Thứ Hai, 09/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

21/08/2024 14:31 223
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngày 20.8, Bảo tàng Tôn Đức Thắng phối hợp cùng Tổng công ty Ba Son khai mạc triển lãm chuyên đề “Ba Son - Dòng thời gian”, tại nhà Bảo tàng. Triển lãm giới thiệu gần 180 tài liệu, hiện vật, khái quát về quá trình hình thành và phát triển của Ba Son…

Hoạt động tổ chức nhằm kỷ niệm 136 năm Ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20.8.1888-20.8.2024) và hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày truyền thống Ba Son (4.8.1925-4.8.2025).

Thượng tá Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Ba Son cho biết, triển lãm với gần 180 tài liệu, hiện vật, giúp khái quát về quá trình hình thành và phát triển của Ba Son, về phong trào đấu tranh của công nhân Ba Son trong công cuộc giải phóng dân tộc.
Đặc biệt là vai trò của Bác Tôn trong lãnh đạo phong trào công nhân tại Sài Gòn – Chợ Lớn, vào những năm đầu Thế kỉ XX, cùng những thành tựu của Ba Son sau ngày thống nhất đất nước.
Triển lãm cũng giới thiệu đến các công chúng những thành tựu của Nhà máy Ba Son sau ngày thống nhất đất nước, góp phần xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.
 
Các đại biểu nghe thuyết minh tại triển lãm
Tổng công ty Ba Son khởi nguyên từ Xưởng Chu sư (còn gọi là Thủy Xưởng), được chúa Nguyễn Ánh cho lập xưởng năm 1791 tại Sài Gòn - Gia Định để đóng và sửa chữa tàu thuyền.
Đây có thể coi là bước đột phá quan trọng đầu tiên trong ngành đóng tàu tại Việt Nam.
Các tàu, thuyền đóng tại Thủy Xưởng nhanh chóng được trang bị cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ kiểm tra, cứu hộ, khảo sát đo vẽ bản đồ, lập bia chủ quyền, ứng chiến khi có tình huống tranh chấp, khai thác hàng hóa và sản vật trên biển... góp phần quan trọng vào việc xác lập chủ quyền Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau khi chiếm Sài Gòn - Gia Định, ngày 28.4.1863, Chính phủ Pháp quyết định xây dựng xưởng đóng tàu mang tên Arsenal de Saigon (Xưởng đóng tàu Sài Gòn hay còn gọi là Xưởng Ba Son) tại khu đất Thủy Xưởng xưa.
Xưởng Ba Son trở thành một trong những xưởng đóng tàu lớn nhất, hiện đại nhất trong khu vực Đông Nam Á tại thời điểm đó. Khi đất nước thống nhất, ngày 30.4.1975, Xưởng Ba Son được Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản, xây dựng và phát triển trở thành Tổng công ty Ba Son ngày nay.
 
Triển lãm khái quát về quá trình hình thành và phát triển của Ba Son
Với bề dày lịch sử hơn 230 năm hình thành và phát triển, Ba Son được ghi dấu là nhà máy đầu tiên của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy tại Việt Nam.
Đây cũng là một trong những cái nôi đầu tiên của giai cấp công nhân, nơi thành lập Công hội bí mật - tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam, nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng và nhiều cán bộ ưu tú của Đảng, Nhà nước, Quân đội đã từng làm thợ và tham gia hoạt động cách mạng.
Trong đó, điểm son chói lọi là cuộc đình công ngày 4.8.1925 của hơn 1.000 công nhân Ba Son do tổ chức công hội bí mật của đồng chí Tôn Đức Thắng lãnh đạo, chống lại thực dân Pháp nhằm giam chân chiến hạm Mit-sơ-lê, không cho chúng sang đàn áp cách mạng Trung Quốc.
 
Triển lãm đang diễn ra tại nhà Bảo tàng Tôn Đức Thắng
Tiếng vang của cuộc đấu tranh đã vượt ra ngoài phạm vi quốc gia để đến với phong trào cách mạng vô sản và công nhân thế giới.
Và ngày 4.8.1925 được lấy là Ngày Truyền thống của Tổng công ty Ba Son.
Ba Son không chỉ là một nhà máy, mà còn là một địa danh lịch sử gắn với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam, cũng như 15 cán bộ cách mạng tiêu biểu xuất thân từ công nhân Ba Son được vinh dự đặt tên đường tại TP.HCM.

THÙY TRANG 

http://baovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3222

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Tọa đàm khoa học “Danh nhân Đặng Huy Trứ với Hội An”

Tọa đàm khoa học “Danh nhân Đặng Huy Trứ với Hội An”

  • 21/08/2024 07:47
  • 228

Ngày 20/8, tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) diễn ra tọa đàm khoa học “Danh nhân Đặng Huy Trứ với Hội An”.