Thứ Tư, 09/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

04/04/2024 15:39 693
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sự phát triển của công nghệ đã làm xuất hiện ngày càng nhiều bảo tàng kỹ thuật số, trưng bày ảo, triển lãm trực tuyến... Trước xu hướng như vậy, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần có các quy định chặt chẽ để quản lý cũng như tạo điều kiện phát triển loại hình này.

 

Hoàn thiện hành lang pháp lý cho bảo tàng số. Ảnh: BVHTTDL
Xu thế tất yếu
“Khi dịch Covid-19 bùng phát, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt 3D tour, khách tham quan có thể trải nghiệm 360° hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng dù ở bất kỳ đâu. Chỉ trong 1 tuần, tour này đã thu hút gần 70.000 lượt trải nghiệm, trong khi đó thường Bảo tàng chỉ đón khoảng 70.000 khách tham quan/năm. Thực tiễn ấy, chúng tôi có ý tưởng làm Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến, thiết kế các phòng trưng bày khác nhau, phù hợp với chất liệu, hình ảnh để họa sĩ lựa chọn, đăng ký đưa triển lãm lên không gian mạng, thay vì chỉ tổ chức tại phòng triển lãm thực (triển lãm số cũng có giấy phép)” - TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam kể.
Trước đó, năm 2021, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng phối hợp với đơn vị công nghệ tạo ra ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMusuem VFA, với 9 ngôn ngữ. Nếu trước đây khách tham quan sợ đến Bảo tàng vì không có thuyết minh, không hiểu về mỹ thuật, thì nay họ mở ứng dụng là có thể được trải nghiệm, nghe giới thiệu từng tác phẩm. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, 10% lượng khách đến Bảo tàng sử dụng dịch vụ này, có ngày lên tới 20% khách sử dụng dịch vụ thuyết minh.
Thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ số, len lỏi vào mọi khía cạnh đời sống, và ngành bảo tàng cũng không ngoại lệ. Nhiều bảo tàng lớn đã áp dụng thành công công nghệ số vào hoạt động của mình. Trưng bày trực tuyến và bảo tàng ảo ngày càng nở rộ, mang đến những trải nghiệm mới mẻ, cho phép du khách ghé thăm nhiều không gian bảo tàng trên toàn cầu mà không phải trực tiếp đến tận nơi.
Tại Việt Nam, công nghệ cũng đã và đang làm thay đổi nhận thức, quan điểm tiếp cận đối với di sản văn hóa, làm di sản sống động, hấp dẫn hơn. Riêng trong lĩnh vực bảo tàng, không chỉ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thời gian qua Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D trong trưng bày chuyên đề, xây dựng trưng bày ảo giới thiệu hệ thống trưng bày thường trực, bảo tàng trực tuyến, trưng bày ảo 3D. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam giới thiệu các trưng bày trực tuyến thu hút nhiều lượt truy cập…
Luật Di sản văn hóa hiện hành khuyến khích ứng dụng công nghệ trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21.9.2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa cũng có quy định áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào hoạt động thẩm định, quản lý sưu tập, bảo quản hiện vật, chỉnh lý, đổi mới nội dung, hình thức trưng bày và hoạt động giáo dục của bảo tàng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 1369/QĐ-BVHTTDL ngày 13.6.2022 về việc ban hành kế hoạch phát triển nền tảng bảo tàng số năm 2022…  
Tạo hành lang pháp lý
Hiện nay, bảo tàng số, bảo tàng ảo là thuật ngữ được xuất hiện thường xuyên trên truyền thông và dần trở nên quen thuộc với công chúng. Không chỉ với bảo tàng công lập, đã có những đơn vị ngoài công lập cũng tổ chức trưng bày ảo, hướng tới thành lập bảo tàng số dù không có sưu tập hiện vật thật. Cũng có một số ý kiến băn khoăn, với bảo tàng ảo, đối tượng của họ vẫn là di sản, nhưng họ chỉ quản lý dữ liệu di sản, dù vẫn có chức năng lưu trữ, cung cấp tài liệu, nghiên cứu, trưng bày và truyền thông như các bảo tàng truyền thống... Trước nhu cầu thực tế như vậy, cần có quy định nhằm định hướng loại hình này.
Theo TS. Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, sử dụng công nghệ trong bảo tàng, từ năm 2000, thế giới đã có khái niệm virtual (ảo), nhưng ở Việt Nam còn khá mới. Ở đây cần làm rõ, bảo tàng ảo hay bảo tàng số là thiết chế văn hóa giáo dục, hay là cách thức trưng bày? Điều quan trọng nhất của bảo tàng là trực quan sinh động, bảo tàng ảo thường được thiết lập nhằm tăng thêm sức hút, nhưng vẫn phải dựa vào những hiện vật thực tế. Bởi vậy, nên chăng nghiên cứu quy định chung cho bảo tàng, ví dụ, trong điều kiện thành lập, cấp phép hoạt động bảo tàng, có thể quy định kể cả bảo tàng ảo cũng phải tuân thủ các điều kiện như vậy. Bên cạnh đó, cần chú ý về các vấn đề bản quyền, bảo vệ dữ liệu…
Dự thảo 5 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), tại Điểm c, Khoản 1, Điều 62 quy định bảo tàng có nhiệm vụ “trưng bày hiện vật tại bảo tàng, trưng bày lưu động ở trong và ngoài nước và trưng bày điện tử trên không gian mạng”. Quy định “Trưng bày điện tử trên không gian mạng” cũng xuất hiện tại Điểm c, Khoản 1, Điều 71 về hoạt động trưng bày hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể. Điều 85 về phát huy giá trị di sản văn hóa trên môi trường số bao gồm các nội dung: “trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa trên các nền tảng số”, “khai thác, sử dụng dữ liệu về di sản văn hóa trên không gian số”, “thông tin dữ liệu số về di sản văn hóa và nội dung trưng bày số”…
TS. Nguyễn Anh Minh cho rằng, bảo tàng số là xu hướng tất yếu, do đó, trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang được xây dựng cần giải thích từ ngữ và có các quy định cụ thể, rõ ràng. Hướng đến tương lai loại hình bảo tàng số và việc song hành của nó với bảo tàng truyền thống cần có những bước chuẩn bị nền tảng về cơ sở vật chất, con người và đặc biệt là các vấn đề pháp lý liên quan như thẩm quyền, quyền sở hữu, việc tiếp cận di sản... để sự ra đời của nó đáp ứng và hỗ trợ một cách tốt nhất yêu cầu giáo dục giải trí và thưởng thức ngày càng cao của công chúng khi đến với bảo tàng.

Thảo Nguyên

https://daibieunhandan.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3281

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Trọng thể kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng

Trọng thể kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng

  • 29/03/2024 14:38
  • 640

Sáng 28/3, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024) - Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.