Thứ Tư, 09/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/06/2023 10:02 1183
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được các vật mẫu “ảo” chất lượng cao dưới dạng 3D, trong đó có những mẫu vật phản ánh sự sống phức tạp tồn tại sớm nhất từ Kỷ Ediacara và Kỷ Cambri cách đây 500 triệu năm.

 

Sáu mô hình kỹ thuật số của các mẫu hóa thạch được quét từ bảo tàng. (Nguồn: Theconversation)
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà nghiên cứu tại Đại học Flinders (Australia) vừa cho ra mắt Bảo tàng Cổ sinh vật học “ảo” (VAMP), trong đó trưng bày hàng trăm mẫu vật hóa thạch có tuổi đời lến đến 600 triệu năm dưới dạng các hình mẫu ba chiều (3D).
Đây là kết quả phối hợp giữa nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Flinders với Bảo tàng Nam Australia, Bảo tàng Tây Australia và Bảo tàng Vùng lãnh thổ Bắc Australia.
Sau nhiều giờ quét, xử lý và tải lên hệ thống hàng trăm mẫu vật có niên đại hàng trăm triệu năm trên lục địa Australia, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được các vật mẫu “ảo” chất lượng cao dưới dạng 3D, trong đó có những mẫu vật phản ánh sự sống phức tạp tồn tại sớm nhất từ Kỷ Ediacara và Kỷ Cambri cách đây khoảng 500 triệu năm trước.
Ngoài ra, nhóm cũng quét hình ảnh và xây dựng mẫu vật 3D chi tiết về rạn san hô đầu tiên của Australia, còn được gọi là “mỏ cá cổ đại phong phú nhất thế giới,” cùng nhiều loài động vật cỡ lớn đã tuyệt chủng chỉ có ở Australia, trong đó có hóa thạch của loài sư tử có túi (Thylacoleo), gấu có túi khổng lồ (Diprotodon) và những con kangaroo mặt ngắn khổng lồ (Sthenurus).
Trong giai đoạn thí điểm của dự án, các nhà nghiên cứu đã số hóa hơn 500 hóa thạch của hơn 30 chi, bao gồm một số mẫu hóa thạch nổi bật như bộ xương của loài sư tử có túi tiền sử gần như hoàn chỉnh nhất thế giới, bộ xương duy nhất được biết đến của một loài thằn lằn bay ở Nam Australia, những con cá mập cổ đại và dấu chân của động vật có vú.
Nhóm nghiên cứu tiết lộ họ đã sử dụng công nghệ hình ảnh Synchrotron và Neutron hiện đại (dùng bức xạ để chụp bên trong vật thể giống như công nghệ chụp cộng hưởng từ, nhưng với bức xạ mạnh hơn nhiều) để chụp và quét các vật thể dày và lớn, nhờ đó có thể quét một cách chính xác các đặc điểm bên trong và bên ngoài của hóa thạch.
Nhóm cho rằng Australia là quốc gia có địa chất lâu đời với di sản hóa thạch dồi dào và những tiến bộ trong công nghệ quét này đang mở ra con đường hoàn toàn mới để khám phá, chia sẻ và phân tích các mẫu hóa thạch độc đáo tại đây. Điều này cho phép việc quan sát hóa thạch theo những cách mới.
Các nhà nghiên cứu cho hay bảo tàng “ảo” sẽ thường xuyên cập nhật các mẫu vật mới và nội dung số này được cung cấp miễn phí để phục vụ cho các nhà nghiên cứu, các nhà giáo dục hoặc cho công chúng./.
Lê Đạt (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn

Chia sẻ: