Israel là quốc gia có số lượng bảo tàng nhiều nhất thế giới tính theo tỷ lệ dân số. Với dân số chưa đầy 10 triệu người nhưng tại quốc gia này đã có hơn 200 bảo tàng khác nhau.
Các bảo tàng thuộc mọi lĩnh vực: lịch sử, tự nhiên, khoa học, nghệ thuật, tới các bảo tàng về quân sự, áp phích, đá quý, đồ thủ công mỹ nghệ..vv..; từ các bảo tàng hiện đại tầm cỡ quốc tế tới các bảo tàng tư nhân mở ngay tại gia đình. Các bảo tàng lớn được nhà nước hỗ trợ về mặt chính sách, tài chính; nhưng các bảo tàng tư nhân đều phải tự lo chi phí và hoạt động rất hiệu quả. Vậy điều gì tạo nên sự hấp dẫn của các bảo tàng ở Israel?
Nhân ngày Bảo tàng Quốc tế năm nay (18/5), phóng viên TTXVN có cuộc trò chuyện với bà Raz Samira, Chủ tịch Hội đồng Bảo tàng Quốc tế tại Israel.
Bà Raz Samira, Chủ tịch Hội đồng Bảo tàng Quốc tế tại Israel, trả lời phỏng vấn phóng viên. Ảnh: Văn Ứng
Xin cảm ơn bà Raz Samira đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Câu hỏi đầu tiên là tại Israel hiện có bao nhiêu bảo tàng và chúng hoạt động trong những lĩnh vực gì?
Ở Israel có 54 bảo tàng được công nhận chính thức và hơn 200 bảo tàng khác đăng ký hoạt động với Hội đồng Bảo tàng Quốc tế tại Israel(ICOM Israel), đó là một số lượng rất lớn và rất đa dạng. Bảo tàng Israel và Bảo tàng Tel Aviv luôn nằm trong số 150 các bảo tàng có số khách viếng thăm nhiều nhất thế giới. Hai bảo tàng này mỗi bảo tàng thu hút từ 1-1,5 triệu lượt khách tới thăm hằng năm, đó là một con số rất lớn so với dân số gần 10 triệu người Israel.
Tính chung trên toàn Israel, tôi ước tính mỗi năm có khoảng 3 triệu lượt khách viếng thăm. Khách đến từ nhiều xã hội khác nhau, từ các cộng đồng Arab, tôn giáo đến những khách từ các vùng lân cận. Tuy nhiên, lượng du khách thay đổi hàng năm tùy theo chương trình trưng bày được giới thiệu trước đó. Trước dịch bệnh COVID-19, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu lượt khách tới thăm. Đối với các bảo tàng nhỏ hơn thì đón từ 200.000-600.000 lượt khách mỗi năm.
Tại sao Israel lại có nhiều bảo tàng như vậy?
Chúng tôi có rất nhiều bảo tàng bởi chúng tôi có nhiều di sản văn hóa và mỗi lĩnh vực lại có những bảo tàng tương ứng, Chúng tôi lịch sử trải dài và đa dạng, vì thế chúng tôi có các bảo tàng lịch sử và bảo tàng khảo cổ. Chúng tôi cũng có nhiều bảo tàng tư nhân do các gia đình lập ra như bảo tàng Ben Gurion, bảo tàng Goodman, bảo tàng Bialik House… Sự đa dạng của các bảo tàng khác nhau chứng tỏ người dân Israel quan tâm tới văn hóa và vai trò quan trọng của bảo tàng đối với gìn giữ văn hóa. Đất nước chúng tôi có rất nhiều vấn đề bất ổn về an ninh, nên bảo tàng được coi là một nơi để tìm kiếm sự yên bình. Bảo tàng cũng được coi là một địa điểm cho giáo dục, nơi các gia đình đưa con em tới với mục đích giáo dục. Tất cả các yếu tố trên đã tạo ra động lực phát triển cho các bảo tàng ở Israel.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có các bảo tàng thành lập ở các hợp tác xã nông nghiệp (Kibutz). Thậm chí có những bảo tàng ra đời trước khi đất nước tuyên bố độc lập vào năm 1948, như Bảo tàng Nghệ thuật Tel Aviv và một số bảo tàng ở Jerusalem. Chúng tôi có nhiều bảo tàng là bởi nhu cầu của chính mảnh đất này. Ngoài ra, nhiều nhà tài trợ nước ngoài đề nghị thành lập bảo tàng. Ví dụ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Steinhardt, đó là một bảo tàng tư nhân thành lập trong trường Đại học Tel Aviv. Nhiều tổ chức khác nhau muốn có bảo tàng của riêng mình. Chúng tôi cũng là quốc gia duy nhất có bảo tàng thuộc quân đội. Tất cả điều đó đã tạo ra sự đa dạng cho lịch sử và bảo tàng của Israel.
