Chủ Nhật, 03/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/02/2024 10:45 663
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) còn lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử mà nổi bật nhất là Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Phú bị giam giữ và hy sinh (6.9.1931).

 

Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú tại di tích Khu trại giam
Khu trại giam đặc biệt này đã được Bộ VHTTDL xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1988. Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, đây là di tích mang tính lịch sử và rất quan trọng đối với TP.HCM và cả nước.
Nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh
Sau khi đánh chiếm thành Gia Định năm 1859, với ý đồ thiết lập một trạm cứu thương nhằm chuẩn bị cho việc tiếp nhận thương binh trong chiến dịch đánh Đại đồn Kỳ Hòa tiến tới xâm chiếm toàn bộ Nam Kỳ, năm 1860 quân đội viễn chinh Pháp đã chiếm khu đất rộng hơn 5 ha tại ngôi làng Chợ Quán nằm giữa Sài Gòn - Chợ Lớn, phía trước có con kênh chảy qua, nay gọi là kênh Tàu Hủ, để xây Bệnh viện Chợ Quán (Hôpital de Cho Quan).
Theo nghiên cứu của thầy thuốc ưu tú, TS.BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Quán có khu trại giam từng mang tên Khu bịnh nhân cải huấn, là nơi điều trị những người tù bị bệnh bao gồm cả thường phạm và tù chính trị. Ngày 26.8.1931, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) Trần Phú sau khi bị bắt, tra tấn đã lâm trọng bệnh và được đưa về Khu trại giam này. Đến ngày 6.9.1931, Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh ở tuổi 27 sau khi để lại lời nhắn: “Hãy giữ vững ý chí chiến đấu”.
 
Bia dẫn tích tại Khu trại giam
Khu trại giam gắn với lịch sử Bệnh viện Chợ Quán, Bệnh viện Tây y sớm nhất Việt Nam. Các di tích trong khu di tích (phòng giam thường, phòng giam chính trị, phòng giam đặc biệt…) được giữ lại gần như nguyên vẹn. Ngoài Tổng Bí thư Trần Phú, Khu trại giam còn là nơi giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ như Trần Não, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trỗi… TS.BS Lê Mạnh Hùng cho rằng, trải qua thời kỳ Pháp thuộc và 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Nhà thương Chợ Quán, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và di tích Khu trại giam trong bệnh viện là mô hình kết hợp đặc biệt, duy nhất trong bệnh viện lại có trại giam tại Việt Nam và cũng thuộc dạng hiếm trên thế giới. Thời gian hoạt động kéo dài, đa phần trong thời chiến tranh, xã hội phân tán, ly loạn nên các ghi chép, tư liệu về Bệnh viện và di tích trong giai đoạn trước 1975 thiếu và thất lạc khá nhiều. Vì thế, ông Hùng kiến nghị cần tăng cường công tác sưu tầm, thu thập, nghiên cứu tư liệu, hình ảnh về di tích Khu trại giam trong lòng Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam để nhân dân và các thế hệ hiện nay và mai sau hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của Bệnh viện và di tích trong giai đoạn lịch sử đau thương nhưng kiêu dũng của Sài Gòn - Gia Định và miền Nam Việt Nam.
 
