Bên cạnh những mất mát nặng nề mà người dân Ukraine đang phải hứng chịu, thế giới cũng đặc biệt lo ngại về số phận các di sản văn hóa của đất nước này trước cảnh chiến tranh leo thang.
Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở thủ đô Kyiv hiện vẫn lưu giữ nhiều mẫu vật “vô giá” của nền văn minh thuở sơ khai. Trong số đó có túp lều dựng từ bộ xương voi ma mút với niên đại gần 15.000 năm – tức vào Thời Đồ đá (Paleolithic)1. Tiếp đến là tấm che ngực của người Scythia2 – được tìm thấy trong một gò mộ cổ mang tên Tovsta Mohyla, có niên đại từ thế kỷ thứ IV TCN; nó được chế tác bằng vàng 24 carat, nặng 1,15kg với những họa tiết tinh xảo hình động vật và miêu tả cảnh sinh hoạt đời thường.
Trung tâm thành phố Kyiv. Ảnh: Shutterstock.
Kyiv còn có Bảo tàng Kho báu Lịch sử Ukraine thuộc quần thể Tu viện các Hang động – được xây dựng từ thế kỷ thứ XI với những hành lang và nhà nguyện bên dưới lòng đất, cùng với khu thánh đường và các tòa nhà mang kiến trúc tiêu biểu từ thời Trung cổ đến hiện đại. Đây là một trong những chốn linh thiêng nhất Đông Âu và di sản thế giới do UNESCO công nhận.
Tu viện Các hang động tại Kyiv. Ảnh: Shutterstock.
Một di sản thế giới khác và là viên ngọc quý của Kyiv – nhà thờ Thánh Sophia cũng được xây dựng vào thế kỷ XI – đã làm mê mẩn vô số du khách với phần mái vòm dát vàng cùng các bức khảm nhiều màu sắc những vị thánh và thiên thần. Ngoài ra còn có nhà thờ Thánh Cyril – được xây dựng vào thế kỷ XII với các bức bích họa trang trí độc đáo mang phong cách Trung cổ, và tác phẩm của một số nghệ sĩ hàng đầu thuộc trường phái biểu tượng thế kỷ XIX; gần đó là Babyn Yar – một ngôi mộ tập thể rất lớn gắn liền với những tội ác của Đức Quốc xã.
Kyiv cũng là quê hương của rất nhiều nghệ sĩ, văn hào và thi hào Ukraine vĩ đại, trong đó có Taras Shevchenko (1814 – 1861) – người đã chọc giận Nga Hoàng vì cổ vũ việc phổ biến ngôn ngữ cùng nền độc lập cho Ukraine. Nhà của ông về sau đã được chính quyền thành phố trưng dụng làm viện bảo tàng và mở cửa cho du khách tham quan.
Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Kyiv hiện đang cất giữ nhiều mẫu vật vô giá – các bức họa tôn giáo từ thời Trung cổ3 và Baroque4, chân dung của những nhân vật lịch sử, các nhà lãnh đạo Cossack5, những nghệ sĩ hàng đầu thế kỷ XVIII như Volodymyr Borovykovskyi (1757 – 1825),... và một số tác phẩm tiêu biểu theo xu hướng avant garde (chủ nghĩa tiền vệ) – phần lớn đã bị thất lạc hoặc phá hủy trong thập niên 1930, dưới thời Liên Xô.
Bản sắc văn hóa Ukraine tất nhiên sẽ không chỉ giới hạn ở thủ đô Kyiv. Bán đảo Crimea tự hào vì còn giữ được nhiều dấu tích các thành phố mang phong cách Hy Lạp và La Mã cổ đại, cùng những pháo đài Trung cổ của người Genova6. Bên cạnh đó là nền văn hóa Tartar7 phong phú, được thể hiện qua các kiến trúc cung điện và nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Bakhchysarai – miền trung Crimea, từng là thủ đô của Hãn quốc Krym hùng mạnh.
Thành phố Lviv ở miền Tây Ukraine, trong quá khứ từng thuộc về Ba Lan. Ảnh: Shutterstock.
Tại miền Đông và Trung Ukraine, những dinh thự mang phong cách Baroque và Tân cổ điển là tàn tích còn sót lại của nhà nước Cossack Hetmanate (tồn tại trong giai đoạn 1648 – 1764) – tiền thân của Ukraine ngày nay. Chúng là sự kết hợp giữa xu hướng kiến trúc nghệ thuật Tây Âu với truyền thống bản địa để tạo thành phong cách Baroque Cossack hết sức độc đáo.
Các pháo đài sừng sững nằm dọc theo triền sông dốc, bên cạnh những cung điện tráng lệ và điền trang mênh mông là nét đặc trưng của cảnh quan miền Tây Ukraine, nơi giao thoa giữa các nền văn hóa: Ukraine, Ba Lan, Ottoman, Armenia, Hy Lạp,... Thành phố Lviv, trung tâm văn hóa lịch sử của vùng (di sản UNESCO), cũng lại là một viên ngọc quý nữa của Ukraine, châu Âu và cả thế giới. Phần lớn địa thế của thành phố – được quy hoạch từ thời Trung cổ – hiện vẫn còn nguyên vẹn, với những quảng trường Phục Hưng, các kiến trúc Baroque phức tạp và những đường cong uốn lượn trên các tòa nhà Art Nouveau (trường phái Tân Nghệ thuật)8.
Trong bối cảnh loạn lạc hiện nay, người dân Ukraine vẫn đang không ngừng kêu gọi và tri ân các nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa của đất nước trên mạng xã hội. “Chúng tôi rất vui mừng vì điều đó. Xin cảm ơn tất cả vì những đóng góp, công sức và tiền bạc cho sứ mệnh cao cả này, trong tình yêu vô hạn đối với đất nước Ukraine,” một bài đăng trên mạng xã hội viết.
Nguồn: The Conversation, Amusing Planet
Hải Đăng