Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

11/12/2023 14:09 550
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sau gần 45 năm được phát hiện, hai hiện vật thuộc bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara là con ốc và đóa sen đã chính thức được “đoàn tụ”, trở về trên đôi tay chủ nhân, tạo điều kiện để tượng Bồ tát Tara về nguyên bản, phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, tham quan du khách.

 

Tỉnh Quảng Nam bàn giao hiện vật con ốc và đóa sen cho Đà Nẵng
Cuối tuần qua, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ bàn giao hiện vật con ốc và đóa sen liên quan bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Ghi nhận vai trò nhân dân trong giữ gìn di sản văn hóa
Tại buổi lễ bàn giao, đại diện ngành văn hóa tỉnh Quảng Nam cũng như đại diện Sở VHTT TP Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đều dành những lời cảm ơn, đồng thời đánh giá cao vai trò, ý thức trách nhiệm của nhân dân và chính quyền thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) trong việc phát hiện, giữ gìn, bàn giao hiện vật cho cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, để có được buổi bàn giao và tiếp nhận hiện vật liên quan đến bảo vật quốc gia này cần ghi nhận và đánh giá cao vai trò, ý thức của chính quyền xã Bình Định Bắc cũng như người dân thôn Đồng Dương trong việc phát hiện, giữ gìn, bảo quản các hiện vật hơn 40 năm qua, sau đó bàn giao lại cho Bảo tàng Quảng Nam là một quá trình gắn với ý thức, trách nhiệm gìn giữ di sản văn hóa của nhân dân và chính quyền địa phương. Cũng với tinh thần ấy, việc Bảo tàng Quảng Nam bàn giao hai hiện vật liên quan đến tượng Bồ tát Tara cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng nhằm hoàn chỉnh bảo vật quốc gia, phát huy tốt nhất các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. “Chúng tôi tin rằng, bằng kinh nghiệm, trình độ chuyên môn của Bảo tàng Điêu khắc Chăm, việc bàn giao hai chi tiết gắn với bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara chắc chắn sẽ góp phần phát huy tốt nhất giá trị của bảo vật”, ông Hồng chia sẻ.
 
Bảo tàng Chăm Đà Nẵng trao tặng phiên bản tỷ lệ 1:1 tượng Bồ tát Tara cho Bảo tàng Quảng Nam
Về phía Đà Nẵng, được biết từ cuối năm 2018, Đà Nẵng đã thành lập đoàn công tác tìm đến xã Bình Định Bắc để trao đổi về các thủ tục để bàn giao hai hiện vật liên quan đến tượng Bồ tát Tara mà địa phương đang cất giữ cho phía Đà Nẵng, đồng thời cũng đã có văn bản gửi tỉnh Quảng Nam đề nghị được tiếp nhận hai hiện vật trên. Tại lễ bàn giao, tiếp nhận hiện vật, đại diện thành phố Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến nhân dân thôn Đồng Dương, Bảo tàng Quảng Nam cũng như chính quyền địa phương. Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường đã trao tặng bằng khen cho chính quyền và nhân dân thôn Đồng Dương trong việc phát hiện, bảo quản và chuyển giao hai hiện vật của bảo vật quốc gia cho cơ quan chức năng.
Như Văn Hóa đã phản ánh, tượng Bồ tát Tara (Laskmindra - Lokesvara) được đánh giá là tượng đồng lớn nhất của nghệ thuật Champa và là một trong những tượng đồng có niên đại được xác định vào khoảng giữa thế kỷ thứ 9, tuổi đời khoảng 1.200 năm. Tượng được nhân dân thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình phát hiện vào năm 1978, dưới lòng đất tại di tích Phật viện Đồng Dương và ngay sau đó được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Tháng 10.2012, tượng Bồ tát Tara được công nhận là bảo vật quốc gia. Bức tượng hiện được Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng trưng bày là phiên bản khắc lại tỉ lệ 1:1, thiếu hai hiện vật cầm tay (pháp khí) là đóa sen (ở bàn tay phải) và con ốc (ở bàn tay trái).
Cũng thời điểm trên, người dân thôn Đồng Dương đã phát hiện 2 pháp khí con ốc và đóa sen và giao cho UBND xã Bình Định Bắc cất giữ, bảo quản như báu vật của làng từ năm 1978 đến cuối năm 2019 mới đồng thuận bàn giao 2 hiện vật trên cho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam lưu giữ, bảo quản đến nay. Theo Phòng VHTT huyện Thăng Bình, câu chuyện vận động, thuyết phục người dân, các trưởng làng, tộc họ tại xã Bình Định Bắc, thôn Đồng Dương đồng thuận bàn giao hai hiện vật nói trên cho cơ quan chuyên môn theo đúng quy định và để bảo quản, lưu giữ tốt hơn cũng trải qua quá trình khá dài. Bởi người dân ở làng Đồng Dương luôn giữ lòng tôn kính và niềm tin với tất cả những gì thuộc về vùng đất thiêng Phật viện Đồng Dương. Theo hương ước xưa nay của làng, đích thân chủ tịch xã đương nhiệm sẽ là người nhận nhiệm vụ cất giữ hai hiện vật thiêng liêng này cho làng và phải tuyệt đối bí mật vì người làng tin rằng đây là báu vật chung của làng, nếu bị mất, lưu lạc thì làng sẽ gặp họa. Chính vì thế, trong suốt gần 25 năm, từ 1978 đến năm 2002, việc cất giữ hai hiện vật này gần như là một bí mật. Cho đến sau khi Quảng Nam và Đà Nẵng chia tách, địa giới hành chính của xã cũng bắt đầu có những thay đổi, câu chuyện về hai cổ vật trên mới được hé lộ cho các nhà nghiên cứu. Đây cũng là nguyên nhân một phần vì sao dù đã được công nhận là bảo vật quốc gia từ năm 2012 nhưng mãi đến nay hai pháp khí mới hoàn nguyên về với bảo vật tượng Bồ tát Tara tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Việc lưu truyền và cất giữ hai hiện vật ngay tại xã Bình Định Bắc được thực hiện chu đáo trong hơn 40 năm qua, người làng không đồng ý bàn giao hiện vật cho đơn vị nào khác ngoài làng. Nhưng sau khi được thông tin, tuyên truyền về Luật Di sản văn hóa, chính quyền và người dân ở xã Bình Định Bắc đã đồng ý bàn giao hai hiện vật cầm tay của tượng Bồ tát Tara về cho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam. Đến thời điểm này, việc chuyển giao 2 hiện vật này về cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được người dân đồng thuận.
 
