Phần 2 và hết: Cộng đồng đã tham gia gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa quân sự Cùng với phát hiện di sản văn hóa quân sự, cộng đồng tham gia giữ gìn, bảo tồn nó. Ở nhiều địa phương, nhân dân đã không tiếc công sức, chủ động phối hợp cùng các ban ngành địa phương chăm lo, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử quân sự, ngoài việc tham gia dưới hình thức vận động sự đóng góp của những người tâm huyết, những mạnh thường quân về kinh phí cho việc trùng tu di tích, nhân dân còn hiến tặng hiện vật để trưng bày. Trong số này, phải kể đến những cựu chiến binh là doanh nhân thành đạt. Họ làm việc này trên hết là tấm lòng với đồng đội, những người đã ngã xuống để họ và cộng đồng có cuộc sống như ngày hôm nay.
Phần 2 và hết:
3.Cộng đồng đã tham gia gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa quân sự
Cùng với phát hiện di sản văn hóa quân sự, cộng đồng tham gia giữ gìn, bảo tồn nó. Ở nhiều địa phương, nhân dân đã không tiếc công sức, chủ động phối hợp cùng các ban ngành địa phương chăm lo, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử quân sự, ngoài việc tham gia dưới hình thức vận động sự đóng góp của những người tâm huyết, những mạnh thường quân về kinh phí cho việc trùng tu di tích, nhân dân còn hiến tặng hiện vật để trưng bày. Trong số này, phải kể đến những cựu chiến binh là doanh nhân thành đạt. Họ làm việc này trên hết là tấm lòng với đồng đội, những người đã ngã xuống để họ và cộng đồng có cuộc sống như ngày hôm nay.
Nhiều địa danh ghi dấu những sự kiện quân sự vẫn được các thế hệ gìn giữ vừa như một chứng tích của những chiến công, thể hiện lòng tự hào, tinh thần đấu tranh bất khuất, vừa như một trường học thiết thực để giáo dục con cháu về truyền thống đấu tranh anh dũng của ông cha... Các chiến trường, căn cứ quân sự đều là những vị trí chiến lược, những địa hình hiểm yếu cách xa khu dân cư, nếu không được cộng đồng bảo vệ, sẽ không giữ lại được dấu tích của một thời hào hùng.
Bảo tồn và phát triển, trước mắt và lâu dài, giữa văn hóa và quân sự đều được tạo ra từ quảng đại quần chúng trong suốt chiều dài lịch sử quân sự Việt Nam. Những di tích lịch sử quân sự nổi tiếng mà nhắc đến ai trong chúng ta cũng thấy tự hào. Có thể kể đến như: Phòng tuyến Như Nguyệt (Bắc Ninh) nơi Lý Thường Kiệt đại phá quân Tống năm 1077; bãi cọc Bạch Đằng (Quảng Ninh) nơi quân dân ta đã từng đánh tan quân Mông - Nguyên năm 1288; đồn Xương Giang (Bắc Giang) và đặc biệt trong thế kỷ 20 có chiến trường Điện Biên Phủ (Điện Biên), địa đạo Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị); bến tàu không số (Vũng Rô - Phú Yên), đường mòn Hồ Chí Minh...
Hiện nay, tình trạng Ban quản lý di tích quân sự là cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử không phải hiếm. Nhiều di tích đã thành lập tổ tự quản, tổ bảo vệ di tích, cắt cử người trông nom, phân công nhau vệ sinh di tích. Khách tham quan di tích Thanh niên xung phong tại Cò Nòi (Sơn La) sẽ được cựu thanh niên xung phong trông coi di tích hướng dẫn, kể chuyện vượt núi, băng đèo phục vụ vận tải lương thực, đạn dược và tham gia chiến đấu.
Nhiều di tích lịch sử quân sự được chính chủ nhà bảo vệ như trường hợp căn hầm chứa vũ khí cho bộ đội tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một ví dụ. Chủ nhà đã bảo vệ, gìn giữ đến ngày nay phục vụ nghiên cứu, tham quan học tập cho khách trong và ngoài nước.
Việc đầu tư, tu bổ di tích, nhất là di tích quân sự, được cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Thanh niên xung phong bằng ngày công, trích tiền lương, phụ cấp hàng tháng. Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Ðảng, Nhà nước và của toàn xã hội, những hoạt động quyên góp, gây quỹ để tổ chức những hoạt động: Về nguồn, Về với di sản cội nguồn, Thanh niên với di sản văn hóa… thiết thực nhằm tạo lập ý thức của cộng đồng với việc bảo tồn những giá trị mà di sản văn hóa quân sự của ông cha để lại.
