Ra đời và phát triển kinh tế - văn hoá xã hội đô thị - cảng thời cận đại, thành phố Hải phòng có mối quan hệ chặt chẽ với Thủ đô. Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế- văn hoá của đất nước thì Hải Phòng là lá phổi của trung tâm ấy. Đồng thời, với vị trí chiến lược trọng yếu trên vịnh Bắc Bộ, Hải Phòng còn là đầu cầu chiến lược quân sự, cửa biển quan trọng của Hà Nội và cả miền Bắc. Nhận thấy rõ vị trí quan trọng đó của Hải Phòng, sau chiến tranh thế giới thứ II, hòng xâm chiếm nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã từng bước “lấn tới” đưa quân từ Sài Gòn ra đánh Hải Phòng để từ bàn đạp này đánh chiếm Hà Nội, mở đầu cuộc chiến tranh kéo dài 9 năm trên toàn cõi Đông Dương. Vì vậy, bài viết này muốn làm sáng rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa Hà Nội - Hải Phòng và Hải Phòng - Hà Nội từ khi thực dân Pháp trở lại đặt chân đến Hải Phòng, và cũng là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Hiệp định sơ bộ đến ngày quân Pháp chiếm đóng Thủ đô Hà Nội (17/02/1947).
Ra đời và phát triển kinh tế - văn hoá xã hội đô thị - cảng thời cận đại, thành phố Hải phòng có mối quan hệ chặt chẽ với Thủ đô. Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế- văn hoá của đất nước thì Hải Phòng là lá phổi của trung tâm ấy. Đồng thời, với vị trí chiến lược trọng yếu trên vịnh Bắc Bộ, Hải Phòng còn là đầu cầu chiến lược quân sự, cửa biển quan trọng của Hà Nội và cả miền Bắc. Nhận thấy rõ vị trí quan trọng đó của Hải Phòng, sau chiến tranh thế giới thứ II, hòng xâm chiếm nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã từng bước “lấn tới” đưa quân từ Sài Gòn ra đánh Hải Phòng để từ bàn đạp này đánh chiếm Hà Nội, mở đầu cuộc chiến tranh kéo dài 9 năm trên toàn cõi Đông Dương. Vì vậy, bài viết này muốn làm sáng rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa Hà Nội - Hải Phòng và Hải Phòng - Hà Nội từ khi thực dân Pháp trở lại đặt chân đến Hải Phòng, và cũng là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Hiệp định sơ bộ đến ngày quân Pháp chiếm đóng Thủ đô Hà Nội (17/02/1947).
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Xanhtơny tại Lễ ký kết Hiệp định Sơ bộ,
ngày 6-3-1946.
Thực dân Pháp bị phát xít Nhật đảo chính đêm 09/3/1945, nuốt hận rút khỏi Hà Nội - Hải Phòng và các thị xã, thị trấn miền Bắc, nhưng vẫn nuôi dã tâm trở lại Việt Nam để khai thác bóc lột xứ sở Việt Nam - “con gà vàng đẻ trứng vàng” cho chúng. Vì thế, sau khi cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam DCCH ra đời, nhưng dựa vào những điều khoản trong Hiệp ước Pôtxdam (tháng 7/1945), ngay từ cuối tháng 8/1945, đại diện phái bộ Pháp - Xanh tơ ni đã từ Côn Minh đến Hà Nội. Ngày 23/9/1945, Nam bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lửa chiến tranh đã bùng lên từ phía Nam, sau đó, chúng thực hiện kế hoạch đưa quân từ Sài Gòn ra Hải Phòng. Ngày 28/2/1946, Pháp và Tưởng ký Hiệp ước Pháp - Hoa. Theo Hiệp ước này, Pháp đưa quân ra miền Bắc thay thế quân Tưởng dưới danh nghĩa quân Đồng Minh. Pháp trả cho Tưởng các tô giới của Pháp trên đất Trung Quốc và đường xe lửa Vân Nam, miễn thuế hàng hoá của Tưởng nhập qua cảng Hải Phòng. Trong khi đó, tại Pháp, Bộ tham mưu đã thảo kế hoạch đổ bộ xuống cảng Hải Phòng và nhảy dù xuống Hà Nội, cứu 5.000 quân Pháp trong Thành (Citadelle). 