Trong thời gian đại dịch COVID-19, nhiều bảo tàng đã bị ảnh hưởng hoạt động do lượng khách sụt giảm. Giờ đây khi xã hội mở cửa trở lại, các bảo tàng tại Israel đã có những thay đổi như thế nào?
Trong thời gian COVID-19 các bảo tàng không dừng hoạt động hoàn toàn. Họ vẫn hoạt động trên nền tảng số và các mạng xã hội. Hầu hết các bảo tàng đều hoạt động trên Facebook, Istagram, Tik Tok. Chúng tôi tổ chức các cuộc hội thảo, các hoạt động trực tuyến, mở các lớp học cho trẻ em và người lớn tuổi. Sau thời gian COVID-19, chúng tôi mở cửa đón công chúng theo từng nhóm nhỏ và tăng dần số lượng. Ngoài ra, chúng tôi cung cấp dịch vụ hướng dẫn viên, cho thuê hội trường tổ chức các cuộc hội thảo, biểu diễn nghệ thuật, hòa nhạc. Tất cả những nỗ lực này đều nhằm đưa khán giả trở lại với bảo tàng.
Làm thế nào để các bảo tàng có đủ ngân sách hoạt động?
Tài chính luôn là một vấn đề với các bảo tàng ở Israel. Tuy nhiên, chúng tôi tồn tại được bởi có rất nhiều nhà tài trợ hào phóng từ nước ngoài. Bên cạnh đó, chúng tôi có nguồn thu từ các hoạt động như dịch vụ hướng dẫn viên, cho thuê hội trường phục vụ các sự kiện đông người. Dịch vụ này tạo nguồn thu rất nhiều. Chúng tôi cũng nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ và chính quyền các thành phố. Chẳng hạn, các bảo tàng không phải trả thuế nhà đất và nhiều loại thuế tương tự.
Tuy nhiên, ngân sách nhà nước dành cho bảo tàng đã lâu không được tăng và chúng tôi đang vận động để nguồn tài trợ này chiếm khoảng 10%. Việc tài trợ là bắt buộc theo luật về bảo tàng, ra đời năm 1983, theo đó nhà nước có trách nhiệm bảo tồn các vật thể di sản văn hóa và lịch sử. Nhà nước hỗ trợ các bảo tàng về bảo vệ, an ninh, đăng ký, phục chế di vật, khảo cổ… Nhiều bảo tàng áp dụng chính sách miễn phí vé vào cửa với một số đối tượng như học sinh, người tàn tật, đồng thời giảm giá cho các đối tượng khác như sinh viên, người lớn tuổi, quân nhân.
Các bảo tàng tư nhân không nhận được hỗ trợ của chính phủ. Nhiều bảo tàng do các gia đình tự lập ra, như bảo tàng Uri Geller ở Jaffa, Ralli ở thành phố Ceasarea, tồn tại được là nhờ chủ nhân có tiềm lực tài chính từ các nguồn thu khác. Tuy nhiên, nguồn thu từ bán vé vào cửa cũng rất lớn, do người dân Israel rất quan tâm tới lịch sử của đất nước. Như đã nói, hoàn cảnh cuộc sống ở đây rất căng thẳng, họ coi bảo tàng là một nơi để thư giãn, để tìm kiếm một giai điệu khác của cuộc sống. Nhiều bảo tàng luôn đông kín người vào ngày cuối tuần, bởi cả gia đình đưa nhau tới bảo tàng.