Việc phát động sưu tầm kỷ vật kháng chiến để lại tiếng vang lớn, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, hình thức xã hội hóa bảo vệ di sản quân sự trong bảo tàng, cần nhân rộng, duy trì thường xuyên.
Một số lớn di tích quân sự cách xa khu dân cư, kết cấu gỗ, đất là chính, cộng với khí hậu, thời tiết hủy hoại nhanh chóng, địa hình tự nhiên thay đổi không ngừng, các rừng cây mới trồng đã lên cao xen với rừng nguyên sinh còn sót lại sau chiến tranh che khuất các dấu tích quân sự của những trạm quân y, ụ chiến đấu, hầm, hào... Việc bảo vệ di tích xen kẽ với các khu dân cư, phát huy giá trị của nó đã được sự tham gia tích cực của cư dân bản địa, như khu di tích Yên Thế, di tích Đông Khê, chiến trường Điện Biên Phủ, Đường 9. Họ vừa là người bảo vệ vòng ngoài, vừa là tai mắt cảnh giới khi di tích bị xâm hại.
Nhiều đền thờ, miếu mạo được các dòng họ đứng ra quyên góp, huy động con em thuộc dòng tộc, quê hương đóng góp tiền của để tu sửa, nâng cấp hoặc xây mới. Từ nghĩa cử cao đẹp đó hàng trăm di tích là đình, đền thờ các danh tướng, người có công trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm được bảo quản, tu bổ, tôn tạo ở Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên...
Có thể nói, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tùy theo mỗi thời kỳ đều có sự tham gia tích cực và hiệu quả của cộng đồng trong và ngoài nước. Ý thức về bảo vệ di sản văn hóa quân sự của cộng đồng ngày càng được nâng cao hơn. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài quân đội đã tham gia đóng góp kinh phí, sức lực, trí tuệ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quân sự. Nhờ đó các di sản văn hóa quân sự được bảo vệ, giữ gìn và phát huy ngày một tốt hơn.
4.Cộng đồng tham gia phát huy giá trị di sản văn hóa quân sự
Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, có thời kỳ việc phát huy giá trị di sản chưa được quan tâm đúng mức, nhất là di sản văn hóa quân sự. Từ khi có Luật di sản văn hóa (2001) và các văn bản quy phạm pháp luật kèm theo, không những nhận thức của toàn xã hội về di sản được nâng lên, sự tham gia của xã hội vào phát huy giá trị di sản ngày càng nhiều hơn. Nhiều di tích đã được quan tâm đầu tư trên nhiều phương diện. Nhờ đó nhiều di tích đã phát huy tốt giá trị của nó.
Di sản văn hóa quân sự được bảo tồn và phát huy giá trị không chỉ nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa đơn thuần, nó đã và đang đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Nhiều di sản văn hóa quân sự là điểm đến của các tuyến du lịch trong và ngoài nước như: Thành Cổ Loa, thành Nhà Hồ, cố đô Huế, thành cổ Quảng Trị, di tích Điện Biên Phủ, địa đạo Củ Chi, Vịnh Mốc, đền thờ Trần Hưng Đạo... Những di sản văn hóa quân sự được tu bổ tôn tạo cũng đã, đang trở thành những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc có hiệu quả.
Địa đạo Củ Chi - điểm du lịch hấp dẫn cho khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt là các cựu chiến binh. Đến với địa đạo Củ Chi, khách du lịch hiểu thêm truyền thống đấu tranh kiên cường, sự gian khổ của quân dân Củ Chi, cảm nhận được sự diệu kỳ của "địa đạo chiến" tại đây. Sự độc đáo của di tích Củ Chi là những người thuyết minh trực tiếp là các cựu chiến binh gắn bó với di tích. Họ là những người địa phương có thể dẫn dắt du khách trải nghiệm tại di tích như thời kỳ chiến tranh.
