Để làm được điều đó chắc hẳn chính quyền chúa Nguyễn phải có sự ứng xử mềm dẻo với tiểu quốc của người “man lèo” ở biên giới phía nam để yên ổn mà rảnh tay chống đỡ với phía bắc. Rõ ràng thời gian này mối bận tâm của chính quyền chúa Nguyễn là phía bắc với những quan hệ ràng buộc và những mưu đồ chính trị của các thế lực Lê – Mạc – Trịnh – Nguyễn. Đấy cũng là một nguyên nhân giải thích vì sao sử nhà Nguyễn ghi chép về giai đoạn này của Nguyễn Hoàng ở Thuận – Quảng và hoạt động của ông với nhà Lê ở phía bắc khá kỹ mà hầu như không ghi chép gì về các tiểu quốc phía nam, trong đó có nước Hoa Anh. Mặt khác có thể suy đoán rằng, do tình hình nội bộ Đại Việt như vậy nên tại ba tiểu quốc này cư dân Chăm và các tộc người khác tiếp tục cuộc sống tương đối yên ổn, hầu như sử sách không ghi chép một sự kiện lớn nào xảy ra cho đến cuối thế kỷ XVI, khi mà việc thiết lập vương quyền cát cứ của chúa Nguyễn đã rõ ràng. Từ lúc đó đối với các tiểu quốc Hoa Anh và Chiêm Thành, chính quyền chúa Nguyễn bắt đầu có những động thái khác nhằm từng bước tiến về phía nam. Nhưng trước khi những sự kiện đó xảy ra, nước Hoa Anh đã tồn tại như thế nào?
Như trên đã nói, địa bàn nước Hoa Anh về đại thể nằm giữa đèo Cù Mông và Đèo Cả – một trong những tiểu vùng địa – lịch sử của vương quốc Chămpa, với cấu trúc 3 yếu tố cơ bản theo truyền thống một “tiểu quốc” Chămpa: Dòng sông thiêng là sông Đà Rằng (sông Ba) có ngọn núi Thiêng núi Đá Bia – Linga-parvatha (Tối linh Dương Vật), Thành Hồ, cảng thị Đông Phước.
Sông Đà Rằng với lợi thế là con sông duy nhất ở miền Trung thông lên đến Tây Nguyên có một vai trò rất quan trọng đối với người Chăm. Sử thời Nguyễn cho biết, nhà Nguyễn đã từng đặt trạm giao dịch trên sông Ba để thông thương với khu vực rừng núi rộng lớn ở phía tây Phú Yên. Theo Đại Nam nhất thống chí “ở xã Thạch Thành ở phía tây huyện Tuy Hòa có trường giao dịch và thủ sở ở đây, nước từ sông Ba chảy qua phía nam huyện lỵ đổ ra trấn Đà Diễn”. Thạch Thành là vùng bán sơn địa tiếp giáp giữa đồng bằng Tuy Hòa và vùng núi phía tây. Đây là cửa ngõ thông thương với Thủy Xá, Hỏa Xá, cũng là nơi trao đổi buôn bán các sản phẩm nổi tiếng một thời của núi rừng như trầm hương, ngà voi, sừng tê cũng như những lâm sản quý khác xuống miền xuôi, đồng thời các loại hàng hóa của miền biển, đồng bằng cũng từ đây đi lên miền núi.
Từ nguồn tài liệu tiền cổ tìm thấy ở khu vực Đông Phước (xã Hòa An huyện Phú Hòa) trong nhiều năm, khối lượng đến hơn 700kg. Về loại tiền gồm hơn 80 hiệu tiền đồng trong đó có 60 hiệu là tiền các triều đại phong kiến Trung Quốc từ Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Còn lại có tiền Triều Tiên, tiền Nhật Bản và các hiệu tiền Việt Nam từ nhà Lê, Tây Sơn, chúa Nguyễn và triều Nguyễn, có cả tiền Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên vào thế kỷ XVIII… Các nhà khảo cổ đã khảo sát khu vực này và nhận thấy vị trí của Đông Phước rất thuận lợi về đường thủy, là điểm hợp lưu giữa sông Chùa, Rạch Bàu Dài và một nhánh của sông Đà Rằng. Từ đó đã có nhận định có nhiều khả năng Đông Phước là một hải cảng lớn thời Chămpa. Trên sông Đà Rằng thì cảng thị Đông Phước là cửa ngõ thông ra biển và Thành Hồ – cửa ngõ lên châu Thượng Nguyên của vương quốc Chămpa(8). Thôn Đông Phước còn nằm trong phạm vi phân bố của các di tích Chămpa nổi tiếng như Tháp Nhạn, Thành Hồ. Thành Hồ có thể được xem là Kinh thành của tiểu quốc vùng Phú Yên.
