Tôi có may mắn được công tác tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã gần 10 năm. Nơi đây đang lưu giữ và trưng bày nhiều bộ sưu tập hiện vật vô cùng quý giá trong đó có sưu tập thư, nhật ký thời chiến. Cũng bởi vậy, tôi được biết số phận rất đặc biệt của nhiều cuốn nhật ký mà Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ. Nhật ký Đệ nhị Trung đội Cứu quốc quân của Đại tá Đào Văn Trường là một hiện tượng độc đáo hiếm có mà tôi bắt gặp.
Trước hết, nó độc đáo bởi có một số phận kỳ lạ mà nó trải qua.
Theo chủ nhân của cuốn nhật ký - Đại tá Đào Văn Trường (Thành Ngọc Quản) kể lại trong hồi ký “Trọn thế kỷ một cuộc đời” của ông (Nhà xuất bản QĐND xuất bản năm 2016) thì ông bắt đầu viết nhật ký từ ngày 15/11/1941 (tức 27 tháng 9 âm lịch). Mục đích viết nhật ký của ông là ghi chép lại các sự việc làm tài liệu để khi cần thì báo cáo Trung ương Đảng.
Cuốn “Nhật ký Đệ nhị Trung đội Cứu quốc quân”
của Đại tá Đào Văn Trường
Tháng 3/1942, được lệnh trở về gặp Trung ương Đảng, ông dự định sử dụng những tài liệu ghi chép trong cuốn nhật ký để báo cáo các đồng chí lãnh đạo về hoạt động của Đệ nhị Trung đội Cứu quốc quân. Đồng chí Nguyễn Cao Đàm (tức Độ) - Chính trị viên được cử đi trước mang theo thư của Ủy ban Quân sự - Chính trị Bắc Sơn - Võ Nhai cùng cuốn nhật ký về bắt liên lạc với Trung ương còn đồng chí Đào Văn Trường ở lại giải quyết một số việc sẽ về sau.
Trên đường về gặp Trung ương Đảng, Đào Văn Trường bị mật thám bắt giam tại các nhà tù Thái Nguyên, Hỏa Lò (Hà Nội), Phú Thọ, Hải Dương rồi chúng đày ông ra Côn Đảo với án tù chung thân. Từ đó, ông không gặp lại Nguyễn Cao Đàm nữa và cũng không biết cuốn nhật ký nằm ở đâu. Trong thâm tâm ông nghĩ cuốn nhật ký đã bị mất và chắc hẳn không bao giờ còn tìm thấy nữa.
Năm 1945, ông từ Côn Đảo trở về, tham gia chiến đấu ở Nam Bộ rồi Khu 5. Cuối năm 1946, ông mới ra Bắc. Khi gặp đồng chí Trường Chinh, ông được biết cuốn nhật ký của ông vẫn còn. Người giữ cuốn nhật ký là nhà văn Tô Hoài. Ông liên hệ với nhà văn Tô Hoài thì được nhà văn cho biết bản gốc cuốn nhật ký đã bị mối xông không còn nữa chỉ còn lại bản chép lại. Ông kể trong hồi ký “Trọn thế kỷ một cuộc đời” của mình: “Cầm cuốn nhật ký do anh Tô Hoài chép lại tôi vừa vui mừng nhưng vẫn thấy hẫng hụt. Bởi đó là đứa con tinh thần của tôi, nhưng cái hình hài của nó thì đã không còn… Lúc đó tôi còn có ý trách nhà văn Tô Hoài đã để hỏng cuốn nhật ký gốc mà chưa hiểu hết công lao của tôi”(1)
Số phận của cuốn nhật ký không dừng lại ở đó.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1954), tại một số hội nghị được tổ chức ở Việt Bắc, ông trao cuốn nhật ký cho đồng chí Chu Văn Tấn sao lại làm tư liệu trưng bày tại Bảo tàng Việt Bắc. Rồi cuốn nhật ký lại thất lạc về đâu không rõ. Tháng 8/1992, sau gần 40 năm, ông mới biết cuốn nhật ký đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam).
