Ngôi chùa Báo Ân là một di tích được xây dựng vào thời Trần, nằm ở tả ngạn sông Thiên Đức, nay thuộc địa phận thôn Trung, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, cách trung tâm Thủ đô khoảng gần 20km. Từ Hà Nội, qua cầu Chương Dương, dọc theo đường Nguyễn Văn Cừ, du khách rẽ vào đường Quốc lộ 5, đến Phú Thị tiếp tục rẽ trái sẽ đến Dương Quang, một xã nằm giáp ranh giữa Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.
Ngôi chùa Báo Ân là một di tích được xây dựng vào thời Trần, nằm ở tả ngạn sông Thiên Đức, nay thuộc địa phận thôn Trung, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, cách trung tâm Thủ đô khoảng gần 20km. Từ Hà Nội, qua cầu Chương Dương, dọc theo đường Nguyễn Văn Cừ, du khách rẽ vào đường Quốc lộ 5, đến Phú Thị tiếp tục rẽ trái sẽ đến Dương Quang, một xã nằm giáp ranh giữa Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.
Theo sử sách và truyền thuyết dân gian thì đây là một ngôi chùa lớn, có quan hệ với cuộc đời tu hành của ba vị Tổ sư phái Trúc Lâm thời Trần là vua Trần Nhân Tông, sư Pháp Loa và sư Huyền Quang.
Các tài liệu về lịch sử phật giáo thời Trần như Tam tổ thực lục, Tam tổ hành trạng….đều cho biết chùa Báo Ân liên quan mật thiết đến Thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Tên Báo Ân có nghĩa báo đáp lại 4 ân đức lớn của cha mẹ; của chúng sinh; của vua và Tam bảo (Phật- Pháp- Tăng), một cái tên mang đậm tinh thần và triết lý của Phật giáo thiền. Truyền thuyết dân gian nơi đây cũng kể lại rằng, trước khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi đi tu, quên mình làm đạo, Ngài đã cùng Hoàng hậu qua chùa Báo Ân, nghỉ lại một đêm trước khi lên Yên Tử. Truyền thuyết này có thể phản ánh một sự thực lịch sử như trong Tam tổ thực lục đã ghi. Đó là ngày 15/10 năm Mậu Thân (1308), trong dịp về thăm Công chúa Thiên Thụy bị bệnh nặng, Ngài đã ngủ lại một đêm ở Siêu Loại trên đường từ Thăng Long trở lại Yên Tử. Sau khi Trần Nhân Tông hoá ở Yên Tử, vua Anh Tông đã cho đúc hai pho tượng của Ngài bằng vàng, một pho để chùa Báo Ân, môt pho để ở chùa Vân Yên núi Yên Tử. Ngài đã lập 3 sở giới đàn ở 3 nơi, đó là chùa Chân Giáo trong Hoàng Thành, chùa Báo Ân ở Siêu Loại và chùa Phổ Minh ở Thiên Trường.
Những chi tiết trên đây được chép trong Tam tổ thực lục cho thấy chùa Báo Ân hẳn có quy mô rất lớn và hết sức gắn bó với cuộc đời của vua Trần Nhân Tông, một trong những vị vua để lại nhiều công tích lớn cả trong chính trị và ngoại giao, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến lớn chống quân xâm lược Mông Nguyên vào những năm 1285 và 1287.