7 ngày sau, ngày 05/3/1946, hạm đội Pháp tiến vào cảng Hải Phòng. Sáng 6/3/1946, xung đột quân đội của Pháp và Tưởng nổ ra trên cửa sống Cấm thì chiều cùng ngày, tại Ấu trĩ viên (nay thuộc Cung thiếu nhi Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với đại diện Pháp Hiệp định Sơ bộ để ta có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Ngay tối 6/3, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Quân uỷ hội Trung ương dẫn đầu phái đoàn Chính phủ xuống Hải Phòng, nói rõ cho nhân dân hiểu ý nghĩa của việc ký Hiệp định Sơ bộ. Sáng 7/3, tại cuộc mít tinh trên quảng trường Nhà hát lớn Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với đồng bào về tình thế đất nước khi quân đội Pháp đang đóng ở Hải Phòng. Người khuyên đồng bào sáng suốt, bình tĩnh, không mắc mưu lừa bịp của bọn tay sai phản động, thực hiện tốt chủ trương “Hoà đế tiến” của Trung ương Đảng. Ngày 18/3/1946, 1.200 quân Pháp thuộc sư đoàn bộ binh 9èDIC và sư đoàn thiết giáp 2èDIC do tướng Lơ-clec, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương dẫn đầu, từ Hải Phòng lên Hà Nội và chỉ được đóng ở vị trí đã quy định trong Hiệp định Sơ bộ. Nhưng thực dân Pháp liên tiếp vi phạm Hiệp định, chiếm đóng trái phép các vị trí quan trọng ở hai thành phố như Sở Tài chính (nay là Bộ Ngoại giao) ở Hà Nội; nhà máy chai, nhà máy bát, Ngân hàng Pháp - Hoa, Sở thuế quan ở Hải Phòng. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, làn sóng đấu tranh chính trị rộng lớn của nhân dân hai thành phố đã bùng lên, phản đối Pháp vi phạm chủ quyền nước Việt Nam. Ngày 29/3/1946, nhân dân Hà Nội tổng bãi công, bãi thị, bãi khoá bất hợp tác toàn diện với Pháp. Tháng 4, nhân dân Hà Nội ủng hộ công nhân Hải Phòng đấu tranh, trong đó quyết liệt nhất là cuộc bãi công của công dân hãng dầu Shell phản đối chủ đuổi thợ, kéo dài từ 19/4 đến 6/5. Ban công vận của Thành uỷ Hà Nội và Ban công vận xứ đã vận động công nhân các nhà máy, viên chức, trí thức các sở quyên góp ủng hộ công nhân, hãng dầu Shell(1); đồng thời viết thư gửi chủ hãng dầu:“Toàn thể công nhân Hà Nội rất bất bình khi được tin ông đã đuổi 15 người thợ ở Sở ông vì họ đã cùng anh em toàn sở tham gia bãi công, bãi thị của dân chúng thành phố Hà Nội…. Chúng tôi cực lực phản đối thái độ của ông, riêng về công nhân, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ cuộc bãi công của anh em sở dầu cho đến khi thắng lợi(2). Được tiếp thêm sức mạnh, làn sóng đấu tranh nhân dân càng dâng cao. Ngày 18/5/1946, toàn thể nhân dân Hải phòng mít tinh, biểu tình, bãi công, bãi thị phản đối Pháp vi phạm Hiệp định Sơ bộ.
Tàu chiến Pháp khiêu khích ở cảng Hải Phòng, ngày 5-3-1946
Không từ bỏ dã tâm xâm lược nên trong khi cuộc đàm phán Việt - Pháp ở hội nghị Phông-ten-nơ-bơ-lô không đi tới giải pháp hoa bình thì ở Hà Nội và Hải Phòng, thực dân Pháp ngày càng trắng trợn, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Nhân dịp lễ Quốc khánh Pháp (14/7) chúng định lợi dụng cuộc diễu binh của quân đội Pháp, đồng thời giật dây bọn tay sai phản động ở Hà Nội hòng đảo chính, lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh nhưng không thành. Âm mưu đen tối của chúng bị các lực lượng công an đập tan ngay từ trong trứng. Cay cú vì thất bại ở Hà Nội, ngày 09/10/1946 quân Pháp cho xe tăng, xe bọc thép bao vây các cơ sở của công an thành phố, cản trở hoạt động của Sở thuế quan ở Hải Phòng hòng thiết lập quyền kiểm sát thuế quan từ 15/10/1946. Làn sóng đấu tranh chính trị của nhân dân Hà Nội lại dâng lên mạnh mẽ, phản đối Pháp chiếm đóng sở thuế quan Hải Phòng. Ngày 14/10, nhân dân Hà Nội tổng bãi công, bãi thị, bãi khoá, lên án thực dân Pháp gây chiến ở Hải Phòng.
