Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

13/11/2024 13:00 185
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngày 12/11/2024, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Lễ tiếp nhận tác phẩm hội họa "Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)" của vua Hàm Nghi và ra mắt cuốn sách ra mắt sách "Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger" của Tiến sỹ Amandine Dabat.

Tham dự lễ tiếp nhận có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương.

Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết: Tác phẩm "Những sườn đồi ở Deli Ibrahim" (Algiers) do Tiến sỹ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi, thay mặt gia đình vua Hàm Nghi hiến tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một món quà vô giá, một nghĩa cử cao đẹp dành cho Bảo tàng.
 
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương trao kỷ niệm chương của Bộ VHTTDL cho TS Amandine Dabat
Theo ông Nguyễn Anh Minh, việc tiếp nhận và trưng bày bức tranh có ý nghĩa rất lớn đối với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói riêng và với nền mỹ thuật Việt Nam nói chung. Điều đó thể hiện thái độ trân trọng và ghi nhận nghĩa cử của gia đình vua Hàm Nghi hồi hương tác phẩm hội họa của nhà vua yêu nước, đồng thời tôn vinh những tấm lòng hảo tâm hiến tặng tác phẩm nghệ thuật cho Bảo tàng. Tác phẩm "Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)" không chỉ bổ sung, làm giàu thêm cho bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mà còn là nguồn tư liệu quý giá cho những nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật cận - hiện đại Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Tiến sỹ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi, là Tiến sỹ Lịch sử nghệ thuật (Đại học Sorbonne), Thạc sỹ Việt Nam học (Đại học Paris 7-Diderot). Năm 2015, bà bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp (tại Paris) với đề tài liên quan đến vua Hàm Nghi: "Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong- Nghệ sỹ ở Alger". Tại buổi lễ, Tiến sỹ Amandine Dabat chia sẻ: Vua Hàm Nghi đã trở thành họa sỹ và nhà điêu khắc trong suốt thời gian lưu đày tại Alger. Những tác phẩm đầu tiên của ông, từ năm 1889, đã đưa ông trở thành họa sỹ hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Luận án tiến sỹ mà bà đã dành để nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của ông, nay đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt, đã chính thức ghi danh ông vào lịch sử của ngành nghệ thuật Việt Nam.
 
TS Amandine Dabat trao giấy chứng nhận bức tranh cho ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại sự kiện sáng 12/11
Tiến sỹ Amandine Dabat cho biết: "Ngay sau khi bà bảo vệ luận án tiến sỹ của mình, Bảo tàng Cernuschi tại Paris đã liên hệ với tôi để đưa các tác phẩm của vua Hàm Nghi vào bộ sưu tập của họ. Bà Anne Fort, người phụ trách bộ sưu tập nghệ thuật Việt Nam tại bảo tàng, đã thông báo rằng vua Hàm Nghi hiện đã được công nhận là một họa sỹ Việt Nam. Năm tác phẩm của Hàm Nghi, bao gồm hai bức tranh sơn dầu trên vải, hai bức tranh phấn và một tác phẩm điêu khắc, đã được đưa vào bộ sưu tập của Bảo tàng Cernuschi vào năm 2020".
Bức tranh sơn dầu "Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)" do vua Hàm Nghi sáng tác năm 1908, thể hiện quang cảnh đồng quê gần nhà ông ở Algiers. Phong cảnh hoàng hôn dưới góc nhìn ngược sáng là một trong những tác phẩm mang tính biểu tượng nhất của ông. Sử dụng phong cách chấm họa ảnh hưởng từ các họa sỹ Pháp vào cuối thế kỷ 19, tác giả đã làm cho màu sắc rực rỡ của buổi chiều tà trở nên rung động. Năm 1926, bức tranh được triển lãm tại phòng trưng bày Mantelet-Colette Weil ở Paris, với tựa đề "Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)" và ký tên Tử Xuân.
 
