Thứ Ba, 10/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/08/2018 10:51 1694
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tôi trở về Matsue sau hơn 16 năm xa cách. Đó là nơi tôi đã gắn bó trong gần một năm khi lần đầu tiên sang Nhật Bản du học. Từ trong ký ức của tôi, một Matsue cổ kính và quyến rũ chợt đột ngột hiện ra trước mắt, khi chiếc xe bus đêm, khởi hành từ Tokyo về đến ga Matsue vào sáng hôm sau. Tôi và anh bạn Nakamura Masami, quê ở Matsue nhưng đang sống ở Yokohama, có 48 giờ để tìm lại những dấu xưa nơi thành phố thân thương này.

Tôi trở về Matsue sau hơn 16 năm xa cách. Đó là nơi tôi đã gắn bó trong gần một năm khi lần đầu tiên sang Nhật Bản du học. Từ trong ký ức của tôi, một Matsue cổ kính và quyến rũ chợt đột ngột hiện ra trước mắt, khi chiếc xe bus đêm, khởi hành từ Tokyo về đến ga Matsue vào sáng hôm sau. Tôi và anh bạn Nakamura Masami, quê ở Matsue nhưng đang sống ở Yokohama, có 48 giờ để tìm lại những dấu xưa nơi thành phố thân thương này.

Matsue là thủ phủ của tỉnh Shimane ở Trung bộ Nhật Bản. Matsu (松) là cây thông, e (江) là dòng sông. Tên gọi này đã phản ánh đặc điểm của thành phố, được tạo lập bởi một hệ thống sông hồ liên hoàn và những rừng thông hiện diện khắp nơi. Cũng vì thế mà Matsue còn được biết đến dưới cái tên Mizu no Miyako (水の都), nghĩa là “thành phố nước”.

Chúng tôi chọn lâu đài Matsue, một trong những tòa lâu đài cổ đẹp nhất Nhật Bản, để khởi đầu hành trình “theo dấu kỷ niệm” ở Matsue. Khởi công từ năm 1607 theo lệnh của lãnh chúa Horio Yoshiharu, người sáng lập nên Matsue, tòa lâu đài năm tầng làm bằng gỗ được đặt trên một phần móng kiên cố ghép bằng đá tảng, có cấu trúc như một tháp canh, đỉnh tháp là nơi đặt các khẩu pháo, súng bắn đá và cung tên và các lỗ châu mai. Lâu đài Matsue từng là trung tâm quyền lực của dòng họ Horio và là biểu tượng vững chãi của thành phố Matsue trong hơn 500 năm qua.

Lâu đài Matsue hơn 500 năm tuổi

Mùa xuân trên lâu đài Matsue

Từ lâu đài cổ kính này có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Matsue

Ngày nay, lâu đài Matsue là một trong 12 tòa lâu đài nguyên gốc của Nhật Bản, chưa hề bị thời gian hay chiến tranh tàn phá, là nơi bảo lưu những ký ức lịch sử không chỉ của thành phố Matsue mà của cả vùng Trung bộ Nhật Bản. Tòa lâu đài đã trở thành một bảo tàng trưng bày những hiện vật gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này. Tầng trên cùng nay trở thành một vọng cảnh đài, là nơi du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ cảnh quan thành phố Matsue.

Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm với các bushi (võ sĩ) đang “bảo vệ” lâu đài Matsue

Trong khuôn viên lâu đài Matsue còn nhiều nơi rất đáng ghé thăm. Đó là những cung điện cổ vốn là nơi ở của các lãnh chúa; là ba ngôi đền thờ Thần đạo, trong đó ngôi đền Matsue Taisha được cư dân tôn xưng là ngôi đền linh thiêng nhất Matsue.