Trong thời đại kỷ nguyên số, nhiều bảo tàng đã có sự chuyển đổi rất lớn. Các biện pháp thay đổi đó là gì, thưa bà?
Israel là một quốc gia khởi nghiệp, bạn biết đấy, nên chúng tôi có rất nhiều cách để tích hợp công nghệ vào trình diễn bảo tàng. Ví dụ như chúng ta đang ngồi ở bảo tàng Lịch sử người Do Thái, có thể thấy rất nhiều hoạt động được thực hiện qua máy tính hoặc máy tính bảng, có một ứng dụng để bạn truy cập từ điện thoại thông minh. Tôi cho rằng điều này là quan trọng bởi vì chúng ta đang ở trong kỷ nguyên mới, là một thời kỳ mới hướng tới phục vụ đối tượng trẻ. Vì thế chúng tôi đã hợp tác với rất nhiều doanh nghiệp nhằm phát triển những phương thức trưng bày khác nhau. Nhiều khi chúng ta không có vật thể, không có người hướng dẫn và cũng không thể hiểu được toàn bộ câu chuyện, vì thế chúng ta cần tìm một cách khác để giới thiệu. Và chúng tôi có rất nhiều ý tưởng để thực hiện điều đó. Nếu bạn vào trong khu trưng bày ở tầng trên, bạn sẽ thấy rất nhiều điều thú vị, không chỉ là trình chiếu các video, mà bạn có thể thấy du khách có thể tương tác với các hoạt động trưng bày của chúng tôi thông qua các thiết bị công nghệ.
ICOM Israel có vai trò gì trong việc thúc đẩy hoạt động của các bảo tàng?
Sứ mệnh của chúng tôi là giúp cho các bảo tàng hoạt đồng ngày một trở nên chuyên nghiệp hơn. Chúng tôi tổ chức rất nhiều hoạt động như các cuộc hội thảo, nói chuyện, bài giảng kết nối với người dân Israel và các nước khác để chia sẻ ý tưởng, nâng cao nhận thức cho công chúng về bảo tàng. Chúng tôi cũng hỗ trợ miễn phí các bảo tàng về mặt pháp lý liên quan đến chuyên môn. Với khoảng 1.070 thành viên, ICOM Israel tổ chức hội nghị hàng năm và nhiều cuộc hội thảo chuyên ngành. ICOM Israel cũng chủ động kết nối với cộng đồng bảo tàng thế giới. ICOM Israel chia hoạt động theo các nhóm chuyên môn, có 8 nhóm như vậy phân theo các lĩnh vực như như quản lý bảo tàng, chuyển đổi số, giáo dục… Tất cả các hoạt động này đều hướng tới xây dựng một cộng đồng bảo tàng mạnh, nơi những người làm nghề luôn cảm thấy tự hào.
Xin cảm ơn bà!
Dưới đây là những hình ảnh về các bảo tàng tại Israel:
Bảo tàng ANU Lịch sử người Do Thái tại thành phố Tel Aviv. Ảnh: Vũ Hội
Bên trong bảo tàng Lịch sử người Do Thái. Ảnh: Guy Yechiely
Trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tại bảo tàng thuộc Trung tâm Hòa bình và Đổi mới Simon Peres. Ảnh: Vũ Hội
Người dân Israel quan tâm tới bảo tàng. Ảnh: Guy Yechiely
Bên trong bảo tàng Tưởng niệm nạn nhân Holocaust. Ảnh: Vũ Hội
Bên trong bảo tàng Tưởng niệm nạn nhân Holocaust. Ảnh: Vũ Hội
Vũ Hội - Văn Ứng (P/v TTXVN tại Tel Aviv)