Theo biên bản xác minh của Bảo tàng thì: “Người giữ cuốn nhật ký thời gian Đào Văn Trường bị bắt là đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Trường Chinh chuyển tập nhật ký cho đồng chí Trần Độ. Trần Độ chuyển tập nhật ký cho Tô Hoài năm 1944. Tô Hoài giữ và chép lại tập nhật ký từ năm 1944 đến năm 1946. Cuối năm 1946, gia đình nhà văn Tô Hoài tản cư lên Phú Thọ mang theo các tài liệu trong đó có tập Nhật ký Đệ nhị Trung đội Cứu quốc quân. Bản gốc ông để ở nhà bị mối xông. Bản chép tay ông mang theo lên Việt Bắc từ năm 1947. Khoảng cuối năm 1948, ông chuyển tập nhật ký chép tay cho Đào Văn Trường. Khoảng năm 1955, ông Trường cho ông Chu Văn Tấn mượn tập nhật ký. Khoảng năm 1958, ông Tấn trao tập nhật ký cho Viện Bảo tàng Quân đội”(2).
Đến đây chúng ta đã rõ số phận kỳ lại của Nhật ký Đệ nhị Trung đội Cứu Quốc Quân.
Cụ Đào Văn Trường và cuốn nhật ký.
Nhật ký không chỉ độc đáo ở số phận kỳ lạ của nó, đây còn là tập nhật ký đặc biệt bởi nó không còn nguyên gốc nhưng giá trị của nó còn hơn cả bản gốc. Đúng như tác giả cuốn nhật ký đã thừa nhận: “Cho dù không phải là cuốn sổ gốc, nét chữ không phải là của tôi nhưng hồn cốt ấy kết tinh ấy thì hoàn toàn là của tôi. Tôi thầm cảm tạ nhà văn Tô Hoài với tình cảm quý mến giành cho cuốn nhật ký, đã dày công chép lại nguyên vẹn để đến hiện nay, cuốn nhật ký vẫn giữ được toàn bộ giá trị của nó. Nếu không có Tô Hoài hẵn bây giờ chẳng còn ai biết đến cuốn nhật ký của tôi”(3)
Không phải ngẫu nhiên nhà văn Tô Hoài trong điều kiện kháng chiến ác liệt, biết bao việc phải làm, ông lại giành không ít thời gian để chép lại gần trăm trang nhật ký của Đào Văn Trường. Có lẽ với con mắt tinh đời, nhà văn đã nhận ra giá trị đích thực của cuốn nhật ký đúng như tác gia của nó đã tiết lộ: “Nhật ký chưa phải là toàn bộ nhưng của là lịch sử một giai đoạn chủ yếu của Đệ nhị Trung đội Cứu quốc quân (một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam sau này). Đây chính là những tư liệu sống động với những con người, sự việc rất chân thành, nhiều tình tiết mới lạ giúp nhà văn có thể xây dựng một tác phẩm văn học lớn về khởi nghĩa Bắc Sơn và đội quân tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng như kháng chiến chống thực dân Pháp vĩ đại của dân tộc.
Nhật ký Đệ nhị Trung đội Cứu Quốc Quân với việc ghi lại khá chi tiết tình hình địch, ta, về tổ chức, hoạt động của Trung đội Cứu Quốc Quân 2 còn là tài liệu để chủ nhân của nó khi đó là Trung đội trưởng báo cáo Trung ương Đảng, giúp Trung ương Đảng đưa ra những quyết sách quan trọng về tổ chức xây dựng lực lượng và hoạt động vũ trang trong thời kỳ đầu của cách mạng Việt Nam. Điều này làm cho tác giả cuốn nhật ký càng thấm thía: “Thời gian càng lùi xa, tôi càng thấy giá trị của cuốn nhật ký và cũng rất tự hào rằng trong những tháng năm cực kỳ, gian khổ, ranh giới giữa cái sống và cái chết rất mong manh ấy, tôi đã viết được những dòng nhật ký, ghi lại được nhiều con số, sự kiện và cả những suy nghĩ, những tâm tư của mình và đồng đội”(4).