Nơi đây còn có Bảo tàng Lafcadio Hearn, kiến trúc theo phong cách phương Tây vào cuối thế kỷ 19. Trong những năm 1890 - 1891, Koizumi Yakumo, một giáo viên dạy tiếng Anh và là một nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản, bút danh là Lafcadio Hearn, đã đến đây sống, giảng dạy và viết những tác phẩm bằng tiếng Anh để giới thiệu văn hóa Matsue và văn hóa Nhật Bản với thế giới bên ngoài. Lafcadio Hearn đã được người Nhật vinh danh và tòa nhà nơi ông từng cư ngụ đã trở thành bảo tàng danh nhân, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Horikawa, hệ thống hào nước bao quanh lâu đài Matsue, là thủy trình tham quan Matsue rất được du khách

ưa thích

Lâu đài Matsue nhìn từ hiên trà Meimei-an

Bao quanh lâu đài Matsue là hào nước Horikawa có chức năng gia tăng tính phòng thủ của tòa cổ thành. Ngày nay, hào nước đã trở thành tuyến tham quan đường thủy rất được du khách ưa chuộng. Chiếc thuyền 8 chỗ ngồi mà người lái thuyền cũng là một hướng dẫn viên sẽ đưa chúng tôi từ bến thuyền phía nam thành cổ Matsue, đi quanh 4 mặt thành, trước khi nhập vào dòng sông Ohashi để khám phá cảnh quan thành phố Matsue. Ngày còn du học ở đây, tôi đã hai lần tham quan Matsue bằng thuyền để trải nghiệm những đổi thay của cảnh quan ven bờ sông Ohasi khi xuân sang và lúc thu về. Lần này là lần thứ ba là chuyến đi mùa hè, cũng trên thủy trình cũ nhưng cảnh sắc biến chuyển lạ thường.

Du khách đi thăm thành phố Matsue cổ kính trên những chiếc thuyền, với người lái thuyền cũng chính là hướng dẫn viên du lịch

Con thuyền nhỏ đưa chúng tôi len lỏi qua phố xá đông vui, bồng bềnh giữa những cổ tích hàng trăm năm tuổi, chui qua những chiếc cầu đá chênh vênh, rồi cập bến ở đầu kia của thành phố, nơi có một hiên trà cổ kính cho chúng tôi cơ hội chứng kiến nghi lễ hiến trà theo phong cách Trà đạo nổi tiếng của Nhật Bản.

Matsue còn có một danh thắng không thể không ghé thăm. Đó là hồ Shinji, hồ lớn thứ 7 của Nhật Bản, nối liền thành phố Matsue với thành phố Izumo ở phía tây. Hồ có chu vi khoảng 45 km, nổi tiếng khắp Nhật Bản vì phong cảnh ngoạn mục, đặc biệt là lúc hoàng hôn phủ ánh vàng trên mặt hồ, bao trùm cả hòn đảo Yomegashima, nơi có một ngôi đền thần đạo như đang chơi vơi trên sóng nước. Người Nhật đã bình chọn cảnh hoàng hôn trên hồ Shinji là một trong 100 cảnh hoàng hôn tuyệt vời nhất ở đất nước “Mặt trời mọc”. Đó là lúc những sắc màu như đang nhảy múa trên nền trời cuối ngày, được phản chiếu nguyên vẹn trên mặt hồ sóng sánh, tạo nên vẻ đẹp cực kỳ quyến rũ. Còn trong dịp lễ obon (lễ tảo mộ) vào giữa tháng 8 hàng năm, hồ Shinji trở thành nơi trình diễn những màn pháo hoa rực rỡ. Bấy giờ dường như tất cả du khách và người dân Matsue đều đổ về hồ Shinji để chứng kiến những màn pháo hoa đẹp nhất trong năm.