Hiện nay, cả nước có hàng chục bảo tàng tư nhân được thành lập: Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày (Hà Nội), Bảo tàng kỷ vật chiến tranh của cựu chiến binh Vũ Đình Lưu (Nam Định), Bảo tàng Cội nguồn (Kiên Giang), Bảo tàng ký ức chiến tranh (Hà Nội), Bảo tàng vũ khí cổ (Bà Rịa-Vũng Tàu)... Đó là những minh chứng về vai trò của công chúng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quân sự
Góc trưng bày tại Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày (Hà Nội)
Các bảo tàng tư nhân được thành lập và đi vào hoạt động góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ nhất là học sinh phổ thông trên địa bàn thông qua kỷ vật được trưng bày. Cũng thông qua tuyên truyền, cộng đồng phát hiện kỷ vật đem tặng bảo tàng. Nhân ngày lễ kỷ niệm, các trường phổ thông trên địa bàn cũng mời các cựu chiến binh đến giao lưu, nói chuyện truyền thống thông qua những kỷ vật kháng chiến mà họ sưu tầm được đưa ra trưng bày.
Nhiều bảo tàng tư nhân, khu di tích của cộng đồng chủ động lập trang tin điện tử trên internet, giới thiệu di sản với công chúng trong và ngoài nước như Bảo tàng Cội nguồn (Phú Quốc, Kiên Giang), hoặc thông qua mạng xã hội như facebook, zalo... để quảng bá về bảo tàng mình và kết nối thông tin với những người quan tâm. Thông qua internet, mạng xã hội, bảo tàng được kết nối với thế giới, làm cầu nối nghiên cứu tìm hiểu về di sản văn hóa quân sự mình quản lý. Việc phát hành băng đĩa, in sách giới thiệu về di sản quân sự cũng được cộng đồng quan tâm.
Cuộc vận động Sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi cả ba miền Bắc, Trung, Nam, truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài truyền hình Việt Nam, tổ chức nhiều cuộc triển lãm, xuất bản hai cuốn sách “Những kỷ vật kháng chiến” với tựa đề “Sự im lặng lên tiếng” và “Tri ân quá khứ - Tiếp lửa truyền thống” truyên truyền phát huy giá trị kỷ vật, đồng thời kêu gọi cộng đồng tiếp tục hiến tặng hiện vật. Mô hình này được nhân rộng ở một số bảo tàng đem lại hiệu quả cao, các bảo tàng ngoài quân đội cũng thu được những hiện vật kháng chiến của các tổ chức, cá nhân ở địa phương. Tháng 4/2016, triển lãm ‘‘Ký ức chiến tranh’’ của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam giới thiệu những kỷ vật kèm theo câu chuyện về hiện vật được trở về từ phía bên kia sau hơn 40 năm để lại ấn tượng, xúc động cho người xem.
Triển lãm ‘‘Ký ức chiến tranh’’ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tháng 4/2016
Từ thực tế hoạt động của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa quân sự có thể rút ra vài điểm:
1.Cộng đồng có vai trò rất lớn trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa quân sự.2.Cần tiếp tục nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa quân sự của cộng đồng bằng việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về di sản văn hóa quân sự nhằm phát huy tốt nhất vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị các di sản quân sự.3.Gắn kết cộng đồng trong công tác nghiên cứu, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa quân sự. Tăng cường giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa giữa các khu vực, tỉnh thành trong cả nước.4.Tìm mọi cách để huy động nguồn lực của cộng đồng (cả lực lượng và kinh phí) vào bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa quân sự trên phạm vi cả nước và ở từng địa phương.5.Mạnh dạn giao một số di sản văn hóa quân sự (di tích lịch sử quân sự) cho cộng đồng quản lý khai thác và phát huy. Đồng thời có hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ để cộng đồng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa quân sự đúng hướng có hiệu quả.
Di sản văn hóa quân sự Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là bộ phận của di sản văn hóa dân tộc Việt Nam, có vai trò lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân. Để kho tàng di sản văn hóa quân sự được bảo tồn và phát huy, cộng đồng cần làm tốt vai trò to lớn của mình. Di sản văn hóa quân sự chỉ phát huy hết giá trị khi nó được cộng đồng chăm lo, gìn giữ, phát huy giá trị, vì di sản văn hóa xuất phát từ cộng đồng và trở lại phục vụ cộng đồng. Chỉ có dựa vào sức mạnh của cộng đồng trên cơ sở: tự nguyện, đồng thuận, bình đẳng, cùng có lợi, thì công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản nói chung, trong đó có di sản văn hóa quân sự mới có thể đạt được hiệu quả cao, nhất là trong điều kiện hiện nay, nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thiếu tướng. TS Nguyễn Xuân Năng
(Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)