Chiều ngày 17.1, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I khai mạc triển lãm “Kinh thành Huế - Dấu xưa còn lại”. Triển lãm giới thiệu gần 100 châu bản, tư liệu, hình ảnh quý về Kinh thành Huế xưa.
Du khách tham quan triển lãm "Kinh thành Huế - Dấu xưa còn lại"
Không gian triển lãm "Kinh thành Huế - Dấu xưa còn lại" được tổ chức trên tuyến đường đi bộ Thượng Thành, trải dài từ khu vực Cửa Ngăn qua Kỳ Đài và đến cửa Quảng Đức, mặt Nam Kinh thành Huế.
Toàn cảnh khu vực cửa Quảng Đức nhìn từ Kỳ Đài Huế, khoảng vào năm 1920 - 1929
Triển lãm lần đầu công bố gần 100 tài liệu có lưu dấu và bút tích ngự phê cùng nhiều hình ảnh về câu chuyện xây dựng Kinh thành Huế. Qua đó, cung cấp thêm cho cộng đồng và du khách những thông tin giá trị về lịch sử xây dựng Kinh thành Huế một cách sinh động.
Nội dung của triển lãm được xây dựng theo bố cục 2 phần, gồm: “Thuận Hoá - Phú Xuân - Huế trong dòng lịch sử” và “Kinh thành Huế - Dấu tích một triều đại”.
Triển lãm cũng đón nhận sự quan tâm của nhiều du khách nước ngoài
Hơn 700 năm qua, Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế đã hòa vào dòng chảy lịch sử của dân tộc. Huế vốn là quà từ sính lễ cầu hôn, dần trở thành thủ phủ của các chúa Nguyễn, rồi kinh đô của triều đại Tây Sơn và sau đó là kinh đô của triều Nguyễn.
Cách đây gần 220 năm, vua Gia Long triều Nguyễn đã cho mở rộng đô thành và xây dựng Kinh thành Huế. Công cuộc xây dựng kéo dài gần 30 năm, từ 1805- 1832, dưới thời Gia Long và Minh Mạng. Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, Kinh thành Huế là công trình đồ sộ và quy mô nhất.
Các tư liệu về việc xây dựng Kinh thành Huế thời vua Gia Long và vua Minh Mạng
Sau những thăng trầm của lịch sử và biến thiên của thời gian, Kinh thành Huế chịu sự tàn phá, hư hại, có những công trình chỉ còn lại dấu tích. Nhưng những dấu xưa thành cũ đó và các những công trình đang hiện hữu đã được in dấu trong từng trang Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: gần 100 Châu bản triều Nguyễn, tư liệu, hình ảnh về Kinh thành Huế được trưng bày và giới thiệu dịp này sẽ đưa du khách đến với “dấu ấn Huế xưa”, từ những câu chuyện lịch sử, giá trị văn hóa và dấu xưa thành cũ...
Cửa Thượng Tứ, một trong những cửa vào Kinh thành Huế qua bức ảnh tư liệu quý
Người xem đã hiểu thêm về câu chuyện xây dựng Kinh thành Huế xưa với các nguồn tư liệu từ chọn đất dựng đô; huy động dân binh và chuẩn bị đắp dựng kinh thành; xây đắp kinh thành thời vua Gia Long; xây dựng kinh thành thời vua Minh Mạng; hệ thống các cửa chính của kinh thành...
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I Trần Thị Mai Hương chia sẻ: thông qua triển lãm lần này, chúng tôi mong muốn lan tỏa những giá trị của tài liệu Châu bản triều Nguyễn, trong đó điểm nhấn là những giá trị liên quan đến câu chuyện xây đắp kinh thành của người xưa. Công chúng đến với Huế không chỉ tham quan những di tích, mà còn hiểu hơn về câu chuyện văn hóa, lịch sử trên mảnh đất Cố đô.
Triển lãm sẽ kéo dài để phục vụ du khách tham quan và tìm hiểu về Kinh thành Huế
Triển lãm tổ chức kéo dài nhằm phục vụ nhu cầu tham quan và tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước khi đến khu di sản Huế.
Tin, ảnh: S.THÙY