Các đại biểu tham quan không gian trưng bày tại Di tích lịch sử cấp Quốc gia Khu trại giam Trần Phú, nơi đồng chí Trần Phú hy sinh
Một số ý kiến cho rằng, di tích Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán trở thành không gian lịch sử “có một không hai” bởi di tích này gắn với lịch sử một bệnh viện Tây y sớm nhất Việt Nam; Các di tích trong Khu được giữ lại gần như nguyên vẹn theo cảnh trí lịch sử, nhất là trong hoàn cảnh nhiều chiến tranh ở một thành phố trung tâm đầu não của cuộc chiến. Đồng thời trở thành nơi lưu dấu cuối cùng với hơn 5 tháng Tổng Bí thư Trần Phú trực tiếp điều hành công việc của Ban Thường vụ Trung ương Đảng tại Sài Gòn, khoảng thời gian để Tổng Bí thư cùng với BCH Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng những năm 1930-1931 và giải quyết khối lượng công việc của Đảng về lý luận, đồng thời triệu tập Hội nghị toàn thể lần thứ 2 của Đảng tại Sài Gòn, cũng là lần đầu tiên ở trong nước.
Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán hình thành và hoạt động từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, là một trong những cơ sở y tế tiếp nhận chữa trị cho tù nhân sớm nhất thời kỳ này. Trong đó, tù chính trị là một trong những tù nhân thường được đưa vào đây để cứu sống sau những lần tra tấn, đánh đập cũng như bị bệnh truyền nhiễm… Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán chính là một chứng tích lịch sử gắn liền với những năm tháng đấu tranh chống xâm lược của dân tộc Việt Nam.
Đẩy mạnh phát huy giá trị
Theo bà Nguyễn Thị Hà, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM), Khu trại giam nói riêng và Nhà thương Chợ Quán nói chung đã trở thành ký ức của người dân Sài Gòn - Gia Định, là một di tích độc đáo gần như “độc nhất, vô nhị” trên thế giới khi một nhà tù lại nằm trong lòng một bệnh viện.
Bà Hà đề nghị, cần tôn tạo đúng kỹ thuật, không sử dụng vật liệu mới khi trùng tu hệ thống mái, nền, tường… TS Huỳnh Bá Lộc, Trường ĐH Văn Lang cho rằng, qua bao biến thiên của lịch sử, ngay cả Nhà thương Chợ Quán xưa nay đã bao lần xây dựng lại nhưng Khu trại giam vẫn còn, đó là điều quý giá cần gìn giữ. “Quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản đã cho thấy rằng những nỗ lực gìn giữ hay phát huy di tích, di sản chỉ thực sự mang lại ý nghĩa thực tế khi nó có khả năng tác động và tạo ra ý thức tự thân của người dân về giá trị của di tích, di sản”, ông Lộc nhận định. Ông Lộc đề xuất cần tạo ra những giải pháp có tính thương mại. Cụ thể hơn, các di tích, di sản phải trở thành một điểm đến của du lịch, tạo thêm điều kiện để người dân, du khách biết đến tham quan.
 
Bệnh viện Chợ Quán, tiền thân của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Ảnh tư liệu
Do di tích ngày càng xuống cấp theo thời gian, ngày 18.4.2023, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết “Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới”. Dự án nhằm khôi phục di tích xứng tầm với di tích quốc gia, đồng thời đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử, cũng như tạo không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng và các hoạt động tưởng niệm. Việc nâng cấp, hoàn thiện không gian, kiến trúc, cảnh quan tại khu di tích đã phát huy giá trị di tích, hiệu quả giá trị truyền thống cách mạng, giáo dục thế hệ trẻ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo Nghị quyết của HĐND TP, quy mô đầu tư tu bổ, tôn tạo Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán theo nguyên trạng là 822m2 trong khu đất di tích với diện tích 2.211,5m2. Tổng mức đầu tư dự án là 33,8 tỉ đồng từ vốn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án kéo dài từ 2023-2025. Trước đó, UBND TP.HCM có tờ trình gửi HĐND TP về quyết định chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích này vì đã xuống cấp khá nặng, đặc biệt phần trưng bày đã xuống cấp nghiêm trọng. Tài liệu, hình ảnh trưng bày đã bị mờ, trầy xước và một số bị rách. Ngoài ra, nội dung trưng bày chưa đầy đủ do thiếu tài liệu, hiện vật và hình ảnh trưng bày, bên cạnh đó việc sắp xếp, bố trí các đề mục trong trưng bày chưa hợp lý. Vì vậy, việc đầu tư tu bổ di tích lịch sử cấp quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh xứng tầm với di tích quốc gia là thật sự cần thiết.
Ngày 28.12.2023, UBND quận 5 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã tổ chức lễ khởi công công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán. Chủ tịch UBND quận 5 cho biết, Khu di tích Trại giam Bệnh viện Chợ Quán với tấm gương sáng chói của Tổng Bí thư Trần Phú về lòng yêu nước, tinh thần kiên định cách mạng và tình thương nhân ái đối với đồng chí, đồng đội có ý nghĩa giáo dục rất lớn đối với thế hệ trẻ.
Khu trại giam trong Bệnh viện Chợ Quán là một di tích lịch sử khá nguyên vẹn. Những năm gần đây, quận 5 cũng đã đầu tư gần 700 triệu đồng để trùng tu giai đoạn một di tích, là một trong những địa điểm sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Sau khi khánh thành, Quận đoàn chịu trách nhiệm quản lý và giới thiệu, hướng dẫn khách đến tham quan di tích. 

 THÙY TRANG

http://baovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3331

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Phong vị Tết xưa cũ của người Hà Nội

Phong vị Tết xưa cũ của người Hà Nội

  • 02/02/2024 10:26
  • 672

Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, ngày 01/2, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với các tổ chức, cá nhân tổ chức nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là phong vị Tết xưa Hà Nội.