Sự kiện Pháp gây chiến ở Sở thuế quan Hải Phòng đánh dấu thời kỳ tạm hoà hoãn với địch để tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng chuẩn bị kháng chiến không còn nữa. Chúng ta phải sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Ngày 19/10/1946, Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng đã đề ra chủ trương, kế hoạch cho cả nước bước vào cuộc kháng chiến. Toàn quốc chia thành 12 chiến khu quân sự. Hà Nội là chiến khu XI, đồng chí Nguyễn Văn Trân làm Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban bảo vệ khu XI. Đồng chí Vương Thừa Vũ làm Chỉ huy trưỏng Mặt trận khu XI. Hải phòng thuộc chiến khu III. Đồng chí Hoàng Tùng, Xứ uỷ viên trực tiếp phụ trách Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Văn Kha là Bí thư Thành uỷ, đồng chí Hoàng Minh Thảo chỉ huy chiến khu III.
Ngày 20/11/1946, quân đội Pháp gây hấn tấn công các vị trí quan trọng trong thành phố Hải Phòng như: Sở thuế quan, Nhà hát lớn, nhà ga, sở bưu điện, nhà máy đèn, nước, uỷ ban hành chính thành phố. Mặc dù đại diện phái đoàn liên kiểm Trung ương Việt - Pháp do đồng chí Hoàng Hữu Nam và đại tá La Mi đến Hải phòng chiều ngày 20/11, sau đó ngày 22/11 hai bên đã thoả thuận “giải quyết ôn hoà sự kiện Hải Phòng tại Hà Nội" nhưng ngay sau đó ngày 23/11, đại tá Đép-bơ, chỉ huy quân dội Pháp ở Hải Phòng đã gửi tối hậu thư buộc các lực lượng vũ trang và tự vệ Hải Phòng phải rút khỏi thành phố vào 9 giờ sáng. 10 giờ sáng, quân Pháp nổ súng tấn công ta. Các lực lượng vũ trang Hải Phòng đánh trả địch quyết liệt. Trưa 23/11, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Bộ đội và tự vệ phải sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng tài sản của ngoại kiều. Chính phủ luôn đứng sát với toàn thể đồng bào để giữ gìn đất nước”. Quân dân Hải Phòng đã chiến đấu hy sinh anh dũng bảo vệ Nhà hát lớn Thành phố, nhà ga, trụ sở Công an xung phong, sân bay Cát Bi, Trại bảo an binh, ngã tư Lạch Tray, An Dương, Cầu Đất, Cầu Niệm, Cầu Rào, Lạc Viên. Bảy ngày chiến đấu anh dũng, quân dân Hải phòng luôn luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ tổng chỉ huy. Trên thực tế việc đánh chiếm Hải Phòng của thực dân Pháp là khởi đầu cuộc chiến tranh xâm lược cuả chủ nghĩa thực dân cũ vào giữa thế kỷ XX, để từ bàn đạp này, chúng tiến dánh Hà Nội, trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của nước Việt Nam DCCH. Do đó, từ 20/11/ đến 18/12/1946, Trung ương Đảng, đứng đầu là Hồ Chủ tịch, vừa chỉ đạo cuộc kháng chiến của quân dân Hải Phòng, vừa chỉ đạo quân dân Thủ đô Hà Nội gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến, đồng thời rút kinh nghiệm chiến đấu còn nóng hổi của Hải Phòng, Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy đã chỉ đạo Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội nghiên cứu, xây dựng thế trận chiến đấu trong Thành phố, để kìm chân địch, giữ được Thành phố ít nhất một tháng. “Kinh nghiệm Hải Phòng chỉ cho ta thấy rất có thể kháng chiến trong thành phố(3) và “Trận chiến đấu anh dũng tại Hải Phòng đã có tác dụng của một cuộc tổng diễn tập thực sự chuẩn bị cho trận đánh kéo dài nhiều ngày ở Thủ đô Hà Nội xảy ra sau đó một tháng(4). Từ cuộc “tổng diễn tập” này của Hải Phòng, Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội có được những bài học quý giá để từ đó, xây dựng thế trận chiến đấu trong thành phố hết sức sáng tạo; các phố cổ sẽ là hạt nhân thu hút và giam chân địch; còn các “phố Tây” và 5 cửa ô có địa hình như bàn cờ, trống trải, sẽ chiến đấu hỗ trợ cho quân ta đang bám trụ theo cách “trong đánh - ngoài vây”, “trong - ngoài cùng đánh’’, làm cho địch bị sa lầy trong cuộc chiến tranh nhân dân trên toàn Thành phố. Thế trận độc đáo này do Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội, mà trực tiếp là đồng chí Vương Thừa Vũ vạch ra, đã được Trung ương Đảng và Tổng chỉ huy phê duyệt.