Tượng lãnh chúa Yoshiharu Horio, người ra lệnh xây dựng lâu đài Matsue vào năm 1607

Matsue Taisha, đền thờ Thần đạo trong khuôn viên lâu đài Matsu

Hoàng hôn trên hồ Shinji được tôn vinh là cảnh hoàng hôn đẹp nhất Nhật Bản

Nhưng hồ Shinji không chỉ nổi tiếng bởi cảnh sắc mà còn bởi những sản vật trong lòng hồ được tôn vinh là shinjiko shicchin (7 thứ quý của hồ Shinji). Đó là suzuki (cá vược), unagi (lươn), koi (cá chép), moroge-ebi (tôm moroge), amasagi (cá cơm), shirauo (cá trắng) và shijimi (hến). Bờ phía đông của hồ có nhiều nhà hàng phục vụ các món đặc sản chế biến từ 7 thứ quý này. Với những ai viếng thăm hồ Shinji lần đầu, theo tôi, nên giành thời gian đến đây thưởng thức những đặc sản của hồ Shinji sau khi ngắm cảnh hoàng hôn buông xuống mặt hồ. Bằng không, trước chuyến du hành bằng du thuyền trên mặt hồ vào buổi sáng, hãy gọi điện cho nhà thuyền để đặt trước một bento (suất ăn chuẩn bị sẵn) hội đủ 7 món đặc sản của shinjiko shicchin với giá 5.000 yen. Đó là lúc bạn vừa ngắm những chiếc tàu màu trắng đang đánh bắt cá trên hồ và những ngư dân đang kéo những chiếc dũi tre cào hến dưới lòng hồ, vừa thưởng thức những món ăn còn nguyên vị nước hồ Shinji. Thật là không gì khinh khoái bằng.

Ánh chiều tỏa bóng trên đảo Yomegashima giữa hồ Shinji

Ngư dân Matsue đánh cá trên hồ Shinji-ko

Dòng sông Ohashi uốn lượn giữa lòng thành phố Matsue

Sẽ là thiếu sót khi đã tới Matsue mà không đi tắm onsen (suối nước nóng), bởi đây là nơi có nhiều onsen danh tiếng của Nhật Bản. Trong số đó, Tamatsukuri onsen có cảnh quan đẹp như tranh, được gọi là “phòng tắm của các vị thần”; hay Shinjiko onsen tọa lạc ngay cạnh hồ Shinji, được du khách bình chọn là “suối của thiên đường”…

Những onsen ở Matsue là nơi mà những người thích tắm nước khoáng nóng như chúng tôi không thể bỏ qua. Sau hai ngày rong ruổi khắp các cổ tích và danh thắng ở Matsue, tôi và Nakamura tìm đến Tamatsukuri onsen để thư giãn. Bao mệt mỏi đã tan biến sau hai giờ ngâm mình trong nước khoáng nóng.

Hồ Nakaumi ở phía đông thành phố Matsue

Nghệ thuật đương đại hiện diện trước nhà ga Matsue

Thiếu nữ Matsue trong trang phục kimono truyền thống ở Shinjiko onsen

Tamatsukuri onsen là suối nước nóng lâu đời nhất Nhật Bản

Lối vào một onsen ở Tamatsukuri onsen

Chúng tôi kết thúc hành trình “đi tìm ký ức” ở Matsue của mình bằng bữa ăn tối trong một nhà hàng yaki niku (thịt nướng) cùng các bạn đồng nghiệp một thời của tôi ở Trung tâm nghiên cứu văn hóa cổ đại Shimane. Một cuộc hội ngộ đầm ấm sau 16 năm xa cách giữa Matsue cổ kính và luôn luôn quyến rũ.

TS.Trần Đức Anh Sơn

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6381

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Khám phá văn hóa Asuka

Khám phá văn hóa Asuka

  • 07/08/2018 09:20
  • 3284

Asuka là một thời kỳ trong phân kỳ lịch sử Nhật Bản, trải dài từ năm 538 đến năm 710, đồng thời cũng là tên của vùng đất ở cách cố đô Nara hiện nay khoảng 25 km về phía nam. Asuka từng được vương triều Yamato xây dựng thành trung tâm quyền lực của xứ Phù Tang trong các thế kỷ VI - VII, trước khi Nữ hoàng Genmei cho dời đô về Heijō-kyō (Nara ngày nay) vào năm 710.