Con ốc và đóa sen, hai pháp khí của tượng Bồ tát Tara được bàn giao cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Cơ hội để quảng bá bảo vật quốc gia hoàn hảo
Việc chính thức tiếp nhận, hoàn nguyên hai pháp khí con ốc và đóa sen về với bảo vật quốc gia gốc tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng sau hơn 40 năm “lưu lạc” là tin rất vui đối với những người quan tâm đến văn hóa Chăm, mở ra nhiều cơ hội để tượng Bồ tát Tara trở thành một bảo vật quốc gia hoàn hảo từ nền văn hóa Champa được giới thiệu rộng rãi đến công chúng.
Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VHTT TP Đà Nẵng chia sẻ, sự “trở về” của hai chi tiết con ốc và đóa sen với tượng Bồ tát Tara Đồng Dương có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong việc khẳng định những tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân Quảng Nam và Đà Nẵng trong việc chung tay giữ gìn di sản nói riêng, xây dựng và phát triển hai địa phương nói chung. Theo ông Vỹ, tượng Bồ tát Tara là bảo vật quan trọng nhất của Bảo tàng Điêu khắc Chăm, tuy nhiên lâu nay, vì thiếu hai chi tiết quan trọng là con ốc và đóa sen nên phần nào hạn chế giá trị hiện vật. Việc đưa hai chi tiết về với tượng gốc có giá trị quan trọng, giúp hoàn thiện bảo vật quốc gia và di sản văn hóa Chăm.
Đại diện Bảo tàng Quảng Nam cũng cho rằng, việc hai hiện vật hợp nhất với tượng gốc là rất hợp lý, khi hoàn chỉnh mới phát huy tốt nhất giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học, giúp công chúng có cái nhìn tổng quát về bảo vật quốc gia. Liên quan tới việc sau khi hoàn nguyên về với tượng gốc, liệu hai hiện vật con ốc và đóa sen sẽ được trưng bày, phát huy giá trị như thế nào, có thể gắn kết hai pháp khí về lại với tượng như nguyên bản hay không? Một số nhà nghiên cứu văn hóa Champa cũng có ý kiến quan ngại, nếu gắn lại hai hiện vật với tay của tượng gốc thì e rằng chất liệu, vật liệu dùng gắn kết có thể làm tổn hại đến tượng gốc. Một số ý kiến khác cho rằng, nên trưng bày hai hiện vật này trong một không gian thống nhất cùng với tượng gốc, đi liền là câu chuyện hoàn nguyên bảo vật để người xem có thể hình dung, hiểu ý nghĩa của hai vật cầm tay bị tách rời và hành trình quay trở lại với bảo vật quốc gia.
Theo đại diện Sở VHTT TP Đà Nẵng, thời gian tới sẽ quảng bá để người dân, du khách biết thêm về hiện vật tượng Bồ tát Tara Đồng Dương trong trạng thái hoàn chỉnh, đồng thời sẽ có kế hoạch hoàn thiện hiện vật tổng thể với thủ pháp phù hợp, nghiên cứu cẩn thận về sự gắn kết. Trong đó tính đến phương án trưng bày kết hợp 3D. Bên cạnh việc bàn giao hai hiện vật của tượng Bồ tát Tara về trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Quảng Nam cũng đồng thời tiếp nhận phiên bản tỷ lệ 1:1 chất liệu tổng hợp tượng Bồ tát Tara do Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng trao tặng về trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam. Qua đó, góp phần đa dạng hơn hệ thống các bảo vật quốc gia, hiện vật của nền văn hóa Champa mà Bảo tàng Quảng Nam đang bảo quản, trưng bày. 
Một số nhà nghiên cứu văn hóa Champa cũng có ý kiến quan ngại, nếu gắn lại hai hiện vật với tay của tượng gốc thì e rằng chất liệu, vật liệu dùng gắn kết có thể làm tổn hại đến tượng gốc. Một số ý kiến khác cho rằng, nên trưng bày hai hiện vật này trong một không gian thống nhất cùng với tượng gốc, đi liền là câu chuyện hoàn nguyên bảo vật để người xem có thể hình dung, hiểu ý nghĩa của hai vật cầm tay bị tách rời và hành trình quay trở lại với bảo vật quốc gia.

KHÁNH CHI

http://baovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3266

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nhận gần 80 hiện vật, tư liệu quý được hiến tặng

Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nhận gần 80 hiện vật, tư liệu quý được hiến tặng

  • 07/12/2023 11:06
  • 600

Chiều ngày 6.12, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ tiếp nhận các hiện vật, tư liệu quý được hiến tặng trong năm 2023. 6 cá nhân trao tặng hiện vật đã được UBND tỉnh và Sở VHTT tỉnh khen thưởng.