Nhưng phải tới Pháp Loa, đệ nhị tổ của Thiền phái Trúc Lâm thì chùa Báo Ân mới thực sự có vị trí quan trọng. Từ chùa Báo Ân có thể bằng đường thuỷ ngược phía Bắc lên Yên Tử, sang Đông đến Côn Sơn- Kiếp Bạc, về Nam đến Thiên Trường. Chính Trần Nhân Tông là người đã đặt pháp danh cho sư Pháp Loa vào năm 1305 và cũng chính Ngài sai Pháp Loa khai đường và trụ trì chùa Báo Ân vào ngày 1 tháng Giêng năm Mậu Thân, niên hiệu Hưng Long 16 (1308). Vua Trần Nhân Tông còn lập sư Pháp Loa làm giảng chủ ở chùa Báo Ân vào năm Hưng Long thứ 14 (1306) và cho sư Huyền Quang, Trúc Lâm đệ tam tổ, làm thị giả. Trong sách Tam tổ thực lục còn ghi năm Hưng Long thứ 21 (1313) sư Pháp Loa đã cho xây dựng lại chùa Báo Ân, mọi phí tổn về vật liệu, thợ thuyền và tiền công đều do nhà nước chu cấp. Vua Trần Anh Tông đích thân đến chùa 3, 4 lần và sai các cấm binh khiêng gỗ, đổ đất. Gần đây, trong quá trình canh tác đã tìm thấy các gạch có niên đại Hưng Long thứ 12 (1304), chứng tỏ cả sử liệu thành văn lẫn cứ liệu hiện vật đều xác nhận vào khoảng cuối thế kỷ 13- đầu thế kỷ 14, chùa Báo Ân rất được các Vua triều Trần chú trọng.
Chùa Báo Ân còn là một trung tâm truyền bá Phật Giáo, là nơi các sư Pháp Loa và Huyền Quang đến giảng kinh. Rằm tháng giêng năm Quý Mão (1303), sau khi vào kinh chầu Vua, sư Huyền Quang đã đến chùa Báo Ân giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm và ngồi thiền định tại chùa. Người nghe có hôm đông đến ngàn người, thường cũng có đến 500- 600 người. Năm Đại Khánh thứ 10 (1323), sư Pháp Loa lại thể theo lời mời của Văn Huệ Vương và Uy Huệ Vương tới chùa Báo Ân để truyền thụ những giới luật Bồ Đề và làm phép tưới dầu cho hai vị Vương đó. những sự kiện được chép từ sách Tam tổ thực lục nói trên cho thấy hoạt động sôi động của một trong những trung tâm Thiền ở ngoại vi Thăng Long vào cuối thế kỷ 13- đầu thế kỷ 14.
|
|
Ngôi chùa Báo Ân hiện nay có quy mô nhỏ bé với bố cục mặt bằng hình chữ Đinh (J), các công trình kiến trúc mới được xây cất gần đây. Nhưng nhân dân trong vùng, đặc biệt là những người già còn nhắc tới ngôi Chùa Cả vốn xưa kia nằm ở gò đất cao phía Tây chùa, có quy mô hoành tráng hơn nhiều. Gò đất này cao hơn khu vực xung quanh từ 0,5-1m, có diện tích khoảng hơn 15.000m2. Đáng tiếc, gần đây, gò đất đã bị khai thác đất, xây lò gạch.
Trong chùa còn lưu lại được 6 tấm bia đá, 1 cây hương đá (Thiên đài), trong đó tấm bia có niên đại sớm nhất là Đức Long năm thứ hai (1629) và muộn nhất là tấm bia Thành Thái năm thứ 11 (1899). Nội dung những tấm bia này ca ngợi ngôi chùa là một danh lam của xứ Kinh Bắc và ghi chép lại những lần trùng tu sửa chữa dưới thời Lê và thời Nguyễn. Trên bề mặt di tích thấy dấu tích của các loại vật liệu, móng kiến trúc và ống thoát nước thời Trần. Trong quá trình canh tác, xây dựng và đào đất làm gạch nhân dân trong vùng đã thu lượm được nhiều vật liệu và trang trí kiến trúc thời Trần, Lê. Sưu tập hiện vật này hiện đang được lưu giữ tại chùa Báo Ân và chùa Sủi do sư Thích Thanh Phương quản lý.
Trong chương trình nghiên cứu khảo cổ học, tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, di tích chùa Báo Ân với những giá trị lịch sử- văn hoá to lớn đã được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam coi là một trọng điểm những và khai quật.
Kỳ sau: Kết quả khai quật di tích chùa Báo Ân (Gia Lâm- Hà Nội)