Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

09/01/2024 11:11 639
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nhận diện đầy đủ giá trị, bảo vệ bền vững Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Vịnh Mốc và làng hầm Vĩnh Linh là một trong những mục tiêu của Nhiệm vụ lập Quy hoạch vừa được Chính phủ phê duyệt.

 

Du khách tham quan Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)
Việc Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị được kỳ vọng là động lực giúp phát huy giá trị văn hóa và lịch sử của di tích này.
Theo Nhiệm vụ lập Quy hoạch được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1694/QĐ-TTg phê duyệt ngày 27/12, mục tiêu lập quy hoạch gồm nhận diện đầy đủ giá trị, bảo vệ bền vững Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh; bổ sung, hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý; phát huy giá trị di tích trở thành điểm tham quan, tìm hiểu, tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng, sức mạnh đoàn kết, sự sáng tạo của nhân dân ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc gắn với lịch sử phát triển tỉnh Quảng Trị.
Quy mô lập quy hoạch bao gồm diện tích đất thuộc thị trấn Cửa Tùng và các xã: Kim Thạch, Vĩnh Hòa và Trung Nam, diện tích 50,47ha. Trong đó, diện tích Khu vực bảo vệ 1 và 2 của di tích là 31,08ha và diện tích khu vực nghiên cứu, mở rộng bổ sung để phát huy giá trị di tích và bảo vệ cảnh quan di tích là 19,39ha.
Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch gồm các di tích, điểm di tích thành phần Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị và khu vực cảnh quan thiên nhiên và làng xã bao quanh di tích.
Các di sản văn hóa phi vật thể gồm lễ hội truyền thống, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán của người dân địa phương nơi có di tích. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đô thị; các yếu tố về kinh tế-xã hội, môi trường liên quan tới di tích. Các thể chế và chính sách, các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án có liên quan...
 
Những phòng dành cho hộ gia đình từ 3-4 người có thể sinh hoạt được tại Địa đạo Vịnh Mốc. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)
Bên cạnh đó, quy hoạch đặt mục tiêu cụ thể hóa những chiến lược, định hướng phát triển của quốc gia, của vùng, của tỉnh; khai thác tiềm năng du lịch của địa phương, tạo dựng điểm du lịch văn hóa-lịch sử đặc sắc, có giá trị không chỉ của tỉnh Quảng Trị mà của cả nước nói chung; thu hút các nguồn lực đầu tư, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương theo hướng bền vững, nâng cao đời sống của người dân trong khu vực và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, xác định ranh giới, khoanh vùng bảo vệ di tích; xác lập chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu vực dân cư và khu vực bảo vệ môi trường.
Quy hoạch tổ chức không gian, bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật; định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ và phát huy giá trị di tích, các khu vực phụ cận phù hợp với quy hoạch được duyệt, với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích; tạo lập khung pháp lý, chính sách cho công tác quản lý và triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang tổng thể di tích theo đồ án Quy hoạch được duyệt. Xây dựng quy định quản lý kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu di tích, các biện pháp bảo vệ di tích.
 
Đường hầm cấu trúc hình vòm có kích thước 0.9mx1.75m. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)
Trong những năm 1965-1968, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, nhất là vùng đất địa đầu giới tuyến như Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị), người dân nơi đây đã sáng tạo hệ thống 114 địa đạo, làng hầm khắp 15 xã, thị trấn vùng biển để tránh bom đạn quân thù.
Trong số đó, địa đạo Vịnh Mốc nằm trong quả đồi đất đỏ bazan chạy sát mép biển, cao 28 mét so với mặt nước biển, thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh. Đây là một kỳ tích của nhân dân Vĩnh Thạch và lực lượng vũ trang đã nỗ lực đào và vận chuyển hơn 6.000m³ đất đá trong 18.000 ngày công gian khổ dưới mưa bom, bão đạn.
Địa đạo là hình ảnh thu nhỏ của một làng quê đựợc xây dựng và kiến tạo dưới lòng đất ở độ sâu từ 10 mét đến 23 mét. Tổng chiều dài hệ thống đường hầm hơn 2.000 mét.
Địa đạo có trục đường chính dài 768 mét, cao từ 1,5 mét đến 1,8 mét, rộng từ 1 mét đến 1,2 mét. Từ trục chính tỏa ra nhiều nhánh, mỗi nhánh thông với một cửa ra vào. Địa đạo có 13 cửa gồm 7 cửa mở ra phía biển và 6 cửa trên đồi đi xuống.
Hai bên trục đường, cứ khoảng cách từ 3 mét-5 mét thì khoét lõm sâu vào thành từng ô nhỏ, mỗi ô là một hộ gia đình ăn ở và sinh hoạt.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt với âm mưu tàn phá xóa trắng một vùng đất của đế quốc Mỹ, tính bình quân, mỗi người dân ở đây phải gánh chịu hơn 7 tấn bom đạn. Nhưng sự sống vẫn nảy sinh từ bom đạn, 17 đứa trẻ đã được chào đời ngay trong lòng Địa đạo Vịnh Mốc.
Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh là chứng tích lịch sử về sức mạnh, tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường bám đất giữ làng, sự sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân, biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dân tộc ta.
Ngày nay, Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh trở thành một di sản lịch sử, văn hóa đặc thù, độc đáo có ý nghĩa vô cùng to lớn trong giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lao động sáng tạo, đồng thời góp phần thu hút khách du lịch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho địa phương.
Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, Di tích Lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia Đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 Thủ tướng Chính phủ./.
https://www.vietnamplus.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3228

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Toàn ngành đã thay đổi căn bản, toàn diện tư duy làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Toàn ngành đã thay đổi căn bản, toàn diện tư duy "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa"

  • 03/01/2024 10:45
  • 484

Sáng 3/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với chủ đề "Phát huy vai trò động lực của Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước"..