Đặc biệt hơn, nhật ký khi được nhà văn Tô Hoài chép lại, ông còn ghi thêm ở bên trái tập nhật ký những tư liệu mà ông thu thập được khi đến Bắc Sơn – Võ Nhai để tìm hiểu về khởi nghĩa Bắc Sơn. Những tư liệu này làm rõ thêm quá trình hình thành, phát triển và hoạt động của Đệ nhị Trung đội Cứu quốc quân những ngày đầu thành lập. Nó làm tăng giá trị của cuốn nhật ký đúng như chủ nhân cuốn nhật ký đã đánh giá: “Những tư liệu của Tô Hoài không làm giảm mà còn làm tăng thêm giá trị cho cuốn nhật ký”(5).
Chưa hết, vào tháng 11/1992, khi tìm lại được cuốn nhật ký lần thứ 2, theo đề nghị của Viện Bảo tàng Quân đội, tác giả cuốn nhật ký viết thêm Phụ lục nhật ký nhằm giải thích nội dung cuốn nhật ký. Phần viết thêm này bằng gần một phần ba cuốn nhật ký. Nó gồm hai phần:
Phần I với 5 đề mục:
A. Bắc Sơn khởi nghĩa và hai lò đào tại quân sự ngắn kỳ của Đảng.
B.Hội nghị Trung ương lần thứ tám (5/1941) và tám tháng đánh du kích trong vòng vây của địch của Cứu quốc quân (7/1941-4/1942).
C.Hội nghị Trung ương lần thứ tám và sự ra đời của Cứu quốc quân.
D.Tám tháng đánh du kích trong vòng vây của địch và Nhật ký Đệ nhị Trung đội Cứu quốc quân.
E.Tám tháng đánh du kích trong vòng vây của địch và quyết định tạm thời rút lên biên giới của Đệ nhị Trung đội Cứu quốc quân.
Phần II: Giải thích nội dung Nhật ký chiến đấu của Đệ nhị Trung đội Cứu Quốc Quân, nói rõ thêm một số sự kiện lịch sử cần thiết.
Với những bổ sung như đã nêu, Nhật ký Đệ nhị Trung đội Cứu Quốc Quân có thể nói là cuốn nhật ký hoàn hảo và độc đáo ít thấy trong bộ sưu tập thư và nhật ký thời chiến mà Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang lưu giữ.
Cũng cần phải nói thêm, phần đầu cuốn nhật ký, trước khi ghi chép hàng ngày hoạt động của Trung đội Cứu Quốc Quân 2 (bắt đầu từ 15/10/1941 tức 27 tháng 9 âm lịch), tác giả ghi lại tóm tắt tiểu sử Đệ nhị Trung đội Cứu Quốc Quân với các mốc quan trọng bắt đầu từ năm 1938 với phong trào cách mạng ở Bắc Sơn - Võ Nhai, tiếp đến là sự kiện Đệ nhị Trung đội Cứu Quốc Quân ra đời cho đến 14/9/1941, Đệ nhị Trung đội Cứu Quốc Quân tuyên bố thành lập. “Từ ngày ấy, Cứu quốc quân sinh hoạt đều đặn, học tập quân sự, chính trị và chiến đấu tiêu trừ phản động có nhiều thành tích oanh liệt. Không tiêu diệt nổi Cứu quốc quân, đế quốc gia tăng khủng bố trắng, đốt nhà, giết người cướp của, dồn dân chúng ở tập trung như trại giam, thu vét lương thực, thi hành chính sách phong tỏa kinh tế và mua chuộc bọn chó săn, chim mồi dẫn đường tiêu diệt Cứu quốc quân. Nhưng dân chúng có tinh thần, giáp tiếp ủng hộ, tổng xã đoàn, dõng nhiều nơi trung lập có lợi cho cách mạng và binh lính nhiều bắn chỉ thiên, cảm tình với Cứu quốc quân.
Trong vòng vây của đế quốc, Cứu quốc quân không nao núng, chiến đấu rất oanh liệt, nhiều trận tiêu trừ mật thám phản quốc làm địch quân phải thán phục”(6).
Đây quả là những tư liệu quý cho việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, lịch sử các đội quân tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng.
