Nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2006, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề "Gốm Phù Lãng xưa và nay", giới thiệu các sưu tập hiện vật gốm sành Phù Lãng cổ (tk 17-18) của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và một số nhà sưu tập tư nhân cùng sưu tập chọn lọc của gốm Nhung - một nghệ nhân của làng Phù Lãng sáng tạo .
Nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2006, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề "Gốm Phù Lãng xưa và nay", giới thiệu các sưu tập hiện vật gốm sành Phù Lãng cổ (tk 17-18) của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và một số nhà sưu tập tư nhân cùng sưu tập chọn lọc của gốm Nhung - một nghệ nhân của làng Phù Lãng sáng tạo .
Để giúp bạn đọc hiểu thêm về gốm Phù Lãng, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin thú vị:
Phù Lãng: là một xã thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 60km.
Làng gốm Phù Lãng: là một làng nghề cổ truyền chuyên sản xuất gốm thuộc vùng Kinh Bắc. Làng gốm Phù Lãng được biết đến như là một trong ba trung tâm gốm cổ của vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa (Phù Lãng, Thổ Hà và Bát Tràng).
Lịch sử gốm Phù Lãng: Theo truyền thuyết, ông tổ nghề gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú, sống vào thời nhà Lý. Vào cuối thời Lý, ông được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Trong thời gian này ông học được nghề làm gốm và truyền dạy cho người trong nước. Trước hết, nghề này được truyền vào vùng dân cư hai bên bờ sông Lục Đầu sau đó chuyển về vùng Vạn Kiếp (Hải Dương). Vào khoảng đầu thời nhà Trần (thế kỷ XIII) nghề được truyền đến đất Phù Lãng Trung.
Đặc điểm gốm Phù Lãng: Gốm Phù Lãng nổi tiếng qua hàng trăm năm bởi chất thô trong những sản phẩm với nước men màu vàng da lươn đặc trưng. Từ lâu, gốm Phù Lãng được biết đến với các sản phẩm mang tính gia dụng như: niêu đất, chum, vại, tiểu quách…
Các công đoạn làm gốm Phù lãng kể từ khi tạo hình đến khi đưa sản phẩm vào lò nung đều được làm thủ công. Do vậy, dù cùng một chủng loại, song sản phẩm không hoàn toàn giống nhau, kể cả hình dáng lẫn màu men.
Men gốm Phù Lãng không bóng như men gốm sành trắng Bát Tràng, không đều màu, mà có chỗ đậm, chỗ nhạt, chỗ rạn men, chỗ co men. Đây là đặc trưng làm nổi bật nét đầy đặn, chắc khỏe riêng biệt của sản phẩm gốm sành nâu Phù Lãng.
Cũng như nhiều làng nghề truyền thống của Việt Nam, gốm Phù Lãng cũng trải qua thăng trầm, nhất là thời kỳ 1987- 1992, gốm Phù Lãng phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm nhựa gia dụng. Tuy vậy, người Phù Lãng vẫn duy trì được nghề của làng mình. Và cuối cùng họ đã tìm ra được hướng đi mới cho gốm Phù Lãng đó là gốm mỹ nghệ với đầy đủ các loại hình, kiểu dáng và hoa văn trang trí phong phú, đa dạng. Hình ảnh làng quê và các hoa văn dân gian là đề tài chính cho gốm Phù Lãng. Người thợ gốm Phù Lãng hôm nay hiểu hơn ai hết hồn gốm chính là hồn quê. Họ gửi gắm lòng mình trong từng sản phẩm. Chính trong sự hoài niệm ấy, rất nhiều du khách đã tìm đến Phù Lãng để như thấy được trở về chốn xưa, về với nhà tranh, mái ngói, lũy tre làng…
|
|
Trong trưng bày lần này, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã chọn trưng bày bên cạnh các sản phẩm gốm Phù Lãng cổ như lư hương, bình… là sưu tập chọn lọc gốm mỹ nghệ, tiêu biểu: gốm Nhung, đặng giúp những ai chưa có dịp đến với Phù Lãng có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm này ngay tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Gốm Phù Lãng với những tinh hoa có tự bao đời nay, với sự nhạy bén của các nghệ nhân gốm đương đại, chắc chắn sẽ đưa gốm Phù Lãng lấy lại chỗ đứng trong làng gốm Việt Nam truyền thống, củng cố nét văn hóa dân tộc của gốm Việt Nam với bạn bè thế giới.