Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là hoạt động tưởng nhớ, tri ân công đức những hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã có công cắm mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa.
Nghi thức tế lễ của Ban khánh tiết Đình làng An Hải. (Ảnh: TTXVN phát)
Sáng 25/3, Ban khánh tiết Đình làng An Hải (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cùng các tộc họ làng An Hải tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân công đức những hùng binh trong đội Hoàng Sa Bắc hải năm xưa đã vượt biển khơi cắm, dựng bia về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo sử sách ghi chép lại, vào đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại làng An Vĩnh và An Hải nay thuộc xã Tịnh Kỳ (thành phố Quảng Ngãi). Mỗi năm sẽ có 70 suất đinh là những trai tráng khỏe mạnh, bơi lội giỏi được cử vào đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Đến thế kỷ XIX, các dân binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải chủ yếu là những trai tráng thuộc các tộc họ trên đảo Lý Sơn được giao trọng trách trên. Nhiệm vụ của đội là đo đạc hải trình, dựng bia, cắm mốc chủ quyền và thu lượm sản vật tại Hoàng Sa và Trường Sa. Để thực thi nhiệm vụ vua ban, những dân binh phải lênh đênh trên biển bằng những chiếc thuyền câu trong suốt 6 tháng.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay tại Đình làng An Hải gồm các phần: Lễ cáo yết nghinh thần; lễ nhập yết và kỉnh sinh; Chánh tế Khao lề thế lính Hoàng Sa; lễ thả thuyền được tổ chức theo nghi lễ truyền thống trên đảo, tái hiện nghi lễ tiễn đưa những hùng binh năm xưa vâng lệnh triều đình ra Hoàng Sa cắm mốc, dựng bia và tuần tra, khai thác sản vật, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển Đông.
Ông Trương Duyệt, Trưởng Ban khánh tiết Đình làng An Hải, cho biết cứ vào tháng 2 Âm lịch hằng năm, các tộc họ ở làng An Hải lại tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là hoạt động tưởng nhớ, tri ân công đức những hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã có công cắm mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa.
Qua đó, giúp người dân trên đảo và du khách hiểu rõ hơn về khó khăn, gian khổ cũng như công lao của dân binh đội Hoàng Sa trong việc bảo vệ, gìn giữ chủ quyền lãnh hải quốc gia; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước của thế hệ trẻ đối với quê hương, đất nước; đặc biệt là với chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.
Nghi lễ thả thuyền tế. (Ảnh: TTXVN phát)
Sau phần lễ là Hội đua thuyền truyền thống Tứ linh ( Long-Lân-Quy-Phụng). Trước đây, Hội đua thuyền truyền thống được tổ chức để tuyển chọn những dân binh khỏe mạnh, giỏi nghề đi biển để sung vào đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa./.
Đinh Hương
(TTXVN/Vietnam+)