Sáng 16/12/1946, các tướng lĩnh chỉ huy quân đội Pháp họp ở Hải Phòng phổ biến kế hoạch đánh chiếm Hà Nội và các tỉnh thành phố phía Bắc vĩ tuyến 16. 20 giờ 3 phút ngày 19/12/1946, các lực lượng vũ trang Thủ đô chủ động nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam vì độc lập tự do của Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Quân dân Hà Nội cùng cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược nước ta một lần nữa. Ròng rã suốt từ 19/12/1946 đến đầu tháng 1/1947 trong khi Pháp bị tiêu diệt, ở trong lòng thành phố thì trên đường 5, quân dân Hải Phòng, Hải Dương liên tiếp tấn công địch, làm cho chúng không thể giải toả đường 5 để tiếp viện lên mặt trận Hà Nội.
Đến giữa tháng 1/1947, đánh thông được đường 5, ồ ạt đưa quân từ Hải Phòng lên, địch tập trung lực lượng quyết tiêu diệt lực lượng vũ trang Thủ đô. Những trận tấn công quy mô lớn của chúng trên đường vành đai bao quanh nội thành từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở - Cầu Giấy - Nhật Tân đã diễn ra khốc liệt, hòng kiểm soát thành phố. Sau đó, chúng quay lại tổng công kích và bao vây tiêu diệt Trung đoàn Thủ đô bằng một loạt trận đánh lớn ở các khu phố cổ Hàng Tre, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Thiếc, Hàng Nón, Hàng Bồ, Chợ Đồng Xuân. Đêm 17/2/1947, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao, Trung đoàn Thủ đô đã tiến hành cuộc rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Cuộc chiến đấu 7 ngày trong Thành phố của quân dân Hải Phòng và 60 ngày của quân dân Thủ đô Hà Nội trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là những bản anh hùng ca bất tử của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Những trận chiến đấu oanh liệt ở Nhà hát lớn, Cầu Rào, sân bay Cát Bi của quân dân Hải Phòng, ở Bắc Bộ Phủ, Nhà hát lớn, Giảng Võ, Xô va, Hàng Thiếc, Đồng Xuân của quân dân Hà Nội với gương hy sinh quả cảm của các chiến sỹ sáng mãi ngàn thu.
Ths. Phạm Kim Thanh
Chú thích:
1 Theo báo Cứu quốc số 232, ngày 06/6/1946, công nhân đã Hà Nội đã ủng hộ công nhân Hải Phòng (tính đến 01/5/1946) là : công nhân Đèn Bờ Hồ: 200đ; Hoả xa Hà Nội”: 200đ; Nước đá: 300đ; viên chủ sở Hoả xa Vân Nam: 120đ; Điện Yên Phụ: 92đ; In viễn Đông: 46,8đ; nhà máy nước: 66 đ; Sở Thuỷ tinh Quảng Phú: 3 đ; Sở thuỷ tinh Thanh Đức: 6đ; Sở toàn quyền cũ: 10đ
2 Báo Cứu quốc, số 237, ngày 11/5/1946
3 Trường Chinh: bài đăng trên báo Sự thật, số 66 ngày 07/12/1946.
4 Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử- Nxb Văn học-1977 tr 546