Bức tranh của vua Hàm Nghi được treo tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Theo Tiến sỹ Amandine Dabat, bức tranh "Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)" là một trong những tác phẩm quan trọng của vua Hàm Nghi, là một minh họa tuyệt vời cho những nghiên cứu hội họa của vua Hàm Nghi.
Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn khẳng định: "Hôm nay chúng tôi được chứng kiến những giây phút hạnh phúc nhất khi lần đầu tiên chạm mắt đến tác phẩm của hoàng đế Hàm Nghi - sự kiện này cũng chưa bao giờ có tại Việt Nam. Đây là may mắn lớn của mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là trọng trách lớn của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong việc bảo quản, lưu giữ tác phẩm sau khi tiếp nhận tác phẩm vô giá của vua Hàm Nghi.
Theo ông Lương Xuân Đoàn, được nghe Tiến sỹ Amadine Dabat kể về cuộc đời, sự nghiệp nghệ thuật của vua Hàm Nghi, chúng ta cũng thấy đây là câu chuyện hết sức đặc biệt, từ một vị hoàng đế đi đày biệt xứ và lưu vong trở thành nghệ sỹ. Những bức tranh phong cảnh của vua Hàm Nghi không chỉ thuần túy là phong cảnh trước mặt, mà chính là bức tranh phong cảnh tâm hồn ông: Khắc khoải, nhớ thương quê hương, đất nước xứ sở… Điều này khẳng định tâm hồn Việt, văn hóa Việt và mỹ cảm Việt chưa bao giờ mất mà khởi đầu, người họa sỹ hiện đại đầu tiên chính là vua Hàm Nghi.
 
Đông đảo du khách quan tâm đến sự kiện
Vua Hàm Nghi (1871-1944), tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch, lên ngôi năm 1884, là hoàng đế thứ tám của vương triều Nguyễn. Sau khi kinh thành Huế thất thủ năm 1885, vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành và ban Chiếu Cần Vương, kêu gọi hào kiệt, sỹ phu và nhân dân yêu nước đứng lên giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Năm 1888, vua bị thực dân Pháp bắt và đưa đi lưu đày ở Alger (thủ đô Algeria) năm 1889. Ông sống tại một biệt thự trên khu đồi El Biar, cách thủ đô Alger khoảng 12 km, vẫn giữ theo phong tục nước nhà cho đến khi qua đời vào tháng 1 năm 1944.
Trong thời gian bị lưu đày, nhà vua theo học hội họa và điêu khắc, theo đuổi trường phái ấn tượng và hậu ấn tượng. Trước khi tạ thế, ông đã để lại một gia tài đồ sộ về nghệ thuật bao gồm 91 bức tranh và các tác phẩm điêu khắc khác. Nhiều tác phẩm của ông được giới nghệ thuật biết đến qua các cuộc đấu giá và triển lãm tại Pháp.
 
Giới thiệu cuốn sách "Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong-Nghệ sỹ ở Alger" do TS Amandine Dabat biên soạn
Tại lễ tiếp nhận tranh, cuốn sách "Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong-Nghệ sỹ ở Alger" do Tiến sỹ Amandine Dabat biên soạn cũng được giới thiệu tới công chúng. Đây là một công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của vua Hàm Nghi, trong vai trò một vị vua yêu nước và là một nghệ sỹ tài hoa trong thời gian ông sống lưu vong tại Pháp và Algeria.
"Tôi muốn trao tặng bức tranh này cùng với thời điểm phát hành cuốn sách, được biên soạn từ luận án tiến sỹ của tôi và đã được dịch sang tiếng Việt. Cuốn sách này giải thích và làm rõ về cuộc đời nghệ thuật của vua Hàm Nghi, những ảnh hưởng của ông, sự phát triển phong cách của ông và mối liên hệ của ông với các nghệ sỹ lớn của thời đại… giúp bạn đọc Việt Nam hiểu rõ toàn bộ bối cảnh của tác phẩm của vua Hàm Nghi và từ đó đánh giá đúng vị trí của bức tranh này trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Tôi hy vọng rằng việc trao tặng bức tranh này sẽ mở đường cho việc trao tặng tác phẩm khác của Vua Hàm Nghi, để công chúng Việt Nam có thể hiểu rõ hơn về di sản nghệ thuật của ông", Tiến sỹ Amandine Dabat bày tỏ./.

Hồng Hà

https://bvhttdl.gov.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3390

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Cuộc đối thoại giữa thiết kế hiện đại và kiến trúc cổ kính

Cuộc đối thoại giữa thiết kế hiện đại và kiến trúc cổ kính

  • 06/11/2024 10:22
  • 366

Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, kiến trúc sư Nguyễn Công Hiệp và cộng sự từ CA' Library thiết kế pavilion Rồng rắn lên mây như một cuộc đối thoại giữa yếu tố đương đại với vẻ cổ kính của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.