Thứ Ba, 25/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

14/02/2025 10:46 4437
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trân trọng tiếp nhận tác phẩm “Chân dung họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung” do gia đình hoạ sĩ, nhà điêu khắc Trần Tuy trao tặng, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh bày tỏ, đây là sự kiện vô cùng ý nghĩa đối với Bảo tàng.

 

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp nhận tác phẩm "Chân dung họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung" do gia đình họa sĩ, nhà điêu khắc Trần Tuy trao tặng
Ông Minh cho biết, tượng chân dung về vị Giám đốc đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam- họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung sẽ được lưu giữ, phát huy giá trị, tạo sức lan tỏa và thể hiện lòng tri ân các nghệ sĩ tiền bối đã đóng góp nhiều công sức, tâm huyết để xây dựng nền móng của Bảo tàng.
Lễ tiếp nhận tác phẩm “Chân dung họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung” do gia đình hoạ sĩ, nhà điêu khắc Trần Tuy trao tặng đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trang trọng tổ chức sáng nay 13.2.
Tác phẩm “Chân dung hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung” là bức tượng bán thân được nhà điêu khắc tên tuổi của nền mỹ thuật Việt Nam Trần Tuy sáng tác năm 2003, bằng chất liệu thạch cao. Bức tượng cao 61cm, chiều ngang 34 cm, sâu 26 cm. Bức tượng được sơn phủ một lớp sơn vàng sẫm. 
Các chuyên gia của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, tác phẩm được nhà điêu khắc Trần Tuy sáng tác bằng đất và đổ khuôn thạch cao, hoàn thiện bằng một lớp sơn màu vàng sẫm, theo phong cách thường thấy ở các tác phẩm tượng chân dung phương Tây thế kỷ 18, gần gũi với chủ nghĩa hiện thực và chân thực, nhấn mạnh  cá tính, tính cách của chân dung nhân vật được tạc tượng. 
 
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh đây là sự kiện vô cùng ý nghĩa đối với Bảo tàng
Điều ý nghĩa là đối với nhà điêu khắc Trần Tuy, hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung không chỉ là người thủ trưởng đầu tiên, mà còn là người thầy có ảnh hưởng sâu sắc, dìu dắt những bước đi đầu tiên trên con đường hoạt động nghệ thuật của tác giả. 
Với những gắn bó, nhà điêu khắc Trần Tuy luôn ấp ủ sáng tác bức tượng chân dung hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung, như một sự thể hiện sự tri ân, tấm lòng mến mộ và tôn vinh ông. 
Tác phẩm được nhà điêu khắc Trần Tuy sáng tác nhân hưởng ứng cuộc thi của Hội Mỹ thuật Việt Nam về các nhân vật lịch sử của ngành. Tâm huyết, tình cảm và tài năng đã khiến nhà điêu khắc Trần Tuy hiện thực hoá niềm mong mỏi của mình bằng bức tượng “Chân dung hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung”. Ông mong muốn tác phẩm sẽ đưa hình tượng người thầy sống mãi cùng thời gian. 
 
Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Anh Minh cho biết, bản thân ông và các cán bộ Bảo tàng đều rất trân trọng tình cảm và nghĩa cử cao đẹp của gia đình nhà điêu khắc Trần Tuy.
Sinh thời, tác giả Trần Tuy từng chia sẻ, ông muốn làm tượng chân dung của người thầy, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung trong một tinh thần vừa chân thực, vừa nghệ thuật. Ở đó gửi gắm sự suy tư, phong thái nền nã mà vẫn đảm bảo giữ được nét tính cách hoà nhã, hiền lành và lãng mạn của một người con Hà Nội.  
Hoạ sĩ, nhà điêu khắc Trần Tuy sinh năm 1942, mất năm 2019. Ông tốt nghiệp Khoa Điêu khắc Trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội khóa I (1959 - 1963) và Đại học Mỹ thuật Hà Nội. 
Công tác ở nhiều cơ quan như: Viện Bảo tàng Mỹ thuật (1963 - 1972), Viện Mỹ thuật, Tạp chí Nghiên cứu Văn hoá – Nghệ thuật (1972-1993), từ năm 1993, Nhà điêu khắc Trần Tuy làm Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật và Phó Giám đốc Nhà xuất bản Mỹ thuật đến khi nghỉ hưu năm 2002.
Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, ở lĩnh vực tượng đài và điêu khắc, nhà điêu khắc Trần Tuy đã để lại những dấu ấn sáng tạo với phong cách vừa hiện đại vừa đậm bản sắc, kế thừa và phát huy nghệ thuật điêu khắc truyền thống của Việt Nam.
 
Ông Nguyễn Anh Minh trao tặng Giấy chứng nhận tiếp nhận tác phẩm đến phu nhân nhà điêu khắc Trần Tuy, bà An Thị Lộc
Ông cũng là một nhà báo, một nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình mỹ thuật. Bên cạnh việc tuyển chọn, biên tập báo chí mỹ thuật, ông viết nhiều bài báo về mỹ thuật mang văn phong riêng, vừa chuẩn xác, tin cậy, vừa bay bổng, hóm hỉnh. 
Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa V; Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Chuyên ngành Điêu khắc khóa IV; Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Điêu khắc, Phó trưởng ngành Ban Chuyên ngành Điêu khắc khóa III.
Với những dấu ấn và thành công có được, nhà điêu khắc Trần Tuy từng được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam và nhiều danh hiệu, bằng khen của các cơ quan, tổ chức khác.
Bày tỏ cảm xúc trong buổi lễ ấm áp, thân tình, con trai nhà điêu khắc Trần Tuy, ông Trần Nhất Hoàng, hiện là Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) chia sẻ: “Gia đình vô cùng vui mừng, vinh dự và trân trọng khi được trao tặng tác phẩm nghệ thuật của cha chúng tôi cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Điều này vô cùng ý nghĩa về giá trị của tính lan tỏa, kết nối, sự tri ân và biết ơn khi tác phẩm của ông sẽ được Bảo tàng gìn giữ, phát huy, đưa đến công chúng. 
 