Nghiên cứu kỹ cuốn nhật ký, chúng ta còn thấy ở đây toát lên những tư tưởng quân sự rất cơ bản của một đội quân cách mạng kiểu mới trong thời kỳ trứng nước xây dựng lực lượng vũ trang mà tác giả cuối nhật ký khi đó với cương vị là Chủ nhiệm Ủy ban Quân sự - Chính trị Bắc Sơn - Võ Nhai, Trung đội trưởng Đệ nhị Trung đội Cứu Quốc Quân đã đề ra các nhiệm vụ và chỉ huy đơn vị thực hiện. Đó là:
Công tác tổ chức xây dựng đơn vị;
Công tác giáo dục tư tưởng;
Công tác vũ trang tuyên truyền, diệt mật thám;
Công tác chiến đấu bảo toàn lực lượng;
Công tác binh vận;
Công tác bảo đảm hậu cần;
Công tác giao thông;
Công tác giữ bí mật;….
Những nội dung này khi Đội du kích Bắc Sơn (tức Đệ nhất Trung đội Cứu Quốc Quân) thành lập mới có một số hoạt động nhưng còn rất sơ khai. Đến Đệ nhị Trung đội Cứu Quốc Quân nó được thực hiện một cách bài bản hơn, đúng với tính chất của một “đội quân công tác, một đội quân chiến đấu”, thể hiện bản chất của một đội quân kiểu mới lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Việt Nam.
Nội dung truyền đơn viết bằng tiếng Pháp trong cuốn Nhật ký
Đến đây, chúng ta có thể đánh giá vị trí, vai trò, ý nghĩa và giá trị nhiều mặt của Nhật ký Đệ nhị Trung đội Cứu Quốc Quân. Nó không chỉ có giá trị lịch sử với cách mạng Việt Nam, với sự nghiệp xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam mà còn góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng bởi nó đã phản ánh một thời kỳ lịch sử oanh liệt của cách mạng Việt Nam gắn với một phần đời của một chiến sỹ cách mạng kiên trung, đã phấn đấu và giành trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng.
Cuốn nhật ký hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để phát huy giá trị đích thực của nó. Song với chủ nhân của nó - Đại tá Đào Văn Trường đã tâm sự, tuy “không được giữ nó bên mình. Bây giờ nó đã trở thành hiện vật bảo tàng, được đặt trong tủ kính trưng bày. Tôi chỉ còn được giữ bên mình bản phô tô mà thôi. Dù vậy, mỗi lần giở ra tôi vẫn thấy như hiện ra trước mặt quang cảnh núi rừng Việt Bắc, những đồng đội đã từng vào sinh ra tử với tôi thuở ấy. Khi tuổi tác ngày càng cao, trí nhớ suy giảm thì những hình ảnh ấy nhiều lúc càng mờ dần. Nhờ có cuốn nhật ký mà tôi vẫn giữ lại được những kỷ niệm một thời gian khổ ấy. Nó chứa đựng nhiều điều, theo tôi là rất quý để mọi người có thể hiểu được thực sự những ngày đầu xây dựng quân đội là như thế nào, để có thể rút ra những bài học cho các thế hệ sau này”(7).
Là những người đang tiếp bước sự nghiệp cách mạng của lớp cha anh đi trước và hiện đang làm công tác “giữ lửa truyền thống” cho hiện tại và tương lai, chúng tôi trân trọng và tự hào những con người như Đại tá Đào Văn Trường và đứa con tinh thần mà ông để lại - Nhật ký Đệ nhị Trung đội Cứu Quốc Quân.
Thiếu tướng, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Năng
(Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)
Chú thích:
(1): Đào Văn Trường, Trọn thế kỷ một cuộc đời, NXB Quân đội nhân dân, H.2016, tr.108
(2): Trọn thế kỷ một cuộc đời, Sách đã dẫn, tr.111-112.
(3): Trọn thế kỷ một cuộc đời, Sách đã dẫn, tr.112.
(4): Trọn thế kỷ một cuộc đời, Sách đã dẫn, tr.104
(5): Trọn thế kỷ một cuộc đời, Sách đã dẫn, tr.107
(6): Trọn thế kỷ một cuộc đời, Sách đã dẫn, trang 113.
(7): Trọn thế kỷ một cuộc đời, Sách đã dẫn, Tr 132, 133.