Theo Lương Ninh trong Lịch sử vương quốc Chămpa: Từ sau năm 1471, việc xây dựng đền tháp hầu như bị ngừng hẳn để dồn sức cho việc xây dựng một thành lũy chưa từng có. Thành này ở phía tây thị xã Tuy Hòa, cách khoảng 15km, nằm trên bờ bắc sông Đà Rằng. Thành xây gạch cao khoảng 3m, phía ngoài có hào nước, bên trong có giếng nước. Thành có hình vuông, bốn cạnh không đều nhau, mỗi cạnh dài khoảng 800m. Trước thế kỷ XV ta chỉ thấy nói đến thành ở phía bắc Vijaya (Quy Nhơn), là thành mà Đại Nam nhất thống chí đã mô tả, gọi là thành An Nghiệp, phía Bắc sông Đà Diễn (còn gọi là sông Đà Lãng), “tương truyền do người Chiêm xây, tục gọi là thành Hồ”. Chắc không chỉ có việc xây thành, mà sau khi đã đứng yên lại được rồi, các vua Chiêm Thành không những muốn củng cố vương quốc mà có thể còn muốn giành lại nước Hoa Anh nhân lúc Đại Việt bị khủng hoảng chính trị vào đầu thế kỷ thứ XVI, tuy lực lượng của họ bấy giờ đã rất suy yếu(9).
Những cuộc khảo sát và khai quật khảo cổ học tại di tích Thành Hồ đã cho thấy đây là tòa thành có quy mô tương đối lớn. Căn cứ vào hiện tượng lát cắt trên bờ thành phía đông và những dấu tích kiến trúc trong hố khai quật, có thể nhận thấy Thành Hồ được xây dựng từ rất sớm và tồn tại trong một thời gian dài. Niên đại của Thành Hồ có thể nằm trong khoảng thời gian từ thế kỷ VI, VII đến thế kỷ XV, XVI. Trong quá trình tồn tại tòa thành đã được tu bổ nhiều lần. Theo hiện trạng các lớp đất trên bờ thành đông thì có thể đã được tu bổ hai lần sau khi đắp, và lần tu bổ có quy mô nhất là vào thế kỷ X, XI khi mà kinh đô của vương quốc Chămpa dời chuyển về thành Đồ Bàn (Bình Định). Ngoài ra cũng phát hiện được nhiều dấu tích kiến trúc trong khu vực Thành Hồ, trong đó những dấu tích kiến trúc ở trên Hòn Mốc là dấu tích ngôi tháp Chăm đã sụp đổ, còn dấu tích kiến trúc góc đông nam của Thành Hồ có thể là khu cư trú cổ. Các đợt khảo sát còn cho biết còn rất nhiều di tích, địa danh liên quan đến khu vực Thành Hồ, phản ánh một hệ thống thành quách khá hoàn chỉnh. Những phát hiện mới đã cho biết Thành Hồ có hai giai đoạn với 2 chức năng khác nhau trong lịch sử vùng đất Phú Yên:
- Giai đoạn sớm trước thế kỷ XI: Thành Hồ với chức năng là trung tâm quân sự, kinh tế và văn hóa của một tiểu vùng/ tiểu quốc của vương quốc Chămpa (Môn Độc quốc).
- Giai đoạn muộn, thế kỷ XV – XVI: Thành Hồ có chức năng là “kinh đô” của một tiểu quốc ở đây là nước Hoa Anh.
Thành Hồ nằm ngay cửa ngõ chuyển tiếp giữa đồng bằng và miền núi, phía sau khu vực Thành Hồ là vùng cao nguyên đất đỏ bao la. Tại đó đã tìm thấy nhiều di tích di vật Chămpa như ở Bảo Lộc và Đơn Dương (Lâm Đồng), phế tích đền tháp ở Đăk Lăk, Gia Lai và Kon Tum. Những dấu tích văn hóa Chămpa ở Tây Nguyên đã chịu ảnh hưởng nhất định từ các trung tâm văn hóa Chămpa ở miền Trung, trong đó có trung tâm Thành Hồ (Phú Yên). Những ảnh hưởng ấy thể hiện rõ nhất trên tháp Yang Prong (Đăk Lăk) được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII, trên khung cửa vẫn còn nguyên bài văn cho biết tháp do nhà vua Jaya Sinkavarman III xây dựng. Các vết tích kiến trúc còn lại của tháp Yang Mun, Yang Prong cho thấy ảnh hưởng văn hóa Chămpa thế kỷ XIII – XV và còn kéo dài đến thế kỷ XVI.
Sang thế kỷ XVII do những biến động lịch sử nên Thành Hồ mất dần vai trò của nó khi vùng đất này sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt (xứ Đàng Trong của chính quyền chúa Nguyễn).
Như vậy có thể hình dung nước Hoa Anh thế kỷ XV – XVI tương tự một tiểu quốc Chămpa trước đây, với thành phần dân cư chính là người Chăm sinh sống ở đồng bằng và miền ven biển, phía tây giáp Nam Bàn còn có một số tộc người thiểu số khác. Cuộc sống tương đối yên ổn, tiếp tục lối sống từ trước đó cả về phương thức kinh tế và sinh hoạt xã hội. Hoa Anh là “vùng đệm” giữa Đại Việt và Chiêm Thành, sau năm 1471 phần lớn người Chăm vào sống tại Chiêm Thành (Phan Rang) hoặc chạy lên miền núi. Cũng do tính chất “vùng đệm” nên chắc rằng tại đây thỉnh thoảng vẫn xảy ra xung đột tranh chấp, đây cũng là nguyên nhân làm cho vùng đất Phú Yên tuy khá rộng rãi màu mỡ nhưng lúc này dân cư không đông.
(Còn nữa)