Ông Nguyễn Anh Minh bày tỏ sự biết ơn trước nghĩa cử cao đẹp của gia đình nhà điêu khắc Trần Tuy
Đây là sự kiện quan trọng, có tính lịch sử với gia đình. Chúng tôi từ những ngày còn bé đã rất gắn bó với Bảo tàng, sau này chị gái tôi cũng công tác tại đây. Vì thế, việc trao tặng tác phẩm của cha là tình cảm của gia đình gửi tới Bảo tàng, với mong được đóng góp một phần công sức”.
Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Anh Minh cho biết, bản thân ông và các cán bộ Bảo tàng đều rất trân trọng tình cảm và nghĩa cử cao đẹp của gia đình nhà điêu khắc Trần Tuy. 
Ông Nguyễn Anh Minh khẳng định, bức tượng “Chân dung hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung” được trao tặng cho Bảo tàng là điều vô cùng ý nghĩa. Bởi họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung là Giám đốc đầu tiên, cũng là người có công rất lớn trong việc xây dựng nền móng cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
“Được biết nhà điêu khắc Trần Tuy có bức tượng chân dung hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung rất đẹp với đường nét, thần thái sống động, Bảo tàng mong muốn có được tác phẩm đó trong sưu tập của mình. Vì vậy, khi nhận được tin gia đình hoạ sĩ, nhà điêu khắc Trần Tuy ngỏ ý muốn tặng tác phẩm cho Bảo tàng, các cán bộ rất phấn khởi…”, ông Nguyễn Anh Minh cho biết.
Nhà điêu khắc Trần Tuy là nghệ sĩ nổi tiếng, ông đã cùng những thế hệ đầu tiên xây bảo tàng. Trong các thiết kế của bảo tàng đều có dấu ấn của nhà điêu khắc Trần Tuy, nhiều thế hệ sau này đều biết ơn ông, bởi sự đóng góp của ông với Bảo tàng. 
 
 Các cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và gia đình nhà điêu khắc Trần Tuy chụp ảnh bên tác phẩm của ông- "Chân dung họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung" (Giám đốc đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) trưng bày tại Bảo tàng
Ông Nguyễn Anh Minh cam kết, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ lưu giữ, phát huy tốt nhất giá trị tác phẩm trong thời gian tới, để các thế hệ mai sau cũng như đông đảo du khách luôn luôn nhớ đến, biết ơn nhà điêu khắc Trần Tuy và hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung. Việc làm ý nghĩa này cũng góp phần quan trọng, làm giàu có hơn kho tàng hiện vật vô giá mà Bảo tàng đang lưu giữ, phát huy giá trị.
“Trong thời gian qua, công tác sưu tầm các tác phẩm mỹ thuật của Bảo tàng vẫn còn nhiều khó khăn, do hạn chế về kinh phí. Tuy nhiên, hằng năm Bảo tàng đều tổ chức nghiên cứu và sưu tầm tác phẩm nghệ thuật để bổ sung vào các sưu tập. Những tấm lòng hảo tâm, tình cảm cao đẹp của các họa sĩ và gia đình, các nhà sưu tập là món quà qu‎ý giá mà chúng tôi, thế hệ cán bộ của Bảo tàng hôm nay vô cùng trân quý”, ông Nguyễn Anh Minh chia sẻ.
Giám đốc Bảo tàng bày tỏ mong muốn và kêu gọi các họa sĩ, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm, doanh nghiệp… tiếp tục ủng hộ, đóng góp cho công tác sưu tầm, hiến tặng bảo tàng những tác phẩm có giá trị.
 “Việc nhân lên những giá trị của bộ sưu tập, với nhiều hơn nữa tác phẩm mỹ thuật đặc sắc sẽ giúp Bảo tàng có thêm cơ hội để kết nối, phát huy, để các thế hệ sau được thưởng lãm các tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc cũng như thông điệp nhân văn, ý nghĩa mà các thế hệ cha ông gửi gắm”, ông Minh nhấn mạnh.

PHƯƠNG ANH 

https://baovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3670

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Hơn 200 tài liệu, hiện vật đặc biệt tại triển lãm “Đảng Cộng sản Việt Nam - 95 năm đồng hành cùng dân tộc”

Hơn 200 tài liệu, hiện vật đặc biệt tại triển lãm “Đảng Cộng sản Việt Nam - 95 năm đồng hành cùng dân tộc”

  • 22/01/2025 13:05
  • 4136

Ngày 21.1.2025, triển lãm “Đảng Cộng sản Việt Nam - 95 năm đồng hành cùng dân tộc” đã khai mạc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Triển lãm do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL chỉ đạo, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy dự và cắt băng khai mạc.